Reuters - Tác giả: James Pearson
Trúc Lam chuyển ngữ
– ‘Lực lượng 47’, một đơn vị có hàng ngàn người, chống lại ‘quan điểm sai trái’
– Truyền thông nhà nước tiết lộ mạng lưới các nhóm Lực lượng 47 trên Facebook
– Việt Nam đe dọa chặn Facebook vì yêu cầu kiểm duyệt
– Facebook xóa nhóm ‘Lực lượng 47’ sau cuộc điều tra của Reuters
– YouTube nói, họ đã xóa chín kênh, qua chính sách spam
HÀ NỘI, ngày 9/7 (Reuters) — Việt Nam, nơi nhà nước đang chiến đấu trên mạng khốc liệt, chống bất đồng chính kiến, “những người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội, thường là quân nhân hơn là những người nổi tiếng.
Lực lượng 47, được biết là đơn vị chiến tranh thông tin qua mạng của quân đội Việt Nam, gồm hàng ngàn binh sĩ, ngoài nhiệm vụ thông thường, họ còn có nhiệm vụ thiết lập, kiểm duyệt và đăng tải trên các nhóm Facebook ủng hộ nhà nước, để sửa chữa những “quan điểm sai trái” trên mạng.
Theo đánh giá của Reuters về các báo cáo và chương trình truyền thông nhà nước cấp tỉnh từ đài truyền hình chính thức của quân đội, kể từ khi thành lập năm 2016, Lực lượng 47 đã thiết lập hàng trăm nhóm và các trang trên Facebook, đồng thời đăng tải hàng ngàn bài viết và các post ủng hộ chính phủ.
Các nhà nghiên cứu mạng xã hội cho biết, nhóm này có thể là mạng lưới ảnh hưởng lớn nhất và tinh vi nhất ở Đông Nam Á. Và nó hiện đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột gia tăng của đất nước này với Facebook.
Sau khi Reuters tiếp cận trong tuần này, một nguồn tin Facebook cho biết, công ty đã xóa một nhóm có tên “E47”, nhóm này đã huy động cả các thành viên quân đội và phi quân đội để báo cáo các bài đăng trên Facebook mà họ không thích, nhằm nỗ lực gỡ bỏ chúng. Nguồn tin cho biết, nhóm này có liên quan đến danh sách các nhóm Lực lượng 47 mà Reuters xác định.
Người phát ngôn của Facebook xác nhận rằng, một số nhóm và tài khoản đã bị gỡ bỏ hôm thứ Năm vì “điều phối các nỗ lực báo cáo hàng loạt nội dung“. Một nguồn tin của công ty cho biết, hành động này là một trong những yêu cầu gỡ bỏ lớn nhất của Facebook, được thực hiện theo chính sách báo cáo hàng loạt của hãng.
Nhưng nhiều tài khoản và nhóm của Lực lượng 47 được Reuters nhận diện, vẫn còn hoạt động. Vì chúng được vận hành bởi người dùng dưới tên thật, nên chúng không vi phạm các chính sách của Facebook, nguồn tin từ công ty cho biết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan xử lý các yêu cầu được gửi tới chính phủ từ các phương tiện truyền thông nước ngoài, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc bị gỡ bỏ này.
Không như nước láng giềng Trung Quốc, Facebook không bị chặn ở Việt Nam, nơi có từ 60 đến 70 triệu người dùng. Đây là nền tảng chính của Việt Nam cho thương mại điện tử và tạo ra khoảng 1 tỷ đô la doanh thu hàng năm cho công ty.
Nó cũng đã trở thành nền tảng chính của bất đồng chính trị, khiến Facebook và chính phủ [Việt Nam] rơi vào một cuộc tranh cãi liên tục về việc xóa nội dung, được cho là “chống nhà nước”.
Việt Nam đã trải qua những cải cách kinh tế sâu rộng và thay đổi xã hội trong những thập niên gần đây, nhưng đảng Cộng sản cầm quyền vẫn giữ quyền kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông và ít khi chấp nhận bất đồng chính kiến.
Năm ngoái, Việt Nam đã làm chậm tốc độ truy cập trên các máy chủ trong nước của Facebook, cho đến khi Facebook đồng ý gia tăng kiểm duyệt đáng kể nội dung chính trị ở Việt Nam. Nhiều tháng sau, chính quyền đe dọa đóng cửa hoàn toàn Facebook ở Việt Nam, nếu Facebook không hạn chế bớt quyền truy cập nội dung.
Trong một tuyên bố với Reuters, người phát ngôn của Facebook cho biết, mục tiêu của công ty là giữ cho các dịch vụ của mình ở Việt Nam qua mạng, “để nhiều người có thể bày tỏ quan điểm, kết nối với bạn bè và điều hành công việc làm ăn của họ“.
Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi đã công khai và minh bạch về các quyết định của mình trước sự gia tăng nhanh trong nỗ lực chặn các dịch vụ của chúng tôi ở Việt Nam”.
Ông Điền Lương, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore, cho biết, Việt Nam không có đủ tiềm lực để duy trì một “Vạn lý Hỏa thành” kiểu Trung Quốc và phát triển các mạng xã hội địa phương.
“Điều này đã mở đường cho Facebook trở thành nền tảng được lựa chọn cho Lực lượng 47, để bảo vệ đường lối của đảng, định hình dư luận và phổ biến những nội dung tuyên truyền của nhà nước“.
‘Kỹ năng và hiểm độc’
Không có định nghĩa chính thức về điều gì là “quan điểm sai trái” ở Việt Nam. Nhưng các nhà hoạt động, nhà báo, blogger và ngày càng nhiều người sử dụng Facebook, đều nhận các án tù nặng nề trong những năm gần đây vì “tuyên truyền chống nhà nước”, hoặc các ý kiến phản bác những ý kiến do Đảng cổ xúy.
Tuần trước, Lê Văn Dũng, một nhà hoạt động nổi tiếng, thường xuyên phát biểu trực tiếp với hàng ngàn người theo dõi trên Facebook, đã bị bắt sau hơn một tháng trốn chạy, theo thông báo của cảnh sát.
Dũng sử dụng nick “Le Dung Vova”, đã bị tạm giam, với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước“, theo Điều 117, Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Ông ta đối mặt với án tù 20 năm, nếu bị kết tội.
Lực lượng 47 lấy tên từ Chỉ thị 47, một văn bản chính sách do Tổng cục Chính trị của quân đội ban hành ngày 8/1/2016. Các nhà phân tích nói rằng, nó được tạo ra như một giải pháp thay thế cho việc thuê “người định hướng ý kiến” – hoặc “dư luận viên” – hoạt động ở quy mô nhỏ hơn, ít thành công hơn.
Nguyễn Thế Phương, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn cho biết: “Vì các ‘dư luận viên’ không được đào tạo bài bản về tư tưởng Đảng hoặc bảo thủ như các quan chức quân đội, nên hiệu quả hoạt động của họ không được như mong đợi. Lực lượng 47 cũng ít tốn kém hơn. Các quan chức quân đội coi đó là một phần công việc của họ và không yêu cầu phụ cấp”.
Quy mô của Lực lượng 47 không rõ ràng, nhưng năm 2017, Tổng phụ trách của đơn vị lúc đó là Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, lực lượng này có 10.000 thành viên “đỏ và có năng lực”. Con số thật sự có thể cao hơn nhiều: Đánh giá của Reuters về các nhóm Facebook của Lực lượng 47, cho thấy, có hàng chục ngàn người sử dụng.
Nguồn tin Facebook nói, nhóm E47 mà họ có hành động chống lại, gồm một hội viên tích cực, trong đó có các thành viên quân đội và phi quân đội.
Hiện ông Nghĩa đứng đầu lực lượng tuyên truyền chính của Đảng. Bộ Thông tin [và Truyền thông] Việt Nam gần đây đã ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, gần giống với các chỉ thị của Lực lượng 47, kêu gọi mọi người đăng tải những “việc tốt” và cấm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến “lợi ích của nhà nước”.
‘Đấu tranh trên mạng internet’
Hồi tháng 3, các hội nghị đã được tổ chức tại các căn cứ quân sự trên cả nước Việt Nam, đánh dấu 5 năm kể từ khi Lực lượng 47 được thành lập.
Báo chí nhà nước đưa tin về các cuộc họp có tên ít nhất 15 trang và nhóm Facebook, mà họ nói là do Lực lượng 47 kiểm soát, với hơn 300.000 người theo dõi, theo phân tích của Reuters về các nhóm đó.
Thay vì là một đơn vị quân đội duy nhất, những người lính trong Lực lượng 47 dường như thực hiện các hoạt động cùng với nhiệm vụ thông thường của họ và tạo ra nội dung, có mục tiêu nhắm tới ở địa phương, các báo cáo tiết lộ.
Ngoài Facebook, Lực lượng 47 đã tạo ra các địa chỉ email ở Gmail và Yahoo ẩn danh, cũng như các tài khoản trên YouTube của Google và Twitter, theo các báo cáo.
YouTube cho biết, họ đã ngưng chín kênh hôm thứ Sáu vì vi phạm chính sách của họ về spam, gồm một kênh được Reuters nhận diện có hoạt động bị nghi ngờ là Lực lượng 47.
Twitter cho biết, họ không thấy bất kỳ hoạt động nào của Lực lượng 47.
Nhiều nhóm trên Facebook được Reuters đánh giá là đã đóng vai tình cảm yêu nước, với những cái tên như “Tôi yêu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, “Việt Nam Trong Trái Tim Tôi”, “Tiếng Nói Tổ quốc” và “Vững Tin Theo Đảng”.
Một số nhóm, chẳng hạn như “Đồng Hành Cùng Lực lượng 47” và “Hoa hồng của Lực lượng 47” rõ ràng trong liên kết của họ, trong khi những nhóm khác – chẳng hạn như “Sen Hồng” và một số nhóm sử dụng tên của các thị trấn địa phương trong tiêu đề của họ – thì tinh tế hơn.
Các bài viết có nội dung đa dạng, với nhiều bài ca ngợi quân đội Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh, hoặc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những trang khác cho thấy ảnh chụp màn hình của “thông tin sai” được những người sử dụng Facebook khác đăng tải, được đánh dấu bằng chữ “X” lớn màu đỏ.
Dhevy Sivaprakasam, cố vấn chính sách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của nhóm Access Now về quyền internet, cho biết: “Những diễn biến này đang diễn ra ở Việt Nam thật đáng sợ và ngày càng mở rộng mà không bị trừng phạt.
Chúng tôi đang chứng kiến sự ra đời trên thực tế, nơi mọi người không được an toàn để tự do nói chuyện qua mạng và nơi không có khái niệm về quyền riêng tư cá nhân”.
_______
Bài có sự đóng góp của James Pearson; báo cáo bổ sung của Elizabeth Culliford ở New York và Fanny Potkin ở Singapore. Biên tập bởi Jonathan Weber, Lisa Shumaker và William Mallard.
Một số hình ảnh các trang Facebook của Lực lượng 47 mà Reuters chụp lại:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét