Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

284 - Vì sao giảm lãi suất không cứu được nền kinh tế khỏi coronavirus?



Giá cổ phiếu đang lao dốc và mọi con mắt đổ dồn vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cơ quan được coi là chịu trách nhiệm duy trì tăng trưởng kinh tế. Tổng thống Trump phàn nàn trong tuần này rằng lãi suất quá cao. Các nhà đầu tư đang kêu gào đòi cắt giảm lãi suất.
Nhưng Fed có rất ít khả năng bảo vệ sức khỏe ngắn hạn của nền kinh tế Mỹ khi coronavirus bắt đầu sự lây lan không thể tránh khỏi trên khắp Hoa Kỳ, như mô  tả của các quan chức.
Công việc quan trọng nhất mà chính phủ có thể làm để hạn chế thiệt hại kinh tế là huy động một phản ứng y tế công cộng hiệu quả. Cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất đối với phát triển kinh tế ngắn hạn không phải là Fed mà là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Sức mạnh của Fed thường dễ dàng bị cường điệu hóa. Ngân hàng trung ương quốc gia này có thể ảnh hưởng đến các điều kiện kinh tế, chủ yếu bằng cách tăng và giảm lãi suất cơ bản, hiện đang nằm trong khoảng từ 1,5% đến 1,75%. Các nhà đầu tư trong những ngày gần đây cũng đã tính trước việc Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 3. Và Fed cũng có thể sẽ quyết định theo mong muốn của thị trường; Chủ tịch Fed Jerome H. Powell cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng coronavirus gây ra “rủi ro liên tục thay đổi” cho nền kinh tế, và ngân hàng trung ương sẵn sàng “hành động phù hợp”.
Nhưng giảm lãi suất không phải là thuốc giải độc hiệu quả để trị coronavirus. Lãi suất thấp hơn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách làm tăng nhu cầu, nhưng các gián đoạn gây ra bởi sự lây lan virus đang làm giảm nguồn cung hàng hóa. Cắt giảm lãi suất sẽ không giúp khắc phục được cú “sốc cung” này. Biện pháp đó sẽ không thể khiến các công nhân Trung Quốc quay lại các nhà máy sớm hơn, hoặc khiến các tàu chở hàng trên Thái Bình Dương chạy nhanh hơn.
Tương tự như vậy, việc giảm lãi suất cũng sẽ không giúp nền kinh tế trong nước chống lại những gián đoạn gây ra bởi các lao động Hoa Kỳ nằm nhà vì bị ốm, hoặc vì họ không muốn ra ngoài.
Có thể kể đến một ví dụ liên quan: Trung Quốc đã đóng cửa hàng ngàn rạp chiếu phim trong nước để hạn chế sự lây lan của virus. Các rạp chiếu phim không thể tăng doanh thu bán vé bằng cách giảm giá, chính phủ cũng không thể tăng doanh thu bằng cách giảm lãi suất để bỏ thêm tiền vào túi của người lao động. Sẽ không có doanh thu bán vé cho đến khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại – dẫn đến tổn thất doanh thu không chỉ cho các rạp chiếu phim Trung Quốc mà còn cho các hãng phim Mỹ có phim không được chiếu ở các rạp đó.
Ví dụ nổi tiếng nhất về sốc cung lớn trong thời hiện đại là cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ ngừng xuất khẩu dầu sang Hoa Kỳ và các đồng minh khác của Israel. Fed đã phản ứng vào thời điểm đó bằng cách giảm lãi suất, một sai lầm góp phần dẫn tới gia tăng lạm phát trong những năm 1970 nhưng không giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hiện có rất ít lý do để lo ngại lạm phát gia tăng – nhưng cũng có rất ít lý do để nghĩ rằng việc giảm lãi suất sẽ thành công hơn trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Các quan chức Fed đã lên truyền hình trong những ngày gần đây để giải thích sự giới hạn trong quyền năng của họ. Đồng thời, họ đã nói rằng việc giảm lãi suất có thể sẽ phù hợp nếu coronavirus làm giảm cầu. Đó là một vấn đề mà chính sách tiền tệ thực sự có thể giúp giải quyết, nhưng đó vẫn không phải là một phương thuốc thần kỳ: Những người sợ nhiễm bệnh có thể sẽ không bị dụ dỗ đến với các đại lý xe hơi chỉ bởi lời hứa lãi suất thấp hơn một chút dành cho chiếc xe bán tải đời mới. Loại trợ giúp này của Fed cũng sẽ có tác dụng chậm. Phải mất nhiều tháng thì hiệu ứng của sự thay đổi lãi suất của Fed mới có thể lan rộng khắp nền kinh tế. Đến lúc đó, cuộc khủng hoảng do coronavirus có thể đã qua.
“Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc Đại suy thoái khi chúng ta thực sự chứng kiến nhu cầu suy giảm trên toàn cầu”, Robert Kaplan, chủ tịch Dallas Fed, cho biết hôm thứ Sáu trên Fox Business. “Chúng tôi dự kiến được điều đó. Câu hỏi là nó sẽ kéo dài bao lâu? Nó sẽ tồn tại bao lâu nữa sau Quý I?”
Nhưng Fed vẫn có vai trò. Một phần trong nhiệm vụ của ông Powell là ra trước công chúng và tuyên bố với người dân rằng ông đang chú ý theo dõi và sẵn sàng trợ giúp. Khi các nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn, trong lịch sử Fed thường có biện pháp can thiệp.
Nhưng ngay cả những người tin tưởng mạnh mẽ nhất vào sức mạnh của ngân hàng trung ương cũng nên nhìn nhận thực tế rằng Fed cũng có thể sẽ không có biện pháp can thiệp nào cả. Cách tốt nhất để hạn chế tác động kinh tế của coronavirus không phải là giảm lãi suất mà là hạn chế số người Mỹ mắc bệnh, phục hồi sức khỏe cho họ, phát triển vắc-xin, và đưa cuộc sống trở lại bình thường càng sớm càng tốt.
Binyamin Appelbaum là thành viên Ban biên tập của New York Times.
Nguồn: Binyamin Appelbaum, “Only Doctors Can Save the Markets From the Coronavirus”, The New York Times, 28/02/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét