Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang bàn thảo về một tuyên bố khả dĩ, nhưng Trung Quốc dự kiến sẽ chặn bất kỳ hình thức phát ngôn chính thức nào lên án cuộc đảo chính.
Nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi đã bị bắt giữ khi quân đội giành lấy quyền lực.
Cảnh sát ở Myanmar - còn được biết đến với tên gọi Miến Điện - sau đó đã đệ trình một số cáo buộc chống lại bà Suu Kyi, người bị tạm giam cho đến ngày 15 tháng 2.
Kể từ cuộc đảo chính, không có tin gì của bà Suu Kyi lẫn Tổng thống bị phế truất Win Myint.
Cuộc đảo chính do người lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cầm đầu đã dẫn đến việt thiết lập chính quyền quân sự 11 thành viên.
Quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và tìm cách hợp pháp hóa hành động của mình bằng việc cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng một cách tuyệt đối.
Các dịch vụ của Facebook ở Myanmar bị gián đoạn hôm thứ Năm giữa lúc quân đội yêu cầu các công ty viễn thông chặn nền tảng mạng xã hội này.
Facebook xác nhận việc gián đoạn, kêu gọi "nhà chức trách khôi phục kết nối để người dân Myanmar có thể liên lạc được với gia đình, bạn bè và truy cập những thông tin quan trọng".
Trong những ngày qua, các nhà hoạt động đã thành lập trang Facebook để cùng nhau phối hợp chống lại cuộc đảo chính.
'Tuyệt đối không thể chấp nhận được'
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi thiết lập lại trật tự một cách hợp hiến ở Myanmar. Ông nói hy vọng sẽ có sự đồng lòng trong Hội đồng Bảo an về vấn đề này.
Ông nói: "Chúng tôi sẽ làm mọi cách có thể để huy động tất cả các nhân tố then chốt trong cộng đồng quốc tế gây đủ áp lực lên Myanmar để đảm bảo rằng cuộc đảo chính này sẽ thất bại".
"Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc đảo ngược kết quả bầu cử và ý nguyện của người dân.''
"Tôi hy vọng rằng có thể khiến quân đội ở Myanmar hiểu rằng đây không phải là cách để cai trị đất nước và đây không phải là cách để tiến về phía trước."
Các nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính một cách không kiêng dè, nhưng những nỗ lực tại Hội đồng Bảo an nhằm đạt được lập trường chung đã thất bại do Trung Quốc không đồng tình. Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong hội đồng.
Bắc Kinh từ lâu đã giữ vai trò bảo vệ nước này khỏi sự dò xét của quốc tế, và đã cảnh báo kể từ sau cuộc đảo chính rằng các lệnh trừng phạt hoặc áp lực quốc tế sẽ chỉ khiến mọi thứ tệ hại hơn.
Cùng với Nga, Trung Quốc đã nhiều lần bảo vệ Myanmar trước những chỉ trích tại LHQ về cuộc đàn áp quân sự đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Nơi giam giữ Suu Kyi không rõ
Có tin rằng nhà lãnh đạo dân sự của Myanmar, Aung San Suu Kyi, đang bị giam giữ tại tư dinh của bà ở thủ đô Nay Pyi Taw.
Bà phải đối mặt với các cáo buộc gồm vi phạm luật xuất nhập khẩu và sở hữu các thiết bị liên lạc bất hợp pháp.
Những lời buộc tội nằm trong một tài liệu của cảnh sát - được gọi là Báo cáo ban đầu - đã được đệ trình lên tòa án.
Tài liệu này cho biết bà bị tạm giam "để thẩm vấn nhân chứng, yêu cầu cung cấp bằng chứng và tìm kiếm luật sư sau khi thẩm vấn bị cáo".
Theo Luật quản lý tình trạng thảm họa tự nhiên quốc gia, Tổng thống Win Myint bị cáo buộc đã gặp gỡ những ủng hộ viên trong đoàn xe gồm 220 chiếc trong suốt chiến dịch bầu cử dẫn đến vi phạm các hạn chế về Covid.
Những nét chính về Aung San Suu Kyi
- Nổi danh trên trường quốc tế vào thập niên 1990 khi bà vận động để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar trong nhiều thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự
- Trải qua gần 15 năm bị quản thúc tại gia từ 1989 đến 2010 sau khi bà tổ chức các cuộc biểu tình kêu gọi cải cách dân chủ ôn hòa và bầu cử tự do
- Được trao giải Nobel Hòa bình khi bị quản thúc tại gia năm 1991
- Dẫn dắt đảng NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên sau 25 năm ở Myanmar năm 2015
Danh tiếng bị giảm sút do thất bại trong việc lên án chiến dịch đàn áp của quân đội khiến hơn nửa triệu dân thường thuộc dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi phải tị nạn ở Bangladesh
Các nhà hoạt động kêu gọi bất tuân dân sự
Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu phản đối lớn ở Myanmar. Vào đêm thứ Ba và thứ Tư, người lái xe bấm còi ở thành phố chính, Yangon (còn được gọi là Rangoon), và người dân đập nồi niêu xoong chảo.
Đất nước này có vẻ bình lặng sau cuộc đảo chính, với việc quân đội tuần tra và lệnh giới nghiêm ban đêm đi vào hiệu lực.
Tuy nhiên, các bệnh viện đã có các cuộc biểu tình phản đối. Nhiều y bác sĩ đã ngừng làm việc hoặc tiếp tục đeo biểu tượng thể hiện sự thách thức để phản đối việc đàn áp nền dân chủ yểu mệnh của Myanmar.
Những người biểu tình nói rằng họ đang thúc giục việc trả tự do cho bà Suu Kyi.
Họ đeo những dải ruy băng màu đỏ hoặc đen biểu trưng cho sự phản kháng, và chụp hình giơ ba ngón tay - một kiểu chào quen thuộc trong các bộ phim Hunger Games và được những người biểu tình sử dụng vào năm ngoái ở Thái Lan.
Trên mạng, nhiều người đã đổi ảnh đại diện trang cá nhân của mình sang màu đỏ để ủng hộ đảng của bà Suu Kyi.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-55902558
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét