Đề tài dân chủ đã xuất hiện khá nhiều trên truyền thông tiếng Việt trong và ngoài chính phủ. Được nói đến nhiều nhất có lẽ là trường hợp BS Phạm Hồng Sơn dịch sang tiếng Việt để phổ biến một tài liệu mang tên “Thế nào là dân chủ” (What is democracy) từ trang điện tử của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Việc làm này dẫn đến việc ông bị bắt, bị khám nhà, bị truy tố về tội gián điệp và bị kết án tù 13 năm. [1]
Cũng được nói đến nhiều là phát biểu về dân chủ của bà GS/TS Nguyễn Thị Đoan lúc còn đang giữ chức Phó Chủ Tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Trong bài nói chuyện mang tên “Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới,” bà cho rằng nền dân chủ ở Việt Nam (CHXHCNVN) “khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản... ” [2]
Gần đây, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quyền Con Người (thuộc Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh) Cao Đức Thái đã nói về dân chủ ở Viet Nam như sau:
Đặc trưng nền dân chủ của Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; chế độ dân chủ của Việt Nam dựa trên hệ thống chính trị các cấp-đó là chế độ sinh hoạt của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; là tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc và của các đoàn thể xã hội luôn luôn được tôn trọng. Ở đây tiếng nói, nguyện vọng của người dân được bảo đảm thông qua các đại diện của mình. Một trong những đặc trưng của nền dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền. [3]
Trong khi đó, các tổ chức quốc tế đã nhận xét về dân chủ ở Việt Nam (CHXHCNVN) một cách rất khác. Việt Nam xếp hạng gần chót (hạng 136 trong 167 quốc gia) về Chỉ Số Dân Chủ 2019 (Democracy Index 2019) do Economist Intelligence Unit (EIU) thiết lập và được xếp vào loại độc tài (authoritarian).[4] Theo Freedom House, Việt Nam có tổng số điểm 20 trên 100 về tự do, cũng gần chót.[5] Căn cứ theo dữ liệu của Polity, Việt Nam đạt 0 điểm trên 10 về dân chủ và được xếp vào loại độc tài (autocracy).[6]
Vậy dân chủ là gì? Tại sao Việt Nam lại bị các tổ chức quốc tế đánh giá thấp về dân chủ?
Nói một cách ngắn gọn, dân chủ là một hình thức chính phủ trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân thông qua bầu cử (election). Mặc dù bầu cử là một yếu tố cơ bản của dân chủ, không phải các quốc gia có tổ chức bầu cử đều là các quốc gia dân chủ, hay có mức độ dân chủ như nhau. Hiện nay có hàng trăm nước trên thế giới tổ chức bầu cử để thành lập chính phủ, nhưng mức độ dân chủ ở những nước này rất khác nhau. Thật ra, ngoài bầu cử, dân chủ cần có nhiều yếu tố khác để bảo đảm người dân có thể thật sự thực thi quyền lực tối cao trong việc điều hành hay quản lý đất nước.
Dân chủ là một tiến trình nên khái niệm về dân chủ được hình thành và phát triển qua thời gian. Hiện nay, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng như các tổ chức cổ võ cho dân chủ đã đồng ý về nhiều yếu tố (elements) cũng như các thuộc tính (attributes) của dân chủ. Bài viết này tổng hợp các yếu tố và thuộc tính (hay đặc tính) của dân chủ được ba tổ chức đánh giá dân chủ trên thế giới và một số học giả ngành chính trị học (political Science) ghi nhận. Ba tổ chức này gồm có:
1. Freedom House, một tố chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu và cổ võ cho dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền. Hàng năm, Freedom House công bố các báo cáo Freedom in the World, đánh giá mức độ tự do dân chủ (democratic freedoms), Press Freedom Survey, khảo sát tự do báo chí ở các nước trên thế giới và Freedom on the Net, báo cáo về tự do internet ở các quốc gia trên thế giới. [7]
2. The Polity Study là một tổ chức nghiên cứu học thuật với sự tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ. Hàng năm, Polity cung cấp dữ liệu cho các nghiên cứu về khoa học chính trị (political science research) bao gồm các thông tin về mức độ dân chủ ở các quốc gia độc lập có trên nửa triệu dân. [8]
3. Economist Intelligence Unit (EIU) là một công ty tư nhân có trụ sở ở Anh Quốc cung cấp Chỉ Số Dân Chủ (Democracy Index) để đo lường tình hình dân chủ ở các quốc gia có chủ quyền (167 nước). [9]
I. Yếu Tố Bầu Cử
Bầu cử là phương tiện cốt yếu cho tiến trình dân chủ và bao gồm hai thành phần: bỏ phiếu (voting) và ứng cử (candidacy). Thông qua bầu cử, người dân ứng cử vào các chức vụ trong chính phủ để trực tiếp tham gia vào việc điều hành đất nước hay bầu người đại diện vào các cơ quan thuộc chính phủ để thực hiện quyền điều khiển/quản trị đất nước. Nhưng không phải bầu cử nào cũng đưa đến dân chủ. Bầu cử cần có những đặc tính sau đây để bảo đảm quyền điều khiển đất nước của người dân.
a. Tranh đua chính trị (political competitiveness). Cần phải có tranh đua trong việc ứng cử để việc lựa chọn của người dân thật sự có ý nghĩa, và người được bầu thật sự là người đại điện cho dân. Tranh đua chính trị được thể hiện qua mức độ tham gia ứng cử của cá nhân, đảng phái và các tổ chức. Khi có nhiều người hay tổ chức tham gia ứng cử thì cử tri có nhiều lựa chọn hơn. Trong thực tế, tranh đua chính trị thường bị giới hạn bằng nhiều cách, khiến cho tính cách dân chủ của một quốc gia bị biến mất hay giảm đi.
· Tranh đua chính trị bị giới hạn khi nhà cầm quyền hạn chế tham gia ứng cử. Thí dụ Việt Nam (CHXHCNVN) hạn chế ứng cử bằng chính sách “đảng cử dân bầu,” để đảng CSVN lựa chọn ứng cử viên bằng thủ tục “hiệp thương” do nhà cầm quyền điều khiển.
· Tranh đua chính trị cũng bị giới hạn khi nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền bằng cách hạn chế quyền ứng cử của những người bất đồng chính kiến (dissidents). Thí dụ, trường hợp Joshua Wong không được phép ứng cử vào các Hội Đồng Quận Hạt ở Hong Kong mới đây (2019).
· Tranh đua chính trị cũng bị giới hạn khi những người đang cầm quyền tạo ra các trở ngại cho những đối thủ chính trị (political opponents). Thí dụ, đảng People’s Action Party (PAP) của Lý Quang Diệu, vốn cầm quyền liên tục ở Singapore trên nửa thế kỷ, được cho là đã đưa các đơn kiện về phỉ báng chống lại các đối thủ chính trị khiến họ bị phá sản và không còn khả năng tài chánh cũng như không đủ tiêu chuẩn để ứng cử. [10]
b. Bầu Cử Công Khai, Tự Do và Công Bằng. Bầu cử phải được tổ chức công khai để mọi công dân biết mà tham gia với tư cách cử tri hay ứng cử viên, đồng thời giám sát xem bầu cử có được tự do và công bằng. Bầu cử tự do khi cử tri và ứng cử viên được tự do tham gia, và không cảm thấy an toàn cá nhân và gia đình bị đe dọa bởi nhà cầm quyền hay các tổ chức ngòai chính quyền. Trước thập kỷ 1960s, cử tri da màu ở một số địa phương ở Hoa Kỳ đã từng bị các nhóm kỳ thị chủng tộc (như KKK) tìm cách đe dọa và ngăn cản họ đi bỏ phiếu. Ngoài ra, có bầu cử tự do khi các lựa chọn chính trị của cử tri không bị áp lực hay khống chế bởi quyền lực của quân đội, các thế lực từ nước ngoài, hệ thống và đẳng cấp tôn giáo, các thế lực kinh tế, và các nhóm quyền lực khác. Bầu cử được xem là công bằng khi các ứng cử viên có các cơ hội đồng đều trong việc vận động tranh cử và không bị ảnh hưởng bởi các thế lực từ nước ngoài, những người đang tại chức và các thế lực ngoài chính quyền. Ở VN, ngòai việc thiếu cạnh tranh, cử tri từng được/bị nhà cầm quyền gợi ý nên bầu cho ứng cử viên nào đó. Như thế là trái với nguyên tắc bầu cử tự do.
c. Quyền Bầu Cử Phổ Quát. Quyền bầu cử được coi là phổ quát khi mọi công dân, đến một tuổi nào đó, không phân biệt giới tính, chủng/sắc tộc, trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế đều có quyền bỏ phiếu. Thí dụ, quyền bầu cử phổ quát được thực hiện ở Hoa Kỳ năm 1965 khi luật Voting Rights Act được ban hành. Trước đó, hiến pháp Hoa Kỳ đã công nhận quyền bỏ phiếu cho tất cả nam giới từ năm 1870 và cho tất cả nữ giới từ năm 1920, nhưng nhiều tiếu bang miền Nam đã thay đổi hiến pháp tiểu bang và đưa ra nhiều giới hạn cho việc bỏ phiếu. Cử tri phải bị sát hạch về đọc-viết và đạo đức, phải đóng thuế thân (poll taxes), hay phải có tài sản (property ownership), v. v. Những đòi hỏi này đã loại bỏ quyền bỏ phiếu của người da màu, nhất là người Mỹ gốc Phi Châu và người nghèo. [11]
d. Quyền Ứng Cử Vào Các Chức Vụ Dân Cử Trong Chính Phủ. Trong một xã hội dân chủ, quyền điều khiển và quản lý đất nước thuộc về người dân nên mọi công dân phải được quyền ứng cử vào các chức vụ dân cử trong chính phủ. Thí dụ, Hoa Kỳ là quốc gia có rất nhiều chức vụ dân cử mở rộng cho mọi công dân tham gia. Về hành pháp, các chức vụ dân cử gồm có tổng thống, phó tổng thống, các thống đốc tiểu bang, các thị trưởng, các thành viên hội đồng giáo dục địa phương, cảnh sát trưởng (chief police hay sheriff), v.v. Ngành lập pháp có các chức vụ dân cử như dân biểu, nghị sĩ, và thành viên hội đồng thành phố. Đặc biệt Hoa Kỳ có rất nhiều chức vụ dân cử trong ngành tư pháp, như thẩm phán (judges) và công tố viên (district attorneys) cấp tiểu bang. Ngược lại, quyền ứng cử vào các chức vụ dân cử bị xóa bỏ hay thu hẹp tại các nước độc tài hay theo khuynh hướng độc tài. Thí dụ, tại Việt Nam (CHXHCNVN) các chức vụ dân cử chỉ bao gồm đại biểu quốc hội và thành viên các hội đồng tỉnh, thành phố và quận/huyện. Ngoài ra, không phải ai cũng có thể ứng cử vào các chức vụ dân cử kể trên. Đảng CSVN nắm quyền chấp thuận cho phép ai được trở thành ứng cử viên thông qua chính sách “đảng cử, dân bầu” và các thủ tục “hiệp thương.”
e. Thay Đổi Lãnh Đạo Thường Xuyên. Tính cách dân chủ của một quốc gia cũng được thể hiện qua việc thay đổi lãnh đạo theo định kỳ (regular leadership turnover). Các quốc gia dân chủ phương tây thường qui định thời gian cho nhiệm kỳ và giới hạn số nhiệm kỳ cho các chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất. Thí dụ, nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ là bốn năm, và mỗi tổng thống chỉ được làm tối đa hai nhiệm kỳ. Việc thay đổi lãnh đạo theo định kỳ, ngoài việc ngăn chặn sự củng cố quyền lực qua thời gian của cá nhân, nhóm hay đảng phái, còn tạo cơ hội cho các công dân được bầu vào vị trí lãnh đạo cao cấp nhất để trực tiếp tham gia việc quản lý và điều hành đất nước. Lãnh tụ các nước độc tài thường nắm giữ vị trí quyền lực rất lâu, có khi tới vài thập kỷ, không chia sẻ quyền điều khiển đất nước với các công dân khác. Như vậy, dù có tổ chức bầu cử theo định kỳ nhưng người được bầu lên không thay đổi (như trường hợp Lý Quang Diệu ở Singapore) thì chưa thật sự dân chủ.
II. Nguyên Tắc Đa Số
Có bầu cử thì phải có đa số và thiểu số. Dân chủ áp dụng nguyên tắc “đa số” để phản ảnh quan điểm theo đó chủ quyền thuộc về ý nguyện của đa số, và số đông thắng số ít. Mặc dù đa số nắm quyền điều khiển quốc gia, nguyên tắc đa số của dân chủ thể hiện giá trị cốt lõi của việc bảo vệ quyền cá nhân và quyền của thiểu số chống lại sự chuyên chế (tyranny) của đa số để bảo đảm quyền lực của đa số sẽ không đưa đến việc áp bức thiểu số hay làm triệt tiêu tự do cá nhân. Việc này được thực hiện thông qua các quyền tự do dân sự (civil liberties) được hiến pháp bảo vệ, một nhà nước pháp quyền (rule of law) mạnh mẽ, cũng như chính sách kiểm tra và cân bằng (check and balance) có hiệu quả để giới hạn quyền lực của hành pháp.
III. Chủ Nghĩa Tự Do
Chủ nghĩa tự do là một yếu tố cốt lõi của dân chủ. Chủ nghĩa tự do bảo vệ quyền của cá nhân và thiểu số chống lại tiềm năng chuyên chế của phe đa số. Chủ nghĩa tự do chú trọng vào quyền tự do ngôn luận và tư tưởng, tự do lập hội, tự do cá nhân và tự do tín ngưỡng.
a. Quyền tự do ngôn luận và tư tưởng bao gồm truyền thông độc lập và tự do, tự do internet, tự do học thuật, cũng như tự do biểu đạt về chính trị.
· Truyền thông (dạng in ấn hay điện tử) độc lập và tự do là khi truyền thông đưa tin mạnh mẽ, có các thảo luận tự do và công khai về các vấn đề của công chúng, và phản ảnh sự đa dạng của các ý kiến. Ngoài ra, ký giả không bị đe dọa, quấy rối hay tấn công trong khi tham gia các hoạt động nhà báo hợp pháp. Hiện nay có 12 ký giả ở Việt Nam và 48 ở Trung Quốc đang ở tù do thực hiện chức năng nhà báo của họ. [12] Đó là thí dụ điển hình của tình trạng không có truyền thông độc lập và tự do ở Việt Nam và Trung Quốc.
· Có tự do internet khi chính quyền không đặt ra các giới hạn có tính chất chính trị cho việc tiếp cận internet (kết nối mạng) và không kiểm duyệt trực tiếp hay gián tiếp internet và truyền thông. Luật An Ninh Mạng ở Việt Nam hiện nay là thí dụ điển hình của tình trạng không có tự do internet.
· Tự do biểu đạt ý kiến cá nhân về chính trị là khi mọi công dân có quyền phát biểu ý kiến về các vấn đề chính trị hay các vấn đề nhạy cảm mà không sợ bị giám sát, bắt bớ hay trả thù. Tình trạng nhiều bloggers ở Việt Nam bị công an thẩm vấn, bắt giam hay kết án tù chỉ vì phát biểu những ý kiến khác với quan điểm của nhà cầm quyền là thí dụ không có quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.
· Tự do học thuật (academic freedom) là khi hệ thống giáo dục không bị ảnh hưởng bởi giáo điều chính trị. Ở Hoa Kỳ và các nước dân chủ tây phương, công dân, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu có quyền tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu các chủ nghĩa tư bản, xã hội, cộng sản, cũng như các hình thức tôn giáo, các hiện tượng xã hội, các hình thức kinh tế, v.v. Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục được chỉ đạo bởi chủ nghĩa Marxist Leninist là thí dụ điển hình không có tự do học thuật.
b. Quyền tự do lập hội: Trong xã hội dân chủ, người dân có quyền tự do hội họp cũng như thành lập các tổ chức ngoài chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp chuyên môn và nghiệp đoàn lao động. Tại Việt Nam người dân chưa có quyền tự do lập hội.
· Quyền tự do hội họp tạo điều kiện cho người dân trao đổi ý kiến hay thảo luận các vấn đề liên quan đến đời sống của họ (chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, môi trường, v.v.). Biểu tình ôn hòa là một hình thức của quyền tự do hội họp.
· Quyền thành lập các tổ chức ngoài chính phủ (non-government organizations, NGOs), nhất là các tổ chức tham gia vào các hoạt động nhân quyền hay các công việc liên quan đến quản trị, tạo điều kiện cho việc giám sát các hoạt động cũng như điều tra các vi phạm của guồng máy chính quyền.
· Quyền tự do thành lập các tổ chức nghề nghiệp chuyên môn và nghiệp đoàn lao động độc lập giúp các người hành nghề chuyên môn có cơ hội thảo luận các vấn đề liên quan đến quyền lợi của những người làm chuyên môn và công nhân, cũng như phát triển ngành nghề. Việt Nam hiện nay có tổ chức công đoàn và nhiều hội nghề nghiệp chuyên môn, nhưng những tổ chức này không độc lập vì đều do đảng CSVN điều khiển.
c. Quyền tự do cá nhân và quyền tự chủ: Trong xã hội dân chủ, các cá nhân có quyền tự do di chuyển, cư trú, làm việc, học hành. Chính sách quản lý hộ khẩu tại Việt Nam hiện nay là trái với quyền tự do di chuyển và cư trú. [13]
d. Quyền tự do tín ngưỡng và lòng khoan dung về tôn giáo: Xã hội dân chủ có tự do tín ngưỡng và mức độ cao về lòng khoan dung tôn giáo (religious tolerance). Tất cả các tôn giáo đều được phép hoạt động tự do, không tôn giáo nào bị ngăn cấm; tín đồ có quyền thực hành các nghi thức tôn giáo một cách công khai hay riêng tư. Không tôn giáo nào cảm thấy bị đe dọa bởi các tôn giáo khác mặc dù có pháp luật qui định và bảo vệ bình đẳng tôn giáo. Trường hợp một số tu sĩ Phật giáo quá khích tấn công người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar là thí dụ về sự vi phạm tự do tín ngưỡng. [14]
IV. Yếu Tố Thảo Luận và Cân Nhắc
Người dân trong một nước dân chủ có quyền tự do thảo luận về chính trị và cân nhắc kỹ lưỡng (deliberative) các quyết định chính trị (thí dụ, bỏ phiếu cho ai). Giá trị cốt lõi của quyền thảo luận và yếu tố cân nhắc nằm ở chỗ những quyết định chính trị nhằm mục đích công ích phải căn cứ vào các cuộc đối thoại trong đó có sự tôn trọng lẫn nhau cũng như các thảo luận hợp lý ở tất cả các cấp. Do đó, ngoài việc chính quyền phải tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận hay đối thoại công khai, người dân cần tích cực tham gia vào việc lựa chọn theo tinh thần dân chủ.
Mặc dù các cá nhân có quyền tự do lựa chọn trong việc bỏ phiếu hay ra tranh cử, quyết định cá nhân mang tính dân chủ phải căn cứ vào lợi ích chung của xã hội, chứ không dựa vào sự kêu gọi tình cảm, những gắn bó cá nhân, những quyền lợi cục bộ, hay do bị ép buộc. Thí dụ, quyết định mang tính dân chủ là trước khi bỏ phiếu cử tri đã tìm hiểu kỹ lưỡng dựa theo các thông tin từ nhiều phía cùng các cuộc thảo luận hay đối thoại để xem ứng cử viên nào có khả năng hay có thể làm tốt cho xã hội về các phương diện kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, y tế, giáo dục, văn hoá, và nhân quyền mà không quan tâm đến giới tính hay màu da, tính cách hấp dẫn (charisma) do ngoại hình của ứng cử viên, cũng như tình đồng hương hay cùng niềm tin tôn giáo với ứng cử viên. Ngoài ra, lựa chọn một ứng cử viên có những quan điểm kỳ thị chủng/sắc tộc, giai cấp và giới tính, hay có khuynh hướng phản nhân quyền cũng là trái với tinh thần dân chủ.
V. Nhà Nước Pháp Quyền
Nhà nước pháp quyền hay thượng tôn luật pháp (rule of law) là một thuộc tính (attribute) không thể thiếu của dân chủ. Khi người dân tham gia bầu cử để lựa chọn người đại diện cho họ trong cơ quan lập pháp mà luật pháp không được tôn trọng thì dân chủ chỉ là cái bánh vẽ. Thượng tôn luật pháp nhấn mạnh vào quyền lực và ảnh hưởng của luật pháp trong xã hội, theo đó mọi người dù ở địa vị hay chức vụ nào cũng phải tuân theo luật pháp. Thượng tôn luật pháp bao gồm các yếu tố sau đây:
a) Tư pháp độc lập (judicial independence) là khi các hoạt động của ngành tư pháp không bị ảnh hưởng bởi các ngành khác trong chính phủ (hành pháp hay lập pháp) hay bởi các lợi ích cá nhân hay đảng phái. Tư pháp phải độc lập thì mọi người dân mới bình đẳng trước pháp luật. Thí dụ, tư pháp độc lập không nương tay khi xét xử các viên chức cao cấp trong chính phủ hay các nhân vật nổi tiếng (celebrity). Trái lại Việt Nam không có tư pháp độc lập vì đảng CSVN chỉ đạo hệ thống tư pháp, đặc biêt là các vụ án mang tính chính trị. Ngoài ra, các đảng viên cao cấp hay các nhân vật có thế lực khi can tội hình sự thường bị án nhẹ hơn so với thường dân trong trường hợp tương tự. Trường hợp tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đây chỉ trích hình phạt do công tố đề nghị cho một nhân vật thân cận với tổng thống (Roger Stone, Jr.), vốn đã được kết luận phạm các tội cản trở quốc hội (điều tra vụ Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016), nói dối quốc hội và lung lạc nhân chứng, cũng trái với nguyên tắc tư pháp độc lập. [15]
b) Thủ tục công bằng (due process) có nghĩa là chính quyền phải tôn trọng các quyền hợp pháp của cá nhân trong các vụ xét xử (dân sự, hình sự, thương mại, v.v.). Các quyền hợp pháp của công dân được qui định trong các văn bản pháp luật, kể cả hiến pháp. Thí dụ, Điều 20 Hiến Pháp Việt nam (CHXHCNVN), khoản 1 và 2 qui định:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. [16]
Tại Hoa Kỳ, một số Tu Chính Án (TCA) của Hiến Pháp chứa đựng các qui tắc căn bản của thủ tục công bằng. Thí dụ, TCA Số 4 qui định thủ tục bắt giữ, lục soát và tịch thu tang vật; TCA Số 5, quyền giữ im lặng, quyền không bị xử quá một lần về một tội, quyền không bị tra tấn về thể xác hay tinh thần trong lúc điều tra; TCA Số 6, quyền được xét xử công khai (public trial) và nhanh chóng (speedy trial), quyền được xử bởi bồi thẩm đoàn, quyền có luật sư đại diện, quyền đối chất với nhân chứng; TCA số 8, quyền được bảo lãnh để tại ngoại (bail) và cấm hình phạt quá mức hay tàn ác. [17]
Nhưng có qui định thì chưa đủ mà cần phải thi hành. Nếu trong các vụ xét xử mà các qui định về thủ tục công bằng không được áp dụng tức là không có thủ tục công bằng và không có dân chủ. Ngoài ra, khái niệm thủ tục công bằng được phát triển theo thời gian. Các nước càng dân chủ thì các qui định về thủ tục công bằng càng sát với các nhân/dân quyền và được áp dụng triệt để. (Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét