Myanmar lúc ấy nghèo xơ xác, nhưng nụ cười và niềm tin sáng rực trên khuôn mặt người dân lam lũ ở những nơi tôi đã đi qua.
Hy vọng tràn trề như dòng chữ được sơn trên lưng chiếc xe lửa đi từ Yangon đến các vùng quê hẻo lánh, mang theo những hành khách chăm chú đọc tờ báo mà cái tựa chỉ vỏn vẹn một chữ: Democracy.
Có những lúc chỉ cần một chữ thôi là đủ.
Thành tựu của Myanmar không chỉ là của riêng họ, mà còn là niềm vui và nỗi phấn khích cho bất cứ ai cùng mong mỏi điều ấy cho đất nước mình.
Myanmar tháng 12/2015 thu hút giới hoạt động đến từ nhiều nơi, vào những khu ổ chuột, leo lên những căn gác ọp ẹp, để gặp gỡ và học kinh nghiệm xương máu của người đấu tranh mọi lứa tuổi đã phiêu lưu qua con đường tìm dân chủ cho đất nước họ và may mắn được chứng kiến mục đích chung đã đạt được.
Trong những ngày cuối của chuyến đi tôi tìm cách tiếp xúc với người dân nhiều thành phần của xứ này với chương trình Urban Adventure, qua đó du khách được dân địa phương đưa đi khám phá những ngóc ngách đáng yêu của Myanmar, và để được nghe tâm tư họ qua những mẩu chuyện lúc đi cùng.
Một thiếu nữ khoảng 20 tuổi dẫn tôi đi vào con đường nơi chính quyền quân đội thẳng tay chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình của phong trào nổi dậy 8888 (8888 Uprising) sát hại hằng ngàn người mọi giới.
''Anh trai tôi có mặt hôm đó. Anh thoát chết, nhưng bị thương nặng phải nằm bệnh viện một thời gian,’’ chỉ tay vào một đoạn đường, cô nói, giọng rưng rưng.
‘’Ngày bầu cử, anh dục mọi người dậy sớm đi bỏ phiếu, về nhà anh hét lên vì vui, rồi ngồi phịch xuống góc giường im lặng một lúc và ôm mặt khóc, nói nhớ những người bạn đã chết năm ấy.’’ Cô kể thêm.
Hỏi bỏ phiếu cho ai. Cô trả lời ‘’đương nhiên là cả gia đình bầu cho Aung San Suu Kyi, bà là ‘mẹ’ của dân tộc.’’
Hướng dẫn viên khác, một thanh niên khoảng 23 tuổi, tốt nghiệp đại học, nhưng chưa có việc làm ổn định, đưa tôi vào một khu gọi là ‘’nghĩa địa điện tử’’, kiểu một chợ trời chuyên bán, và sửa đổi điện thoại thông minh cũ.
Anh bảo muốn dẫn tôi đến đây, vì nghĩ mai mốt khu này sẽ không còn nữa, rồi nói, với chính phủ mới, Myanmar sẽ cần nhiều infrastructure và technologies để có thể đáp ứng với nhu cầu giao tiếp với thế giới và đầu tư nước ngoài. Hy vọng làm sáng lên khuôn mặt rám nắng của người sinh viên vừa tốt nghiệp ngành tin học.
Lại hỏi có đi bầu không và bầu cho ai. Anh cười, chỉ vào những tấm lịch có hình bà Aung San Suu Kyi được treo bán ở mọi cửa tiệm hai bên đường, nói ‘hỏi tức là trả lời.’
Nhưng nói về sự yêu mến mà dân Myanmar dành cho Aung San Suu Kyi, người mà họ cho là đã dành hết cuộc đời cho đất nước, thì không ai kể chuyện sống động như nhà báo người Myanmar mà chúng tôi có dịp gặp trong chuyến đi. Ông lúc ấy là đặc phái viên của RFA tại Yangon.
"Bà là hình ảnh gắn liền với tôi suốt thời niên thiếu. Là người tạo cảm hứng, cho chúng tôi động cơ tiếp tục chiến đấu.’’ Ông kể chuyện thời vào rừng già Thái Lan để họat động chống lại Đảng Cộng sản Miến Điện.
‘’Chúng tôi thời đó thanh niên 17, 18 tuổi, xa gia đình không mang theo hình ảnh mẹ già mà bỏ hình của Aung San Suu Kyi trong túi áo. Mỗi lúc đói lạnh, mệt mỏi, chán nản, tôi lại lôi hình bà ra ngắm để lấy lại tinh thần.’’
"Đã có lúc tôi tự hỏi không biết mình có bao giờ nhìn thấy cảnh Myanmar chạm tay được vào dân chủ. Giờ thì dân chủ dường như đang trước mặt, Myanmar đã đi được một chặng dài, nhưng đường còn rất xa.’’ Ông trầm ngâm.
Về Aung San Suu Kyi như một nhà lãnh đạo, ông nói bà có lý tưởng và rất kiên định, nhưng sẽ thân yếu thế cô trước phe quân đội chắc chắn sẽ không chịu hoàn toàn chuyển giao quyền lực.
‘’Vả lại bà chỉ có và chỉ tin một vài người thân tín, mà cấu trúc xã hội của Myanmar vô cùng phức tạp với nhiều mâu thuẫn và xung đột, tôi e bà sẽ gặp rất nhiều thách thức. Hy vọng duy nhất cho Aung San Suu Kyi và phe dân chủ, và tất nhiên cho Myanmar, là làm sao đổi được hiến pháp. Nhưng điều đó cực khó.’’
Người đặc phái viên của RFA hôm ấy đã nhận định khá đúng. Nhưng việc bà dần dà mất đi sự ngưỡng mộ của thế giới là điều ít ai tiên liệu.
Sau khi lên nắm quyền, nói đúng hơn là cùng chia sẻ quyền lực với quân đội Myanmar, Aung San Suu Kyi ngày càng bị giới ủng hộ phương Tây chỉ trích vì bà đã không nhanh chóng giải quyết được đói nghèo, cũng như sự phân rẽ trong xã hội đã tích tụ từ biết bao thập niên qua, mà cũng không tiến bộ đủ nhanh về mặt nhân quyền như họ mong đợi.
Mọi ủng hộ thế giới dành cho bà hoàn toàn biến mất cuối năm 2019, sau khi bà chính thức bào chữa cho quân đội Myanmar trước cáo buộc diệt chủng người thiểu số Hồi giáo Rohingya trước Tòa án Công lý Quốc tế LHQ ở Hà Lan.
Bản thân tôi có lúc nhìn hình ảnh bà cũng đã nghĩ đến câu ‘thần tượng mất ngôi’, tiếc mình lúc đó đã nhọc công mua cho bằng được mọi cuốn sách viết về bà mang về nhà, và không còn mấy quan tâm đến cái tên Aung San Suu Kyi nữa.
Nhưng sáng sớm thứ Hai ngủ dậy thấy tràn ngập tin Aung San Suu Kyi bị bắt giam trong một cuộc đảo chính thu tóm quyền lực của quân đội với chiêu bài giải quyết ‘gian lận bầu cử’ (kịch bản mà nước Mỹ súyt nữa cũng đã xảy ra trong cùng thời gian), tôi bỗng thấy xót xa cho bà, cho nền dân chủ mong manh đã tan vỡ của Myanmar, và cho những người dân Myanmar tôi đã có dịp gặp trong thời gian đầy hy vọng ấy.
Và cũng giống như cách đây 5 năm, nền dân chủ đã vỡ của Myanmar không chỉ là mất mát của riêng người dân Myanmar, mà còn là nỗi lo cho bất cứ ai cùng mong bảo vệ nền dân chủ cho đất nước mình.
Tôi liên lạc với người đặc phái viên của RFA năm ấy để hỏi thăm, ông bảo cho ông xin một thời gian để gậm nhấm nỗi buồn.
Thế còn người dân những nước chưa bao giờ được chạm tay vào chiếc bóng dân chủ, hy vọng của họ có vì biến cố này của Myanmar mà tan biến?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét