The Diplomat - Tác giả: David Hutt
Dương Lệ Chi, chuyển ngữ
Sau nhiều thập niên cưỡng đoạt, cả trên thực tế lẫn tưởng tượng, Việt Nam vẫn là ông kẹ chính của chủ nghĩa dân tộc Campuchia.
Các tổ chức nhân quyền nổi tiếng ở Campuchia đã phớt lờ sự phân biệt đối xử và vi phạm đối với cộng đồng người gốc Việt ở nước này, do lo sợ phản ứng dữ dội từ những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người ủng hộ đảng đối lập hiện đã giải thể, theo các nguồn tin nói với tạp chí The Diplomat.
Chẳng hạn, kể từ đầu tháng 6, chính quyền Campuchia đã trục xuất hàng trăm người Việt ra khỏi những căn nhà nổi của họ trên bờ sông Tonle Sap, có vẻ như là một phần của việc “dọn sạch” thủ đô, trước khi Campuchia đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN trong năm sau và đăng cai SEA Games năm 2023.
Tuy nhiên, vấn đề này chỉ nhận được sự quan tâm hạn chế, chủ yếu là bình luận trên các bản tin, từ các nhóm nhân quyền. Trong một bài báo ngày 15/6 của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Seoung Senkarona, người phát ngôn của nhóm Adhoc, một nhóm nhân quyền địa phương, đã được diễn giải rằng, ông “ủng hộ lệnh trục xuất, nhưng các nhà chức trách nên lắng nghe yêu cầu của người dân vùng sông nước và cho họ đủ thời gian để dọn đi nơi khác”.
Nhóm Adhoc thường xuyên đưa tin về các công dân Việt Nam được cho là không có giấy tờ hợp pháp, đang làm việc ở Campuchia và [Adhoc] thường lên tiếng phản đối việc nhập cư bất hợp pháp, ngay cả khi không rõ những người di cư, thường là người gốc Việt, là công dân Việt Nam hay những người đã sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Cheap Sotheary, điều phối viên của Provincial Adhoc, được trích dẫn hồi tháng trước, kêu gọi các nhà chức trách làm nhiều hơn nữa để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Ông nói: “Ở tỉnh Preah Sihanouk, người nước ngoài đến ở và làm ăn bất hợp pháp và họ cũng lấy đi việc làm của người Campuchia”.
Vấn đề người Việt ở Campuchia rất phức tạp. Trong hơn một thế kỷ, Việt Nam là mục tiêu của những người theo chủ nghĩa dân tộc Campuchia (sau này càng nhiều hơn). Theo số liệu điều tra dân số chính thức từ năm 2013, có khoảng 63.000 người gốc Việt sống ở Campuchia, nhưng con số thực có thể cao hơn nhiều. Một tổ chức ước tính, có từ 400.000 đến 700.000 [người Việt ở Campuchia]. Một số người Việt ở Campuchia ngày nay là những người mới di cư, trong khi có nhiều người đã sống ở đất nước này qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử chính thức là, số đông không thể đòi hỏi có quyền công dân hoặc giấy tờ hợp pháp, có khoảng 90%, theo Tổ chức Quyền của Người thiểu số (Minority Rights Organisation) có trụ sở ở Phnom Penh. Điều này có nghĩa là, họ bị từ chối các quyền bầu cử, quyền sở hữu đất đai, và thậm chí quyền đi học, và do đó về cơ bản, họ là những người vô tổ quốc.
Theo các nguồn tin ở Campuchia, hầu hết trong số họ yêu cầu được giấu tên vì tính nhạy cảm của chủ đề này và lo sợ phản ứng dữ dội của công chúng, các tổ chức nhân quyền hàng đầu hiếm khi báo cáo chính thức về sự phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng người Việt. Được biết, các tổ chức này hoặc không quan tâm đến những vấn đề như vậy, hoặc cảnh giác khi đưa tin về chúng, có lẽ cũng sợ nhận được những lời đe dọa từ đông đảo công chúng, nếu họ lớn tiếng ủng hộ các cộng đồng dân Việt.
“Tình cảm chống Việt Nam lan rộng ở Campuchia, ngay cả trong những người tự xưng là bảo vệ nhân quyền”, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, đồng thời nói thêm rằng “không có gì đáng ngạc nhiên khi họ vẫn im lặng trước những sự kiện này”.
Thật vậy, tất cả những điều này không có gì mới. Năm 2000, Licadho, một trong ba nhóm nhân quyền nổi tiếng nhất của đất nước, đã đóng cửa một chương trình đặc biệt để hỗ trợ các dân tộc thiểu số sau phản ứng dữ dội của dân chúng. Năm 2014, Ou Virak, khi đó là người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR), đã nhận được lời đe dọa giết chết sau khi ông chỉ trích ngôn ngữ phân biệt chủng tộc mà các chính trị gia đối lập sử dụng. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Pung Chhiv Kek của Licadho từ chối bình luận về vấn đề này. Thật vậy, có rất ít sự đoàn kết từ các nhóm khác. Nhưng Tom Fawthrop là một nhà báo, đã khẳng định rằng, Pung Chhiv Kek nói với ông vào những năm 2000 rằng, “cô vô cùng thất vọng khi rất nhiều nhân viên trong tổ chức phi chính phủ của cô tại Licadho đã nuôi dưỡng sự bất bình đối với bất kỳ việc áp dụng các nguyên tắc nhân quyền nào, để che đậy sự phân biệt đối xử, chống lại dân Việt ở Campuchia”.
Các cuộc tìm kiếm không toàn diện những tài liệu lưu trữ của ba nhóm nhân quyền cho thấy, họ ít chú ý đến vấn đề phân biệt đối xử với những người gốc Việt, mặc dù đã có một số vụ trục xuất lớn trong các cộng đồng người Việt những năm gần đây, hầu hết bằng vũ lực, cũng như vấn đề vĩnh viễn về tình trạng ‘vô tổ quốc’ của họ. Trong khi Naly Pilorge, giám đốc của Licadho, lên tiếng phản đối việc trục xuất đang diễn ra với các cư dân gốc Việt, thì tuyên bố quan trọng cuối cùng của tổ chức về vấn đề này, có lẽ trong năm 2015, với tiêu đề: “Campuchia nên đăng ký, không trở lại, với những người xin tị nạn Việt Nam”. Không có tuyên bố cụ thể nào về việc phân biệt đối xử với người dân Việt dường như đã được CCHR công bố kể từ năm 2014 hoặc 2015. Tài liệu lưu trữ của Adhoc cũng rất thưa thớt.
“Khi nói đến các vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến người Campuchia gốc Việt, ba tổ chức nhân quyền, phi chính phủ lớn (Adhoc, Licadho, CCHR) có lịch sử giữ im lặng. Rõ ràng là họ thận trọng về việc lo ngại làm mất lòng những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc của họ”. Tim Frewer, một nhà nghiên cứu, đã nghiên cứu các cộng đồng dân tộc Việt trong nhiều năm, cho biết. Ông nói thêm: “Các tổ chức nhân quyền ở Campuchia đã ủng hộ những người này mà không thừa nhận những tư tưởng chủ nghĩa cực đoan của họ và khiến họ trở nên phổ biến trong số những người theo chủ nghĩa dân tộc”.
Người Việt Nam là ông kẹ lịch sử của chủ nghĩa dân tộc Campuchia, vì sự mở rộng từ từ của Việt Nam về phía Nam vào các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng do Vương quốc Campuchia kiểm soát, âm mưu xâm lược đất nước trong nhiều thế kỷ trước, và nhận thức rằng, người Việt được đối xử tốt hơn dưới sự cai trị của Pháp, với công dân Việt Nam thường làm công chức và thu thuế ở Campuchia thuộc địa.
Sau khi thủ lĩnh quân đội Lon Nol lật đổ chính phủ Norodom Sihanouk năm 1970, tạo ra một nước Cộng hòa Khmer tồn tại trong thời gian ngắn, chính phủ của ông đã tổ chức một chiến dịch “thanh lọc” sắc tộc trong các cộng đồng người Việt. Sau khi chính phủ Lon Nol rơi vào tay Khmer Đỏ năm 1975, chế độ cực đoan Maoist đã lãnh đạo cuộc diệt chủng chống lại các nhóm người thiểu số ở Campuchia, chủ yếu là người Việt Nam, người Chăm và người Hoa.
Tuy nhiên, những quan điểm phân cực ngày nay về Việt Nam và người dân Việt xoay quanh các sự kiện tháng 1 năm 1979, khi chế độ Khmer Đỏ bị Việt Nam lật đổ, đã “xâm lược” cùng với những người cộng sản do Hà Nội đào tạo và những người đào thoát khỏi Khmer Đỏ – gồm cả thủ tướng đương nhiệm Hun Sen, là người được cài vào thành một chế độ xã hội chủ nghĩa mới, do Việt Nam hậu thuẫn.
Đối với những người bên này của cuộc tranh luận, cứu quốc đến vào năm 1979 khi Khmer Đỏ bị lật đổ và đến thập niên 1990, cuộc nội chiến của đất nước kết thúc, hòa bình trở lại và sự phát triển kinh tế của đất nước bắt đầu khởi sự. Trong câu chuyện này, sự cứu rỗi của Campuchia là nhờ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc lật đổ chế độ diệt chủng.
Đối với phía bên kia, dẫn đầu bởi nhiều người có kinh nghiệm chính trị trong việc sống lưu vong hoặc trong nhóm đối lập có vũ trang, được chính phủ Việt Nam hậu thuẫn trong thập niên 1980, “cứu quốc” vẫn là một mục tiêu cần đạt được. Họ cho rằng Campuchia cần được cứu khỏi di sản của năm 1979 mà từ đó Campuchia đã trở thành một chính phủ bù nhìn của Việt Nam. Với những người bị ý kiến này thuyết phục, mọi thứ tồi tệ ở Campuchia đều bắt nguồn từ việc Việt Nam bị cáo buộc là tiếp tục thống trị đất nước, trong đó Hun Sen chỉ là một con rối của Hà Nội.
Ngay cả cái tên của Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập, hiện đã giải thể, cũng là một sự ám chỉ trực tiếp đến cuộc đụng độ lịch sử này. Nhóm người Campuchia đào tẩu, những người theo quân đội Việt Nam vào Phnom Penh năm 1979, được gọi là Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia. Thuật ngữ “Cứu nước” tiếng Khmer là sangkros cheat – cùng một cụm từ xuất hiện trong tên của đảng CNRP.
Phong trào đối lập đã trở thành tình cảm cốt lõi chống Việt Nam và chống người Việt trong các chiến dịch của nó kể từ thập niên 1990, mặc dù nó có xu hướng xóa bỏ sự khác biệt giữa nhà nước Việt Nam, công dân Việt Nam và người dân Việt sống ở Campuchia trong nhiều thế hệ. Sam Rainsy, nhân vật đối lập chính từ giữa thập niên 1990, nhiều lần phủ nhận việc ông sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc, gồm cả việc ông thường xuyên sử dụng từ yuon (tức Việt Nam: ND).
Năm 2014, ông tuyên bố các cáo buộc phân biệt chủng tộc là một “cuộc tranh cãi mang tính giải trí nước ngoài” do những người không hiểu biết về văn hóa Campuchia tấn công. Ví dụ, “samlor m’chou yuon” là “canh chua Việt Nam”, một món ăn được tìm thấy trong nhiều nhà hàng với cái tên [có chữ yuon] được coi là vô hại. Tuy nhiên, bối cảnh câu chuyện mới là vấn đề. Trên đường vận động tranh cử năm 2008, Sam Rainsy tuyên bố: “Nếu tôi thắng cuộc bầu cử này, tôi sẽ trả những người nhập cư yuon (Việt) về nước họ“. Trong một bài phát biểu năm 2013, ông tuyên bố: “Yuon (Người Việt) đang chiếm đất của người Khmer để giết người Khmer … Trong các công ty yuon (người Việt), họ chỉ tuyển dụng người quản lý yuon (Việt), người Campuchia chỉ là công nhân“.
Thật vậy, Rainsy đã bị chính quyền Liên Hiệp Quốc kiểm duyệt trước cuộc tổng tuyển cử năm 1993 vì việc ông ta sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc. Vào dịp đó, ông thừa nhận đã sử dụng sự phân biệt chủng tộc trong ngôn ngữ của mình. “Có lẽ từ ‘youn’ hơi đáng tiếc. Nhưng đó là một thói quen và ở đây tôi không có ý định giáo dục người dân”, ông ta nói.
Kem Sokha, người đồng sáng lập đảng CNRP khi nó hợp nhất với Đảng Nhân quyền của ông hồi năm 2012, trước đây là người sáng lập Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR). Thật ra, Kem Sokha thường đi xa hơn Sam Rainsy trong những bài diễn văn chống Việt Nam. Năm 2010, một vụ giẫm đạp trên cầu ở Phnom Penh trong một kỳ nghỉ lễ ở địa phương, đã giết chết 353 người, khiến hàng trăm người bị thương. Bốn năm sau, phát biểu trước một đám đông tại một ngôi chùa, Kem Sokha cáo buộc người Việt Nam đứng sau thảm kịch. “Họ đã tạo ra hiện trường để giết người Khmers ở Koh Pich”, ông ta nói, đề cập đến một hòn đảo nhỏ ở thủ đô. Ông nói, đó là một âm mưu “xóa bỏ chủng tộc, truyền thống và văn hóa Khmer”.
Sopheap Chak, giám đốc điều hành của CCHR, nói rằng, những bình luận của Kem Sokha được đưa ra sau khi ông ta rời khỏi tổ chức. Cô nói thêm: “Bất kể những nhận xét này được đưa ra vào thời điểm nào, chúng hoàn toàn không phản ánh công việc, sứ mệnh hoặc giá trị của CCHR”. Các quan chức từ Adhoc và Licadho đã không trả lời yêu cầu bình luận. Nhưng Sopheap Chak đã đáp lại những cáo buộc khi nói rằng, “CCHR đã lên tiếng về chủ đề phân biệt đối xử mà người dân Việt phải đối mặt ở Campuchia”.
Cô lưu ý rằng, hồi tháng 9/2013, CCHR đã ban hành một tuyên bố, hoan nghênh cam kết rõ ràng của CNRP trong việc chống lại sự phân biệt chủng tộc, và hồi tháng 12 năm đó cũng đã công bố một thông cáo báo chí, khiển trách Sam Rainsy quay lại cam kết này sau một lần nữa sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc. Tổ chức này cũng đã ký một thông cáo báo chí hồi tháng 2/2014 sau khi đám đông giết chết một người đàn ông gốc Việt ở Phnom Penh.
Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một nhóm quốc tế, cũng bị một số nguồn tin cáo buộc là đã xem nhẹ vấn đề này, cho biết, tổ chức của ông “lo ngại nghiêm trọng trước tình trạng phân biệt đối xử và lạm dụng liên tục của các cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia… Không còn nghi ngờ gì nữa, người dân Việt nằm trong số những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Campuchia, và một lý do chính là vì sao họ thiếu tình trạng sống hợp pháp và sự phân biệt đối xử có hệ thống gây ra bởi sự thiếu đó”.
Ở Campuchia, “sắc tộc và lịch sử gắn liền với nhau không thể tách rời”, Sophal Ear, phó giáo sư về Ngoại giao và Các vấn đề Thế giới tại Trường Cao đẳng Occidental College ở Los Angeles, lưu ý. “Tất nhiên nó bị che khuất bởi chính trị; mọi thứ ở Campuchia đều bị che khuất bởi chính trị, nhưng chúng tôi phải vượt lên trên điều này”, ông nói.
Tuy nhiên, các nguồn khác nghiêm trọng hơn. “Tại một số thời điểm, các nhà tài trợ bên ngoài cần hỏi: Nếu bạn không bảo vệ quyền của tất cả các nhóm ở Campuchia, bạn có thật sự đủ tiêu chuẩn là một tổ chức nhân quyền không? Bạn có thật sự xứng đáng nhận được nguồn tài trợ từ bên ngoài?” Một nguồn tin nói: “Đó là một câu hỏi đã bị đá xuống đường quá xa, quá lâu, bởi quá nhiều người”.
https://baotiengdan.com/2021/07/07/cac-nhom-nhan-quyen-o-campuchia-co-bo-mac-nguoi-viet-nam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét