Khu vực cách ly tại bệnh viện Công an Hà Nội
Truyền thông trong nước hôm 27/2 loan tin số lượng người từ Hàn Quốc đổ về “tránh dịch” ngày càng đông nên hiện đang có tình trạng ùn ứ tại các sân bay quốc tế ở Việt Nam. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cho biết hiện lượng người về từ Hàn Quốc rất đông, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 người nhập cảnh qua Nội Bài, trong khi khả năng tiếp nhận của khu cách ly tập trung ở Hà Nội có hạn, dẫn đến việc quá tải ở sân bay và các cơ sở cách ly.
Tại tỉnh Khánh Hoà, tờ Tuổi Trẻ online dẫn lời bác sĩ Nguyễn Hoa Hội, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết ba ngày vừa qua, lượng người từ Hàn Quốc đổ về sân bay Cam Ranh ngày một tăng.
Đến ngày 27/2, sân bay Cam Ranh có 3 phòng cách ly có sức chứa tối đa 100 người. Tuy nhiên, số người phải cách ly hiện khoảng 200 người.
Trước đó, vào ngày 24/2/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết đang lên kế hoạch để hỗ trợ khoảng 20.000 lao động Việt Nam tại các nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dịch SARS-CoV-2 như Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản về nước.
Gánh nặng rất lớn!
Giáo sư ngành sinh học đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Hàn Quốc không muốn nêu tên nói với RFA rằng kế hoạch này của Bộ LĐTB&XH là một gánh nặng khủng khiếp đè lên nền kinh tế và y tế của Việt Nam:
“Tôi nghĩ là đem 20.000 người về nó là một cái sức nặng khủng khiếp lên nền kinh tế là một. Thứ hai là chế độ cách ly cũng cần phải xem xét, bởi vì con virus này kiểu như là giết người thầm lặng vậy, nó tấn công tùy theo mức độ miễn dịch của từng người.
Cho nên với việc tập trung lại 20.000 người thì cần phải có một kế hoạch rất là chi tiết và cần phải có khoảng không gian đủ lớn để cách li.
Bác Sỹ Phan Đình Hiệp từ Úc thì cho rằng đây là một việc làm hợp tình hợp lý dù có ảnh hưởng chung đến tình hình xã hội Việt Nam:
“Mình chưa thấy cái kế hoạch chính xác như thế nào. Nhưng mà nếu như LĐTB&XH tính đến chuyện đó thì cũng là một điều hợp tình hợp lý.
Tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc trên các yếu tố, ví dụ như yếu tố địa phương của nước ta như thế nào, địa phương của chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào. Cái thông lệ quốc tế cũng như mối quan hệ ngoại giao giữa ta và nước sở tại, và quan trọng cuối cùng và căn bản nhất đó là phải theo nguyện vọng của những người đang đi công tác ở nước ngoài. Họ có muốn về hay không và họ hiểu như thế nào để quyết định được điều đó.
Chắc chắn nếu mà người ta về thì đó là một khó khăn rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên về bình diện quốc gia thì cũng có thể làm được, giống như kiểu khi đã có đại dịch thì mọi người nhường cơm sẻ áo, chịu đói khổ với nhau. Dù sao người ta cũng là công dân của nước mình, ai cũng là con người hết, chẳng may người ta rơi vào tình huống là ở vào vùng dịch. Nếu Chính phủ có nhu cầu đưa người ta về thì chắc chắn phải có hỗ trợ tài chính, có thể là tuyệt đối hoặc là hỗ trợ một phần thì đó là do chính sách của nhà nước tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của quốc gia.”
Có đủ năng lực cách ly 20.000 người?
Từ ngày 26/2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tất cả các chuyến bay từ Hàn Quốc trở về đều phải bị cách li tập trung 14 ngày, không phân biệt có xuất phát từ vùng dịch hay không.
Các hãng hàng không có chuyến bay từ Hàn Quốc buộc phải hạ cánh tại một trong ba sân bay là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phù Cát (Bình Định) và Cần Thơ, làm thủ tục ở sân bay xong họ phải về thẳng các trung tâm cách ly ở địa phương.
Điều này càng làm cho các khu vực cách ly quá tải khi lượng người dồn về ngày càng đông.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết Trường Quân sự tại Sơn Tây, Hà Nội chỉ tiếp nhận được khoảng 800 người. Trong khi cho đến sáng ngày 28/2, sân bay Nội Bài đang có khoảng 1.500 người chờ đợi chưa đi được. Nhiều người không có chỗ ngồi, không có nước uống, không có đồ ăn…
“Cái chính là chính sách mà Việt Nam gọi là “cả một hệ thống chính trị vào cuộc” - Mặc dù mình không thích từ đó nhưng mà ở Việt Nam người ta dùng từ đó - và cảm giác rằng trong vụ dịch này thì bên công an, chính quyền, y tế người ta vào cuộc khá quyết tâm. Cái cách người ta ứng phó với vụ dịch khá là triệt để.
Vấn đề là 20.000 người về thì cách ly bao nhiêu cho đủ và cách ly thế nào cũng là một bài toán nan giải, và cũng tùy theo địa phương mà người ta đến nữa. Ví dụ như chúng ta nói là cách ly ở đâu ở Sài Gòn hay ở Hà Nội hay Đà Nẵng hay một nơi nào khác.”
Bác sỹ Hiệp nói thêm rằng Chính phủ cần phải công bố kể hoạch đón người về như thế nào, điều kiện cách ly ra sao để công dân ở nước ngoài người ta có thể tự đánh giá và đưa ra quyết định là nên về hay ở:
“Khi nhà nước có kế hoạch thì phải công bố. Có điều hiện nay trên truyền thông vẫn rất mập mờ không rõ ràng lắm, và nếu không rõ ràng như thế thì sẽ làm cho những người công dân ở nước ngoài không biết đường đi, lợi ích hay mục tiêu lợi hại của việc đón như thế nào thì người ta khó quyết định.”
Vị tiến sỹ sinh học không muốn nêu tên cũng nói rằng bà chưa thể đánh giá năng lực của Việt Nam khi Chính phủ chưa công bố kế hoạch gì cụ thể cho việc hỗ trợ đón 20.000 công dân về nước. Tuy nhiên, bước đầu thấy rằng Việt Nam có hơi lúng túng trong việc xử lí cách ly. Điển hình là vụ 20 công dân Hàn Quốc than phiền với truyền thông nước này rằng điều kiện cách ly ở Đà Nẵng rất tệ:
“Mình không biết là họ sẽ có kế hoạch như thế nào vì họ không thông báo kế hoạch cụ thể. Còn theo mình thấy thì có vẻ như bên phía mình còn rất là lúng lúng túng trong việc cách li. Ví dụ như về Đà Nẵng là thành phố có khoảng 20 chuyến/ngày về cách li, thì thấy chỉ có 20 hành khách của Hàn Quốc xuống mà họ khá là lúng túng, thì cũng gây ra một cái điều tiếng không hay đối với phía Hàn Quốc.
Chương trình thời sự còn nói về việc điều kiện cách ly tập trung. Họ có quay lại điều kiện nhà vệ sinh với các phòng cách ly thì họ bảo rằng các phòng cách ly nó không được thoải mái lắm, điều kiện sống không tốt và việc này làm cho họ hoàn toàn bị động bởi vì trước đó hoàn toàn không có lệnh cách li hoặc không có thông báo cách li từ trước.”
Ngày 24/2, đoàn khách nhập cảnh vào Đà Nẵng từ thành phố Daegu, Hàn Quốc. Nhóm du khách được ôtô đưa đi theo lối riêng đến nơi cách ly.
Trong số này có 20 người Hàn Quốc được sắp xếp cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhóm du khách Hàn Quốc không đồng ý và đã quay về Hàn Quốc vào đêm 25/2.
Nguy cơ “bùng dịch” từ các cơ sở cách ly tập trung
Một vấn đề đáng lo ngại khác là nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở tập trung, nơi đang cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao vừa về từ vùng dịch. Về khía cạnh chuyên môn, vị tiến sỹ giấu tên nói rằng đây là một chủng virus hoàn toàn mới nên bây giờ mọi nhận định đều mang tính chủ quan, mặc dù nó cùng chủng loại với SARS và MERS. Con virus này lây lan với tốc độ khá nhanh, nếu trong diện tiếp xúc gần thì trong vòng 15 phút cũng có thể bị lây được rồi.
Ngoài ra, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4 đến 40 ngày làm cho một số người đã bị bệnh mà không biết vì không có biểu hiện bệnh ra ngoài, rồi những người tưởng khoẻ mạnh như thế lại lây cho nhiều người khác:
“Cho nên với việc tập trung lại 20.000 người thì cần phải có một kế hoạch rất là chi tiết và cần phải có khoảng không gian đủ lớn để cách ly.
Ở mình có một lợi thế đó là nhiệt độ khá cao cho nên việc bị nhiễm bệnh thường là nhẹ và hệ miễn dịch của người Việt mình do môi trường sống ở Việt Nam cũng hơi khắc nghiệt cho nên mình cũng có hệ miễn dịch khá tốt.”
Vị tiến sỹ này cũng cho biết bà không có ý định sẽ về Việt Nam tránh dịch vì nguy cơ ở Việt Nam có khi còn cao hơn ở Hàn Quốc:
“Con số mà mình nhìn thấy chưa chắc là con số thực cho nên là nguy cơ có khi còn cao hơn ở Hàn Quốc ấy chứ, cho nên là mình không có ý định về.”
Theo bác sỹ Phan Đình Hiệp, vấn đề an toàn hay không thì phải căn cứ vào các điểm sau: Thứ nhất là địa phương mà người đó chuyển về. Ví dụ như người đó ở Vũ Hán hay Deagu thì chắc chắn là rủi ro tỷ lệ quá cao. Nhưng nếu người ta ở Singapore thì nguy cơ không cao bằng.
Thứ hai là số người cách ly tập trung ở địa phương. Nhiều người tập trung vào một địa điểm thì rõ ràng nguy cơ có, và đặc biệt là những người từ vùng dịch về thì nguy cơ càng cao:
“Theo mình biết rằng ở Việt Nam họ đã chuẩn bị những khu bệnh viện dã chiến và có thể người ta sẽ huy động những trạm ví dụ như quân đội hay những khu vực dân vệ quân đội hoặc những khu thể thao có những cơ sở có thể tập trung người ta được vào đó.
Rõ ràng tập trung người vào đó thì vấn đề tài chính kinh tế và theo sát một số lượng 20.000 người chẳng hạn là một số lượng quá lớn. Người ta có làm được hay không thì chúng ta cũng phải chờ thời gian thôi.
Tuy nhiên, ở những nơi cách ly tập trung chắc chắn là phải có sự giám sát của y tế, những người có biểu hiện sốt, nóng lạnh, ho thì sẽ được thăm khám chẩn đoán kỹ hơn. Như vậy cũng có mặt lợi và mặt hại tùy vào năng lực và quản lý của địa phương điều kiện của vùng mà người ta đang ở.”
Bác sỹ Hiệp cho rằng dù rủi ro là có thật nhưng cũng phải chấp nhận và Chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ những người có nguy cơ cao để tránh bùng dịch ra cộng đồng:
“Mình tin rằng với xã hội nhân văn bây giờ thì công dân ở nước mình ở nước ngoài mà bị và nếu nước ta muốn về với gia đình để an toàn hơn thì Chính phủ phải tạo điều điện hỗ trợ cho người ta về. Còn vấn đề kiểm soát nổi hay không thì tuỳ thuộc và năng lực của quốc gia đó, mặc dù có rủi ro.
Chúng ta hay nói phải đóng cửa biên giới phía Bắc để không cho người từ vùng dịch phía Trung Quốc qua nhưng nếu công dân của Việt Nam đang đi làm ở Trung Quốc người ta về thì cửa khẩu vẫn phải mở cho người ta về rồi cách li và làm sao kiểm tra sớm để phát hiện sớm, điều trị sớm, những người có nguy cơ nặng để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Nếu như công nhân người ta muốn và chính phủ đồng ý cho về thì khi đó xã hội sẽ cùng chia nhau một cái rủi ro. Nhưng chúng ta phải chú ý rằng 20.000 người về không có nghĩa là 20.000 người đó đều bị bệnh. Chắc chắn sẽ có những người có nguy cơ bệnh và nếu kiểm soát y tế tốt thì vẫn có thể phát hiện những trường hợp như vậy và điều trị sớm thì cái rủi ro sẽ thấp hơn nhiều. Chúng ta phải chấp nhận nguy cơ chung thôi chứ không biết làm sao được.”
Khu cách ly ở tỉnh Cao Bằng cũng trong tình trạng quá tải do người Việt từ Trung Quốc về quá đông. Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết hiện đang cách ly tại nhà khoảng 3.000 người và hơn 1.000 người khác phải cách ly tập trung.
Ngày 28/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) vừa bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách “có khả năng lây lan dịch SARS-CoV-2 ra cộng đồng”.
Trước đó, CDC xếp Việt Nam vào nhóm “có khả năng lây lan cộng đồng”, cảnh báo cấp 1 cùng với 4 quốc gia khác là Iran, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Hiện nay, Iran đã bị đưa vào cấp cảnh báo thứ hai, cùng với Nhật Bản và Ý. Hàn Quốc và Trung Quốc cùng ở mức độ cảnh báo cao nhất là cấp 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét