Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

4906 - Ta Đây Trâu Đấy

Phạm Xuân Đài

Hình : Quốc Văn Giáo Khoa Thư

Con trâu, với những bước chân chậm rãi nhưng vững chắc, đang mang năm Tân Sửu về với chúng ta. Người Việt Nam đón nhận con trâu với một tâm tình khác hơn những con giáp khác. Những con gà, con chuột, con khỉ, con dê, con mèo, con chó v.v... đều không thể so sánh với con trâu trong đời sống Việt Nam. Không thể so sánh về tầm vóc thân thể, vì so với trâu thì những con vật kia đều quá nhỏ bé, lại càng không thể so sánh về vai trò quan trọng của trâu trong đời sống dân tộc chúng ta từ nghìn xưa. 

“Con trâu là đầu cơ nghiệp, ” người Việt Nam nào cũng biết điều đó, vì dân ta vốn sống về nghề nông từ hàng ngàn năm qua, mà nói đến nông nghiệp với nghề trồng lúa thì không thể không nói đến con trâu, vì :

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Cái bộ ba này đã cùng đồng lao cộng khổ miệt mài trên mảnh đất hình chữ s ở Đông Nam Á từ biết bao đời để sống còn, và xây dựng nên làng, xóm, rồi cộng đồng quốc gia. Chồng, vợ, và con trâu là đơn vị cơ bản sản xuất ra lúa gạo nuôi sống cả dân tộc. Con trâu, với sức mạnh gấp nhiều lần con người, đã là sức kéo chính trong các công việc đồng áng như cày, bừa, quay guồng đem nước tưới ruộng, quay che ép mía, rồi còn bao việc khác như kéo gỗ, kéo xe... Người nuôi trâu, trâu giúp người, quan hệ ấy đã trải qua bao thế kỷ, đã làm nảy sinh một mối cảm tình khắn khít của con người đối với con trâu, không phải chủ-tớ, không phải chủ-nô, mà là như người bạn, như kẻ cộng tác chân tình thân mật :

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Từ thời con người bắt đầu phát minh ra những công cụ bằng đá, rồi bằng kim loại để đào xới trồng trọt, thì việc thuần hóa trâu để giúp mình những việc nặng nề có thể coi là một cuộc cách mạng to lớn, giải phóng con người ra khỏi nhiều công việc rất nhọc nhằn mà lại giúp năng suất mùa màng tăng đáng kể, vì trâu có thể cày đất sâu hơn, nhiều hơn, bừa đất nhuyễn hơn, đưa nước vào ruộng dồi dào hơn... Thức ăn của trâu chỉ là cỏ và rơm rạ, chi phí nuôi trâu không cao, nên trâu đã là kẻ giúp việc đắc lực cho nhà nông hết đời nọ qua đời kia. Gọi con trâu là “đầu cơ nghiệp” trong nghề nông là rất chính xác.

Thế nhưng cuộc cách mạng cơ khí rồi cũng đến lúc đi vào nông thôn Việt Nam. Cái máy cày từ hơn nửa thế kỷ qua đã bắt đầu hoạt động trên ruộng đồng. Cùng thời gian ấy, máy xay xát cũng giúp con người khỏi phải xay lúa giã gạo theo lối cổ truyền, máy bơm nước đã làm biến đi một công việc nặng nhọc kinh người là tát nước vào ruộng. Mới ngày nào con trâu còn là mơ ước to lớn nhất cho một nông dân nghèo, mới ngày nào người nông dân còn sung sướng và hãnh diện được cày trên mảnh đất của mình với con trâu của mình, bây giờ mọi chuyện đã thay đổi hẳn. Mà ngày đó chưa xa là mấy, thập niên 30, 40, thậm chí một phần thập niên 50 của thế kỷ trước trâu vẫn là sức kéo chính trên ruộng đồng Việt Nam. Ngày nay cơ khí đã gần như thay thế hẳn công việc của trâu, và dĩ nhiên con trâu đang mất đi vai trò mà nó dày công tạo lập qua không biết bao nhiêu là năm tháng tại nông thôn đất nước chúng ta.

Cuối cùng, sau con người, con trâu cũng được giải phóng ra khỏi công việc nặng nhọc. Rồi nó sẽ đóng vai trò gì trong xã hội Việt, Nam, chưa ai có thể nói chắc được, nhưng công việc chính mà bao thế hệ trâu tổ tiên đã gánh vác, là cày ruộng, thì ngày nay các hậu duệ trâu không phải đảm nhiệm nữa. Tình cảm của con người đối với trâu rồi cũng thay đổi khi quan hệ sản xuất giữa người và trâu không còn. Người nông dân sẽ bận lo chăm sóc các bộ phận cơ khí của chiếc máy cày sao cho nó hoạt động ngon lành, chứ không còn thủ thỉ “trâu ơi ta bảo trâu này”... Càng về sau, các thế hệ nông dân sẽ không còn cảm thấy thương yêu trìu mến con vật này như ông bà tổ tiên của mình từng có nữa. Thời thế đã đổi thay...

Nhưng trong một cái nhìn nhất quán về quá khứ của dân tộc, thì cũng khó nói là tình cảm đối với con trâu của dân ta cố thể phai mờ một sớm một chiều. Trong công cuộc làm ăn bây giờ, người nông dân không còn trực tiếp hàng ngày với con trâu, dĩ nhiên mối tình cảm với con trâu trong hiện tại dần trở nên phai nhạt. Nhưng trong thẳm sâu tâm thức của người Việt Nam, con trâu sẽ còn hiện diện lâu dài. Có người đã gọi chiếc máy cày là con trâu, “con trâu đỏ ” vì nó sơn màu đỏ, như là một cách mặc chiếc áo văn hóa cổ vào công cụ sản xuất mới. Đó chỉ là một dấu hiệu sớm sủa, trong tương lai con trâu và ảnh hưởng tình cảm, văn hóa về nó chắc chắn sẽ còn dài dài trong đời sống của dân tộc Việt Nam.

https://www.diendantheky.net/2021/02/pham-xuan-ai-ta-ay-trau-ay.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét