Phải nhìn nhận một sự thực là hiện nay chúng ta có rất nhiều lao động trí óc nhưng chỉ có rất ít trí thức và đó đã là lý do khiến phong trào dân chủ không khởi sắc được. Nó cần những người mà chúng ta không có đủ. Điều chúng ta mong đợi ở trí thức Việt Nam vào thời điểm này chỉ giản dị là mỗi người tự đặt cho mình và tự trả lời cho mình câu hỏi : mình có phải là trí thức không, hay chỉ là một người lao động trí óc. Trả lời thế nào cũng được, điều quan trọng là câu hỏi.
Nhà báo và đạo diễn Song Chi vừa phỏng vấn tôi về trí thức Việt Nam và văn hóa nhân sĩ. Hai năm trước một nhà báo và nhà bình luận nữ kiệt xuất khác, Phạm Thị Hoài, cũng thảo luận với tôi trong cùng đề tài này. Hình như phụ nữ quan tâm tới chân dung và vai trò của trí thức hơn là nam giới. Phải chăng vì trong xã hội Việt Nam trí thức chủ yếu được hiểu là một giai cấp dành cho phái nam và các "trí thức nam giới" này quá mệt mỏi để nghĩ về mình ?
Hai nhà báo nữ này quan tâm đến những vấn đề khác nhau của trí thức Việt Nam. Phạm Thị Hoài (1) muốn thảo luận về văn hóa nhân sĩ và cách đấu tranh chính trị nhân sĩ, Song Chi muốn nhận diện và đánh giá vai trò của trí thức Việt Nam trong cuộc vận động dân chủ hiện nay. Tuy vậy cả hai chủ đề đều dẫn đến thảo luận về lý lịch và hoàn cảnh của trí thức Việt Nam.
Chân dung và cuộc hành trình của trí thức Việt Nam
Trí thức Việt Nam là ai ?
Trước hết là một lời biện hộ chân tình. Cần nhận định là chúng ta đã tiến khá nhanh. Trái với sự tự hào của nhiều người, vùng Đông Nam Á, nơi tổ tiên chúng ta sinh sống, vào thời tiền sử thưa thớt, mức độ tập trung không đủ để làm xuất hiện một nền văn minh mạnh. Có thể nói, chúng ta đã chỉ thực sự phát triển từ khi tiếp xúc với hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ. Đầu Công nguyên, khi người Trung Quốc đến, chúng ta chậm trễ so với họ ít nhất 2000 năm. Vào thế kỷ 18, khi những tiếp xúc với phương Tây đã dồn dập, chúng ta tụt hậu so với Phương Tây khoảng 1.500 năm, còn tụt hậu khoảng 200 năm so với Trung Quốc. Ngày nay, sau ba thế kỷ, chúng ta còn tụt hậu so với các nước tân tiến khoảng 50 năm. Những ước tính rất sơ sài đó cho thấy chúng ta đã tiến lên khá nhanh và không cần phải có mặc cảm nào cả. Nếu không có cuộc nội chiến 30 năm 1945-1975 thì chắc chắn chúng ta còn khá hơn nhiều. Tuy nhiên trong cố gắng bắt kịp sự chậm trễ này, chúng ta cũng như các nước Đông Nam Á khác đã phải dồn sức để học và bắt chước nên khó có thể suy nghĩ, đào sâu và sáng tạo. Sự hời hợt về tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị, là tự nhiên. Cần hiểu như thế để không nên có mặc cảm vì những yếu kém của mình nhưng đồng thời cũng nhìn thấy sự cần thiết của những cố gắng mới, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước.
Cố gắng đầu tiên và quan trọng nhất mà trí thức Việt Nam phải làm là phải từ bỏ tức khắc và dứt khoát văn hóa Khổng giáo mà chúng ta tiếp thu từ người Trung Quốc. Văn hóa này hủy hoại trí tuệ và tâm hồn của của những người có học thức và do đó có khả năng thay đổi định hướng của xã hội. Chính vì Khổng giáo mà xã hội Trung Hoa đã gần như dậm chân tại chỗ trong hơn hai ngàn năm, nhưng cũng nhờ Khổng giáo mà đế quốc Trung Hoa đã là đế quốc kéo dài lâu nhất trong các đế quốc trên thế giới và thực ra vẫn còn tồn tại dưới nhãn hiệu cộng sản.
Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu duệ của giai cấp sĩ trong xã hội Khổng giáo ngày xưa, điều này chúng ta phải đặc biệt cảnh giác vì di sản văn hóa là những phản xạ di truyền mà chúng ta có mà không ý thức được rằng mình có để cố gắng từ bỏ.
Giấc mơ của kẻ sĩ trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam trong hàng ngàn năm chỉ giản dị là được làm tay sai không điều kiện -có thể bị nọc ra đánh, bị thiến, bị giết, thậm chí giết cả họ- cho một bạo quyền để tiếp tay thống trị và bóc lột dân chúng, rồi hãnh diện với cuộc sống tồi tệ đáng xấu hổ đó. Kẻ sĩ không có danh dự và nhân cách thực sự vì có một quan niệm bệnh hoạn về danh dự và nhân cách. Kẻ sĩ sinh ra để phục vụ một chế độ chứ không phải để phục vụ nhân dân, càng không phải để thay đổi chế độ. Chống đối lại chế độ là tội chết cho mình và cả dòng họ. Cố gắng của kẻ sĩ là tìm kiếm thành công cá nhân, là học để có bằng cấp và làm quan, là kèn cựa với các đồng nghiệp của mình để có tiếng tăm hơn và được chức vụ cao hơn. Đối với kẻ sĩ, làm chính trị chỉ là để làm quan, để có danh vọng. Kẻ sĩ không được quyền có lập trường chính trị, cùng lắm chỉ có thể dâng sớ, dâng biểu để nhà vua tùy ý quyết định, tương tự như các nhân sĩ ngày nay gửi kiến nghị lên Đảng. Kẻ sĩ càng không được thảo luận với nhau để về những vấn đề của đất nước nếu không muốn bị nghi ngờ là có âm mưu làm phản. Hâu quả là trong suốt dòng lịch sử Trung Hoa cũng như Việt Nam kẻ sĩ hầu như không có kiến thức chính trị nào. Các nhóm giao kết của các sĩ phu chỉ là những nhóm nhỏ bàn luận về thơ văn.
Ba di sản chính của văn hóa Khổng giáo còn thấy rất rõ trong trí thức Việt Nam là sự sơ sài về kiến thức chính trị, sự thiếu hụt về văn hóa đối thoại và sự thiếu vắng của văn hóa tổ chức.
Sự sơ sài về kiến thức chính trị hoàn toàn không phải là do thiếu thông minh. Rất nhiều trí thức Việt Nam đã đạt những thành quả lớn trong nhiều địa hạt dù là khoa học, kỹ thuật, kinh doanh v.v. Lý do chỉ giản dị là họ cho rằng chính trị không cần phải học. Do di sản văn hóa Khổng giáo họ có một niềm tin, ngay trong cơ thể, rằng trong chính trị đúng hay sai chỉ tùy thuộc vào địa vị và danh vọng, kiến thức không quan trọng. Trên nói dưới nghe, miệng kẻ sang có gang có thép. Bằng chứng về sự sơ sài về kiến thức chính trị không thiếu. Một thí dụ là năm 2013, nhân dịp chính quyền cộng sản sửa đổi hiến pháp, 72 trí thức có tiếng tăm trong phong trào dân chủ đã ký chung một kiến nghị hiến pháp đề nghị chế độ tổng thống, một chế độ mà từ lâu rồi đã được nhận định là độc hại vì tự nhiên dẫn tới chế độ dân túy. Hay sự kiện rất nhiều trí thức tự coi là dân chủ không hiểu hoặc không chịu hiểu rằng đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức. Hay sự kiện nhiều trí thức ngày nay nói một cách rất tự nhiên và hãnh diện rằng họ không làm chính trị mặc dù hoàn cảnh bi đát của đất nước. Họ nghĩ như vậy là cao thượng bởi vì đối với họ làm chính trị chỉ là để làm quan và họ không ham công danh.
Sự thiếu văn hóa thảo luận thì quá rõ ràng. Thí dụ cụ thể là tình trạng xâu xé nhau vì Donald Trump vẫn còn đang diễn ra hiện nay. Tại sao sự khác biệt quan điểm trên một nhân vật chính trị Mỹ lại có thể khiến những người Việt Nam, nhiều khi cùng chia sẻ một ước vọng dân chủ cho đất nước, mạt sát nhau bằng những lời lẽ thậm tệ ? Đó chỉ là vì đa số người Việt, kể cả trí thức không biết thảo luận. Chúng ta chưa coi thảo luận là cơ hội để học hỏi và nâng cao kiến thức và nhận thức chứ không phải là để tranh giành hơn thua.
Nét đậm nhất của di sản văn hóa Khổng giáo trên trí thức Việt Nam là sự thiếu vắng gần như tuyệt đối văn hóa tổ chức. Nó thể hiện qua cách hoạt động chính trị nhân sĩ ngay cả nơi nhiều trí thức rất thành tâm. Họ cố gắng trước hết tạo tiếng tăm cho mình, hoạt động một mình hay với một nhóm bạn có thể giúp mình nổi tiếng chứ không chịu tự đặt mình trong khuôn khổ một tổ chức nào để cùng hợp sức phấn đấu cho một lý tưởng chung. Hình như đó là một bản năng mà họ không chống lại được. Ngay cả đa số các trí thức trẻ, nam cũng như nữ, cũng thế, họ có thể phát biểu lập trường một cách khá mạnh dạn trên mạng xã hội nhưng không thấy cần phải tìm một tổ chức nào để tham gia và ngay cả khi đã chọn tham gia thì khả năng bỏ cuộc cũng cao hơn nhiều so với khả năng kiên trì tiếp tục. Có thể nói đây chứng bệnh di truyền của dân tộc ta. Văn hóa tổ chức yếu trong mọi dân tộc nhưng ở dân tộc ta nó yếu một cách bi đát. Văn hóa tổ chức trước hết là ý thức rằng giá trị lớn nhất của một người là khả năng xây dựng tổ chức và sinh hoạt trong một tổ chức.
Tại sao, như mọi người đều thấy, các tổ chức đối lập dân chủ tàn lụi gần hết ? Sự đàn áp của chính quyền cộng sản không phải là lý do chính, vì ngay cả các tổ chức ở hải ngoại không hề bị đàn áp cũng tàn lụi dần, không khác các tổ chức trong nước. Lý do chính là cái văn hóa nhân sĩ mà chúng ta chưa vất bỏ được. Nó khiến chúng ta chưa ý thức được sự cần thiết của một tổ chức dân chủ mạnh và tổ chức này chỉ có thể xây dựng trên một đồng thuận về một đất nước Việt Nam đáng mong ước và trên phương thức đấu tranh để đạt tới mục tiêu đó, nghĩa là trên một dự án chính trị. Sự rã rượi hiện nay của phong trào dân chủ dưới mắt nhiều người thực ra không đáng buồn. Nó chỉ chấm dứt một tình trạng nhốn nháo đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm túc. Mặt khác, di sản văn hóa là điều mà ngay khi ta ý thức được sự độc hại của nó thì phần lớn vấn đề đã được giải quyết.
Cảnh giác với di sản văn hóa Khổng giáo, vất bỏ lối đấu tranh nhân sĩ phải là cố gắng đầu tiên của những người muốn đóng góp cho cuộc cách mạng dân chủ.
Cố gắng quan trọng kế tiếp là đầu tư vào cố gắng học tập và nghiên cứu để xây dựng một kiến thức chính trị lành mạnh. Các khái niệm quốc gia, dân tộc, dân chủ, nhân quyền không giản dị như nhiều người nghĩ. Chọn lựa một thể chế chính trị và một mô hình xã hội, quy định những chính sách và những dự án quốc gia, tổ chức một bộ máy nhà nước là những tổng hợp mà mỗi quốc gia phải tự làm lấy tùy theo hoàn cảnh của mình chứ không thể bắt chước. Càng khó khăn hơn là sự thu thập những kinh nghiệm đấu tranh để trút bỏ ách độc tài và xây dựng dân chủ. Kiến thức chính trị rất phức tạp vì là tổng hợp của tất cả các kiến thức khác, và người ta chỉ có thể làm một tổng hợp đúng đắn nếu đã nắm vững các thành tố.
Song Chi, và nhiều bạn khác, cũng nhận xét là đối diện với chính quyền cộng sản những con người dũng cảm nhất là những nông dân, công nhân, dân nghèo, dân oan chứ không phải tầng lớp trí thức, bởi vì giới trí thức có quá nhiều thứ để sợ phải mất như địa vị, sự nghiệp hay danh tiếng. Các bạn này có lý để lo ngại bởi vì cuộc cách mạng dân chủ đòi hỏi một thay đổi văn hóa lớn mà chỉ có giới trí thức có thể làm được.
Đúng thế. Một điều rất quan trọng cần phải được nhìn thật rõ là cuộc đấu tranh thiết lập dân chủ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nước ta. Chúng ta thường tự hào là có một lịch sử dài nhưng chúng ta chưa bao giờ có dân chủ, trừ một ngoại lệ ngắn ngủi, miễn cưỡng, hời hợt và thô vụng tại miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cho tới nay chúng ta đã chỉ có những chế độ độc tài chuyên chính theo mô hình Khổng giáo mà người Trung Quốc áp đặt lên nước ta sau cuộc chinh phục của Mã Viện vào đầu Công nguyên. Chế độ cộng sản mà nước ta đang phải chịu đựng về bản chất cũng chỉ là một phiên bản cải tiến của mô hình Khổng giáo. Không phải là một tình cờ mà cả ba nước còn dám vỗ ngực tự xưng là cộng sản hiện nay -Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên- đều là những nước theo văn hóa Khổng giáo. Cũng không phải là một sự tình cờ mà chế độ cộng sản Trung Quốc gần đây lập các Viện Khổng Tử tại khắp nơi. Cuộc vận động dân chủ vì vậy là một cuôc cách mạng rất lớn để đoạn tuyệt với văn hóa chính trị duy nhất mà chúng ta đã biết trong suốt dòng lịch sử. Mọi cuộc cách mạng đúng nghĩa –nghĩa là thay đổi cả chính quyền lẫn chế độ chính trị và triết lý chính trị- luôn luôn cần có một cuộc cách mạng văn hóa đi trước. Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta lại càng cần hơn bởi vì nó đồng thời cũng là một cuộc cách mạng văn hóa rất lớn, một cuộc cách mạng để thiết lập một chế độ chính trị mà chúng ta chưa hề có, để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta. Do đó nó chỉ có thể do trí thức lãnh đạo. Quần chúng, các công nhân và nông dân chỉ có thể đấu tranh thay đổi chính quyền chứ không thể lãnh đạo một cuộc cách mạng văn hóa. Khó khăn chính, gần như duy nhất, là do di sản lịch sử và văn hóa Khổng giáo trí thức Việt Nam chưa ý thức được vai trò lãnh đạo mà dù muốn hay không họ phải đảm nhận trong cuộc cách mạng dân chủ.
Lập luận cho rằng phần đông trí thức Việt Nam không kiên quyết và dũng cảm đấu tranh chống lại bạo quyền vì họ có quá nhiều điều để mất cũng chỉ đúng một phần thôi. Lý do thực sự là họ không phải là những trí thức đúng nghĩa mà chỉ là những người có bằng cấp, có kiến thức và khả năng chuyên môn, nói đúng ra là những người lao động trí óc. Trí thức tự nó đã là một khái niệm chính trị. Không làm gì có trí thức phi chính trị. Từ "trí thức" (Intellectuel) xuất hiện tại Pháp hồi đầu thế kỷ 20 trong vụ án Dreyfus để chỉ những người có kiến thức nhưng đồng thời cũng quan tâm tới những vấn đề chính trị, dám suy nghĩ một cách độc lập và nhất là dám chống lại cái gian sai ngay cả khi nó rất mạnh. Phục tùng và cúi đầu không bao giờ có thể là thái độ của một trí thức, cùng lắm đó chỉ là một người lao động trí óc. Phải nhìn nhận một sự thực là hiện nay chúng ta có rất nhiều lao động trí óc nhưng chỉ có rất ít trí thức và đó đã là lý do khiến phong trào dân chủ không khởi sắc được. Nó cần những người mà chúng ta không có đủ. Điều chúng ta mong đợi ở trí thức Việt Nam vào thời điểm này chỉ giản dị là mỗi người tự đặt cho mình và tự trả lời cho mình câu hỏi : mình có phải là trí thức không hay chỉ là một người lao động trí óc. Trả lời thế nào cũng được, điều quan trọng là câu hỏi.
Vả lại, thực ra cái giá mà những người trí thức phản kháng cũng không còn quá cao. Không gian xã hội dân sự ngoài tầm kiểm soát của Đảng cộng sản hiện nay đã tạm đủ rộng để cho phép họ sống được mà không cần phục tùng bạo quyền để giữ nguyên nhân cách của một người trí thức thực sự. Không gian này sẽ tiếp tục mở ra rất nhanh trong khi không gian kiểm soát của Đảng cộng sản sẽ ngày càng nhỏ lại.
Dân chủ không xa vời
Hạn kỳ dân chủ không xa vời như nhiều người có thể nghĩ một cách bi quan. Chế độ cộng sản đang rất suy yếu và phân hóa vì không còn lý tưởng chung và vì bị tham nhũng tàn phá. Sở dĩ nhiều người bi quan là vì họ không nghiên cứu những cuộc cách mạng dân chủ lớn trên thế giới. Chúng thường rất đột ngột, cho đến sát ngày sụp đổ các chế độ độc tài thường vẫn tỏ rất vững chắc, như chúng ta đã thấy tại Đông Âu ba thập niên trước đây. Lý do là vì trong mọi cuộc cách mạng lớn, chuẩn bị là công việc chiếm gần như tất cả cố gắng và thời gian, giống như người ta chuẩn bị một ban hợp xướng trong nhiều tháng để chỉ biểu diễn trong khoảng một giờ. Cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam là một cuộc cách mạng rất lớn và cũng sẽ phải theo quy luật đó. Nếu chúng ta đấu tranh đúng phương pháp thắng lợi của dân chủ có thể rất gần.
Các bản án chính trị gần đây đã đặc biệt dã man. Những dân oan và thường dân đã chỉ phát biểu những lập trường rất đúng và rất ôn hòa như rất nhiều người khác nhưng đều bị xử những bản án dã man từ 12 đến 15 năm tù. Đây là thời gian ở tù trung bình dành cho những người bị kết tội giết người tại các nước văn minh, trước đây có thể bị tử hình. Điều này trước hết chứng tỏ chế độ cộng sản Việt Nam là một chế độ rất man rợ. Hãy thử so sánh với hai trường hợp tại Nga và Trung Quốc đang được cả thế giới biết đến. Tại Nga, lãnh tụ đối lập Alexei Navalny ra mặt quyết liệt chống đối chính quyền Putin và đã tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình bị xử hai năm rưỡi ; tại Trung Quốc Joshua Wong một biểu tượng của những cuộc biểu tình của hàng triệu người tại Hồng Kông bị 10 tháng tù. Mức độ dã man của chính quyền cộng sản Việt Nam đã vượt mọi giới hạn. Sự hung bạo này chỉ vì Đảng cộng sản đang hoảng sợ.
Họ sợ vì, khác với nhiều trí thức, họ biết rằng trước sau gì một tổ chức dân chủ lớn cũng sẽ hình thành mà họ vừa không có lý do vừa không có khả năng để dẹp tan. Họ sợ vì nền tảng của chế độ đang lung lay. Trước đây Đảng cộng sản tự coi là đảng của người nghèo để chống bóc lột và vì thế đã được hậu thuẫn của một phần quần chúng đáng kể, giờ đây nó đã trở thành một đảng của người giầu để bóc lột người nghèo. Họ sợ vì nội bộ đang phân hóa và chia rẽ. Trong Đại hội đảng lần thứ 13 vừa qua Đảng cộng sản đã phải dày đạp lên bản điều lệ của chính nó để bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba dù ông rất yếu bệnh. Đó là vì trong ban lãnh đạo Đảng chẳng còn ai tín nhiệm ai và ông Trọng là người Việt Nam duy nhất còn sót lại có thể nói trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà không thấy ngượng. Sự hung bạo chỉ có mục đích che đậy sự hốt hoảng và cố tự trấn an.
Những người dân chủ có thể và nên làm gì trong lúc này ?
Như đã nói ở phần trên trong mọi cuộc cách mạng lớn chuẩn bị là công việc chiếm gần như tất cả cố gắng và thời gian. Vào lúc này, chuẩn bị là xây dựng một dự án chính trị và nhận diện những con người có thể là thành tố của đội ngũ nòng cốt của cuộc cách mạng dân chủ. Cả hai công tác đó chúng ta đều có thể làm ngay từ bây giờ, trong cũng như ngoài nước.
Và lịch sử có thể sang trang nhanh chóng.
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21924-th-t-v-ng-v-i-tri-th-c-vi-t-nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét