Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

7026 - Cái nắm đấm đẫm lệ và chủ nghĩa tư bản Vượng Vin

Jackhammer Nguyễn

Hóa ra “đường mòn Hồ Chí Minh trên không” là do tập đoàn tư bản lớn nhất nước Việt Nam cộng sản, VinGroup của ông Phạm Nhật Vượng đưa ra. Ông Vượng đưa một nhóm hơn 300 sinh viên, giảng viên trường y từ Hải Dương vào Sài Gòn, nói là để “hỗ trợ” thành phố này chống dịch Covid-19.

Theo một số người, chuyện này chẳng ai ở Sài Gòn nhờ vả cả, vì người tại chỗ còn nhiều, không cần phải vất vả tốn kém như thế, chẳng qua là ông Vượng cùng các tay chơi khác như Vietnam Airlines, Saigon Tourist… “ăn có” chuyện chống dịch để quảng cáo. Hôm qua, ông Mai Bá Kiếm có một bài với nhiều thông tin nói về chuyện này: Tuyên truyền bị phản tuyên truyền!

Tôi thấy câu chuyện ông Vượng và “đường Hồ Chí Minh trên không” của ông ấy cho chúng ta một hình ảnh rất thú vị về chủ nghĩa tư bản tại Việt Nam hiện nay.

Nhà tư bản Phạm Nhật Vượng dùng đúng hai kiểu tuyên truyền của tuyên giáo cộng sản, đó là hình ảnh những nắm đấm cộng sản và những lời lẽ ẻo ợt kiểu “thương quá”, “tự hào quá”… cho chiến dịch ăn có của mình (nói cho sang là PR, quan hệ công chúng).

Đây quả là công thức và hình ảnh tuyệt vời của cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà các viên chức cộng sản liên tục tán dương mấy chục năm nay.

Có lẽ cũng giống như bên nước Tàu cộng sản, hình ảnh nắm đấm, nghe nói là được dùng trong các buổi kếp nạp đảng viên, cũng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Nắm tay phải (có khi tôi thấy cả tay trái) giơ lên trông rất quyết liệt và dữ dằn, được người cộng sản gọi là “hạ quyết tâm”, trước khi họ có một kế hoạch làm gì đó.

Hình ảnh “hạ quyết tâm” này làm cho những người nghi ngại kế hoạch đó phải e dè, sợ cái nắm đấm đó giáng xuống đầu mình. Lật lại những trang báo Tàu hồi năm 2020, khi các đoàn y tá, bác sĩ đến Vũ Hán để chống dịch, người ta cũng thấy những nắm đấm vung lên rùng rợn như các em học trò Hải Dương vậy.

Hình ảnh tuyên truyền chống dịch bằng nắm đấm của VN. Nguồn: ILIAT

Nắm đấm có thể hiểu được trong chiến tranh, trong những cuộc cách mạng nổi dậy, nhưng quả là khó hiểu khi họ muốn đánh nhau như vậy trong thời bình. Họ đánh cái gì? Đánh virus ư? Virus chỉ sợ vaccine chứ làm sao sợ đấm đá cho được?

Kèm với nắm đấm là những ngôn từ chiến tranh mà người cộng sản vẫn liên tục sử dụng từ khi hết chiến tranh đến nay: Ra trận, chiến thắng, xuất quân, đánh, báo công, chi viện … bất kể đó là chuyện lạm phát, chuyện lũ lụt, hay chuyện Covid, và dĩ nhiên, trong bộ từ điển chiến tranh này có những từ rất đặc biệt của cộng sản Việt Nam, mà “đường mòn Hồ Chí Minh trên không” là một ví dụ.

Song song với nắm đấm và những ngôn từ chiến tranh, lại là những từ ngữ vô cùng đẫm lệ, mà ngày nào chúng ta cũng có thể tìm thấy trên các trang báo Việt Nam. Rõ nhất trong lối tuyên truyền ẽo ợt này là tựa đề cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng chống Covid-19”, do Ban Dân Vận, Ban Tuyên giáo quận Tân Bình của thành Hồ tổ chức. Hay tựa đề bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/7/2021: “Nhìn Sài Gòn đau đến vậy, tôi thấy trái tim mình thổn thức”, cùng lối tuyên truyền ẽo ợt.

Cũng phải nói rằng, kiểu viết “đẫm lệ” (cliché) này ảnh hưởng cả báo chí tiếng Việt tại hải ngoại. Nói cho cùng thì, nó vốn đã có “truyền thống” khá lâu trong văn chương báo chí tiếng Việt, bây giờ thêm vào một chút gia vị cộng sản, làm nên một hiện tượng ngôn ngữ rất thú vị.

Suy cho cùng, kiểu viết “đẫm lệ” này cũng vô hại, nhưng kiểu “nắm đấm” có ảnh hưởng nhiều hơn. Với cái nắm đấm và mớ ngôn từ chiến tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, xã hội cộng sản không trở về bình thường trong thời bình. Những con người lớn lên và được (bị) giáo dục trong mớ ngôn từ ấy, cứ liên tục có não trạng chiến tranh.

Các trợ lý PR của ông Vượng, các phóng viên báo chí nhà nước và các em sinh viên ở Hải Dương đều không tránh khỏi. Đối với họ, miền Nam Việt Nam vẫn là vùng đất “phản cách mạng”, “tạm chiếm”, cần được “giải phóng”. Điều đó giải thích những phát ngôn rất sắc máu, mà có thể có cả của các em học sinh từ Hải Dương:

“Giải phóng miền Nam lần thứ hai”!

“Đường mòn Hồ Chí Minh trên không”!

Một điều rất hiển nhiên là những người Việt Nam có gốc miền Bắc chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nấm đấm này, hơn là người miền Nam, nơi ít “chuyên chính” hơn, vẫn còn không khí xã hôi mở của thời Việt Nam Cộng hòa. Ông Vượng và các cố vấn của ông là những người miền Bắc, Vietnam Airlines cũng thế, Saigon Tourist thì đỡ hơn, nhưng cũng đầy những người gốc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Công ty du lịch này cũng có đầy các tour du lịch “về nguồn”, đầy rẫy ngôn từ chiến tranh cách mạng.

Có thể khi viết ra những khẩu hiệu nắm đấm như vậy, họ cũng không có ý định gì to tát kiểu như phân biệt vùng miền, hay xem người dân miền Nam như mục tiêu cần giải phóng, mà chẳng qua đó là cái quán tính suy nghĩ ngôn ngữ, mặc dù trong sâu thẳm của tiềm thức, họ có thể có hình ảnh một miền Nam thù địch. Mà đây thật ra là chuyện con gà và quả trứng, họ thù địch thật, rồi sinh ra ngôn ngữ, hay là cách dùng ngôn ngữ ngốc nghếch sinh ra hình ảnh thù địch.

Lần này các nắm đấm cách mạng lại bị gậy ông đập lưng ông. Nó gây ra phản ứng rất mạnh từ dân chúng Sài Gòn, nó làm bật lên hình ảnh của một cuộc nội chiến, của sự phân biệt vùng miền, mà chính quyền Hà Nội lúc nào cũng muốn giấu. Các cơ quan báo chí tuyên truyền của Đảng vội vàng lắp chỗ này, bít chỗ kia, như trong bài báo Thanh Niên: Đừng ‘ném đá’ đoàn Hải Dương giúp TP.HCM!

Hình ảnh đoàn sinh viên Hải Dương giơ cao nắm đấm, trên chuyến bay vào Sài Gòn ngày 1/7 chống dịch. Nguồn: VNA/ TN

Nhưng họ chỉ dám đưa ra những lỗi thuộc về kỹ thuật, và đề cập tới “dư luận trên mạng”, mà vẫn không dám nói cái “dư luận trên mạng” ấy là gì, không dám nói đến cái mâu thuẫn chính trị, vùng miền mà họ tự tạo ra, duy trì, rồi sợ hãi.

https://baotiengdan.com/2021/07/05/cai-nam-dam-dam-le-va-chu-nghia-tu-ban-vuong-vin/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét