Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

7080 - Ra đi và mang theo...

Thuý Hà 

Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Hóa đem theo muôn vạn mảnh quê nhà…

Tuần rồi, cô bạn ở Victorville nhắn tin: “H biết mua gối ôm ở đâu không? Má tui mấy nay than không có gối ôm khó ngủ, tiếc quên mang cái gối ôm ở Việt Nam sang!” Thì ra bà bác vừa sang định cư theo diện (con) bảo lãnh, chưa quen kiểu giường chiếu bên này không có cái gối ôm. Tôi trả lời cô bạn: cứ vào tiệm tạp hoá trong mấy khu thương mại dọc đường Bolsa, bán gối ôm nhiều lắm.

Hồi hè về Sài Gòn gặp mặt bạn bè lớp trung học (Lê Hồng Phong-Petrus Ký) – Việt kiều Mỹ, Úc, Nhật, Pháp đủ cả… Trong các câu chuyện om xòm giữa đám bạn cũ, tôi chú ý đến chi tiết Hoà B. (Việt kiều Nhật) kể: hồi đi vượt biên năm 1987, cậu ấy mang theo quyển lưu bút lớp 12 và vẫn giữ tới bây giờ. Tôi đã viết trên trang Facebook của lớp mình:

“Bạn có bao giờ nghĩ rằng tấm hình chân dung tuổi 18 của mình, của cả lớp mình, đã từng được một người bạn xếp vào balô khi bước xuống thuyền vượt biển hơn 30 năm trước? Khi quyết định bước xuống thuyền, những “boat people” ấy đều hiểu rằng đó là chuyến đi sinh tử nên người ta chỉ đem theo những gì thiết thân nhất mà thôi. Và B đã quyết định đem quyển lưu bút đầy vết tích bạn bè theo cuộc ra đi. Tôi chắc rằng dưới đáy Thái Bình Dương kia, đã có rất nhiều ảnh chân dung, lưu bút học trò, kỷ vật người thân như thế đã vùi chôn cùng nửa triệu người Việt trên đường vượt biển- những người không may mắn như B.”

Hồi tháng Ba năm nay trường tiểu học Moffett của con gái tôi có một tổ chức cuộc thi viết/vẽ/chụp ảnh về chủ đề “Người hùng ở quanh ta” (“Hero around me”). Trường này học sinh da trắng chiếm gần 90%, xem các tranh ảnh vào chung kết được trưng bày ở trường, thấy bọn trẻ con tận hưởng cuộc sống thật lạc quan, hồn nhiên và sinh động qua cách bọn nó tìm ra “anh hùng” của mình: anh hùng là ông bố vui tính, anh hùng là con chó dẫn đường giúp người bệnh tật, anh hùng là bác nhân viên cứu hộ ngoài biển, anh hùng là cái hoa dưa hấu sẽ cho ra trái dưa hấu, anh hùng là những con ong “cứu cả thế giới”, anh hùng là chị tui, chơi đá banh gãy chân không thèm khóc…

Đứa học trò gốc Việt duy nhất có mặt ở vòng chung kết cuộc thi này với bức tranh “The escape from Vietnam” – hình chiếc thuyền chứa một gia đình chen chúc trên biển, với lời diễn giải: “Một cuộc đào thoát từ Việt Nam sau cuộc chiến, cố gắng đến Mỹ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ama đã đưa mười đứa con của mình ra đi vào giữa đêm, bà sợ hãi nhưng đã vượt qua. Bà thật sự là anh hùng”. Cô bé tác giả bức tranh là cháu nội của bà, cha của cô ở trên chiếc thuyền ấy khi còn là một nhi đồng (toddler).

Bức tranh “The escape from Vietnam” của học trò gốc Việt duy nhất ở vòng chung kết cuộc thi “Heroes around me” tại một trường tiểu học Huntington Beach (ảnh: Thúy Hà)

Cô bé sinh ra ở Mỹ, không thuộc thế hệ lên thuyền vượt biển, cô bé lớn lên và hưởng thụ đời sống nơi xứ này hoàn toàn như bao bạn bè trang lứa. Nhưng hành trang cô bé mang theo vào đời vẫn có một nhành trĩu nặng quá khứ di dân, tựa hồ như cái túi nhỏ của chàng Cù Lần-Cao Tần vậy.

Hình ảnh di dân vẫn không thôi hiện lên và ám ảnh con người, và đau lòng nhất là hình ảnh những dòng tin nhắn của cô gái Trà My gửi cho bố mẹ trước khi chết – bằng chứng khởi đầu của vụ án rúng động dư luận quốc tế về 39 người Việt chết cứng trong chiếc xe tải đông lạnh vượt biên vào Anh quốc hồi tháng 10-2019. Trà My – cô gái Nghệ An – tìm đường di cư đến vùng đất hứa mà trong hành trang sinh tử là chiếc smartphone. Chiếc smartphone ấy đã giúp người ta nhanh chóng xác minh, nhận diện một di dân xấu số. Cái vật dụng mang theo khi vượt biên ấy đã không chìm xuống lòng đại dương mất dấu như với các “thuyền nhân” hơn 30 năm trước. Nó vẫn còn nguyên trong lòng container đông lạnh, trở thành vật chứng. Những dòng tin nhắn chụp lại từ màn hình điện thoại đã xuất hiện trên các kênh báo chí toàn thế giới cùng với xuất xứ “Việt Nam”. Cái chức năng messenger đã kịp làm sứ mệnh nhói lòng cuối cùng của một phương tiện truyền tin: lời trăn trối của một kẻ di dân.

Trà My bấm những dòng trăn trối ấy giữa cơn hoảng loạn của ba mươi chín con người chen chúc nhau trong một thùng container chiều dài khoảng muời hai mét và lạnh âm hai mươi lăm độ. Nó làm tôi nhớ tới “Một trong hai mươi ba” của Helen Rye từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện cực ngắn quốc tế “Bath Flash Fiction Award” 2016. 1/23 là con số thống kê của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn: cứ hai mươi ba người (trong đó có những người Syria) vượt Địa Trung Hải trên tuyến đường biển nguy hiểm nhất từ Bắc Phi đến Ý thì có một người thiệt mạng. Truyện “Một trong hai mươi ba” là dòng hồi tưởng về đất nước Syria với vị ngọt quả sung mà chẳng nơi nào có được… của một phụ nữ đang trên đường di tản giữa biển khơi sóng gió khi “cuộc sống của chúng tôi dồn vào không gian mười hai mét của con thuyền này”. Cái con thuyền vượt biển của người phụ nữ Syria và cái container vượt biên của cô gái trẻ Việt Nam, đều mười hai mét.

Khát vọng thay đổi cuộc sống là một đặc tính của con người từ thuở khai thiên lập địa và di cư là nhu cầu tất yếu bản năng. Đi từ nông thôn ra thành thị kiếm sống đã là một cuộc di cư. Ở Sài Gòn, “đội quân” giúp việc nhà, mua ve chai và phụ hồ đông đảo nhất lâu nay vẫn là người từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đổ vào. Nhà tôi ở Sài Gòn cũng từng có một cô giúp việc người Nghệ An. Để chồng con ở lại quê hương, cô một mình vào Nam kiếm sống, hàng tháng gửi tiền về, giúp cho cả bố mẹ già. Mỗi năm cô chỉ về nhà một lần dịp Tết. Con gái của cô mới tám tuổi, nhớ mẹ nên cứ tìm cách gọi điện thoại cho mẹ suốt ngày đến nỗi có khi cô phải tắt chuông điện thoại để “né” con. Tôi còn nhớ ở đầu giường của cô có tấm ảnh đứa con gái nhỏ ôm cái bằng khen ở trường học, miệng cười toe toét… Trên giường cô cũng có cái gối ôm. Cái gối ôm thay cho hình hài đứa con trong những đêm dài mẹ con xa cách. Cái gối ôm của một bà mẹ di cư, ngay trên xứ sở mình.

Minh họa: Unsplash

Chiều nay ngang qua một tiệm tạp hóa trong khu chợ Hòa Bình Garden Grove thấy những cái gối ôm xanh đỏ để trong thùng các-tông bày đầy trước cửa, bỗng nghĩ cái câu quen thuộc “chúng ta ra đi mang theo cuộc chiến” của người Việt di tản sau 1975, giờ đây với mẹ con cô bạn ở Victorville của tôi có thể thành đùa mà thật rằng: “Chúng ta ra đi mang theo gối ôm”. Bà mẹ của bạn tôi bây giờ không phải di dân bằng con đường sinh tử nữa. Bà ra đi dễ dàng bằng thủ tục bảo lãnh với niềm tin của mẹ con bà: tuổi già ở Mỹ sẽ được an toàn hơn, tốt hơn cái nơi bà đã sống gần hết cuộc đời.

Với Việt Nam, giờ đây việc người dân ra đi khỏi đất nước không chỉ từ lý do tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế nữa, mà còn là tị nạn giáo dục, tị nạn môi trường… được nhiều người gọi chung là “tị nạn niềm tin“. Nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 chưa bao giờ cho phép công nhận khái niệm “tị nạn” trong tuyên truyền báo chí văn chương nghệ thuật… vì coi đó là sự bôi bác chế độ. Thế nên tôi đã rất ngạc nhiên khi cầm trên tay tập truyện ngắn “Người tị nạn” của Nguyễn Thanh Việt (nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt Pulitzer) được phát hành tại Việt Nam cuối năm 2017 với lời giới thiệu của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn:

Tị nạn, nếu hiểu theo một nghĩa rộng rãi, là việc rời nơi mình đang sống để tránh một tai họa nào đó. Nó có thể là thiên tai (bão lụt, hạn hán…) mà cũng có thể là nhân tai do con người gây ra cho nhau (chiến tranh, thảm hoạ môi trường, áp bức tôn giáo hay chính trị…) rồi bây giờ còn có khái niệm tị nạn giáo dục nữa.” Đó là sự thật không cách gì phủ nhận.

Chiến tranh đã ngừng hơn 40 năm, nhưng theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) từ 1990 đến 2015 có 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài, nhiều hơn cả thời thuyền nhân cuối thế kỷ trước. Mặc dù Việt Nam không nằm trong top những quốc gia có số dân bỏ quê hương ra đi đông nhất (gồm Ấn Độ, Mexico, Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Ukraine, Philippines với vài triệu người mỗi năm) nhưng trung bình mỗi năm vẫn đang có khoảng 100 nghìn người Việt di cư. Cả những cuộc di cư nhẹ nhàng kèm chiếc gối ôm lẫn những cuộc di cư kinh hoàng trong thùng container từng làm chấn động thế giới.

Những đoạn trường nào đã xảy ra với bao lớp người di dân Việt Nam? Những gì họ đã mang theo trong hành trang của những cuộc di dời đổi thay đó? Cái gối ôm, quyển lưu bút, chiếc điện thoại, tấm ảnh cũ, tập danh thiếp, chiếc khăn tay… Tôi ước gì rồi sẽ có một bảo tàng di dân lưu giữ muôn vàn hiện vật và chứng tích góp phần viết nên lịch sử di dân Việt Nam. Lịch sử di dân-tị nạn của người Việt lại lật tiếp những trang riêng tư và dữ dội của nó gắn với bao biến thiên lịch sử Việt Nam, trong dòng chảy di dân chưa bao giờ dừng lại trên địa cầu này.

https://saigonnhonews.com/ra-di-va-ke-lai/ra-di-va-mang-theo/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=ra-di-va-mang-theo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét