Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

264 - Đảng đã trở thành giai cấp bóc lột công nhân

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Biểu tình đòi quyền lợi của công nhân giờ đa phần là... tự phát.
Những năm gần đây, công nhân ở các nhà máy, công xưởng tại Việt Nam tổ chức nhiều cuộc đình công và biểu tình. Những cuộc đình công, biểu tình của công nhân nhiều nhà máy từ khắp trong Nam ra ngoài Bắc nổ ra ngày càng nhiều.
Mới đây, sáng ngày 17/2/2020 hàng ngàn công nhân công ty JY Hà Nam (xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) mang theo nhiều băng rôn tập trung trước khu vực cổng công ty để phản đối việc cho các chuyên gia người Trung Quốc sang làm việc. Ngoài ra, họ còn dương biểu ngữ đòi hỏi chủ không được kỷ luật, sa thải người vô lý cũng như các yêu cầu khác về lương bổng và chế độ của họ.
Theo dõi quá trình phát triển của công nhân Việt Nam thời gian mấy chục năm gần đây, chúng ta thấy có những thay đổi rất rõ ràng về vai trò của Đảng cộng sản.
Vai trò của đảng trong các cuộc đình công, biểu tình trước đây
Chủ nghĩa Mác – Lenin định nghĩa: “Đảng Cộng sản là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, của liêm minh công nông” mà giai cấp công nhân được định nghĩa là giai cấp ưu tú nhất, tiến bộ nhất và cách mạng nhất trong mọi tầng lớp nhân dân, chỉ vì đó là giai cấp vô sản nhất, có thể đi theo đảng đến cùng trong cuộc đấu tranh khi “không có gì để mất mà được thì được tất cả”.
Do vậy, trước đây trong thời thực dân, phong kiến, cũng như thời kỳ Đảng cộng sản hoạt động bí mật tại Miền Nam Việt Nam dưới chế độ cộng hòa, đảng là tổ chức đứng ra để tập trung, kích động cũng như ủng hộ công nhân đòi hỏi quyền lợi của mình, từ tăng lương, giảm giờ làm cho đến đình công làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế trong các nhà máy, công xưởng, từ mỏ than cho đến các cơ sở sản xuất khác nhau.
Thực chất, những cuộc biểu tình và gây khó khăn cho giới chủ trong thời kỳ đó, đảng cộng sản đã lợi dụng nó để phát triển tổ chức của mình và lôi kéo đội ngũ công nhân, tầng lớp bần cùng trong xã hội đứng về phía mình lật đổ chế độ, cướp chính quyền.
Không chỉ những cuộc đình công, biểu tình của giới công nhân, mà mọi thành phần xã hội đều được đảng kích động để làm rối loạn xã hội và hệ thống chính trị thời bấy giờ như bãi thị, bãi khóa, sinh viên xuống đường…
Những khi đó, hệ thống tuyên truyền của đảng luôn miệng kêu gào: Vì quyền lợi người lao động, vì hạnh phúc của công, nông dân…
Khi đó, Hồ Chí Minh đã viết: "Giai cấp công nhân mà không có một chính đảng cách mạng lãnh đạo thì khác nào con thuyền không có người cầm lái, dễ mất phương hướng. Còn Đảng Cộng sản không mang bản chất giai cấp công nhân, đứng trên lập trường giai cấp công nhân thì không còn là một đảng tiên phong cách mạng".
Thay đổi
Thế nhưng, kể từ khi cướp được chính quyền về tay mình, tổ chức một nhà nước bao cấp, một nền kinh tế theo kế hoạch tập trung, vai trò của người công nhân được định nghĩa là “những ông chủ, những người làm chủ tập thể”… Do vậy, việc đình công, biểu tình là điều không được phép xảy ra. Bởi theo lý thuyết cộng sản, chẳng có ông chủ nào lại đi biểu tình, đình công đòi hỏi quyền lợi cho chính mình từ ông chủ là mình.
Dù cho khi đó, chế độ bao cấp đã đem lại một nền kinh tế sa sút và suy kiệt, đời sống người công nhân lao động leo lắt bám vào vài thứ tem phiếu để mua mỗi tháng mấy lạng thịt và mấy cân lương thực mốc meo, nhưng việc đòi hỏi quyền lợi cho mình là điều không tưởng.
Thế rồi từ đó hình thành một chế độ mà theo ngôn ngữ dân gian thì “Đường sữa phát từ trên xuống, cuốc xẻng phát từ dưới lên”. Cả xã hội làm việc theo một mô hình tập thể và chẳng ai có trách nhiệm. Về quyền lợi, đảng ban gì được hưởng nấy, đảng nắm vững cái dạ dày và hầu bao người dân bằng chế độ tem phiếu và kiểm soát mọi hoạt động, tư tưởng cũng như suy nghĩ của người dân. Tất cả nhất nhất theo ý đảng.
Kết quả là đem đến một xã hội mà chỉ riêng việc lo cho đủ bữa ăn hàng ngày đã là một “nhiệm vụ chính trị” hết sức nặng nề không thể hoàn thành.
Mấy chục năm trong thời bao cấp tập trung dưới bàn tay của đảng, đất nước có những bước thụt lùi và tụt hậu. Đời sống người dân leo lắt, tổng sản phẩm xã hội không đủ để chi dùng và lãnh đạo đất nước kiêm thêm nghề ăn mày - chuyên đi xin viện trợ lương thực - dù đây là một đất nước nông nghiệp đã có thời kỳ dài trong quá khứ xuất khẩu lương thực ra thế giới.
Khi kiếm miếng ăn chưa đủ, thì đất nước và con người không nghĩ gì được xa hơn bát cơm của mình.
Tuy vậy, đảng vẫn luôn mồm leo lẻo về thành tích và công lao cũng như luôn luôn rêu rao “Vì hạnh phúc của người lao động”.
Lại thay đổi
Trước sự sụp đổ không tránh khỏi của hệ thống cộng sản trên toàn thế giới, trước tình cảnh đói nghèo không thể kiểm soát của người dân, đảng buộc phải chấp nhận những cá nhân, tổ chức dám “vượt rào” xóa bỏ bao cấp và bắt đầu mở cửa làm ăn với thế giới.
Kể từ khi mở cánh cửa mà đảng đã tự đóng và khóa lại chắc chắn bằng nhiều lớp khóa đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trên toàn đất nước, một sức sống mới của người dân được khơi dậy và họ đã tự phải lo cho chính bản thân của mình. Kể từ đó, kinh tế đất nước được khởi sắc và đời sống xã hội đã vượt qua được nạn đói triền miên, đói kinh niên như một căn bệnh cố hữu của chế độ cộng sản.
Khi hội nhập phần nào với đời sống quốc tế trên nhiều lĩnh vực, sự hợp tác với các quốc gia mà trước đây đảng coi là chậm tiến, là phản động… nay đảng phải thừa nhận rằng đó là những đất nước văn minh và tiến bộ với nền sản xuất tiên tiến thì đời sống người dân cũng như bộ mặt xã hội lại có những diễn biến mới.
Hàng loạt các công ty nước ngoài được đảng kêu mời vào đầu tư tại Việt Nam nhằm khai thác cho đảng nguồn nhân công rẻ mạt và những ưu tiên hiếm có.
Nhiều nhà máy, công xưởng, công ty đã mọc lên khắp nơi từ trong Nam ra ngoài Bắc mà chủ yếu là nhắm vào nguồn đất đai và sức lao động rẻ mạt, dễ huy động bởi một chế độ đã mang lại nghèo đói quá lâu cho xã hội Việt Nam.
Những ông chủ mới của các nhà máy, công xưởng đã thay thế đảng để làm ra những sản phẩm của mình với hệ thống máy móc, công nghệ tiên tiến hơn, và qua đó, tầng lớp công nhân phát triển hơn, đông đúc hơn và tạo ra nhiều khu vực tập trung công nhân rất lớn.
Trách nhiệm của các ông chủ này, là tổ chức sản xuất, lại bóc lột công nhân và có nhiệm vụ cung phụng cho đảng tiền bạc qua hệ thống thuế má và hối lộ để đảng mặc sức tiêu xài phá phách.
Kể từ đó đảng trở thành đồng minh, và nhiều khi là ông chủ thực sự của những công nhân lao động.
Và cũng kể từ đó, đảng ra sức đồng lòng cùng giới chủ và thậm chí là tận tay mặc sức bóc lột người lao động không thương tiếc.
Và những cuộc đình công, biểu tình lại nổ ra.
Và vai trò của đảng trong các cuộc đình công, biểu tình đã thay đổi.
Thay vì tổ chức các cuộc đình công, biểu tình, đảng lại ra sức dập tắt biểu tình, đình công của công nhân lao động đòi quyền lợi của mình.
Thay vì đứng về phía công nhân lao động như lời thề hứa của mình, đảng trở mặt bảo vệ nồi cơm của đảng bằng cách bảo kê cho các ông chủ bóc lột thả sức người công nhân lao động.
Thay vì bảo vệ người công nhân, nông dân và bảo vệ đất nước của mình, đảng đứng hẳn về phía những người đã gây ra thảm họa cho đất nước qua những vụ đầu độc như Formosa và các cơ sở sản xuất độc hại khắp nơi.
Thay vì bảo vệ người công nhân là giai cấp của mình, người nông dân là giai cấp liên minh của mình, đảng sử dụng vũ lực với tất cả, miễn là đảm bảo được mối lợi cho đảng bằng mọi giá.
Và đảng đã hiện nguyên hình là một tầng lớp, một giai cấp bóc lột người công nhân thậm tệ nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét