Trong phần hai cuộc bút đàm với BBC News Tiếng Việt hôm 29/6/2020, năm nhà hoạt động chia sẻ viễn kiến, kỳ vọng của mình về tương lai của đất nước, và bình luận về khía cạnh mưu sinh như một điều kiện sống và hoạt động mà giới này đang phải đối diện.
Nhà báo tự do Cát Linh (từ Hà Nội): Khó khăn thì vô vàn. Một người bình thường cũng đã rất khó khăn để có đủ chi tiêu qua ngày. Còn với những người tham gia các hoạt động xã hội thì họ phải hy sinh rất lớn, bỏ nhiều thời gian, ít thời gian cho gia đình, công việc có thể nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì đuổi việc, ... rất nhiều yếu tố cấu thành những khó khăn này.
Bản thân là một nhà báo tự do thì tôi thấy rằng rất khó để có một chỗ ở ổn định vì luôn bị quấy nhiễu, ép chuyển nhà, công việc tự do thì thu nhập cũng thất thường... và xã hội thì nhiều người vẫn nghĩ rằng mình là một người nguy hiểm, đây là điều đáng đau lòng nhất.
Nhà hoạt động Sương Quỳnh (nhà báo độc lập từ Sài Gòn): Đúng là vấn đề mưu sinh là vấn đề khó khăn nhất cho các nhà tranh đấu. Chính vì thế nhà cầm quyền quyết triệt công việc hay làm ăn của họ. Hầu hết những người tranh đấu ở Việt Nam đều vướng mắc về vấn đề này, sự tương trợ cũng chỉ mang tính cách chia sẻ. Không như đấu tranh ở Hong Kong có đủ các tầng lớp tham gia trong đó có cả tầng lớp trung lưu và doanh nhân, tỷ phú nên họ vững vàng về vật chất. Do đó ở Việt Nam nhiều người đấu tranh tâm huyết đành lùi một bước để mưu sinh. Đó là điều khó khăn tôi cho là bậc nhất trong phong trào đấu tranh hiện giờ.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (cựu tù nhân chính trị): Cô lập kinh tế, chặt đứt nguồn mưu sinh của các nhà hoạt động luôn là một trong những biện pháp đầu tiên mà nhà cầm quyền áp dụng. Bản thân tôi khi đang thử việc trong một công ty du lịch thì cũng bị an ninh làm khó dễ nên công ty đó đã buộc phải từ chối nhận tôi vào làm. Một số công ty khác cũng phỏng vấn tôi để tuyển dụng nhưng đã từ chối khi biết tôi từng là tù nhân chính trị.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Câu hỏi nêu đúng vấn đề nan giải của giới bất đồng chính kiến hiện nay. Đối với chế độ toàn trị, đấu tranh tức là tránh vào đâu? Việc đầu tiên họ làm là phong tỏa vấn đề công ăn việc làm, thu nhập. Vấn đề mưu sinh thường nhật là vấn đề nan giải với không ít người đấu tranh. Nhiều bạn trẻ đấu tranh đã phải dừng bước, hạn chế tham gia vì còn phải lo sự tồn tại, duy trì cuộc sống. Đây là điều rất đáng tiếc. Vì sự phức tạp của môi trường đấu tranh, và sự hạn chế nhiều mặt, chưa có tổ chức nào, hội nhóm cộng đồng nào giúp được vấn đề căn bản, thiết thân này một cách bài bản, hệ thống. Bản thân tôi có lẽ vì đấu tranh lâu năm nên có được công việc đủ duy trì sự tồn tại, nhưng muốn làm việc gì nhiều hơn cho việc đấu tranh cũng rất khó khăn về nguồn lực, rất khó.
TSKH Nguyễn Quang A: Cộng sản ở mọi nơi luôn đánh vào cái dạ dày của các nhà hoạt động và tạo cho họ nhiều khó khăn về mưu sinh, nhưng thời nay có ngàn vạn cách để né cú đòn đó của nhà cầm quyền. Người Việt Nam chí ít cũng đã đòi lại được một số quyền kinh tế và về phương diện này các nhà hoạt động thời nay có thuận lợi hơn các vị tiền bối rất rất nhiều.
Chuyển động trước Đại hội 13?
BBC: Đã đang có sự chuyển động nào đáng nói, đáng ghi nhận nhất trong lòng các giới này và tương lai, viễn kiến sẽ ra sao, so với các thế hệ cũ, bối cảnh cũ, sẽ có xu hướng, tính mới nào, đặc biệt trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 thì ra sao?
Nhà báo tự do Cát Linh: Việt Nam đã thay đổi . Trong quá trình hội nhập với thế giới và để được bắt tay với thế giới thì dù muốn hay không, Việt Nam phải thay đổi. Điều đáng ghi nhận là nhiều người dân cũng đã hiểu được các mặt trái, phải của xã hội. Còn tinh thần xã hội, tinh thần để lên tiếng lên án những cái xấu thì cần thêm nhiều sự dũng cảm. Bên cạnh đó một số những chính trị gia không ngại phản biện trước các diễn đàn.
Đối với Việt Nam, chúng ta cần thời gian và mọi thứ sẽ thay đổi để Việt Nam có một Việt Nam rất riêng. Và nhắc lại là chúng ta không thể vội vàng. Đưa một quốc gia trở nên hùng mạnh thì cần trách nhiệm, nhận thức của tất cả mọi công dân.
Đại hội sắp tới sẽ có những sự thay đổi, trật tự mới trong hàng ngũ chính trường sẽ được sắp xếp lại. Nhưng để ảnh hưởng đến những vấn đề của xã hội thì cần phải quan sát thêm vì hiện tại chúng ta chưa biết ai sẽ lên và ai sẽ xuống.
Bà Sương Quỳnh: Những chuyển động đáng nói là càng ngày càng nhiều người dân đã thức tỉnh và nhìn nhận ra rõ nét hiện trạng đất nước bây giờ. Đó là nhờ mạng xã hội đã nỗ lực trong hàng chục năm qua dù những người đóng góp nhiều người phải trả giá bằng tù tội hay bị quản thúc, theo dõi gắt gao tại nhà.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Theo tôi, trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 thì phong trào dân chủ - xã hội dân sự sẽ đi xuống vì cuộc đàn áp đang khốc liệt. Rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt thời gian gần đây, kể cả những người thuộc diện sức khỏe yếu, độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên, trước sự hung hăng bành trướng của cộng sản Trung Quốc trên biển Đông và trên toàn thế giới, các quốc gia dân chủ, văn minh và các quốc gia bị dính “bẫy nợ” đã nhận thức rõ ràng mối nguy hiểm của chế độ cộng sản Trung Quốc, sự tranh đấu, cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc này sẽ tác động rất lớn đến cục diện chính trường Việt Nam với thuận lợi thuộc về những người dân chủ. Tác động của hậu Thế chiến II giữa hai phe Đồng minh và phát xít đã định hình nên Việt Nam hiện tại và bây giờ lịch sử sẽ lặp lại. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia dân chủ và Trung Cộng độc tài sẽ định hình chính trị Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Chuyển động đáng nói, đáng ghi nhận nhất trong lòng các giới này, đó là họ nhận thức được cuộc đấu tranh rất khó khăn, gian khổ và nan giải sau một thời gian đàn áp khắc nghiệt của nhà cầm quyền. Khi họ nhận thức được thực tế, đúng và sát thì sẽ đưa ra những chương trình, kế hoạch và công việc phù hợp hơn, dẫn tới hiệu quả hơn và giảm bớt các tổn thất.
TSKH Nguyễn Quang A: Cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ không bao giờ chấm dứt, ngay cả ở các nền dân chủ tiên tiến. Lơi là một chút là thấy hậu quả ngay. Chính vì thế nó là một quá trình liên tục phải được duy trì nuôi dưỡng, nhắc lại (vì chứng quên là bản chất của con người). Tôi không thích kiểu so với các thế hệ trước, nó là quá trình liên tục nên phải dựa vào quá khứ (cả hay để phát huy và tránh cái dở) nhưng phải tỉnh táo vì thế giới luôn thay đổi, chỉ dựa vào kinh nghiệm cũ không ổn, phải học từ các nơi khác nhưng không nên sao chép (copy) mà phải làm cho hợp với hôm nay. Đại hội 13 của ĐCSVN chỉ là một chặng, tìm mọi cách (kể cả gây sức ép cho đến thuyết phục với các giải pháp đề xuất đa dạng). Cuộc đấu tranh này diễn ra trên nhiều mặt trận, cần nhiều đội quân khác nhau với các phương pháp và đối sách khác nhau.
Đủ năng lực và sẵn sàng?
BBC: Nếu ngay ngày mai có sự thay đổi điều kiện chính trị, thể chế ở đất nước, liệu các giới trên (bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động) đã sẵn sàng và có đủ khả năng, năng lực để bước ra tham chính, chấp chính, lãnh đạo, quản trị đất nước hay chưa, vì sao và thế nào?
Nhà báo tự do Cát Linh: Tôi nghĩ rằng việc tham chính, quản trị đất nước là vị trí của những người được người dân lựa chọn. Những người bất đồng chính kiến chỉ bày tỏ ý kiến của họ trước một ý kiến khác. Bất đồng chính kiến, thúc đẩy xã hội minh bạch, phát triển... không có nghĩa là họ muốn tham chính, muốn làm chính trị.
Bà Sương Quỳnh: Nếu có sự biến đổi và chính quyền thuộc về nhân dân thì tôi tin có nhiều người thực tài sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo đất nước từ nước ngoài lẫn trong nước. Thực ra ngay trong bộ máy nhà nước hiện giờ tôi cũng tin có những người tài giỏi nhưng họ bị khống chế vì cơ chế nên họ không thể dùng tổng lực làm việc hữu hiệu. Nhưng nếu cơ chế thay đổi có thể họ sẽ phát huy được năng lực của mình, những người này nếu chứng tỏ uy tín sẽ được bầu vào bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, để chế độ dân chủ thực thi như các nước văn minh thì Việt Nam còn phải trải qua nhiều năm để chọn được một lãnh đạo hoàn chỉnh đủ tài đức, khi đã có một bộ hiến pháp và pháp luật hoàn chỉnh để tuân thủ. Để chọn được lãnh đạo tài đức thì trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức của người dân phải gần được như người dân Hong Kong hiện giờ.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Nếu ngày mai có sự thay đổi ngay lập tức thể chế chính trị tại Việt Nam, tôi tin rằng các tổ chức, cá nhân dân chủ đã sẵn sàng bước ra tranh cử vào các vị trí dân cử. Nên nhớ rằng phong trào dân chủ đã có quá trình phát triển rất lâu dài tại Việt Nam chứ không phải mới đây. Có rất nhiều chính đảng, cá nhân trong và ngoài nước đã và đang âm thầm chuẩn bị cho vấn đề Hiến pháp mới, bầu cử hậu cộng sản. Nhờ vào mạng xã hội, Internet, cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trình độ dân trí ở Việt Nam đã cao hơn trước rất nhiều.
Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, chỉ sau 15 năm, nhờ vào thời cơ Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945 đã có thể lên nắm quyền vào tháng 8/1945. Đảng này chỉ có vỏn vẹn 5 tháng được hoạt động công khai nhưng đã lật đổ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim để “cướp chính quyền”.
Hiện tại, thời cơ chắc chắn sẽ đến, nhưng tôi vẫn luôn mong mỏi tiến trình dân chủ hóa này sẽ diễn ra ôn hòa, trong tình tự dân tộc, vì sự phát triển tốt nhất của đất nước để xây dựng một nền dân chủ thực sự.
TSKH Nguyễn Quang A: Đừng mong đợi sự thay đổi hay điều kiện, hãy góp phần tạo ra sự thay đổi và các điều kiện đó! Vì cuộc đấu tranh là lâu dài gian khổ nên chưa thể mong có thay đổi “lớn lao” trong thời gian ngắn nếu chúng ta không hành động mà chỉ mong ước hay than phiền, nhưng có thể xây dựng một số yếu tố của xã hội dân chủ, tự do ngay trong lòng chế độ độc tài (đó là cách tích cực, không có nó thì cả ngàn năm nữa cũng không có dân chủ và tự do).
Hãy thực thi quyền của mình được nêu long trọng trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (tức là luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia từ đầu các năm 1980), trong hiến pháp chưa được tốt lắm hiện nay (và như thế chính quyền Việt Nam phải có nghĩa vụ pháp lý để tạo điều kiện pháp lý cho nhân dân Việt Nam thực thi các quyền ấy). Mọi người dân hãy thực thi các quyền đó mà không đợi ai cho phép và phải đòi chính quyền tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho nhân dân thực thi các quyền vốn có đó của mình (đó là nghĩa vụ chính của chính quyền vì nhân dân nuôi họ để họ làm việc đó mà họ không làm được thì phải đuổi họ xuống) với phương châm “biến quyền trên giấy thành quyền thực tế”, theo tinh thần “quyền ta ta cứ làm” (chưa có luật là lỗi của quý vị; luật cản trở là vi hiến và vi phạm luật quốc tế). Từng bước một chúng ta có thể giành lại các quyền vốn có và được luật quốc tế cũng như hiến pháp quy định và đến khi giành được các quyền chính trị cơ bản (quyền lập các đảng chính trị, bầu cử tự do trong sạch và công bằng) thì dân chủ hoá thành công và quan trọng nhất với một xã hội dân sự sôi động như vậy tạo cơ sở vững chắc cho sự củng cố nền dân chủ mới một cách bền vững!
Ông Nguyễn Vũ Bình: Câu trả lời là vừa có, vừa không. Có ở khía cạnh, khi chế độ sụp đổ, việc xây dựng thể chế dân chủ là việc sẽ xảy ra và chắc chắn xảy ra. Quá trình xây dựng thể chế dân chủ và việc người dân bầu chọn ra đội ngũ lãnh đạo đất nước chắc chắn sẽ được thực hiện. Như vậy, những người trong giới bất đồng chính kiến sẽ là những người được lựa chọn và có vị trí lãnh đạo trong tương lai. Điều đó có nghĩa là giới bất đồng chính kiến lúc nào cũng sẵn sàng tham gia vào việc điều hành, lãnh đạo đất nước. Nhưng nói là đủ khả năng, năng lực cũng rất khó nói (nói không đủ khả năng, năng lực cũng không được) vì để quản trị quốc gia, lãnh đạo đất nước nhất là trong giai đoạn chuyển đổi là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một thể chế dân chủ được xây dựng hữu hiệu sẽ sàng lọc tốt những người có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Có thể giai đoạn đầu gặp khó khăn, song Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu những người có đủ năng lực để quản trị, lãnh đạo đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét