Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

188 - EVFTA: Bất đồng ý kiến trong dân chủ (Phần II)

Thục Quyên
Tiếp theo phần I
Ngày 12/2/2020 Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam, với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng. Những lời phát biểu của đôi bên thắng/ thua là bàn đạp cho việc thực thi bản Hiệp định trong những ngày tháng tới. (1)
Thể hiện giá trị cốt lõi của dân chủ là trước và sau cuộc bầu cử, đôi bên đã có không gian và thời gian để lên tiếng trình bày quan điểm của mình, đôi bên ít nhiều cần phải lắng nghe nhau.
Ý kiến và đòi hỏi của một số dân biểu bỏ phiếu chống từ những đảng khác nhau:
1/ Khối đảng Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ S&D
Nữ dân biểu Maria Arena, chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền (nằm trong Ủy ban Đối ngoại) thuộc khối Xã hội Bỉ, và đang trong nhiệm kỳ thứ 2 của Nghị viện Âu châu.
Ngay sau khi được bầu làm chủ tịch Tiểu ban NQ, dân biểu Arena đã mời những tổ chức nhân quyền như FIDH, VETO! và VOICE đến trình bày vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và lắng nghe những đề nghị giải quyết của họ (2).
Trong cuộc thảo luận trước ngày bầu cử, dân biểu Arena đã đưa ra nhận định ngắn gọn: “Nhân danh bảo vệ nhân quyền để bỏ phiếu cho một hiệp định thương mại tự do với một chế độ cộng sản độc tài là một điều siêu thực 
Tuy nhiên, nó đã và vẫn có thể được làm tốt hơn so với hiệp định hiện đang có. Tại sao cơ chế giải quyết tranh chấp giữa đôi bên không bao gồm vấn đề phát triển bền vững? Tại sao, khi nói đến các quyền xã hội và môi trường, không có cơ chế ràng buộc hơn và kèm thêm các biện pháp trừng phạt?
Một sự thay đổi trong chiều hướng này, thưa ông Ủy viên phụ trách thương mại (3), là điều hoàn toàn có thể làm được, nhưng cần phải có ý chí chính trị để làm điều đó. Ông Ủy viên, và cả chúng tôi, với tư cách là Nghị viện, cần thêm thời gian để sửa đổi thỏa thuận này, như lúc trước chúng ta đã từng làm với cơ chế ISDS giải quyết tranh chấp nhà đầu tư  nhà nước. Mọi người ở đây trong Nghị viện lúc đó đều nói rằng ISDS thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta đã chiến đấu và chúng ta đã chiến thắng: Thay đổi ISDS thành hệ thống Toà án Đầu tư ICS.
Trận chiến của chúng ta ở đây là làm cho sự phát triển bền vững trở thành một chương ràng buộc, đi cùng với các biện pháp trừng phạt.
Sau cuộc bầu cử, DB M. Arena đã phê bình: “Chúng tôi chỉ có 26 (trên 154) dân biểu thuộc đảng S & D đã không chấp thuận các phần khác nhau của hiệp định giữa EU và Vietnam. Một điều đáng xấu hổ! Thêm một bằng chứng nữa cho thấy khí hậu và nhân quyền sẽ luôn là thứ yếu đối với lợi ích kinh tế.
Nghị viện Âu châu đã chấp thuận hiệp định mặc dù nó không bao gồm các biện pháp ràng buộc để chế độ độc đoán này tôn trọng các cam kết của mình trong các vấn đề về quyền con người và môi trường.  ̣
Đáng lý chính sách thương mại của EU phải là một phương tiện để thúc đẩy các giá trị cơ bản của chúng ta. Nhưng dường như đối với đại đa số đại biểu thuộc các đảng Nhân dân Âu châu EPP và đảng cánh trung RENEW (bao gồm cả dân biểu Pascal Canfin mặc dù giữ chức chủ tịch của Ủy ban Môi trường), việc đề cập đến chính sách thương mại phải tôn trọng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (4) là không thể tưởng tượng được.
2/ Khối đảng Nhân dân Âu châu EPP
Trước ngày bỏ phiếu, dân biểu Benoit Lutgen , đảng Trung lập Dân chủ Nhân bản Bỉ CDH, khẳng định: “Thứ Tư, tôi sẽ bỏ phiếu chống lại Hiệp ước Thương mại Tự do với Việt Nam vì nó không bao gồm những đảm bảo tham gia cuộc chiến chống lại sự hâm nóng toàn cầu (không đánh giá tác động của CO2) và nó không bảo vệ quyền lao động, cũng như không bảo vệ nhân quyền.
Dân biểu B. Lutgen là 1 trong 3 dân biểu bỏ phiếu chống, trên tổng số 186 thuộc khối đảng EPP. Cho thấy có những dân biểu bầu theo sự hiểu biết và lương tâm của mình, cho dù đi ngược lại đường lối của đảng.
3/ Khối đảng Xanh – Liên minh Tự do Âu châu
Nữ dân biểu Maketa Gregorova vừa được bầu vào Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 2019-2004, là một dân biểu trẻ thuộc Đảng Cướp Biển (Pirates), Cộng hoà Séc.
Đảng Cướp biển có 4 dân biểu tại nghị viện Âu châu, (3 thuộc Cộng Hoà Séc và 1 thuộc Đức). Với cái tên “ngổ ngáo”, đây là một đảng của những người trí thức rất trẻ không bằng lòng đường lối của các đảng truyền thống, và đặc biệt nhất là chủ trương tự do internet, phản đối việc theo dõi và kiểm duyệt trên mạng, cổ động việc nhân dân trực tiếp tham gia vào việc điều hành đất nước.
Ngày 11.2.2020, trước cuộc bầu cử, nữ dân biểu M. Gregorova đã lên tiếng trước Nghị viện và sau bầu cử, cũng đã thay mặt phái đoàn đảng Cướp Biển phát biểu:
Phái đoàn đảng Cướp Biển tại Nghị viện Âu châu hôm nay đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Âu châu. Điều này chủ yếu là do nhân quyền tại Việt Nam đã tiếp tục xấu đi trong suốt thời gian các cuộc đàm phán cho tới khi thỏa thuận, và không có triển vọng cải thiện, dù Liên minh Âu châu có cố gắng làm áp lực.
Khi thỏa thuận, chúng ta đang trao cho chế độ độc tài Việt Nam một tấm ngân phiếu trắng để giao dịch với khối kinh tế lớn nhất thế giới, mà không phải thực thi những điều kiện đưa đến thay đổi. Với hiệp ước được phê chuẩn, Đảng Cộng sản Việt Nam đang cho rằng Liên minh Âu châu ủng hộ một nhà nước độc đảng giám sát và đàn áp người dân của họ
Phái đoàn đảng Cướp Biển hỗ trợ thị trường tự do và tăng cường hợp tác kinh tế, nhưng không phải bằng mọi giá. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, các chính sách thương mại và an ninh không thể tách rời. Câu thần chú cũ rằng thương mại tự do sẽ giải quyết mọi thứ và cuối cùng dẫn đến nền dân chủ tự do, không còn giá trị. Thay vào đó, chế độ đang dùng kinh tế để siết lại và gia tăng các cơ hội áp bức mới, thí dụ như qua các công nghệ giám sát hoặc mạng xã hội, một tình trạng được Việt Nam theo rập khuôn khổ Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét