Văn Tâm
Thanh Hải Vô Thượng Sư không được chính quyền Việt Nam xem là một giáo phái bình thường.
Vào tháng 3/2021, báo Tuổi Trẻ đưa tin giáo phái này đã liên hệ với Hội Chữ thập đỏ, chính quyền ở một số các địa phương để tài trợ cho các hoạt động từ thiện nhằm truyền bá “tà đạo”. [1]
Tại Trung Quốc, giáo phái này cũng đã bị chính quyền gắn mác là “tà đạo”. [2]
Tuy nhiên, giáo phái do một phụ nữ Việt Nam sáng lập này lại hoạt động hợp pháp ở nhiều nước như Đài Loan, Mỹ, Úc. Giáo phái này được cho là có khoảng 2 triệu tín đồ, trong đó có khoảng 300.000 tín đồ ở Đài Loan vào năm 2015. [3]
Tính đến tháng 4/2021, Thanh Hải Vô Thượng Sư chỉ là một trong 85 “đạo lạ” tại Việt Nam, theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ. [4]
“Đạo lạ” hay “tà đạo” là gì? Chúng có thật sự nguy hiểm như lời tuyên truyền của chính quyền?
***
“Tà đạo, đạo lạ” được các nhà nghiên cứu Việt Nam gọi chung là “hiện tượng tôn giáo mới”. [5]
Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu về “hiện tượng” này, nhưng đến nay vẫn chưa thể giúp nhà nước đưa ra một khái niệm chính thức. [6]
Năm 2014, Bộ Nội vụ từng đưa khái niệm về “tà đạo” trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. [7]
Theo đó, “tà đạo là hoạt động mang hình thức tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân hay nhóm người trái pháp luật, xâm phạm an ninh trật tự, trái với thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên, dự thảo này đã không được ban hành. Thay vào đó, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được ban hành vào năm 2016. [8] Khái niệm về “tà đạo” của Bộ Nội vụ không được nêu trong luật này.
Trong một bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo vào năm 2019, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Đoài, Hiệu trưởng trường Đại học An ninh Nhân dân, cho rằng “tà đạo là một loại đạo lạ (so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống) nhưng khuynh hướng hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa, vi phạm pháp luật”. [9] Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là khái niệm chính thức của chính quyền.
Tòa án Việt Nam cũng chưa ra phán quyết nào có đưa ra khái niệm hay cách hiểu về “tôn giáo mới”, “tà đạo” hay “đạo lạ”.
Dù chưa có khái niệm chính thức nhưng cả chính quyền, công an, báo chí nhà nước đều không ngần ngại khẳng định một số nhóm hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng là “tà đạo”, chẳng hạn như Pháp Luân Công, Pháp Môn Diệu Âm, Hà Mòn, Giê-Sùa, Canh tân Đặc sủng. [10]
Dưới đây là bốn vấn đề có thể làm bạn suy nghĩ lại về những diễn ngôn tuyên truyền của chính quyền về các tôn giáo mới.
1. Không thờ cúng tổ tiên là “tà đạo”?
Phá hoại truyền thống dân tộc hay xa rời chuẩn mực đạo đức và văn hóa truyền thống dân tộc là một trong những lý do chính quyền dùng để trấn áp các tôn giáo mới. [11]
Ví dụ như báo Lao Động khẳng định Hội thánh Đức Chúa trời Mẹ chính là tà giáo vì đập bỏ bát hương, bàn thờ, không thờ cúng tổ tiên, ông bà; [12] báo Nhân Dân cũng khẳng định Hội thánh Đức Chúa Trời hoạt động tà đạo đi ngược truyền thống văn hóa dân tộc. [13] Trong bài viết về Thanh Hải Vô Thượng Sư, báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời chính quyền gọi nhóm này là “tà đạo” một phần vì không thờ cúng ông bà tổ tiên. [14]
Lý do này vừa nghe có vẻ lọt tai, nhưng việc chính quyền mặc định hoạt động tôn giáo phải gắn liền với truyền thống dân tộc là không có cơ sở.
Tôn giáo không có nhiệm vụ củng cố truyền thống dân tộc. Việc có thờ cúng tổ tiên hay không là quan điểm riêng của các tôn giáo. Khi đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam, các giáo sĩ cũng đã xem thờ cúng người chết là không phù hợp với giáo lý của đạo này. Thời điểm đó, Công giáo cũng từng bị cho là tà đạo. Đến năm 1964, Bộ Truyền giáo Vatican mới chấp nhận đề nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc thờ cúng tổ tiên với những hướng dẫn cụ thể. [15]
Trước thập niên 90, Đảng Cộng sản Việt Nam từng khuyến khích người dân không thờ cúng tổ tiên, coi đó là mê tín dị đoan hay tục lệ vô nghĩa. [16]
Cuối thập niên 90, khi tinh thần kháng chiến chống ngoại xâm đã hết tác dụng và khiến đất nước cô lập với thế giới, chính quyền bắt đầu thay đổi quan điểm vì nhận ra thờ cúng tổ tiên có tiềm năng kích hoạt chủ nghĩa dân tộc, thu hút người Việt ở nước ngoài trở về quê hương. Đến năm 2004, thờ cúng tổ tiên mới được công nhận là truyền thống của quốc gia trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo.
2. Phóng đại về hậu quả khi tham gia các tôn giáo mới
Bảo vệ lợi ích người dân là một lý do hiệu quả khác giúp chính quyền thẳng tay trấn áp các tôn giáo mới.
Trong năm qua, hệ thống tuyên truyền của nhà nước tập trung lên án Pháp Luân Công gây ra những hậu quả tiêu cực về sức khỏe cho các học viên, thậm chí tận dụng vụ án mạng ở Bình Dương để lên án môn phái này. [17]
Việc một số học viên Pháp Luân Công không điều trị y tế khi có bệnh nặng là có thật, nhưng ở chiều ngược lại, cũng có rất nhiều người khẳng định họ nhận được lợi ích từ việc tập Pháp Luân Công. Chính quyền và báo chí nhà nước không hề nhắc đến mặt tích cực này.
Ở Tây Nguyên, chính quyền tuyên truyền rằng nếu tham gia vào các tổ chức tôn giáo mới như Hà Mòn, [18] Hội thánh Tin Lành Đấng Christ, [19] hay các nhóm Tin Lành tư gia tự phát, người dân sẽ không lo làm ăn, suốt ngày cầu nguyện, vượt biên trái phép, không đi bệnh viện chữa bệnh và kết thúc với những bản án tù vì chống chính quyền.
Trao đổi với Luật Khoa, một số người Thượng ở Tây Nguyên là thành viên của các tổ chức tôn giáo nói trên cho biết họ tham gia những tổ chức này một cách ôn hòa, không chống chính quyền, không mê tín dị đoan, từ bỏ các tục lệ lạc hậu. Điều này cũng không được chính quyền, báo chí nhắc đến.
Dùng những trường hợp tiêu cực cá biệt để quy kết cho hoạt động của cả một tổ chức, nhóm tôn giáo là chiến thuật được nhà nước ưa chuộng trong nhiều năm qua.
Eileen Barker, giáo sư danh dự về xã hội học tôn giáo của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) cho rằng không có một hành vi xấu nào của các giáo phái mới (như tẩy não, dị đoan, âm mưu hoạt động chính trị, độc tài, lừa đảo, tình dục sai trái) mà không thể tìm thấy ở các tôn giáo chính thống. [20]
Dẫn chứng của lập luận này không khó tìm. Nổi bật có thể kể đến các cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em trong Hội thánh Công giáo; hay mới đây tại Việt Nam, Tòa Giám mục Đà Lạt đã “treo chén”, tạm thời cấm một linh mục hoạt động vì tự tiện tham gia vào một nhóm trừ quỷ. [21]
3. Ngăn chặn các tôn giáo mới: Đã làm từ lâu nhưng chưa bao giờ thành công
Từ sau năm 1975, chống lại các tôn giáo mới, đạo lạ đã được nhà nước thực hiện ráo riết trên toàn đất nước, chẳng những không thể ngăn chặn mà các tôn giáo mới còn gia tăng không ngừng.
Theo số liệu của Ban Dân vận Trung ương năm 1997, Việt Nam có 32 “hiện tượng tôn giáo mới” với khoảng 56.835 người tin theo, có mặt ở 30 tỉnh/thành. [22]
Đến năm 2021, Ban Tôn giáo Chính phủ thống kê cả nước có khoảng 85 “đạo lạ”. [23]
Bài điều tra về Pháp môn Diệu Âm của Luật Khoa vào năm 2020 cho thấy, để tránh bị công an đàn áp, nhóm này đã tổ chức những buổi sinh hoạt kín đáo cho thành viên mới, sử dụng mạng xã hội để truyền bá tôn giáo của mình, tổ chức hội họp công khai ở nước ngoài với phần lớn tín đồ là người Việt Nam. [24]
Dự án Dữ liệu Lịch sử Tôn giáo của trường Đại học British Columbia đưa tin các tín đồ Thanh Hải Vô Thượng Sư có những trung tâm thiền bí hiểm tại Hà Nội để tránh bị chính quyền trấn áp. [25] Tại thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm thiền của giáo phái này hoạt động công khai hơn. Cũng có những tín đồ tự thực hành bằng cách đọc các tài liệu của giáo phái từ Internet.
Năm 2018, Hội thánh Đức Chúa Trời bị nhà nước, báo chí tuyên truyền dồn dập là tà đạo và tổ chức trấn áp trên khắp cả nước. Đến nay, các nhóm tôn giáo này vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bí mật hơn.
Các hoạt động trấn áp tôn giáo mới của nhà nước không khiến các tín đồ từ bỏ. Thực tế cho thấy, càng bị đàn áp, họ sẽ càng lui vào bóng tối khiến chính quyền khó kiểm soát hơn.
4. Tôn giáo mới làm ảnh hưởng quyền lực của đảng, chính quyền
Các tôn giáo mới không được chính quyền Việt Nam chấp nhận không hẳn vì sự “xấu xa” như chính quyền thường đưa ra, mà phần nhiều là vì chính quyền chưa tin tưởng họ.
Với cái nhìn hiện nay của chính quyền thì Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài có thể bị xem ngay là tà đạo. Ví dụ như Phật giáo Hòa Hảo có giáo chủ tự xưng là đấng tiên tri, với đạo Cao Đài thì các tín đồ đầu tiên được cho là tình cờ nhận lệnh từ đấng tối cao qua các buổi “cầu cơ” nói chuyện với các vong hồn. Cả hai tôn giáo này đều có những hoạt động quân sự và chính trị công khai, triết lý tôn giáo kế thừa, pha trộn từ các tôn giáo khác.
Sau năm 1975, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo bị chính quyền mới coi là tổ chức chống cộng sản và bị cấm hoạt động trong một thời gian dài.
Hiện nay, chính quyền duy trì một quy trình nhiều bước và kéo dài để một tổ chức tôn giáo được công nhận chính thức. [26] Một tổ chức phải mất ít nhất là 5 năm từ khi được cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo thì mới đủ điều kiện xin công nhận tư cách tổ chức tôn giáo.
Những buổi sinh hoạt tôn giáo dù được tổ chức tại nhà riêng vẫn có thể bị coi là bất hợp pháp vì chính quyền lo ngại các “âm mưu” chính trị, lợi dụng hoạt động tôn giáo để đòi ly khai, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên. [27]
Nỗi ám ảnh về việc quyền lực có thể bị các tổ chức tôn giáo ảnh hưởng là một phần lý do khiến chính quyền Việt Nam quyết tâm loại bỏ các tổ chức tôn giáo mới từ trong trứng nước.
https://www.luatkhoa.org/2021/07/the-nao-la-ta-dao-4-van-de-ve-cac-ton-giao-moi-chinh-quyen-khong-muon-ban-biet/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét