Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) khóa XI, vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác 6 tháng đầu năm, chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2020.
Tại Hội nghị, Ủy ban MTTQVN tại TPHCM đã công bố báo cáo dài 18 trang về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tại địa phương. Tuy nhiên, trong toàn bộ báo cáo không hề có phần giám sát tham nhũng.
Phát biểu tại Hội nghị, Kỹ sư Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện của Ủy ban MTTQVN tại TP.HCM, đặt câu hỏi: 'Phải chăng TP.HCM đã hết tham nhũng, nên báo cáo không có nội dung phòng chống tham nhũng?'
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 30 tháng 6 năm 2020 từ TPHCM, liên quan vấn đề này. ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nói:
“Làm sao mà hết tham nhũng được, có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu, mà hết tham nhũng được. Còn tại sao họ không nêu lên thì tôi cũng không hiểu. Chứ nhiều lắm, tràn lan, tham nhũng đàng hoàng trên đường phố, công an đón người ta kêu có tội rồi phạt, tiền đưa vào túi chứ có đưa vào ngân sách đâu? Còn chuyện tham nhũng bên trong thì đủ thứ tham nhũng, tham nhũng đất đai... Chưa có giải pháp, chưa có chế tài nào để trị tham nhũng đến nơi đến chốn. Chưa kể những chuyện tham nhũng từ xưa còn để lại ắp lẵm đó, rồi đập đập để đó... từ đất đai,nhà cửa, kể cả vấn đề của quận 2... tới giờ đã giải quyết được đâu, mà nói hết tham nhũng.”
Trong khi đó, theo báo cáo về công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQVN, về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương 6 tháng đầu năm 2020, thì Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2020...
Kỹ sư Trần Bang, hiện đang sống tại Sài Gòn, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 30 tháng 6 năm 2020 cho rằng, với một chế độ độc đảng toàn trị nắm cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội... trong hơn nửa thế kỷ, thì đã là một loại tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực sẽ sinh ra đủ loại tham nhũng về tài sản, tiền bạc, việc làm... trong xã hội. Ông nói tiếp:
“Nơi nào có hoạt động kinh tế là nơi đó có % rơi rụng vào những người có quyền quyết định đến các hoạt động đó như cấp phép, thông quan, thuế... Có đầu tư mua sắm công là có % rơi rụng, như mua máy xét nghiệm Covid-19 vừa qua, việc mua thuốc cho các bệnh viện bị thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng chỉ phần nổi tảng băng chìm... hay để trúng thầu cung cấp dịch vụ công, tại sao có người trúng người trượt không minh bạch... hay việc xây dựng các công trình hạ tầng... có chi ngân sách là có... Lĩnh vực đất đai thì nhiều người biết, TPHCM từ phó bí thư, phó chủ tịch thành phố vừa qua đều dính... Ví dụ Thủ Thiêm dân được đền vài triệu đến vài chục triệu/ m2 đất, nhưng mua lại vài trăm triệu/ m2 thì chênh lệch trăm triệu đồng/m2 đó vào túi ai, ngoài túi doanh nghiệp bất động sản?”
Theo ông Trần Bang, chỉ cần so sánh tài sản một quan chức cách đây 10 năm, với tiền, tài khoản, nhà đất, cổ phần, công ty... hay mức sống, chữa bệnh, du học, du lịch, mua sắm... ở trong và ngoài nước hiện nay của họ, thì sẽ thấy chênh lệch tài sản khủng khiếp. Chênh lệch tài sản đó có minh bạch không? Có phải do tích lũy bằng lương và thu nhập công chính không? Là biết quan chức còn tham nhũng không?
Theo báo cáo Chỉ số PAPI năm 2019, được công bố vào tháng 4 năm 2020, về việc công khai, minh bạch trong các vấn dề quyết định ở địa phương, việc trách nhiệm giải trình với người dân… Thì người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn còn tồn tại trong nhiều hoạt động của lĩnh vực công. Cụ thể có đến 45% người dân đồng ý rằng phải có sự lót tay chạy chọt để có thể vào làm việc trong lĩnh vực nhà nước.
Ngoài ra, có 31% người dân cho rằng, phải chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám, chữa bệnh; và 30% người dân cho rằng, phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được thầy cô giáo quan tâm hơn. Tương tự, 31% những người được hỏi cho rằng, phải chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 21% có cùng nhận định khi làm giấy phép xây dựng.
Theo Chỉ số báo cáo PAPI năm 2019, thì thành phố Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất cả nước và thành phố Hồ Chí Minh dù có tiến bộ nhưng vẫn chỉ thuộc nhóm trung bình cao.
Anh Nguyễn Đình Đệ, một người dân ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình, hôm 30 tháng 6 năm 2020:
“Nói chung trên toàn cõi Việt Nam và nói riêng TPHCM thì tham nhũng mang tính hệ thống. Với thể chế độc đảng thì diệt tham nhũng khó lắm. Khi nào mình có một thể chế chính trị tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì mới kiểm soát tham nhũng tốt hơn. Chứ hiện nay muốn bắt một cán bộ tham nhũng thì vướng chỉ thị 15 của đảng, quy định xin ý kiến chi bộ đảng mới bắt được người đó, hoặc phải khai trừ ra khỏi đảng mới bắt được. Phó giám đốc công an TPHCM là ông Minh, cũng than phiền chuyện này, ổng nói rằng chống tham nhũng rất khó, thấy đó mà không dám bắt, vướng chỉ thị 15... Chứ tham nhũng ở TPHCM không phải đơn lẻ nữa, có chân trong, chân ngoài, có phe nhóm lợi ích... Như vụ Thủ Thiêm chẳng hạn, đất của dân lấy rồi nhưng trả thì không trả được, vì đã chia cho các nhóm lợi ích rồi, đó là một hình thức tham nhũng.”
Theo kết quả từ phiên họp lần thứ 17, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng diễn ra vào sáng ngày 15/1/2020, có đến 10 vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phải đưa ra xét xử trong năm 2020.
Trong đó, một nửa số vụ án tham nhũng nằm ở TP HCM như: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP.HCM; Vụ án dự án đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Quận 1; Vụ án liên quan đến đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, Quận 1; Vụ án tham ô tài sản tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét