Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp Hội đồng Giáo sư Nhà nước yêu cầu công khai lý lịch khoa học của các ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nhưng không công khai lý lịch khoa học của lãnh đạo hội đồng này. Dự thảo được công bố lần đầu vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 và hiện đang gửi Vụ Pháp chế của bộ xem xét, trước khi trình Bộ trưởng GD&ĐT ký ban hành.
Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nói rằng, họ giấu thông tin vì họ muốn đưa những người trong phe nhóm vào làm bất chấp việc không công khai lý lịch là một chủ trương không đàng hoàng. Lý lịch khoa học không phải bí mật của ngành nghề hay bí mật quốc gia. Ông nhấn mạnh:
“Chuyện công khai lý lịch khoa học có việc gì mà phải che giấu? Che giấu vì sợ lòi cái dốt ra người ta chê cười. Lãnh đạo thì phải chọn người có lý lịch khoa học tốt nhất, tử tế nhất để người ta đánh giá. Theo tôi nghĩ đây là vấn đề lẩn quẩn mà thật ra nó chỉ xuất hiện trong một chế độ độc tài mà thôi, che giấu và dối trá.”
Còn với Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì đây là một minh chứng cho thấy rõ giới lãnh đạo không có trình độ học tập nghiêm túc nên họ phải giấu diếm, họ sợ lộ ra sẽ mất uy tín với người dân về vị trí lãnh đạo của họ. Và đây không chỉ là chuyện của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ông nêu nhận xét:
“Tôi thấy lãnh đạo Việt Nam, không chỉ Hội đồng Giáo sư mà tất cả mọi ngành, mọi cấp đều không công khai lý lịch khoa học của mình. Đối với một người làm khoa học mà không công khai lý lịch khoa học của mình thì đây là điều không có gì vinh hạnh cho nền học thuật Việt Nam.
Khoa học mà không trung thực, không sáng tỏ, không minh bạch thì không còn là khoa học đúng nghĩa được.”
Giáo sư không có công trình nghiên cứu
Hội đồng Giáo sư Nhà nước hay Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam là một hội đồng quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam, có nhiệm vụ, vai trò như trọng tài đề cử, xem xét, và phong tặng chức danh giáo sư của Việt Nam.
Hội đồng hiện có 28 ủy viên và ba lãnh đạo do Thủ tướng bổ nhiệm, trong đó Giáo sư-Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng.
PGS.TS Hoàng Dũng hiện giảng dạy tại Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng ông Nhạ giữ vị trí này là không hợp lý mà nên trả lại vị trí đó cho giới nghiên cứu, giới khoa học. Ông phân tích:
“Các thành viên mà không phải lãnh đạo thì có công trình nghiên cứu thật, do đó họ được đưa vào Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Còn Chủ tịch Hội đồng theo quy định ở Việt Nam là Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Mà đã là Bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì không có thời giờ đâu mà nghiên cứu.”
Theo PGS. Hoàng Dũng, việc công khai lý lịch khoa học của các vị lãnh đạo trong hội đồng, mà cụ thể là ông Phùng Xuân Nhạ, sẽ làm mất mặt ông Chủ tịch Hội đồng khi ông không có công trình nghiên cứu nào cả mà chỉ là con số trắng hoàn toàn. Ông nói tiếp:
“Ông Phùng Xuân Nhạ mà công bố lý lịch khoa học của ông thì may lắm ông chỉ có những bài nghiên cứu từ khi ông chưa phải là giáo sư, thậm chí chưa phải là hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi nghĩ chắc ông Nhạ ‘e thẹn’ nên không công khai luôn.”
Tháng 2 năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, gửi một báo cáo 10 trang đến Tổng thư ký của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, GS Trần Văn Nhung, nêu bằng chứng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “tự đạo văn”, “giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của vị bộ trưởng này.
Thật ra không chỉ ông Nhạ, trong số 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt năm 2017, số người có công trình nghiên cứu khoa học hàng năm được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus rất thấp so với các nước trong khu vực. Ví dụ, chỉ tính trong năm 2016, Việt Nam có hơn 3.800 bài báo khoa học quốc tế thì Thái Lan đã có hơn 8.800 bài và Malaysia có hơn 14.000 bài.
“Vừa hồng vừa chuyên”
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhìn nhận đây là một cách thú nhận sự khuất tất của giới lãnh đạo nói về phương diện học thuật một cách rõ ràng nhất. Ông giải thích:
“Dễ hiểu thôi, đó là những lãnh đạo được chọn lựa không phải theo hướng có học thực sự nghiêm túc. Từ lâu Việt Nam vẫn đưa ra chủ trương ‘vừa hồng vừa chuyên’ mà theo tôi thấy thì ‘hồng nhiều hơn chuyên’ cho nên chuyên môn của họ không rộng, từ đó có những khuất tất. Có những bằng cấp, học vị có được không bằng con đường chính danh, nghiêm túc cho nên họ sợ mất uy tín thì họ phải khỏa lấp bằng cách giấu diếm.”
“Vừa hồng vừa chuyên” mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vừa nói đến là dựa theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ khởi thảo vào năm 1965 và qua một số lần sửa chữa, được hoàn chỉnh vào tháng 5 năm 1969, trong đó có đoạn: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên’.
Quyết định 37/2018/QĐ-TTg yêu cầu các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải công khai lý lịch khoa học, từ cơ sở đến cấp ngành và trên cả trang web chính thống của Hội đồng Giáo sư Nhà nước để các đồng nghiệp và xã hội phản biện. Vậy việc không công khai lý lịch khoa học của các vị lãnh đạo có điều gì khuất tất hay không?
Truyền thông trong nước dẫn lời PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý - Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam rằng, bản dự thảo Thông tư sửa đổi này là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi. PGS Tiến lập luận rằng, trong khi lý lịch khoa học của các ứng viên giáo sư/phó giáo sư phải công khai trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước, mà bản tóm tắt lý lịch khoa học của những người xét duyệt lại giấu đi, không công khai thì thật là một điều khó hiểu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét