Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

4366 - Aung San Suu Kyi, tượng đài sụp đổ!

Mạnh Kim

Bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều thành viên cap cấp của chính phủ bị quân đội Myanmar đảo chánh bắt giữ hôm 1 Tháng Hai, 2021. (Hình: Koen Van Weel/ANP/AFP)


Khi Daw Aung San Suu Kyi xuất hiện sau nhiều năm bị quản thúc tại gia cách đây một thập niên, tại văn phòng làm việc của bà, chồng hồ sơ báo cáo nhân quyền nằm trên sàn nhà ghi lại nhiều thập niên Myanmar sống trong u ám vẫn còn bốc lên mùi ẩm mốc.

Không có gì khác trong tay ngoài bộ sưu tập các giải thưởng quốc tế, bà cài hoa tươi trên tóc, ngồi mỉm cười và hứa với thế giới hai điều: bà sẽ đảm bảo các tù nhân chính trị Myanmar được trả tự do và sẽ chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc dai dẳng kéo dài bảy thập niên. Mười năm qua, Aung San Suu Kyi đã mang lại hết thất vọng này đến thất vọng khác…

Aung San Suu Kyi, biểu tượng dân chủ “lung linh” nhất thế giới, đã mất đi vẻ rực rỡ vài năm gần đây. Bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, người từng được mặc định đứng về “phe thiện,” lại biện hộ cho chính những vị tướng từng giam cầm bà, làm nhẹ vai trò diệt chủng của quân đội nhằm vào cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Rohingya.

Những người chỉ trích bà, với tư cách thành viên sắc tộc Bamar chiếm đa số Myanmar, nói rằng bà đã phân biệt chủng tộc và gần như không hề đấu tranh cho nhân quyền cho người dân Myanmar. Thật khó có thể nghĩ một nhân vật lừng lẫy về đấu tranh nhân quyền mà lại hành xử như vậy khi nắm trong tay quyền lực.

Cùng Nelson Mandela và Vaclav Havel, bà Aung San Suu Kyi từng đại diện cho chiến thắng của nền dân chủ trước chế độ độc tài.

Cuối năm 2019, Aung San Suu Kyi phải đến Tòa Án Công Lý Quốc Tế ở The Hague để trả lời những câu hỏi về việc quân đội Myanmar thảm sát hàng ngàn người Rohingya. Tại đó, Aung San Suu Kyi biện hộ cho hành động của quân đội.

Với Aung San Suu Kyi, chuyện Rohingya không có gì quá nghiêm trọng. Truyền thông đã “làm quá” lên thôi. Trang Facebook cá nhân của bà từng đăng về chuyện “cưỡng hiếp giả,” với nội dung cho thấy hàng loạt vụ cưỡng hiếp người Rohingya (được các tổ chức nhân quyền thế giới điều tra rằng chúng được thực hiện một cách có hệ thống) đều là “giả.”

Dưới thời chính phủ Aung San Suu Kyi, khu vực biên giới Myanmar, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số, xảy ra nhiều xung đột hơn so với cách đây một thập niên. Hàng loạt nhà thơ, họa sĩ và sinh viên đã bị bỏ tù khi nói lên suy nghĩ một cách ôn hòa. Hiện có 584 người đang bị giam hoặc chờ xét xử về tội “phản nghịch.”

Seng Nu Pan, một chính trị gia thuộc sắc dân Kachin đang đấu tranh cho quyền tự trị ở miền Bắc, cho biết: “Bây giờ bà ấy đã được nếm trải quyền lực. Tôi không nghĩ bà ấy muốn chia sẻ với bất kỳ ai.”

San Suu Kyi, được xem là một “nhà quý tộc chính trị,” là con gái của Tướng Aung San, anh hùng độc lập của Myanmar, người bị ám sát khi Aung San Suu Kyi mới hai tuổi. Sau 28 năm ở nước ngoài, bà trở về Myanmar năm 1988 khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra rầm rộ. Chỉ vài tháng sau, bà trở thành người lãnh đạo phong trào.

Chính quyền quân sự nhốt bà vào năm 1989 sau khi đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử vốn tổ chức chiếu lệ. Năm 1991, bà được trao Nobel Hòa Bình “cho cuộc đấu tranh bất bạo động vì dân chủ và nhân quyền.”

Trong thời gian bị quản thúc tại biệt thự đổ nát của mình suốt 15 năm, bà Aung San Suu Kyi tuân thủ một thời khóa biểu sinh hoạt nghiêm ngặt. Bà nghe tin BBC. Bà tập dương cầm. Bà thiền định theo phương pháp Phật Giáo, với ý muốn vượt qua những lo lắng trần thế. Tất cả những thứ đó chẳng giúp gì khi bà tham chính sau này, khi bà thật sự bắt đầu công cuộc xây dựng dân chủ trong một môi trường xã hội thật sự chứ không phải từ “hầm trú ẩn chính trị” trong những năm tháng bị quản thúc.

Bill Richardson, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và từng là đồng minh gần gũi trong suốt thời gian dài của Aung San Suu Kyi, nói: “Thật mỉa mai khi cộng đồng quốc tế dùng những khái niệm tự do của họ để quảng bá cho khái niệm tự do lệch lạc của bà ấy. Aung San Suu Kyi áp dụng cơ chế pháp lý giống hệt quân đội để bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp.”

Ông Richardson đã cắt đứt quan hệ với Aung San Suu Kyi vào năm 2018, khi từ chức khỏi nhóm cố vấn của chính phủ Myanmar về vấn đề Rohingya. Sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa Richardson và Aung San Suu Kyi nghiêm trọng đến nỗi tờ New York Times thuật rằng Aung San Suu Kyi tỏ ra tức giận đến mức Richardson nghĩ rằng bà có thể tát ông sau khi ông yêu cầu bà trả tự do cho hai nhà báo Reuters bị bắt giam sau khi phanh phui vụ thảm sát Rohingya.

Aung San Suu Kyi vẫn tôn trọng quân đội mà cha bà thành lập. Một số người sáng lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ là cựu sĩ quan quân đội từng chiến đấu đánh lại các phiến quân sắc tộc ở những vùng sâu Myanmar. Quân đội vẫn duy trì kiểm soát đối với các bộ quan trọng, một bộ phận Quốc Hội và những doanh nghiệp béo bở. Kể từ khi lên nắm quyền với tư cách cố vấn nhà nước (thực chất như một tổng thống) vào năm 2016, Aung San Suu Kyi đã nhiều lần ca ngợi quân đội, đồng thời từ chối thừa nhận nỗ lực quân đội trong chính sách tiêu diệt người Hồi Giáo Rohingya. Năm 2017, khoảng 3/4 triệu người Rohingya đã thoát thân sang nước láng giềng Bangladesh. Một số khác bị giam cầm.

Người Rohingya không được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vào cuối năm 2020. Thậm chí người ta không tổ chức bỏ phiếu tại những khu vực đang xảy ra xung đột sắc tộc nghiêm trọng, tước quyền đi bầu của hơn 2.5 triệu người không thuộc sắc dân Bamar. Kết quả, các đảng thuộc những sắc tộc thiểu số không đạt được số phiếu mà họ mong đợi, dù đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của Aung San Suu Kyi đã đưa vào danh sách ứng cử hai nhân vật Hồi Giáo.

Bức tranh chính trị Myanmar còn phức tạp bởi yếu tố tôn giáo. Vài năm qua, hàng ngàn nhà sư Phật Giáo tổ chức liên tục các cuộc biểu tình phản đối phương Tây, và cáo buộc Hồi Giáo cố gắng biến một quốc gia Phật Giáo yên bình thành một vùng đất Hồi Giáo.

Chủ nghĩa cực đoan Phật Giáo đã làm xói mòn nền tảng chính trị Myanmar. Trong cuộc bầu cử năm 2015, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, vì muốn tránh bị cáo buộc Hồi Giáo gây ảnh hưởng, đã từ chối đưa ra một ứng cử viên Hồi Giáo duy nhất. Lần đầu tiên kể từ khi độc lập, không có người Hồi Giáo trong Quốc Hội.

Câu chuyện Aung San Suu Kyi làm rõ lên không chỉ bức tranh chính trị phức tạp ở Myanmar mà còn cho thấy việc “thánh hóa” một nhân vật đấu tranh dân chủ nói chung có thể chỉ mang lại thất vọng. Bởi việc đấu tranh dân chủ không đồng nghĩa với khả năng lãnh đạo đất nước, bởi sự hiểu biết về chính trị không đồng nghĩa với kỹ năng làm chính trị từ đó mang lại một tương lai tương sáng cho quốc gia, bởi cai quản một quốc gia không phải là hoạt động của một “phong trào,” cho dù có thể là một lãnh tụ phong trào xuất sắc như thế nào.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/aung-san-suu-kyi-tuong-dai-sup-do/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét