Hiếu Chân
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn trong bộ y phục giống hệt cố Chủ tịch Mao Trạch Đông; phải chăng ông ta muốn là một phiên bản Mao mới?
Thiên An Môn (Tiananmen)- cửa vào cõi trời an bình – là cánh cổng cao chót vót dẫn vào Tử Cấm Thành Bắc Kinh, tức là hoàng cung, nơi sinh sống của các vị hoàng đế Trung Hoa xưa. Ngày nay, trước Thiên An Môn là một quảng trường rộng 215,730 mét vuông (53,31 acres), bao quanh là các cơ quan, địa chỉ văn hóa quan trọng của Trung Quốc như Đài Anh hùng Liệt sĩ, Đại sảnh đường Nhân Dân, Viện Bảo tàng quốc gia và lăng Mao Trạch Đông.
Tại quảng trường này, tháng Mười năm 1949, Chủ tịch Mao Trạch Đông đọc tuyên ngôn thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Từ đó trở đi Quảng trường Thiên An Môn là nơi tổ chức những lễ lạt quan trọng của Trung Quốc.
Đây cũng là nơi năm 1989 sinh viên Trung Quốc đã có cuộc biểu tình, tuyệt thực kéo dài, khiến đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc phải điều động quân đội tới đàn áp, gây ra vụ thảm sát Thiên An Môn chấn động thế giới với hàng ngàn người bị giết chỉ trong một đêm.
Hôm 01 Tháng Bảy vừa qua, hơn 70.000 người tập trung Trung Quốc đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn để kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Và một cảnh tượng mang tính biểu tượng cao đã diễn ra trước mắt họ.
***
Trên cổng Thiên An Môn có ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nhà nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bộ đồ “đại cán” màu xám kiểu Mao. Ngay dưới chân ông ta là chân dung Mao Trạch Đông, cũng mặc một bộ đại cán kiểu Mao màu xám giống hệt như ông Tập. Khi ông Tập giơ tay phải lên vẫy chào vào cuối buổi lễ, động tác đó là một bản sao chính xác của các bức tượng Mao đứng vẫy tay trên khắp đất nước.
Hiệu ứng hình ảnh tạo ra trên cổng Thiên An Môn ám chỉ cho người dân rằng một lúc nào đó trong tương lai, ông Tập sẽ vươn lên vị thế ngang hàng với ông Mao, người cha sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Câu hỏi đặt ra rất đơn giản: Liệu đất nước đã sẵn sàng cho một ông Tập hùng mạnh hơn chưa?
Điều thú vị là trong khi đám đông chứng kiến sự cạnh tranh giữa Tập và Mao, những người ngồi nhà xem ti vi thì không thấy. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do đảng Cộng sản điều hành đã khôn khéo sử dụng biển cờ đỏ năm sao được đám đông cổ vũ vẫy lên để che bức chân dung ông Mao nằm dưới chân ông Tập.
Việc ông Tập chọn một bộ đồ “đại cán” kiểu Mao màu xám là chuyện không bình thường. Tại các cuộc duyệt binh ở trong nước và tiệc chiêu đãi ở nước ngoài, ông Tập luôn mặc một bộ đồ Mao màu đen. Lần này, màu xám nhạt rõ ràng làm cho ông Tập nổi bật lên bên cạnh Thủ tướng Lý Khắc Cường và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào – hai người đứng hai bên ông Tập, mặc bộ vest tối màu bình thường và đeo cà vạt đỏ. Buổi lễ trông giống như một buổi biểu diễn solo của một người được dàn dựng rất kỹ.
Một lưu ý nhỏ, bộ đồ gọi là đồ đại cán kiểu Mao có nguồn gốc từ đồng phục của học sinh Nhật Bản hồi thế kỷ trước. Người đưa kiểu đồ đó vào Trung Quốc là bác sĩ Tôn Dật Tiên, cha đẻ của cách mạng Trung Quốc, người có nhiều năm sinh sống tại Nhật Bản trước khi về nước lãnh đạo cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, lật đổ triều đại nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. Ở Trung Quốc, bộ đồng phục của học sinh Nhật Bản trở thành bộ đồ Trung Sơn, gọi theo biệt danh của ông Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn). Bộ đồ ông Tập mặc là phiên bản sửa đổi của bộ đồ Trung Sơn.
***
Trong chín năm cầm quyền vừa qua, ông Tập đã thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp quốc gia và loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với chức vụ chủ tịch Trung Quốc. Nhưng ông mới chỉ đi được một nửa quãng đường tới mục tiêu trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại của Trung Quốc ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội toàn quốc tiếp theo vào mùa thu năm 2022 và đây sẽ là thời điểm quan trọng đối với ông Tập. Vẫn còn nhiều điều chưa rõ, chẳng hạn như liệu ông Tập sẽ cố gắng giành thêm một nhiệm kỳ thứ ba, tức thêm 5 năm nữa, ở chức vụ tổng bí thư đảng (sau khi đã có thể làm chủ tịch nhà nước suốt đời) hay ông ta sẽ khôi phục chức danh chủ tịch đảng, một chức danh từng được Mao sử dụng làm lãnh đạo vĩnh viễn nhưng đã bị bãi bỏ dưới thời Đặng Tiểu Bình. (Theo thông lệ của các đảng Cộng sản, chức danh “chủ tịch đảng” chỉ dành cho những người có công sáng lập ra đảng như ông Mao, ông Hồ Chí Minh; những thế hệ lãnh đạo kế tiếp chỉ có chức danh cao nhất là tổng bí thư, tối đa hai nhiệm kỳ, như các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào ở Trung Quốc, Lê Duẩn, Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam).
Đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra sau một năm và vài tháng nữa, nhưng bây giờ ông Tập cần thực hiện một cuộc khảo sát mẫu với phản ứng của 70.000 người có mặt trên Quảng trường Thiên An Môn.
Tại Trung Quốc, không có cuộc thăm dò dư luận chính thức nào để đo lường mức độ ủng hộ ông Tập của người dân. Nhưng theo giới quan sát, uy tín của ông Tập đã tăng lên đối với những người dân bình thường, phần lớn là do cuộc chiến chống tham nhũng của ông. Sau chín năm tại vị của ông, câu chuyện “chống tham nhũng” chắc chắn đã mất đi sự tươi mới. Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ ủng hộ ông Tập được cho là đã tăng trở lại khi Trung Quốc ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19, một dấu hiệu là trong cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Thiên An Môn, hầu hết người tham dự đều không đeo khẩu trang.
***
Một khía cạnh đáng chú ý của bài phát biểu Thiên An Môn là ông Tập không thèm nói về lịch sử của đảng Cộng sản Trung Quốc và những khuyết điểm của nó như cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976. Cách mạng Văn hóa là một chiến dịch chính trị do Mao phát động để giành lại vị trí đã mất trong cuộc tranh giành quyền lực. Nó đã cướp đi sinh mạng nhiều nạn nhân. Việc ông Tập bỏ qua những lỗi lầm trong quá khứ đã làm dấy lên lo ngại trong và ngoài đảng.
Những người từ 50 tuổi trở lên, từng trải qua cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 vẫn đặc biệt dị ứng với cuộc đàn áp tự do ngôn luận và xu hướng sùng bái cá nhân ông Tập cũng như sự rời bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể truyền thống do ông Đặng lập ra để tránh đi vào vết xe đổ của chế độ độc tài cá nhân thời kỳ ông Mao.
Có thể với những lo lắng như vậy, trong bài phát biểu dài 65 phút, ông Tập chỉ tập trung quảng cáo những thành tựu to lớn mà ĐCSTQ đã đạt được và không nói tới bất kỳ chính sách mới nào. Một trong số ít những đoạn văn khiến người xem phải kinh ngạc là về Đài Loan. Ông nói: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện sự thống nhất hoàn toàn của Trung Quốc là một sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là nguyện vọng chung của tất cả những người con trai và con gái của dân tộc Trung Hoa.”
Trước 70.000 người ở Quảng trường Thiên An Môn theo dõi sự gần gũi giữa Mao và Tập, ông Tập gửi ra một thông điệp: Tôi là người duy nhất có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó và do vậy sẽ đi vào lịch sử. Vì lý do đó, tôi sẽ nhắm đến địa vị của Mao.
Bài phát biểu của ông Tập đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Thế thì, ông muốn gửi thông điệp gì đến phần còn lại của thế giới?
“Chúng tôi nhiệt tình tìm hiểu những bài học có thể học từ thành tựu của các nền văn hóa khác và hoan nghênh những đề xuất hữu ích và những lời chỉ trích mang tính xây dựng”, ông nói trong một biểu hiện khiêm tốn khác thường. Nhưng đáng chú ý là ngay sau đó, ông đưa ra một lời cảnh báo sắc bén: “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chấp nhận những lời rao giảng cao đạo từ những người cảm thấy họ có quyền giảng bài cho chúng tôi.”
Sau đó, ông Tập tiếp tục nói về quyết tâm của ông làm cho Trung Quốc có một quân đội đẳng cấp thế giới, ngang ngửa với các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ. Bằng ngôn ngữ gợi nhớ đến Mao, người nổi tiếng với câu nói “quyền lực chính trị sinh ra từ nòng súng”, ông Tập nói rằng đảng phải chỉ huy súng (quân đội) thực hiện một quốc gia mạnh, một quân đội mạnh.
Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục chúng tôi. Bất cứ ai cố gắng làm như vậy sẽ thấy mình va chạm với một bức tường thép vĩ đại được rèn bởi hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc.”
Tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của đảng vào ngày 31 tháng Năm vừa qua, ông Tập đã đưa ra mệnh lệnh hướng tới một Trung Quốc “đáng tin, đáng yêu và đáng kính”. Nhưng bài phát biểu của ông tại Quảng trường Thiên An Môn vào tuần trước đã khiến thế giới có ấn tượng rằng Trung Quốc đang chơi rắn và cương quyết đi theo chính sách ngoại giao “chiến binh sói” của mình.
***
Nếu các cấp trên của đảng theo dõi cuộc bàn tán trên internet liên quan đến bộ đồ Mao màu xám của ông Tập, họ sẽ nhận ra sự im lặng gần như hoàn toàn. Hiện tại, cư dân mạng Trung Quốc dường như không còn tâm trạng để bàn tán trực tiếp về vụ việc trên mạng xã hội. Không rõ liệu người Trung Quốc đang thực hiện tự kiểm duyệt đối với một vấn đề nhạy cảm về chính trị hay ý kiến của họ trên mạng trực tuyến đã bị chính quyền xóa đi.
Các manh mối về việc liệu ông Tập có thể tiến thẳng lên địa vị ngang bằng ông Mao hay không, hay liệu ông sẽ phải lo đặt nền móng và đi theo đường vòng, sẽ bắt đầu xuất hiện trong kỳ họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19 vào mùa thu này.
Tại một kỳ họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào mùa thu năm 2016, ông Tập bắt đầu được coi là “lãnh đạo cốt lõi” của đảng. Năm sau, tại một đại hội toàn quốc của đảng, “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới” đã được ghi vào cương lĩnh của đảng – điều chưa từng có ở những người tiền nhiệm của ông ta như các tổng bí thư Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào.
Kỳ họp toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng sẽ là bước mở đầu quan trọng cho Đại hội toàn quốc năm 2022 của Đảng.
Trước kỳ họp, trong mùa hè này sẽ diễn ra “hội nghị Bắc Đới Hà” quy tụ các nhà lãnh đạo đương nhiệm của đảng và những “lão thành” của đảng đã nghỉ hưu, tại khu nghỉ mát ven biển Beidaihe, tỉnh Hà Bắc, nơi các cuộc thảo luận không chính thức về các vấn đề quan trọng của đảng và đất nước được tổ chức hàng năm trong những gian phòng đóng kín cửa.
Giang Trạch Dân, cựu Chủ tịch Trung Quốc, cựu Tổng bí thư, đã vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng. Trong tình hình đó, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người đứng bên cạnh ông Tập trong buổi lễ, sẽ đóng một vai trò quan trọng.
(theo Asia Nikkei Review)
https://saigonnhonews.com/thoi-su/trung-quoc/bo-ao-cua-mao-va-tham-vong-cua-tap/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=bo-ao-cua-mao-va-tham-vong-cua-tap
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét