Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

4352 - Đội quân mua bán lẻ tấn công Wall Street!

Ngô Nhân Dụng


                 Một tiệm GameStop ở New York, U.S. REUTERS/Nick Zieminski


Ai cũng thích nghe chuyện những chàng tí hon thắng các ông khổng lồ. Nhất là chuyện có thật, với những món tiền hàng tỉ mỹ kim. Trận đấu hấp dẫn diễn ra tại Wall Street, Thị trường Chứng khoán New York. Một bên là mấy quỹ đầu tư lớn. Bên kia là những nhà đầu tư nhỏ gọi là dân mua bán lẻ, tụ tập trên mạng. 

Món võ duy nhất hai bên thi thố chỉ là mua hay bán các cổ phiếu. Các đại công ty xưa nay vẫn điều động hàng chục tỷ đô la, khi bán thứ này, khi mua thứ khác. Vốn liếng các nhà đầu tư lẻ có thể chỉ mấy chục ngàn đến mấy trăm ngàn.

Cuối cùng, các ông khổng lồ thua, bị lỗ tới $24 tỷ đô la; riêng trong ngày 27 tháng Giêng 2021 đã mất gọn hơn $14 tỷ, phải bỏ của chạy lấy người.

Có những tay đầu tư lẻ đã kiếm bộn, như sinh viên Sam Daftarian, 44 tuổi, ở Brisbane, California. Anh đã bỏ ra $1,000 đô la mua cổ phiếu của AMC năm ngoái, khi giá chỉ có $4. Trong tuần qua giá AMC đã lên gần $20. Một người khác, anh Noah Williams ở Atlanta, đã kiếm lời được $150,000 nhờ bán cổ phiếu của GameStop, với giá bán $380, mà anh mua ba tháng trước chỉ trả $16. Williams, 36 tuổi, sẽ trả hết món nợ $43,500 vay hồi đi học.

Các ông khổng lồ đã là gì để bị tấn công biển người như thế? Họ đã “bán non” một số cổ phiếu mà họ tin rằng sẽ mất giá. Bán non, short sell, là một hoạt động bình thường trong các thị trường. Khi tiên đoán giá cổ phiếu một công ty sẽ đi xuống, các nhà đầu tư có thể bán non kiếm lời.

Thí dụ, một cổ phiếu đang trị giá $100, mà nhà đầu tư đánh cá rằng trong ba tháng tới nó sẽ xuống thấp hơn nhiều. Ông, bà ta có thể đi “mượn” 2 triệu cổ phiếu này, từ các nhà môi giới chứng khoán để đem bán ngay, hẹn trong ba tháng sẽ mua để trả lại đầy đủ. Đến kỳ hẹn, nếu giá cổ phiếu chỉ còn $80, ông ta sẽ đi mua đủ 2 triệu phiếu để đem trả. Cuối cùng, người bán non kiếm được $40 triệu!

Ngược lại, nếu người bán non tính sai, đến kỳ hạn giá cổ phiếu không giảm mà tăng lên thành $110, thì ông ta sẽ bị thua lỗ $20 triệu.

Trong năm qua, nhiều quỹ đầu tư lớn đã bán non cổ phiếu của hai công ty, GameStop, AMC. Họ tiên đoán giá sẽ xuống. GameStop có nhiều cửa hàng bán “games,” trò chơi điện tử. Bây giờ ai cũng có thể mua các trò chơi điện tử trên mạng, và đâu có ai muốn đi xếp hàng mua ở tiệm trong khi Covid-19 đang lan tràn? AMC làm chủ những rạp chiếu bóng trên cả nước Mỹ, Các rạp chiếu bóng đóng cửa cũng vì Covid; AMC đang làm thủ tục phá sản. Hai công ty khác cũng được giới bán non chiếu cố là Bed Bath & Beyond bán đồ gia dụng, có thể bị các doanh nghiệp mua bán trên mạng giết; và BlackBerry đang yếu thế trong cuộc cạnh tranh ráo riết với các công ty lớn, mạnh hơn.

Các công ty đầu tư trên lâu lâu vẫn bán non các cổ phiếu đang xuống như vậy, và thường họ thắng lợi vì đã nghiên cứu rất kỹ càng. Nhưng năm nay tai họa xẩy ra vì giá các cổ phiếu họ bán non đã tăng, có khi tăng gấp trăm lần.

Nhiều nguyên nhân gây ra nông nỗi này. Trước hết, có những nhà đầu tư lẻ nghĩ ngược lại các công ty đầu tư chuyên nghiệp. Người ta đi mua các cổ phiếu bị bán non. Bình thường thì lúc nào cũng có chuyện này. Nhưng bây giờ, năm 2021, lại có thêm mấy nguyên nhân khác.

Thứ nhất, là internet. Việc mua bán cổ phiếu đã trở thành giản dị, với những “diễn đàn” như Robinhood hay WallStreetBets của Reddit. Người ta có thể cài những “app” trong điện thoại, dùng để mua, bán cổ phiếu, mà không phải trả hoa hồng hoặc lệ phí nào cả.

Mua bán đã dễ, các nhà đầu tư nho nhỏ còn có dịp trao đổi, bàn bạc với nhau trên các mạng như Reddit, Discord, Facebook và Twitter; do đó có thể gây ra một phong trào, không khác gì những phong trào gần đây xuất hiện trong đời sống chính trị.

Thêm một nguyên nhân nữa là Covid. Rất nhiều người trẻ hoặc trung niên bị cấm cung. Không ăn tiêu, không thể đi Las Vegas mà đến quán rượu cũng không được. Tiền để dành tích tụ lớn đòi được mang ra dùng. Trong năm 2020 đã có thêm10 triệu người mở chương mục mua bán cổ phiếu lần đầu.

Theo luật lệ thị trường, tất cả các vụ mua, bán, kể cả bán non, công chúng đều được coi. Lúc đầu, có một số bạn trẻ thấy các cổ phiếu bị các đại công ty đầu tư bán non, đã đánh cá ngược lại.

Keith Gill, 34 tuổi, ở Wilmington, Mass., nhân viên một công ty bảo hiểm, đã bắt đầu mua GameStop từ giữa năm 2019, khi giá là $5 một cổ phiếu vì tin rằng công ty này sẽ lên nhờ các trò chơi điện tử mới. Anh mở một chương mục YouTube, làm việc ban đêm, dưới hầm trong căn nhà thuê, để khỏi đánh thức đứa con gái 2 tuổi. Trong đó, anh bàn về giá trị của GameStop hay thứ rượu bia Bỉ nhãn hiệu con voi, Delirium Tremens. Anh tiếp tục ủng hộ GameStop làm cho nhiều người cũng bắt chước. Anh chụp hình cho người ta coi ngày nào anh mua cổ phiếu nào, lời hay lỗ bao nhiêu. Trong tuần qua, anh báo cáo ngày Thứ Tư được lời $20 triệu nhờ giá GameStop lên. Hôm sau, lỗ $15 triệu vì giá xuống. Anh không bao giờ nghĩ mình có thể ăn và thua nhiều như thế. Có tiền rồi Gill muốn làm gì? Chắc sẽ mua nhà. Một giấc mộng của anh là xây một sân vận động chạy đua, hoàn toàn trong nhà, ở ngôi làng cha mẹ anh vẫn sống.

Bà mẹ Gill hỏi việc anh cổ động cho mấy cổ phiếu khiến chúng lên giá có phạm luật hay không. Anh trả lời, “Không, Má.” Có lẽ các cơ quan giám sát thị trường chứng khoán sẽ tìm hiểu thêm chuyện này.

Dân mua bán lẻ, tụ tập trên mạng, cũng phô bày các vụ mua bán của họ cho mọi người thấy. Cũng như Keith Gill, họ nêu các lý do tại sao họ mua các cổ phiếu đang bị các quỹ đầu tư bán non. Cứ như thế, nhiều người cùng một ý, họ gây nên một phong trào. Ngoài lý do đầu tư kiếm lời, họ còn muốn dạy cho các đại công ty tài chánh một bài học! Theo hãng tin Bloomberg thì đã có đến 6 triệu các nhà đầu tư lẻ tham dự cuộc tấn công trên mạng Reddit!

Đầu năm nay, giá cổ phiếu GameStop vào khoảng $18 đô la. Ngày Thứ Tư vừa qua, giá lần đầu tiên lên tới $380 đô la, khiến giá trị của cả công ty lên tới $26.5 tỷ, cao hơn cả hãng hàng không Delta! Sang ngày Thứ Năm, lại tụt xuống chỉ còn $194. Các nhà môi giới chứng khoán quyết định ngưng mua bán GameStop vì giá trồi sụt nhiều quá. Hai nhà chính trị đối nghịch Cộng Hòa và Dân chủ lần đầu tiên nói giống nhau, là Ocasio-Cortez, NY, và Ted Cruz, Texas, cùng lên tiếng phản đối lệnh ngưng mua bán của Robinhood, vì rất nhiều người bị mất tiền oan uổng!

Trong khi đó, các quỹ đầu tư lớn như Melvin Capital Management và Maplelane Capital mất tiền vì đã bán non GameStop, mà nó lại lên giá.

Quỹ Melvin quản trị số vốn trị giá $12.5 tỷ mỹ kim vào đầu năm nay. Tuần trước, công ty đã mất một phần ba số tiền đó, vì bán non nhiều cổ phiếu, trong đó nhiều nhất là GameStop. Thực ra, họ không “bán non” theo lối thông thường mà đã mua những “hứa phiếu” gọi là “put options” tức quyền bán cổ phiếu của GameStop với giá ấn định trước. Họ tiên đoán giá GameStop chỉ tụt xuống thôi, sẽ xuống thấp hơn giá ấn định. Melvin sẽ có lời khi thi hành quyền bán với giá cao hơn.

Nhưng khi các “put options” này đáo hạn vào giữa tháng Giêng 2021, cổ phiếu của GameStop không xuống mà còn lên quá cao, những hứa phiếu đó không ích lợi gì nữa. Melvin đã lỗ to. Hai quỹ đầu tư lớn khác phải hùn $2.75 tỷ làm tiền “cứu trợ” trong cơn hoạn nạn.

Maplelane Capital LLC, một quỹ đầu tư ở New York, đầu năm 2021 có trị giá $3.5 tỷ đô la, trước đây mỗi năm vẫn sinh lời trung bình 29.4%. Thứ Tư vừa qua họ cũng mất một phần ba số vốn vì đánh cá giá GameStop sẽ xuống. Xưa nay quỹ này chỉ nhận tiền góp từ một số nhà đầu tư đặc biệt, nhưng nay bắt đầu phải kêu gọi công chúng đóng góp để có thể tăng vốn thêm $300 triệu đô la.

Có lẽ người thất bại nặng nề nhất trong trận chiến GameStop giữa mấy quỹ đầu tư khổng lồ và hàng triệu “cậu bé tí hon” mua bán lẻ, là ông Andrew Left chủ trương công ty tư vấn Citron Research. Trong 20 năm qua, ông Left chuyên nghiên cứu các công ty có thể đi xuống, để mách bảo các quỹ đầu tư nếu họ muốn bán non. Cuối tuần qua, ông tuyên bố bỏ nghề! Từ nay Citron sẽ đi tìm các công ty có triển vọng đi lên, để các nhà đầu tư lẻ có thể mua!

Liệu có nên ngưng hẳn việc bán non hay không? Bán non đã xuất hiện từ thế kỷ 17 ở Âu châu. Napoleon đã từng ra lệnh cấm việc mua bán này, khi giới đầu tư bán non các công trái do hoàng đế phát hành. Tập Cận Bình có lúc đã tính cấm bán non, nhưng rụt lại.

Dù thị trường mới điên đảo vì biến cố GameStop, nhưng hoạt động “bán non” trong thị trường vẫn không thể bỏ luôn được. Đó chính là một cách giúp thị trường biết những công ty nào có thể đi xuống! Và điều này có thể ích lợi, vì những công ty có cổ phiếu bị bán non cảm thấy họ phải cải tổ cách điều hành việc kinh doanh.

Các nhà đầu tư lẻ gặp may trong cuộc chiến vừa qua. Nhưng không phải lúc nào cũng đoán đúng giá cả lên xuống. Trong mấy tháng cuối năm ngoái, cổ phiếu hai công ty được giới mua bán lẻ ưa chuộng là Hertz, công ty cho thuê xe, và Eastman Kodak, về chụp hình. Giá hai công ty này lên vọt nhờ giới đầu tư nhỏ đua nhau mua. Những cuối cùng Hertz vẫn phải khai phá sản và không còn được ghi tên trên thị trường New York. Giá cổ phiếu Eastman Kodak giờ đã tụt mất 60%. Cuối cùng thì cổ phiếu của những công ty GameStop, AMC và BlackBerry sẽ trở lại mức bình thường.

Hoạt động bán non cũng có ích. Nhiều lần các người bán non đã “báo động, khi thị trường không để ý đến những công ty đang đi xuống. Năm 2000, ông Jim Chanos, người sáng lập Quỹ đầu tư Kynikos đã bán non cổ phiếu của Enron, một công ty lớn nổi tiếng thành công, khi cổ phiếu của Enron trị giá trung bình $79.14. Sau đó, người ta mới phát hiện những con số tiền lời của Enron là giả tạo, do thủ thuật sửa sổ sách kế toán. Công ty này phá sản năm 2001. Ở bên Đức năm 2020, các nhà đầu tư bán non cổ phiếu của Wirecard AG, một công ty chuyên về thẻ tín dụng. Chính phủ Đức lúc đầu cấm không ai được bán non để bảo vệ Wirecard AG. Nhưng họ thanh tra sổ sách và khám phá ra công ty này có một khoản 1.9 tỷ Euro, khoảng $2.3 tỷ mỹ kim, không biết biến đi đâu!

Cuộc xáo trộn làm các quỹ đầu tư chuyên nghiệp mất hàng tỷ đô la cho thấy một hiện tượng chung của cả xã hội Mỹ. Là những người “thấp cổ bé miệng” có tiếng nói ngày càng mạnh hơn. Năm 2016, những “cử tri bị bỏ rơi” trong kinh tế toàn cầu hóa đã đẩy ứng cử viên Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc. Năm nay, đến lượt các nhà đầu tư nhỏ tấn công giới ăn trên ngồi trốc ở Wall Street.

Internet, các mạng xã hội gây ra những cảnh tượng bất ngờ, giống nhau ở một điểm là chống đối những uy quyền có sẵn. Năm 2020, nhiều thanh niên sử dụng TikTok đã hô hào nhau ghi tên dự một cuộc tập họp của ứng cử viên Trump, khiến ban tổ chức báo trước sẽ có hàng triệu người sắp tới. Nhưng các bạn trẻ này chỉ đùa chơi, không ai đến cả. Số người đến tập họp chỉ có bằng một phần ba số chỗ ngồi.

Vụ GameStop tuần qua đưa tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng tới Wall Street, cũng phát xuất từ Facebook, Tweeter và các mạng tương tự, không khác gì những người kéo nhau tới thủ đô gây nên cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng vừa qua.

Cuối cùng thì những người nổi loạn cũng không thể thắng. Vệ binh Quốc gia sẽ kéo tới giữ trật tự. Các cơ quan điều hành thị trường chứng khoán sẽ xét lại những quy luật mua, bán cổ phiếu để tránh các cơn xáo trộn khác. Nhưng ai cũng phải công nhận vai trò của các mạng xã hội, không thể bỏ qua. Quốc hội sẽ hỏi thăm Facebook, Twitter và đồng nghiệp của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét