Min Aung Hlaing thăng tiến đều đặn trong hàng ngũ Tatmadaw, quân đội quyền lực của Myanmar, nhưng với tư cách là tổng tư lệnh trong một thập kỷ qua, ông cũng đã có tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể trước cuộc đảo chính ngày 1/2.
Ông duy trì thành công quyền lực của Tatmadaw ngay cả khi Myanmar chuyển đổi sang thể chế dân chủ, nhưng ông hứng chịu sự lên án và chế tài của quốc tế vì bị cáo buộc về vai trò của mình trong các cuộc tấn công của quân đội vào các dân tộc thiểu số.
Khi Myanmar trở lại chế độ quân sự dưới sự dẫn dắt của ông, Min Aung Hlaing bây giờ có vẻ sẵn sàng bành trướng quyền lực và định hình tương lai trước mắt của đất nước.
Lên đỉnh sự nghiệp
Vị tướng 64 tuổi đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình trong quân đội đầy quyền lực. Ông gia nhập khi là một thiếu sinh quân.
Từng là sinh viên luật tại Đại học Yangon, ông thi vào Học viện Quốc phòng của Myanmar lần thứ ba năm 1974.
Người lính bộ binh tương đối khiêm tốn này liên tục được thăng chức và cuối cùng trở thành chỉ huy của Cục Tác chiến Đặc biệt-2 năm 2009.
Trong vai trò này, ông giám sát các hoạt động ở đông bắc Myanmar, dẫn đến việc hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số tị nạn chạy trốn khỏi tỉnh Shan phía đông và vùng Kokang, dọc theo biên giới Trung Quốc.
Bất chấp những cáo buộc về việc giết người, hãm hiếp và đốt phá quân lính của mình, Min Aung Hlaing vẫn tiếp tục thăng tiến và vào tháng 8 năm 2010, ông trở thành tổng tham mưu trưởng.
Chưa đầy một năm sau, ông được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất của quân đội qua mặt nhiều tướng lĩnh cấp cao hơn, kế nhiệm nhà lãnh đạo lâu năm Than Shwe với tư cách là Tổng tư lệnh vào tháng 3 năm 2011.
Khi Min Aung Hlaing trở thành Tổng tư lệnh, blogger và nhà văn Hla Oo - người nói rằng họ quen biết nhau từ thuở thơ ấu - đã mô tả ông là "một chiến binh thiện chiến của quân đội Miến Điện bạo tàn", nhưng cũng gọi ông là một "học giả và quý ông nghiêm nghị".
Tầm ảnh hưởng chính trị và 'nạn diệt chủng'
Min Aung Hlaing bắt đầu nhiệm kỳ với tư cách là thủ lĩnh quân đội khi Myanmar chuyển đổi sang nền dân chủ vào năm 2011 sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội, nhưng vẫn hướng đến việc duy trì quyền lực của Tatmadaw.
Tầm ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện trên mạng xã hội của ông tăng lên khi đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) được quân đội hậu thuẫn để lãnh đạo chính quyền.
Năm 2016, khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, ông dường như đã thích nghi với sự thay đổi bằng cách làm việc và cùng xuất hiện trước công chúng cạnh bà.
Bất chấp sự thay đổi, ông đảm bảo Tatmadaw tiếp tục nắm giữ 25% số ghế ở quốc hội và các vị trí nội các chủ chốt khác liên quan đến an ninh, đồng thời chống lại việc NLD tìm cách sửa đổi hiến pháp và hạn chế quyền lực quân sự.
Trong năm 2016 và 2017, quân đội đã tăng cường việc đàn áp người dân tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, miền bắc nước này, dẫn đến sự kiện nhiều người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar.
Người đứng đầu quân đội đã bị quốc tế lên án với cáo buộc "diệt chủng", và vào tháng 8 năm 2018, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói: "Các tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Myanmar, gồm Tổng tư lệnh, Thượng tướng Min Aung Hlaing, phải bị điều tra và truy tố về tội diệt chủng ở phía bắc Bang Rakhine, cũng như tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở các bang Rakhine, Kachin và Shan. "
Theo sau tuyên bố của hội đồng, Facebook đã xóa tài khoản của ông, cùng với tài khoản của các cá nhân và các tổ chức khác mà họ cho là đã "thực hiện hoặc cho phép các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước".
Hoa Kỳ đã trừng phạt ông ta hai lần - vào năm 2019 vì ông bị cáo buộc nắm vai trò trong việc "thanh lọc sắc tộc" và vi phạm nhân quyền, và vào tháng 7 năm 2020, Anh Quốc cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt với ông.
Thu tóm quyền lực
Theo các số liệu chính thức, cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm 2020 đã chứng kiến một chiến thắng vang dội của đảng NLD, nhưng trong những tháng sau đó, Tatmadaw và USDP được quân đội hậu thuẫn liên tục tranh chấp kết quả.
USDP đã đưa ra các cáo buộc gian lận bầu cử trên diện rộng. Những tuyên bố đó đã bị ủy ban bầu cử bác bỏ trước khi phiên họp quốc hội dự kiến vào ngày 1 tháng 2 để xác nhận chính phủ mới.
Suy đoán về một cuộc đảo chính ngày càng tăng trong bối cảnh mối quan hệ giữa chính phủ và các lực lượng vũ trang đang bế tắc. Vào ngày 27 tháng 1, Min Aung Hlaing cảnh báo rằng "hiến pháp sẽ bị loại bỏ, nếu không tuân theo", trích dẫn các ví dụ về các cuộc đảo chính quân sự trước đó vào năm 1962 và 1988.
Văn phòng của ông dường như đã đảo ngược lập trường này vào ngày 30 tháng 1, nói rằng truyền thông đã hiểu sai lời của các quan chức quân đội về việc bãi bỏ hiến pháp.
Tuy nhiên, vào sáng ngày 1 tháng 2, Tatmadaw đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo cấp cao khác, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Min Aung Hlaing nắm mọi quyền hành nhà nước trong giai đoạn này với tư cách là tổng tư lệnh, và ngay lập tức dành ưu tiên cho những cáo buộc về bầu cử.
Một cuộc họp của Hội đồng An ninh và quốc phòng do ông đứng đầu nói họ sẽ điều tra các cáo buộc gian lận và tổ chức cuộc bầu cử mới, vô hiệu hóa chiến thắng của NLD.
Min Aung Hlaing ban đầu dự định từ chức Tổng tư lệnh sau khi đến tuổi hưu 65 vào tháng 7 năm nay, nhưng hiện ông có thêm ít nhất một năm cầm quyền - và có thể lâu hơn nữa - với việc Myanmar rõ ràng trở lại chế độ quân sự .
Khi Myanmar phải đối mặt với một tương lai bất định với tình trạng khẩn cấp, ông Min Aung Hlaing củng cố quyền lực của mình và nắm quyền điều hành đất nước.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-55898602
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét