Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

4376 - Thế khó của Nhật Bản trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Bùi Tài Kiên


Nhật Bản là một trường hợp đặc biệt để nghiên cứu tác động của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Là quốc gia nằm tại tiền tuyến của cạnh tranh, Nhật Bản ở vị thế khó xử bởi vừa là đồng minh quân sự thân cận của Mỹ lại vừa có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.

 

Ảnh: Shealah Craighead, Văn phòng Nhà Trắng

Nhật Bản là một trường hợp đặc biệt để nghiên cứu tác động của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.  quốc gia nằm tại tiền tuyến của cạnh tranh, Nhật Bản ở vị thế khó xử bởi vừa là đồng minh quân sự thân cận của Mỹ lại vừa có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Vấn đề giới nghiên cứu quan tâm là Nhật Bản ứng xử thế nào giữa Mỹ và Trung Quốc khi quan hệ giữa hai nước này căng thẳng. Do đó, bài viết này sẽ phân tích về phản ứng của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh Mỹ Trung trên ba phương diện: chính trị - ngoại giao, kinh tế và quốc phòng- an ninh, để làm sáng tỏ hai câu hỏi trên.

Nghiên cứu cho thấy Nhật Bản phản ứng tương đối linh hoạtvừa củng cố quan hệ chính trị và an ninh với Mỹ, trong khi duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chính sách của Nhật Bản phụ thuộc vào ba nhân tố chính, đó là (i) quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ; (ii) tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và lo ngại hành động của Trung Quốc tại Biển Đông; và (iii) sự gia tăng phụ thuộc của Nhật vào chuỗi cung ứng và thị trường của Trung Quốc.

Đánh giá của Nhật Bản về cạnh tranh Mỹ-Trung

Nhật Bản quan tâm đặc biệt đến những chuyển biến mới trong quan hệ Trung-Mỹ. Dù không đứng hẳn về phía Mỹ, nhưng quan điểm của Nhật tương đối gần với Mỹ.[1] Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2019 phê phán Trung Quốc tiếp tục những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cưỡng ép để tạo thành sự đã rồi, khiến Nhật BảnMỹ và cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc.[2] Tuy chỉ trích Trung Quốc có hành động đơn phương và cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng và phá hoại trật tự quốc tế hiện hành,[3] Nhật Bản chưa nhìn nhận Trung Quốc là một mối đe dọa.[4]

Ngoại trưởng Nhật đã đánh giá Mỹ và Trung khó xảy ra chiến tranh như lý thuyết “bẫy Thucydides” –  cường quốc trỗi dậy đối đầu cường quốc thống trị đang suy yếu bằng một cuộc chiến tranh để định hình lại trật tự.[5] Các học giả Nhật Bản cũng cho rằng quan hệ Mỹ-Trung ít khả năng tiến triển thành Chiến tranh Lạnh giống thời kỳ Mỹ và Liên Xô. Lý do chính là: (i) Mỹ không có ý định triệt hạ Trung Quốc và (ii) Mỹ và Trung vẫn phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ căng thẳng hơn tất cả các mặt trận.[6]

Tuy nhiên, các học giả Nhật Bản lo ngại “phân tách” (decoupling) kinh tế Mỹ-Trung  có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế Châu Á, bao gồm có Nhật Bản.[7] Nhật Bản phụ thuộc khá lớn vào chuỗi cung ứng mà được định hình bởi Mỹ và Trung Quốc.[8] Cụ thể, một nửa các công ty Nhật Bản chịu suy giảm lợi nhuận do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng ít các công ty có kế hoạch chuyển hướng sản xuất hoặc chuỗi cung ứng tại Trung Quốc sang nước khác.[9] Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đang làm giảm tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của Nhật, giảm đi lượng xuất khẩu.[10]

Cân bằng về ngoại giao

Nhật Bản là nước đi đầu trong việc xây dựng khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhấn mạnh tính liên thông và kết nối giữa hai đại dương, đề cao tầm quan trọng của Ấn Độ và Đông Nam Á, ủng hộ tự do thương mại, tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật. Quan điểm về Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của Nhật về cơ bản gần với quan điểm của Mỹ. Trong các tuyên bố đơn phương, song phương và đa phương, Nhật Bản đều bày tỏ ủng hộ các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của hải quân Mỹ và cam kết sẽ tăng cường tham gia vào Biển Đông với Mỹ qua song phương hoặc đa phương với hải quân các nước. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các tuyên bố và hành động của Thủ tướng Nhật Bản, [11] Bộ trưởng Quốc phòng[12] và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật.[13]

Nhật chủ động gia tăng can dự, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, tìm các giữ chân Mỹ ở khu vực. Trong các tuyên bố về chính sách ngoại giao, các Ngoại trưởng Nhật đều đặt việc thúc đẩy quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là một trụ cột trong chính sách đối ngoại.[14] Sách xanh Ngoại giao của Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật – Mỹ.[15] Trên bình diện song phương, qua các buổi gặp mặt thượng đỉnh, nhà lãnh đạo hai nước Nhật và Mỹ đều nhấn mạnh và đề cao quan hệ đồng minh giữa hai nước.[16] Thậm chí ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, Thủ tướng Nhật Bản đã có chuyến thăm chính thức Mỹ vào tháng 2 năm 2017,[17] và trong bài phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng Nhật đã mong muốn tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ đồng minh giữa hai nước.[18]

Tuy nhiên, Nhật không muốn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” bị nhìn nhận là một chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhật Bản thay từ “Chiến lược” bằng “Tầm nhìn” để tránh khiêu khích với Trung Quốc.[19] Trong bài phát biểu tân nhiệmngoại trưởng Motegi (trước là bộ trưởng bộ thương mại và công nghiệp của Nhật Bản) không hề đề cập tới “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là một trụ cột trong chính sách ngoại giao của mình như người tiền nhiệm Taro Kono.[20] Nhật cũng đã điều chỉnh thái độ với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, thay vì phản đối hoàn toàn thì chỉ đòi hỏi các dự án cần đáp ứng những yêu cầu, điều kiện nhất định về minh bạch, bền vững tài chính[21], mặc dù vẫn có những nghi ngờ đối với sáng kiến này.[22]

Bên cạnh đóNhật Bản cố gắng ổn định lại quan hệ với Trung Quốc, hi vọng bình thường hóa quan hệ qua chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Nhật Bản dự kiến trong tháng 4/2020, bất chấp những rủi ro liên quan đến Covid-19. Chuyến thăm sau đó đã bị hoãn lại. Hơn nữa, vào lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã gửi video chúc mừng tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật, mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước.[23] Nhật Bản coi trọng quan hệ với Trung Quốc do nhiều lý do. Thứ nhất, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản.[24] Thứ hai, Trung Quốc cũng là nhân tố để góp phần xử lý vấn đề Bắc Triều TiênThứ ba, ổn định quan hệ với Trung Quốc có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Hoa Đông.[25] Nhật Bản nhấn mạnh “nếu vấn đề Biển Hoa Đông không ổn định thì không có cải thiện thực chất trong quan hệ hai bên”.[26]

Thực dụng về kinh tế

Nhật Bản nhìn chung cố gắng duy trì quan điểm trung lập trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, duy trì trật tự thương mại tự do hiện hành mà Nhật Bản có lợi ích. Mặc dù là đồng minh của Mỹ về an ninh và chia sẻ lo ngại về việc Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, Nhật Bản không chọn bên, cố gắng tránh chỉ trích Trung Quốc, không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường. Trong các buổi phỏng vấn và họp báo, Ngoại trưởng Nhật đều nói không có quan điểm về vấn đề này.[27]

Bên cạnh đó, cả Thủ tướng và Ngoại trưởng Nhật cũng thể hiện quan điểm vấn đề thương mại Mỹ - Trung nên được giải quyết qua đàm phán theo cơ chế của WTO;[28] và Nhật cũng mong muốn Trung Quốc xử lý các lo ngại về bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và hỗ doanh nghiệp trong nước.[29] Hơn nữa, Ngoại trưởng Nhật chỉ ra trên lĩnh vực thương mại, Trung Quốc có nhiều vấn đề hứng chịu chỉ trích, do đó nước này cần phải chỉnh sửa lại. Nhật Bản mong muốn hai nước Mỹ và Trung đàm phán dựa vào luật lệ để phát triển kinh tế thế giới.[30]

Trong thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản đang ngày càng phụ thuộc vào việc xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, và cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ nước này thay vì là Mỹ như trước.[31] Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản cũng thường hay đề cập tới vấn đề thương mại và mở cửa thị trường của Trung Quốc đối với mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản.[32] Tuy vậy, trên khía cạnh đầu tư, đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản vẫn ở mức thấp, chỉ dao động từ khoảng 1 tới gần 2 tỷ đô la Mỹ từ năm 2017 - 2019.[33] Nhưng ở chiều ngược lại, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc khá lớn; năm 2017, 2018 và nửa năm đầu 2019 ghi nhận mức đầu tư lần lượt là 12,417; 11,999; và 14,371 tỷ đô la Mỹ.[34]  

Mỹ vẫn là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Nhật. Trong khoảng thời gian năm 2018-9/2019, Nhật Bản hầu như đều đạt thặng dư thương mại với Mỹ, nhưng lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc.[35] Về mặt đầu tư, đầu tư của Mỹ vào Nhật chiếm 38,8% tổng số đầu tư của Nhật trong năm 2019 và 22,8% trong năm 2018.[36] Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Nhật (nếu tính cả Đài Loan (3,1%) và Hồng Công (5,1%)) chỉ chiếm 13,8% trong năm 2019.[37] Về hiệp định thương mại Mỹ - Nhật, Nhật Bản đã chấp nhận mở cửa thị trường đối với mặt hàng nông sản của Mỹ, trao cho nông sản Mỹ quyền tiếp cận thị trường như đối với các nước trong TPP như Canada, New Zealand và Úc vừa rồi qua việc giảm đi 7 tỷ đô la thuế đối với một số mặt hàng này[38] (nên lưu ý là các nước thường khó chấp nhận mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản của nước khác[39]), đổi lại Mỹ sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng công nghiệp của Nhật nhập khẩu vào Mỹ.[40]

Coi trọng quan hệ chiến lược với Mỹ

Trong bối cảnh Trung Quốc quyết đoán tại Biển Đông và Biển Hoa ĐôngNhật Bản càng coi trọng hơn quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ, xem đó là hòn đá tảng trong chính sách an ninh, quốc phòng của mình.[41] Trao đổi an ninh, quốc phòng giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng dày đặc. Trong khoảng thời gian từ 7/2017 – 6/2018, tổng cộng có 37 lần liên lạc cả qua điện thoại lẫn qua gặp mặt trực tiếp giữa lãnh đạo và cấp bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao giữa hai nước.[42] Hơn nữa, hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn nâng cao năng lực và tác chiến song phương hàng năm.[43] Nhật cũng thường xuyên đặt mua các máy bay chiến đấu và công nghệ quốc phòng của Mỹ để nâng cao năng lực phòng thủ. Ví dụ như trong năm 2020, Nhật dự định chi 115 tỷ Yên Nhật để mua thêm chiến đấu F35 của Mỹ;[44] hay năm 2019, Nhật đã duyệt chi 68,1 tỷ Yên để mua 6 máy bay F-35A của Mỹ[45]. Đồng thời, Nhật cũng luôn tuyên bố cam kết tham gia cùng Mỹ trong các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải.

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao để phục hồi quan hệ Nhật-Trung, Tokyo luôn có thái độ dè chừng, coi sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc và sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng của nước này là một mối lo ngại đối với an ninh – quốc phòng. Trong sách trắng Nhật Bản năm 2019, Trung Quốc đã xếp vị trí thứ hai (thay thế Bắc Triều Tiên) trong các mối quan tâm và lo ngại của Nhật.[46] Nhật Bản cũng không hề có nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Từ giai đoạn năm 7/2017 – 6/2018, Nhật không hề có hoạt động hợp tác quốc phòng nào với Trung Quốc.[47] Tuy nhiên, do quan hệ hai nước ấm trở lại, vào tháng 10/2019 Nhật Bản đã có cuộc diễn tập thiện chí lần đầu sau 8 năm trong chuyến thăm của tàu hải quân lớp Thái Dương của Trung Quốc tới Nhật Bản.[48] 

Nhật chia sẻ quan điểm với Mỹ về nhiều vấn đề an ninh quan trọng. Trong lĩnh vực công nghệ cao, Nhật Bản hành động giống Mỹ, cấm Huawei và ZTE tham gia vào các hợp đồng của chính phủ.[49] Ngoại trưởng Nhật cho rằng công nghệ 5G quan trọng đối với an ninh quốc gia; và để bảo vệ an ninh mạng 5G, Nhật sẽ theo dõi cách Mỹ thực hiện trong khi đánh giá cẩn thận những gì là cần thiết cho Nhật Bản.[50] Đối với vấn đề Biển Đông, Nhật Bản tiếp tục duy trì hiện diện quân sự của mình tại khu vực này, phối hợp chặt chẽ với Mỹ.[51] Nhật đưa các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay tới thực hiện các cuộc tập trận với Mỹ[52] và các nước đồng minh hoặc tới thăm viếng cảng các nước Đông Nam Á.[53] Tuy nhiên, Nhật Bản không tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) với Mỹ, tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Thế khó xử của Nhật Bản

Có thể thấy, mặc dù cố gắng ứng xử khéo léo ở vị thế đặc biệt giữa hai cường quốc, Nhật Bản luôn phải đối phó với thế lưỡng nan. Thứ nhất, duy trì quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ ngày càng trở nên “thực dụng” dưới chính quyền Trump. Theo hiệp định đồng minh Mỹ - Nhật, Mỹ là chiếc ô hạt nhân bảo vệ cho Nhật Bản, và là đối tác an ninh – quốc phòng hàng đầu của Nhật. Trong Sách trắng quốc phòng, các tuyên bố về trụ cột trong chính sách ngoại giao của các ngoại trưởng Nhật Bản, các cuộc gặp song phương và đa phương giữa Mỹ và Nhật, lãnh đạo và quan chức cấp cao hai nước đều nhấn mạnh tới củng cố và duy trì quan hệ đồng minh. Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng tìm cách buộc Nhật Bản phải chia sẻ gánh nặng lớn hơn trong liên minh bằng việc đòi hỏi Nhật gia tăng thêm 4 lần chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú tại nước này.[54]

Thứ hai, kinh tế Nhật ngày càng có sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường của Trung Quố, nhưng rủi ro ngày càng lớn. Nhật Bản đã tìm cách đa dạng hóa quan hệ kinh tế qua có các hiệp định kinh tế như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), hay Hiệp định thương mại tự do Nhật – EU và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ và chuỗi sản xuất của Trung Quốc là không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế của Nhật.[55] Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 12 năm 2018 giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước, quan hệ Nhật Trung có xu hướng trở nên hòa hoãn và tốt đẹp hơn trong năm 2019 (đáng chú ý chuyến thăm này là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc sau 7 năm).[56] Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, và đặc biệt là dịch bệnh Covid 19 hiện nay, đang khiến cho chuỗi cung ứng của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Shinzo Abeddax đưa ra gói kích thích bao gồm 2,4 tỷ đô la Mỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, về lại Nhật Bản hoặc tới các nước Đông Nam Á.[57]  

Thứ ba, mặc dù muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốctranh chấp đảo Senkaku, những hành động bành trướng, quyết liệt và cố gắng thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông vẫn là những thách thức an ninh hiện hữu. Nhật Bản là một nước được hưởng lợi và phụ thuộc rất nhiều vào tự do hàng hải, trật tự quốc tế hiện hành. Tự do thương mại và kinh tế toàn cầu,[58] việc duy trì tự do tuyến đường thông thương hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông là rất quan trọng đối với Nhật. Tuy nhiên, chính sách bành trướng của Trung Quốc ở hai vùng biển này khiến cho các nỗ lực ổn định quan hệ của chính quyền Abe Shinzo trở nên khó khăn hơn.  

Nhìn chung, Nhật Bản đã cố gắng ứng xử khéo léo để hạn chế tối đa tác động bất lợi từ cạnh tranh Mỹ-Trung, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Trung Quốc được coi là thách thức an ninh lớn nhất của Nhật Bản hiện nay do nước này theo đuổi chính sách thay đổi nguyên trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Nhật. Tuy nhiên, Nhật Bản phần nào thừa nhận vai trò ngày càng lớn ở khu vực, tìm cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, trong khi từng bước gia tăng sức mạnh răn đe thông qua củng cố, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ.

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/7485-the-kho-cua-nhat-ban-trong-canh-tranh-chien-luoc-my-trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét