Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Trong bối cảnh Tokyo trải qua một đợt ca nhiễm covid-19 mới, Bộ trưởng phụ trách Thế vận hội Nhật Bản cho biết sự kiện sẽ tổ chức không khán giả. Kế hoạch ban đầu là cho phép 10.000 khán giả Nhật Bản tham dự mỗi sự kiện. Quyết định này được đưa ra sau khi thủ tướng Suga Yoshihide tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo kéo dài qua cả thời gian tổ chức Olympics.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu phê duyệt mục tiêu lạm phát đối xứng 2% khi công bố kết quả cuộc đánh giá chính sách tiền tệ tiến hành từ tháng 1 năm 2020. Bản đánh giá này xem xét nhưng bác bỏ chính sách mục tiêu lạm phát trung bình mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lựa chọn. Thay vào đó, ECB cam kết các biện pháp “mạnh mẽ hoặc kiên trì” để ngăn lạm phát xuống quá thấp.
Liên minh châu Âu phạt Audi, BMW, Porsche và Volkswagen hơn 1 tỷ đô la vì thông đồng nhằm hạn chế phát triển và triển khai hệ thống khí thải sạch. Cụ thể các công ty xe hơi của Đức đã làm chậm tiến trình ra mắt một công nghệ có thể giúp giảm ô nhiễm ô tô. Riêng Daimler thoát án phạt nhờ chỉ điểm kế hoạch này cho Ủy ban châu Âu.
Mười lăm bang của Mỹ đồng ý ủng hộ một kế hoạch giải thể Purdue Pharma, nhà sản xuất loại thuốc giảm đau gây nghiện OxyContin. Nếu được tòa chấp thuận, kế hoạch này sẽ chuyển tài sản của công ty vào các quỹ ủy thác thay mặt cho các nguyên đơn hiện đang kiện Purdue về cáo buộc góp phần gây nên dịch opioid ở Mỹ.
Các nhà nghiên cứu Pháp phát hiện ra một mũi vắc-xin Astrazeneca hoặc Pfizer “hầu như không” chống lại được biến thể Delta lây lan nhanh của covid-19; còn hai liều vẫn bảo vệ tốt. Họ cũng nhận thấy các kháng thể do nhiễm virus tự nhiên sinh ra ít có khả năng bảo vệ trước Delta hơn so với một biến thể trước, cho thấy những người đã khỏi bệnh vẫn cần được tiêm ngừa.
Châu Phi ghi nhận hơn 251.000 ca nhiễm covid-19 mới trong tuần qua, tăng 20% so với bảy ngày trước đó. Đây là con số theo tuần tồi tệ nhất từng ghi nhận ở châu lục này, theo WHO. Hiện tiêm chủng vẫn còn chậm chạp, với chỉ dưới 2% người châu Phi được tiêm chủng hoàn toàn. WHO dự đoán đợt lây nhiễm thứ ba sẽ vượt đỉnh của đợt thứ hai.
Các nhà hoạt động đã xuống đường ở Hungary để phản đối một đạo luật có hiệu lực từ hôm qua, theo đó cấm khuyến khích đồng tính luyến ái trong trường học. Những người phản đối cả trong và ngoài nước thật ra đã lên án dự luật này suốt từ khi nó được Quốc hội thông qua hồi tháng trước. Nghị viện châu Âu thậm chí bỏ phiếu để đáp trả bằng hành động pháp lý khẩn cấp. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết “các quan chức ở Brussels” đừng nên xía vào chuyện của Hungary.
TIÊU ĐIỂM
Cuộc cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu đã đi được nửa đường
Cuộc đại tu quy tắc thuế doanh nghiệp toàn cầu lớn nhất thế kỷ có thể sẽ đạt một tiến bộ quan trọng vào cuối tuần này. Các bộ trưởng tài chính G20 sẽ lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận do OECD dàn xếp nhằm hạn chế tránh thuế thông qua các thiên đường thuế. Thỏa thuận này bao gồm việc phân bổ lại quyền đánh thuế và quy định mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%. Khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng ý, bao gồm Mỹ, hầu hết EU và (dự kiến) Trung Quốc.
Nếu mọi chuyện ổn thỏa, các chi tiết cuối cùng sẽ được thống nhất tại cuộc họp G20 vào tháng 10 tới. Nhưng vẫn còn đó một số rào cản. Trong số các nước hoài nghi là Ireland vốn có quyền phủ quyết chính sách thuế của EU. Hơn nữa EU còn phải giải quyết tranh cãi với Mỹ về “thuế dịch vụ kỹ thuật số” được lên kế hoạch từ trước, mà theo người Mỹ là phân biệt đối xử đối với các gã khổng lồ công nghệ họ. Còn ở Mỹ, chính quyền Biden sẽ phải chiến đấu để thỏa thuận được Quốc hội thông qua.
ECB công bố mục tiêu lạm phát đối xứng
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Âu bị trói chân bởi chính thành công của họ. Với mong muốn thiết lập uy tín trong việc ngăn chặn lạm phát, vào năm 2003 họ đã đồng ý hạn chế lạm phát ở mức “dưới, nhưng gần bằng 2% trong trung hạn”. Song kể từ 2013 lạm phát đã thấp hơn nhiều mức đó. Hôm qua họ công bố mục tiêu lạm phát đối xứng vào khoảng 2%, tức việc vượt mục tiêu giờ đây cũng sẽ được coi là vấn đề nghiêm trọng cần xử lý như khi dưới mục tiêu. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng hứa hẹn các biện pháp “đặc biệt mạnh mẽ hoặc kiên trì” khi lãi suất không thể giảm xuống nữa và kỳ vọng lạm phát thấp bám rễ.
Cách tiếp cận mới đơn giản hơn cách cũ. Nhưng cả bà Lagarde cũng như người tiền nhiệm Mario Draghi trước đó đều nói họ sẽ chấp nhận lạm phát trên 2%. Vậy tại sao mọi người nên tin tưởng họ vào thời điểm này? Khi được hỏi vậy, bà Lagarde chỉ ra sự nhất trí của Hội đồng Quản trị ECB và các bài học kinh nghiệm về cách mà chính sách tài khóa và tiền tệ có thể hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng vì không có các công cụ mới trong khi mục tiêu không đổi nên nhiều người vẫn nghi ngờ.
Nam Sudan 10 năm nhìn lại
Nam Sudan vốn được sinh ra trong niềm lạc quan tràn trề, khác hẳn không khí ảm đạm của dịp kỷ niệm 10 năm thành lập quốc gia này vào hôm nay. Tổng thống Salva Kiir cầm quyền suốt từ khi nước này độc lập khỏi Sudan, trong khi đảng của ông trở nên tàn bạo, tham nhũng và bất tài. Hầu như chẳng ai được lợi gì từ độc lập trừ giới tinh hoa chính trị.
Phe thân phương Tây của đất nước phải chịu một phần trách nhiệm. Các quan chức Mỹ đã vô cùng ngây thơ khi trao cuốn “Chủ nghĩa tư bản và tự do” của Milton Friedman cho các lãnh chúa chuẩn bị đổi quân phục lấy bộ vest. Trên bình diện toàn cầu Nam Sudan là nước khó kinh doanh thứ sáu, theo Ngân hàng Thế giới, và đứng cuối cùng trong chỉ số tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Nhưng cũng có thể lạc quan một cách thận trọng. Một thỏa thuận mong manh chấm dứt cuộc nội chiến 5 năm của Nam Sudan vào năm 2018 đã giúp dập tắt xung đột giữa các bộ tộc. Các nhà ngoại giao kỳ vọng nó có thể được ghép thành một thỏa thuận chia sẻ quyền lực lớn hơn. Tuy nhiên thực sự cần thiết là việc ông Kiir từ chức, một điều dường như không thể.
Chính trị Bulgaria bế tắc
Kể từ tháng 4 chính trị của quốc gia nghèo nhất EU Bulgaria đã ở trong tình trạng mơ hồ. Đảng của Boyko Borisov, thủ tướng cầm quyền suốt từ năm 2009, về nhất trong các cuộc bầu cử nhưng không thể thành lập chính phủ. Tương tự là phe đối lập, những người chỉ có một điểm chung là ghét ông Borisov. Vì vậy Chủ nhật này người dân Bulgaria lại đi bỏ phiếu.
Khối chống Borisov lần này có vẻ sẽ nhận được nhiều phiếu hơn một chút, nhờ các cáo buộc gần đây về tham nhũng cấp cao, nghe lén các nghị sĩ đối lập và mua phiếu bầu. Bất kể ai thắng, thì vấn đề đầu tiên chính phủ mới phải giải quyết cũng sẽ là liệu có nên dỡ bỏ quyền phủ quyết để cho phép Bắc Macedonia tiến hành đàm phán gia nhập EU hay không. (Bulgaria phủ quyết vì cho rằng nước láng giềng từ chối thừa nhận lịch sử và ngôn ngữ Macedonia có nguồn gốc từ Bulgaria). Vụ này đã khiến các nước thành viên EU ủng hộ Bắc Macedonia tức giận; trong khi các nước tây Balkan có kỳ vọng gia nhập EU thì lo ngại nó đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.
http://nghiencuuquocte.org/2021/07/09/the-gioi-hom-nay-09-07-2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét