Việt Hoàng
Khi người Pháp đặt chân lên Việt Nam thì dân tộc ta tụt hậu cả ngàn năm so với thế giới. Chúng ta đã khởi hành rất chậm so với nhân loại. Việt Nam và Trung Quốc đã ngủ vùi trong hơn hai ngàn năm dưới chế độ phong kiến dựa trên văn hóa Khổng giáo. Chúng ta đã bị người Pháp đến và đánh thức. Trong một thế kỷ rưỡi, dân tộc Việt Nam đã tiến khá nhanh nên không tránh khỏi sự mệt mỏi.
Hiện tại Việt Nam chỉ còn tụt hậu khoảng 50 năm so với thế giới. Phong trào toàn cầu hóa bùng phát sau khi Liên Xô sụp đổ buộc các nước chậm phát triển như Việt Nam phải cố gắng để bắt chước và chạy theo. Chúng ta không còn thời gian để suy tư về những vấn đề lớn lao như triết học và tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị.
Việt Nam tụt hậu so với thế giới là... bình thường. Chúng ta đã tiến bộ rất nhanh so với chiều dài lịch sử dân tộc. Chúng ta không có gì phải mặc cảm. Dù vậy có một điều mà ai cũng trăn trở và thất vọng đó là đất nước ta là một trong vài nước cuối cùng trên thế giới vẫn chưa có dân chủ. Nếu không có dân chủ thì Việt Nam sẽ mãi mãi tụt hậu và không bao giờ bắt kịp đà phát triển của thế giới. Dân chủ không ban phát cơm áo gạo tiền và hạnh phúc miễn phí cho người dân nhưng dân chủ là phương thức xây dựng và quản trị quốc gia hiệu quả nhất. Dân chủ giúp chúng ta nhận định đúng các vấn đề của đất nước và sau đó tìm ra các giải pháp và những con người thích hợp để giải quyết các vấn đề đó.
Muốn Việt Nam có dân chủ thì người dân và trí thức Việt Nam bắt buộc phải tham gia vào một cuộc cách mạng dân chủ. Cuộc cách mạng này chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Nó hoàn toàn khác, không có bạo lực và không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục một ai. Nhưng đó vẫn là một cuộc cách mạng toàn diện nhằm thay đổi chế độ chính trị và cả triết lý chính trị. Nó đồng thời cũng là một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa.
Trong cuộc cách mạng dân chủ này, trí thức bắt buộc phải tiên phong, dấn thân và khởi xướng. Sở dĩ trí thức Việt Nam chưa nhập cuộc vì đang gặp phải ba vấn đề lớn do di sản văn hóa Khổng giáo để lại. Đó là thiếu kiến thức về chính trị, ai cũng nghĩ chính trị không cần phải học. Thứ hai là thiếu văn hóa thảo luận, cứ trái ý kiến là tấn công chụp mũ và thứ ba là thiếu văn hóa tổ chức. Trí thức không phục ai ngoài bản thân nên không thể kết hợp được với bất cứ ai.
Cuộc cách mạng dân chủ bắt buộc phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo. Sự độc hại lớn nhất của văn hoá Khổng giáo là nó đã chủ trương hủy diệt trí tuệ, tâm hồn, khí phách của thành phần tinh hoa nhất của dân tộc đó là tầng lớp trí thức. Đây là thành phần có học thức và có khả năng thay đổi hướng đi của xã hội. Văn hóa Khổng giáo khiến cho Việt Nam và Trung Quốc gần như dậm chân tại chỗ trong hơn hai ngàn năm. Nhưng cũng nhờ Khổng giáo mà Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay vì nhà nước cộng sản cũng chỉ là một chế độ phong kiến cải biên.
Trí thức Khổng giáo bị tha hóa và mất hết ý chí. Đạo diễn, nhà báo Song Chi có lý khi cho rằng những con người dũng cảm nhất, kiên cường bất khuất nhất trước bạo quyền thường là nông dân, công nhân, dân nghèo, chứ không phải tầng lớp trí thức. Tuy nhiên như đã nói cuộc cách mạng này bắt buộc phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo. Đó cũng là lý do khiến Tập Hợp thảo luận rất nhiều về vai trò và bổn phận của trí thức. Mục đích là để cùng nhau nhìn nhận lại mình và cùng thay đổi chứ không nhằm công kích hay chê bai bất cứ ai.
Chính trị là một lĩnh vực quan trọng nên cần có kiến thức tổng hợp. Người làm chính trị phải có sự hiểu biết về quốc gia và thế giới, về cơ cấu bộ máy nhà nước và các định chế quốc tế. Ngoài ra người làm chính trị cũng rất cần đến sự dũng cảm, lòng thương yêu, sự lương thiện và nhất là lý tưởng phục vụ con người và xã hội.
Lý do chính khiến nhiều người cho rằng chính trị không cần phải học vì thường thì người chịu hậu quả bởi các quyết định chính trị là người dân chứ không phải người ra quyết định. Ví dụ, Đỗ Mười, một lãnh đạo cộng sản, kiến thức sơ sài, hiểu biết nông cạn, làm đâu sai đấy nhưng vì nhiệt tình và trung thành mà ông ta không những không bị kỷ luật mà còn leo dần lên đỉnh cao quyền lực. Các lãnh đạo cộng sản khác cũng vậy, các quyết định chính trị sai lầm của họ đã gây ra bao nhiêu đau khổ và mất mát cho người dân nhưng bản thân họ không làm sao. Họ vẫn sống sung sướng và viên mãn. Một ví dụ nữa, quyết định sai lầm của Obama khi rút quân Mỹ khỏi Iraq (năm 2009) đã khiến nhà nước Hồi giáo IS hồi sinh, cả khu vực Trung Đông chìm trong khói lửa chiến tranh, hàng triệu người dân vô tội phải rời bỏ quê hương trong khi Obama thì không sao, ông vẫn được yêu quí tại quê nhà.
Vậy tại sao những người lãnh đạo chính trị đưa ra những quyết định sai lầm và gây ra nhiều hậu quả cho người khác nhưng lại không phải chịu trách nhiệm ? Trong nhiều trường hợp họ biết được hậu quả nhưng họ vẫn làm ? Câu trả lời : Vì chính trị là việc chung. Cha chung thì không ai khóc. Họ nhân danh "việc chung" để trốn tránh trách nhiệm. Trong khi đó nếu là một người cắt tóc, làm móng tay hay một công nhân nếu làm sai, làm hỏng họ phải trả giá ngay lập tức, nhẹ thì bị quở trách nặng thì bị đuổi việc.
Cũng chính vì sự đặc thù và quan trọng của chính trị nên những người làm chính trị, ngoài việc cần có kiến thức về chính trị ra thì còn cần đến đạo đức, tình thương và sự cẩn trọng của một tâm hồn cao thượng để biết sợ, biết lo lắng khi mình làm sai thì chúng sinh sẽ đau khổ. Những người cho rằng làm chính trị không cần đạo đức chứng tỏ họ không hiểu gì về chính trị. Mao Trạch Đông là một ví dụ của những người làm chính trị thiếu kiến thức, đạo đức và tâm hồn. Các chiến dịch như "Cách mạng văn hóa", "Đại nhảy vọt" làm chết hàng chục triệu người Trung Quốc nhưng Mao vẫn làm và sau khi thất bại y cũng chẳng thấy áy náy hay dằn vặt lương tâm. Tất cả các lãnh tụ phát xít hay cộng sản đều hành xử như thế.
Chính trị rất cần phải học, học để có kiến thức, có kiến thức sẽ không làm sai. Có đạo đức và tâm hồn để không làm ẩu, làm bậy. Môi trường để giáo dục và đào tạo về chính trị chỉ có thể là các tổ chức chính trị. Trong môi trường đó những người không chịu học hỏi và thiếu đạo đức sớm muộn cũng bỏ cuộc hoặc bị đào thải. Để có thể tham gia vào các tổ chức chính trị thì bắt buộc phải có "văn hóa tổ chức". Văn hóa tổ chức là ý thức, khả năng xây dựng tổ chức và sinh hoạt trong khuôn khổ của tổ chức.
Có người cho rằng họ chỉ muốn hoạt động "độc lập" chứ không muốn tham gia vào một tổ chức chính trị vì không có ý định làm quan hoặc không muốn bị bó buộc. Cả hai đều sai. Thứ nhất chính trị là việc chung, tham gia vào một tổ chức là để cùng nhau làm việc nước chứ không phải tranh giành quyền lực cho bản thân. Thứ hai, hiện tình đất nước đang rất bi đát khi phải chịu sự thống trị của một đội quân chiếm đóng người bản xứ nên bổn phận của người trí thức là phải hy sinh lòng tự ái để nhập cuộc. Trí thức là một thái độ. Không phản kháng lại bất công thì không phải là một trí thức. Hơn nữa các cá nhân không thể làm gì được.
Đảng cộng sản không mạnh. Họ đang chao đảo và khủng hoảng. Các bản án dã man dành cho những người bất đồng chính kiến hay thậm chí với cả dân oan trong thời gian qua đã nói lên điều đó. Nhà báo Phạm Chí Dũng, Đoan Trang hay nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh có đe dọa hay lật đổ chế độ được không? Rõ ràng là không! Vậy tại sao Đảng cộng sản lại xử họ với những bản án lên đến 12-15 năm tù ? Phong trào dân chủ Việt Nam cũng chưa mạnh, những người như Lê Trọng Hùng (Gàn) hay Lê Dũng (Vova) không gây hại gì cho chính quyền nhưng vẫn bị bắt. Vì sao? Câu trả lời cũng giản dị: Dân chủ là tương lai phải đến và Đảng cộng sản là một quá khứ cần phải qua đi. Những người bị bắt và kết tội không làm gì ngoài việc phát biểu lập trường dựa trên sự thật và lẽ phải. Họ dù không là gì nhưng lại đại diện cho tương lai sẽ đến hơn nữa sự thật và lẽ phải có sức mạnh vô biên. Chính quyền hoảng sợ là vì thế.
Đảng cộng sản đang mất đi sự chính đáng và sự hậu thuẫn của khối cử tri nền tảng đó là giai cấp công nhân và nông dân. Điều 4 hiến pháp 2013 vẫn ghi rõ rằng "Đảng cộng sản là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân và nông dân...". Tuy nhiên hiện tại người nông dân đã phải cầm súng để chống lại họ như Đoàn Văn Vươn hay đối đầu không khoan nhượng như cụ Lê Đình Kình, Cấn Thị Thêu... Trước đây Đảng cộng sản tự coi là đảng của người nghèo để chống lại tầng lớp bóc lột và vì thế đã nhận được hậu thuẫn của một bộ phận quần chúng, giờ đây nó đã trở thành một đảng của người giàu để bóc lột người nghèo.
Hạn kỳ dân chủ không phải quá xa như nhiều người nghĩ. Đừng thấy Đảng cộng sản "quân đông, súng nhiều" mà nghĩ họ còn mạnh. Sức mạnh của một chính đảng không nằm ở cơ bắp mà nằm ở tư tưởng chính trị. Đảng cộng sản không còn đại diện cho tương lai của người dân Việt Nam nên nó bắt buộc phải bị đào thải. Nếu trí thức Việt Nam ý thức được thời thế, bổn phận và khả năng của mình để cùng kết hợp lại với nhau trong một vài tổ chức chính trị dân chủ thì chiến thắng sẽ đến rất nhanh.
Việc quan trọng trước mắt của trí thức Việt Nam là cần ý thức được mình là nạn nhân của văn hóa Khổng giáo để đoạn tuyệt với văn hóa độc hại đó. Chúng ta không có gì phải mặc cảm hay xấu hổ với sự thua kém của Việt Nam hiện nay. Mọi chuyện đều có thể thay đổi. Nhận diện được vấn đề, dũng cảm để thay đổi, chúng ta sẽ sớm thoát khỏi vòng luẩn quẩn và vươn lên.
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21984-khong-co-gi-ph-i-m-c-c-m
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét