Ngô Nhân Dụng
Hình chụp năm 2019, TT Donald Trump (đang nói), và nghị sĩ Mitch McConnell (bìa phải).
Sau khi Tổng thống Donald Trump từ giã Tòa Bạch Ốc, Nghị sĩ Mitch McConnell trở thành “người cầm cờ” của đảng Cộng Hòa. Trong một thập niên từ 2008, ông đã đóng vai trò đó, là một cột trụ giữ cho đảng vững vàng.
Vai trò của ông McConnell nổi bật khi Tổng thống Barak Obama nhậm chức. Nước Mỹ bắt đầu sống với vị tổng thống da đen đầu tiên, họ còn chưa quen. McConnell thành lãnh tụ đảng đối lập.
Phải công nhận, Mitch McConnell đầy kinh nghiệm và không thiếu gì thủ đoạn. Thủ đoạn được nhiều người nhắc nhở nhất là vào năm 2016, ông đã không đưa ra bàn vụ Tổng thống Obama đề cử Thẩm phán Merrick Garland vào một ghế trống trong Tối cao pháp viện. Ông McConnell, lúc đó là trưởng khối đa số, nêu lý do trì hoãn: Tám tháng nữa dân Mỹ sẽ bầu tổng thống; hãy để dân quyết định.
Lúc đó ông Trump chưa nổi bật nhưng ông McConnell đoán đảng Cộng Hòa có hy vọng. Tám năm trong thời Obama, nhiều người da trắng không cảm thấy thoải mái, chưa thể chấp nhận dễ dàng một vị tổng thống da đen. Ông Donald Trump đắc cử, có cơ hội đưa thêm hai thẩm phán trẻ vào Tối cao pháp viện: Neil M. Gorsuch, Brett M. Kavanaugh; nhờ công của McConnell.
Đến tháng Tám năm 2020, lại có một ghế trống. Tổng thống Trump hãy cử ngay người điền khuyết. Và sau đó 52 nghị sĩ Cộng Hòa đã phong bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tối cao.
Nhiều người công kích ông McConnell tại sao không đợi, chỉ trong ba tháng, cho dân bỏ phiếu bầu tổng thống mới? Ông trả lời: Năm nay khác năm 2016!
Có thể nói McConnell đã khôn khéo giúp đảng Cộng Hòa thực hiện được các chính sách cố hữu. Vì ông đã dùng địa vị trưởng khối đa số để thúc đẩy việc phong nhậm rất nhiều thẩm phán có khuynh hướng bảo thủ, từ Tối cao pháp viện xuống đến cấp phúc thẩm và sơ thẩm, trong bốn năm qua. Ngược lại, trong thời ông Obama, việc thảo luận và phong nhậm diễn ra cứ từ từ, chậm chạp không bao giờ vội vã.
Trên mặt lập pháp, McConnell cũng thành công ngay trong năm đầu thời ông Obama.
Hai chương trình lập pháp quan trọng nhất của Tổng thống Obama là một ngân sách tái thiết kinh tế sau cơn khủng hoảng 2007, 08; và dự luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế. Năm 2009, đảng Cộng Hòa chỉ có 40 nghị sĩ, 58 thuộc Dân chủ liên kết với 2 người độc lập. Trong hoàn cảnh đó, McConnell đã đứng ra kêu gọi hai đảng phải đoàn kết và hợp tác với nhau.
Để thi hành chủ trương hợp tác, các nghị sĩ Cộng Hòa hứa hẹn sẽ thỏa hiệp về bảo hiểm y tế. Ngược lại, họ công kích bản dự thảo ngân sách, yêu cầu cắt giảm bớt nhiều khoản chi tiêu. Năm đó, kinh tế Mỹ mới rớt xuống vực vì cuộc khủng hoảng địa ốc. Cuối cùng quốc hội chấp thuận ngân sách Hồi phục và Tái Đầu tư chỉ có $787 tỷ đô la, mặc dù đảng Dân chủ biết cần phải chi tiêu nhiều hơn để kích thích kinh tế lên.
Sang năm 2010, vì dân chúng thấy kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục, đảng Cộng Hòa đã chiếm đa số ở Quốc hội. Thắng trận đấu ngân sách rồi, các nghị sĩ Cộng Hòa cũng từ chối không thỏa hiệp với dự luật bảo hiểm y tế nữa! Năm nay, chính quyền Joe Biden đã rút kinh nghiệm cũ, không bàn chuyện thỏa hiệp về ngân sách phục hồi kinh tế gần 2 ngàn tỷ đô la nữa!
Mitch McConnell, cùng với nghị sĩ Charles Grassley, Iowa là những kiến trúc sư bầy ra mưu giúp đảng Cộng Hòa kiểm soát quốc hội từ năm 2010, cho đến năm 2021 mới bị mất quyền vì thua ở Tiểu bang Georgia. Từ khi Tổng thống Trump đắc cử, ông McConnell đã ủng hộ ông Trump trên mọi mặt, để đạt được những mục tiêu lâu dài của đảng Cộng Hòa: Cắt giảm thuế cho các công ty và bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ.
Nhưng năm nay đảng Cộng Hòa không còn giống như trước nữa. Hai khuynh hướng đối nghịch đã xuất hiện! Sáu tháng trước đây, không ai có thể tưởng tượng hai ông Mitch McConnell và Donald Trump lại công khai chỉ trích nhau nặng nề như bây giờ.
Sau khi bỏ phiếu không buộc tội ông Trump, ông McConnell đã viết một bài trên Nhật báo Wall Street Journal. Ông giải thích rằng ông chỉ theo hiến pháp Mỹ. Mục đích đàn hạch là để truất quyền. Cho nên không thể xét xử một người đã mãn nhiệm.
Nhưng ông McConnell vẫn coi ông Trump “chịu trách nhiệm tinh thần và thực tế” về cuộc bạo loạn tấn công quốc hội ngày 6 tháng 1, 2021. Ông kể tội ông Trump đã kích thích những kẻ quá khích, liên tục nói những điều hoàn toàn sai sự thật về bầu cử gian lận. Khi cuộc bạo loạn diễn ra ông Trump vẫn chỉ lo kết tội phó Tổng thống Mike Pence, và sau đó còn khen ngợi các kẻ phạm tội. Sau những lời buộc tội này, ông Trump quyết định chặt cầu!
Cựu tổng thống Trump đã trả đòn. Ông Trump không tiếc dùng những lời miệt thị, “Mitch là tên chính trị gia nhăn nhó, rầu rĩ, không biết cười.” Ông nói thẳng điều ông ân hận nhất là năm ngoái đã giúp McConnell tái đắc cử ở Kentucky: “McConnell đã lạy van xin tôi ủng hộ… Nếu không được tôi giúp thì ông ta đã thua và thua đậm.” Nói vậy cũng khó tin, vì tỷ số phiếu thắng của ông McConnell quá cao, tới 20%, nếu không có ông Trump thì McConnel cũng đắc cử lại.
Ông Trump còn vẽ một đường ranh giới. Ông đưa ra một lựa chọn cho các đại biểu quốc hội: Hoặc theo Trump, sẽ được ủng hộ và được tái cử; hoặc theo McConnell, sẽ bị trừng phạt, loại ngay từ vòng bầu sơ bộ trong đảng. “Những nghị sĩ Cộng Hòa nào còn đi theo Mitch thì sẽ không bao giờ đắc cử nữa.”
Ông Mitch McConnell tỏ ra vẫn chỉ lo cho tương lai đảng Cộng Hòa. Ông lo rằng nếu đảng của Cộng Hòa biến thành một “Đảng Trump” thì sẽ khó khôi phục lại địa vị cũ. Năm 2016 đảng Cộng Hòa đã chiếm đa số ở hai viện Quốc hội, và làm chủ Tòa Bạch Ốc. Năm 2018, đảng mất Hạ viện. Năm 2020, vì dân Mỹ thất vọng với ông Trump, đảng đã mất cả ba. Khi ông Trump nhiệt liệt ủng hộ bà Marjorie Taylor Greene, dân biểu Georgia, thì ông McConnell gọi bà này là một cái bướu ung thư trong đảng, với những điều dối trá mà bà tin tưởng.
Ngày Thứ Ba, Cựu tổng thống Trump đổ tội cho McConnell, nói rằng vì ông ta mà đảng Cộng Hòa mất hai ghế nghị sĩ ở Tiểu bang Georgia. Nhưng nhiều người nghĩ lỗi là do ông Trump. Trước ngày dân bỏ phiếu ông đã liên tục đả kích giới lãnh đạo Cộng Hòa ở tiểu bang, khi họ từ chối không “tìm” thêm phiếu giúp cho ông thắng. Ông Trump cũng đả kích ông McConnell về những mối làm ăn với Trung Cộng. Bà vợ ông nghị sĩ là một người gốc Hoa, bà đã làm bộ trưởng trong thời các Tổng thống Bush và Trump. Nhưng chính cô Ivanka Trump cũng tính làm ăn ở Trung Quốc; năm 2017 Tập Cận Bình đã công nhận ngay 30 nhãn hiệu hàng hóa cô tính bán, sau khi ông bố đắc cử.
McConnell chỉ chú trọng đến mục tiêu, là làm sao năm tới đảng Cộng Hòa sẽ chiếm lại thế đa số ở Quốc hội. Muốn vậy, phải đưa ra những ứng cử viên “có thể đắc cử.” McConnell hứa sẽ ủng hộ ứng cử viên nào của ông Trump mà năm 2022 có hy vọng thắng. Điều quan trọng là các ứng cử viên đó có thể thắng hay không. Tất nhiên, McConnell và Trump sẽ không đồng ý 100% ai là người có hy vọng thắng. Vì thế, hai người sẽ còn xung khắc ít nhất cho tới tháng 11 năm 2022.
Từ nay đến ngày đó, Tổng thống Trump sẽ củng cố uy tín với những người ủng hộ ông vô điều kiện. Họ là một “nền tảng” vẫn theo đảng Cộng Hòa từ bao năm qua, không thể thiếu được. Ông McConnell sẽ phải “đi dây” – một mặt chống các thành phần quá khích đang theo ông Trump, mặt khác lại không được gạt bỏ những người thuộc “nền tảng” của đảng dù họ chỉ trung thành với cựu tổng thống.
Chúng ta có thể đoán được, trong những ngày sắp tới ông Trump có thể tiếp tục tấn công ông McConnell cho hả giận. McConnell sẽ tránh đòn; chờ ông Trump phải nghỉ mệt vì còn bị rắc rối vì những vụ kiện khác. McConnell sẽ chĩa mũi dùi vào đối thủ chính, tấn công các chính sách của chính quyền Joe Biden, từ kinh tế, xã hội cho đến vấn đề di dân. Đó là một cách giúp cho dư luận bớt chú ý đến cảnh chia rẽ trong đảng mình.
Người Mỹ gọi Mitch McConnell là “chiến thuật gia chính trị” tinh xảo. Năm 2026 chắc ông sẽ không ra tranh cử nữa, vì tuổi đã gần 90. Người Việt Nam có thể gọi ông là một “cáo già” chính trị, hai chữ “cáo già” không có nghĩa phỉ báng. Geoffrey Kabaservice, một giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị Niskanen Center, ở Washington, nói giản dị: “Chưa thấy ai đánh cá ngược với Mitch McConnell mà ăn tiền cả.” Chờ coi ông Trump có thể đánh McConnell mà vẫn “ăn” hay không!
https://www.diendantheky.net/2021/02/ngo-nhan-dung-mcconnell-oi-au-voi-trump.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét