Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

6980 - ĐCSTQ 100 tuổi: Thách thức trong, ngoài của Trung Quốc hiện nay là gì?

BBC Tiếng Việt


Chủ tịch Tập Cận Bình đang là nhà lãnh đạo thế hệ thứ năm của Đảng Cộng sản, kể từ cố Chủ tịch Mao Trạch Đông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đảng này 'tồn tại mãi mãi', trong khi muốn đưa Trung Quốc thành siêu cường số một trên thế giới thay thế Mỹ và phương Tây trên nhiều phương diện, những điều không hẳn dễ dàng trở thành hiện thực, một nhà phân tích chính trị từ Việt Nam nói với BBC hôm thứ Năm.

Hôm 01/7/2021, trong dịp Trung Quốc đang đánh dấu 100 năm thành lập của đảng Cộng sản vốn đang cầm quyền ở nước này, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nêu bình luận với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm riêng của mình về Trung Quốc và ĐCS ở nước này:

"Đảng Cộng sản Trung Quốc tồn tại đến nay được 100 năm theo tôi là do dùng bạo lực chính trị để tiến tới nắm quyền lực ở Trung Quốc vào năm 1949, và từ 1979, đổi mới kinh tế đưa nước này thành nước có tổng thu nhập quốc dân đứng thứ hai sau Mỹ, đưa hàng trăm triệu người ra khỏi cảnh nghèo đói," nhà phân tích trả lời câu hỏi của BBC về đâu có thể giải thích chuẩn xác nhất cho việc chính đảng này tồn tại và cầm quyền trong một thời gian lâu dài như vậy.

Mạnh, yếu và thách thức đối nội?

Về điều được cho là điểm mạnh, yếu và thách thức chính của Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc, nhìn lại qua một quá trình, Tiến sỹ Hợp nói:

"Từ năm 1921 đến 1949, ĐCSTQ xây dựng lực lượng bạo lực, đấu tranh quân sự với chính quyền Quốc Dân đảng Trung Quốc, đẩy được chính quyền Quốc dân đảng ra đảo Đài Loan.

"Mao Trạch Đông xây dựng chính quyền bằng đàn áp nội bộ cho đến năm 1976. Đặng Tiểu bình khởi xướng và chỉ đạo cải cách kinh tế từ 1979, giữ vững chính quyền do ĐCSTQ lãnh đạo, tiêu diệt mọi mầm mống dân chủ hóa.

"Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã tiếp tục đường lối của Đặng, phát triển kinh tế mạnh mẽ, giữ vững chính quyền bằng công cụ an ninh và cảnh sát. Từ 2012, Tập Cận Bình tuyên bố về sự trỗi dậy Trung Quốc, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa kiểm soát xã hội Trung Quốc chặt chẽ hơn, định ra và thực hiện tầm nhìn đưa Trung Quốc thành siêu cường vào năm 2049.

"Theo tôi thách thức đối nội của Trung Quốc là nợ lớn, bất bình đẳng xã hội, môi trường ô nhiễm, chất lượng hàng hóa và thực thẩm rất thấp, người tiêu dùng Trung Quốc không được bảo vệ tốt, kiểm soát quá chặt chẽ các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất; nhu cầu đầu tư vào quốc phòng thì ngày càng lớn."

Còn thách thức đối ngoại chính là gì?

Khi được hỏi chính quyền và nhà nước cộng sản Trung Quốc ngày nay đang được nhìn nhận như thế nào ở trong và ngoài nước và đâu là thách thức về mặt đối ngoại, ông Hà Hoàng Hợp đáp:

"Bắc Kinh từ năm 2001 đã bắt đầu thực hiện đường lối bành trướng, bá quyền; trước mắt hành động nhằm độc chiếm biển Đông, đe dọa và chuẩn bị đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực, áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn, chia rẽ Asean, nỗ lực biến một số nước láng giềng thành phụ thuộc Trung Quốc.

"Về đối ngoại, theo tôi Trung Quốc đang đứng trước thách thức không nhỏ do chính quyền và ĐCSTQ lộ rõ bản chất bành trướng và bá quyền hung hăng, cho nên Trung Quốc đã không gặt hái được các thành quả tích cực, không có bạn bè ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Họ không xây dựng được niềm tin chiến lược với các đối tác phương Tây. Hành vi của ĐCSTQ từ năm 1989 đến nay đã buộc Mỹ và phương Tây đi đến nhận định rằng, dù can dự để giúp Trung Quốc thành phồn vinh hơn, Trung Quốc cũng sẽ không dân chủ hóa.

"Vì thế Mỹ đã bắt đầu một tiến trình giảm tối đa can dự đối với Trung Quốc , coi nước này là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính. Bắc Kinh chưa có chính sách đối ngoại nào tương xứng với chính sách của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc."

Liệu mục tiêu đặt ra có khả thi?

Khi được hỏi tới thời điểm này, có thể biết được ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo ĐCSTQ đang hướng tới mục tiêu chính gì cho quốc gia này và điều đó có khả thi, hiện thực không, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp đáp:

"Tôi thấy rằng Tập Cận Bình và ban lãnh đạo ĐCSTQ muốn ĐCSTQ tồn tại mãi mãi, duy trì chế độ toàn trị, dùng vũ lực để đánh chiếm Đài Loan, độc chiếm biển Đông, gây bất ổn ở châu Á - Thái Bình Dương.

"Muốn thế, Bắc Kinh có tầm nhìn 2049, đưa Trung Quốc thành siêu cường toàn cầu, tạo luật chơi toàn cầu, tiến tới một thức trật tự quốc tế đối nghịch với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

"Nhưng rõ ràng phương Tây không thể chấp nhận thứ trật tự của Bắc Kinh, bởi vì thứ trật tự đó có nền tảng độc đoán, toàn trị, phi dân chủ, không có pháp quyền, không tôn trọng các giá trị kinh tế thị trường, các giá trị và chuẩn mực về nhân quyền.


https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57665391

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét