Giang Nguyễn
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa được Đại hội 13 bầu tiếp tục vai trò Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Giang Nguyễn phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích chính trị về Việt Nam và hiện làm việc tại Học viện quốc phòng Australia, về nhận định của ông trước sự kiện này.
Giang Nguyễn: Ông Nguyễn Phú Trọng lại được chọn làm Tổng bí thư Đảng CSVN, chức vụ quyền lực nhất ở Việt Nam. Đây là một sự tín nhiệm mạnh mẽ hay là kết quả của chính sách khéo léo của ông Trọng?
Carl Thayer: Cả hai điều đều không. Tôi nghĩ rằng nó là một dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang bị bệnh ‘xơ cứng động mạch’, và nó đang ngăn dòng máu mới dẫn tới não. Để lên vị trí cao nhất, bạn phải ở trong Bộ Chính trị 5 năm. Để vào Bộ Chính trị, bạn phải ở trong Ban Chấp hành Trung ương 5 năm. Trường hợp cụ thể này, có 19 thành viên của Bộ Chính trị được bầu vào năm 2016. Trong số đó, 5 người không còn nữa vì đã chết, bị bỏ tù hoặc sức khỏe yếu. Sau đó, với tuổi nghỉ hưu ở độ 65 tuổi, họ chỉ còn có sáu người để lấp đầy bốn vị trí (tứ trụ). Đối chiếu các tiêu chuẩn đề ra cho các vị trí này, chúng ta có thể nói rằng tất cả những người này có thể không thuộc ‘đội hình’ xuất phát từ ban đầu. Vì vậy, họ phải miễn trừ cho chính Tổng bí thư và người thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để ông ấy có thể ở lại.
Còn nói rằng ai là người có quyền lực nhất sau Hồ Chí Minh, theo tôi đó là Lê Duẩn từ năm 1960 đến năm 1986. Tôi nghĩ ông ta là nhân vật chủ chốt với loại quyền lực đó. Từ đó đến nay chỉ có hai vị tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh và ông Trọng hoàn tất hết hai nhiệm kỳ. Nên nhiệm kỳ thứ 3 là chưa từng có. Tôi được một nhà báo ở Việt Nam cho biết rằng Đại hội đã thông qua một nghị quyết đặc biệt cho trường hợp của ông Trọng chứ đây không phải là việc sửa đổi các quy định của đảng về việc giới hạn ở hai nhiệm kỳ. Trên thực tế, điều tôi không biết là, liệu ông Trọng có thực sự sẽ phục vụ được 5 năm hay không? Chúng ta thấy tiền lệ đã được đặt ra vào năm 1996 khi Đỗ Mười vẫn tiếp tục ở lại, với sự hiểu biết rằng ông ấy sẽ từ chức khi tìm được người thay thế. Vì vậy, cuối năm 1997, một năm sau khi ông đắc cử, ông đã từ chức và Lê Khả Phiêu trở thành tổng bí thư.
Và tôi nghĩ rằng một phần lý do mà ông Trọng ở lại là vì Ban Chấp hành Trung ương cũ, mà bây giờ đã được thay thế, đã không đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao về việc ai sẽ thay thế ông.
Giang Nguyễn: Giáo sư đã đề cập đến câu hỏi liệu ông Trọng có phục vụ đủ 5 năm hay không? Rõ ràng là sức khỏe của ông ấy có vấn đề, nên chúng ta không biết được điều đó có xảy ra hay không. Ông Trọng đã cố gắng định hình nhân sự lãnh đạo tương lai của Việt Nam như thế nào? Và triển vọng cho những cán bộ cấp tiến ra sao?
Carl Thayer: Thật ra thì ông Trọng đã làm việc đó từ 5 năm nay rồi. Nỗ lực của ông nhằm đào tạo các cán bộ chiến lược sẵn sàng trong tương lai là kết quả của việc xây dựng đảng mà ông đã làm luận án Tiến sĩ của ông thời Xô Viết, làm sao để tạo những con người “đúng” về tư tưởng và đạo đức theo đường lối của ông. Cái đó đã có rồi. Thêm vào đó là thói quen mà chúng ta đã thấy là luôn cố gắng đặt hạn ngạch về độ tuổi và giới tính, như giới hạn 12% phụ nữ. Bây giờ chỉ có một người trong Bộ Chính trị là phụ nữ, trước đó có ba. Và về nhóm tuổi, 70% phân bổ cho độ tuổi từ 50 đến 60, và 10% cho độ tuổi từ 61 trở lên, và phần còn lại dành cho những người dưới 50. Đối với tôi, đó là một trong những vấn đề gây ra xơ cứng động mạch. Từ lâu, tôi đã nói đùa rằng với một hệ thống chính trị như của Việt Nam, thì một thống đốc tiểu bang Texas không bao giờ có thể trở thành tổng thống. Nói cách khác, một bí thư tỉnh xuất sắc, một người xuất sắc trong bộ máy hành chính thế nào đi chăng nữa, dường như không có cơ hội vì họ phải đánh mốc thời gian trên một chiếc thang cuốn mà phải cần 5 năm để đi lên. Và sau đó lại tốn thêm năm năm dài nữa để lên tiếp. Đối với tôi đó mới thật sự là vấn đề.
Ông Trọng sẽ tiếp tục làm công tác xây dựng đảng và tất nhiên chiến dịch chống tham nhũng của ông cũng sẽ tiếp diễn không suy giảm bởi vì nó quá phổ biến ở Việt Nam. Như chúng ta thấy cả trăm cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, cả ủy viên Bộ Chính trị. Chính ông Trọng đã từng đặt câu hỏi, làm thế nào mà hai Ủy viên Bộ Chính trị, như Đinh La Thăng, đã leo đến chức đó mà suốt thời gian dài không bị phát hiện trong việc quản lý sai trái và tham nhũng? Nên chiến dịch chống tham nhũng chắc chắn sẽ tiếp tục làm ông ta bận tâm.
Giang Nguyễn: Vậy chiến dịch ‘đốt lò’ sẽ tiếp tục trong nước. Còn về chính sách đối ngoại chúng ta có thể mong đợi điều gì từ nhiệm kỳ thứ 3 của ông Trọng?
Carl Thayer: Ở Việt Nam thì các ứng viên không được bầu chọn vì chính sách của họ. Chính sách của Việt Nam đã được quyết định kể từ tháng 10 năm 2018, với khoảng 30 bản dự thảo báo cáo chính trị và 2.400 trang tóm tắt các ý tưởng và nội dung. Cụ thể chính sách bao gồm việc đa dạng hóa, đa phương hóa, hợp tác và đấu tranh, sử dụng quan hệ đối tác chiến lược một cách chủ động, và tích cực hội nhập với hệ thống toàn cầu... Tuy nhiên, một trọng điểm mới là việc nâng cao hiệu quả của các cơ sở ngoại giao, tham gia nhiều hơn vào ngoại giao đa phương, ví dụ như thông qua các cơ chế do ASEAN và các thể chế khác dẫn đầu.
Nhưng có một yếu tố cần cân nhắc theo tôi nghĩ, vì người có khả năng được đề cử làm thủ tướng (Chúng ta phải chờ đến cuộc bầu cử vài tháng nữa để các thủ tục được thông qua). Các ‘cánh’ trong ban lãnh đạo, các quan chức cấp cao trong đảng và trong bộ máy nhà nước, họ sẽ muốn đảm bảo rằng nguyên tắc độc đảng không bị đảo lộn hoặc bị làm suy yếu.
Vì vậy, nếu đảng Dân chủ (của Hoa Kỳ), các quan chức hoặc thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu thúc đẩy nhân quyền, cánh này sẽ cảm thấy bị đe dọa. Trong nhiều thập kỷ nay ở Việt Nam, khi điều đó xảy ra, cánh này xích gần với Trung Quốc và họ lập luận ‘Trung Quốc không bao giờ đặt điều kiện lên chúng tôi. Họ không có tham vọng muốn thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta và chúng ta cần phải trung thành với chủ nghĩa xã hội’. Nói cách khác, chính sách đối ngoại của ông Trọng sẽ là một chính sách đối ngoại thận trọng.
Giang Nguyễn: Ông đã đề cập đến tình hình nhân quyền. Dưới thời ông Trọng các nhà đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ đã phải chịu sự đàn áp khốc liệt. Xu hướng này sẽ tiếp diễn?
Carl Thayer: Vâng, tôi nghĩ vậy vì có một điều đã thay đổi là hai năm về trước, luật an ninh mạng, vốn bị phản đối nhiều, đã bắt đầu có hiệu lực và chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều vụ bắt bớ và xét xử các nhà hoạt động tham gia các nhóm thảo luận trên mạng. Chúng ta không còn thấy các cuộc biểu tình trên đường phố và những loại biểu tình công khai khác đã tồn tại trước đây, như năm 1986, có Khối 8406, hay khi APEC được tổ chức. Bây giờ là chế độ trù dập. Chế độ không thể kiểm duyệt Facebook vì nó quá phổ biến. Họ muốn các nhà cung cấp dịch vụ và Facebook xóa những thông tin chống nhà nước và họ muốn biết ai là người phổ biến nó. Việc này sẽ còn tiếp diễn.
Bộ trưởng Bộ Công an nói rằng ông ấy có 10.000 quân, dù tôi nghĩ đó là một sự cường điệu, nhưng nói cách khác, có những hacker ủng hộ chế độ ở Việt Nam đã thực hiện chiến dịch tấn công từ chối dịch vụ và các loại tấn công khác vào các trang web được chỉ ra bởi Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Công an hoặc các dịch vụ bảo mật khác.
Cuộc tấn công này sẽ tiếp tục, bởi vì các thông tin trên mạng xã hội rất phổ biến, có thể lan rộng, khó có thể ngăn chặn nó, phá hủy nó như một tờ báo hay đột kích vào như một nhà kho.
Việt Nam đang nhắm đến cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, tất nhiên điều này làm tăng tầm quan trọng của mạng internet và các mảng kết nối điện tử khác, ví nó vốn là phương tiện để phổ biến những sáng kiến, tư tưởng mới. Hầu hết các nhà kinh tế học cho rằng cần có một mạng Internet cởi mở để thực hiện nền kinh tế đang phát triển.
Giang Nguyễn: Giáo sư còn thấy ghi nhận điều gì đáng chú ý nữa từ Đại hội Đảng 13?
Carl Thayer: Thứ nhất, báo chí đã hiểu sai ở chỗ Việt Nam không tiết lộ các đề cử thủ tướng, chủ tịch nước, v.v. Như tôi đã nói, Bộ Chính trị mới được bầu ra có nhiệm vụ của họ, và chúng ta biết là họ sẽ để cử Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm chủ tịch nước. Ông ấy, cũng như các ứng cử viên khác, sẽ phải ra ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử. Ông ấy sẽ thắng, Quốc hội sẽ họp, họ sẽ bầu chủ tịch quốc hội. Chủ tịch quốc hội sẽ đề cử chủ tịch nước, họ sẽ bầu ra chủ tịch nước. Chủ tịch nước sẽ đề cử thủ tướng và ông ấy sẽ trình nội các của mình. Vì vậy chúng ta phải đợi đến khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 cho việc đó xảy ra.
Thứ Nhì, tôi không nghĩ rằng mọi người đã phân tích vì sao có 18 người trong Bộ Chính trị. Trước đây, các nguồn tin người Việt của tôi cho biết đó là một con số không ổn định, một con số lẻ. Thật khó để có được một đa số rõ ràng. Điều đó có nghĩa là chúng ta biết rằng họ đã nhắm tới con số 19. Tại Hội nghị Trung ương thứ 14, theo nguồn tin của tôi, họ có ít nhất 22 tên để bầu chọn, và những người được 50% cộng một sẽ vào Bộ Chính trị. Rõ ràng sau Hội nghị Trung ương 14, họ đã loại bỏ một số tên, bổ sung một số người mới và họ không tìm được một người thứ 19 vào Bộ Chính trị với 50% cộng một phiếu bầu. Điều đó thật đáng ngạc nhiên.
Vì vậy phe quân đội gia tăng sức mạnh trong Ban Chấp hành Trung ương là một điều đáng chú ý.
Giang Nguyễn: Rất cảm ơn Giáo sư Carl Thayer.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nguyen-phu-trong-election-shows-vn-communist-party-suffers-arterial-sclerosis-prof-thayer-02012021183345.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét