Có 14 bác sĩ và nhân viên y tế Trung Quốc qua đời trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tính đến ngày 21/02/2020, đặc biệt là trường hợp bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, một trong tám người đầu tiên báo động về một loại virus corona mới, tiếp theo là bác sĩ Lưu Trí Minh, giám đốc bệnh viện Vũ Xương, đã khiến công luận chú ý.
Đối với cả hai trường hợp, việc chính quyền báo tin rồi xóa, cuối cùng xác nhận, càng cho thấy sự bối rối trong nội bộ và lo ngại công luận dậy sóng trước sự hy sinh của hai bác sĩ. Dập mọi chỉ trích cách xử lý khủng hoảng dịch tễ là ưu tiên của bộ máy kiểm duyệt. Nhưng sau cái chết của hai vị bác sĩ trên, làn sóng phẫn nộ bùng nổ, cỗ máy kiểm duyệt, dù hoạt động kết công suất, đã không thể xóa hết ngay được.
Chuyên gia về Trung Quốc, Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), giải thích với RFI :
« Sự ngờ vực của dân chúng đối với đội ngũ cán bộ là hiện tượng thường trực tại nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ chúng ta thường không thể thấy được tâm lý đó vì những lời chỉ trích bị xóa ngay khi vừa mới được đăng. Nhưng lần này, tính chất nghiêm trọng của tình hình khiến tất cả các mạng xã hội bị tràn ngập những lời lẽ bất bình mà không thể xóa hết ngay được.
Điều mà tôi lại quan sát được là những đòi hỏi tự do thông tin và hội họp để thấy rằng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, đặc biệt là kể từ nhiệm kỳ thứ hai năm 2017, chính quyền đã thực sự kiểm soát thông tin. Người dân phẫn nộ trước việc bị hạn chế quyền tự do ngôn luận và nhận thấy hậu quả do việc ngăn cấm này gây ra.
Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy là trên mạng xã hội có một số lời chỉ trích chính phủ và chủ tịch Tập Cận Bình. Chí ít, đây là một bài tiền trắc nghiệm của công luận. Nhưng cần nhắc lại là chính quyền cuối cùng đã lấy lại quyền kiểm soát ».
Trừng phạt nhà báo công dân, tiếng nói bất đồng để kiểm soát thông tin
Theo tổ chức phi chính phủ China Human Rights Defenders ngày 07/02, có 351 người bị « trừng phạt » vì đã « phát tán tin đồn sai lệch » về Covid-19, trong đó có hai công dân ở Vũ Hán : Phương Bân (Fang Bin), một người bán quần áo, và luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi). Cả hai bị « mất tích » sau khi đăng trên mạng xã hội hình ảnh những bệnh viện trong thành phố chật kín người, nhân viên y tế bị quá tải, đặc biệt là một đoạn video được ông Phương Bân đăng ngày 01/02 cho thấy những túi đựng xác người bên trong một chiếc xe tang gần bệnh viện Vũ Hán.
Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 trước khi đột nhiên « mất tích », ông Phương Bân cho biết : « Khi thành phố bị cách ly, tôi thấy có gì đó rất lạ. Tôi đến bệnh viện và tôi thấy rất đông người ở đó nên tôi hiểu ra rằng Vũ Hán là tâm dịch. Lẽ ra các bệnh viện phải là những nơi mà các kênh truyền hình Nhà nước, của tỉnh Hồ Bắc hoặc thành phố Vũ Hán, đến phỏng vấn người dân. Nhưng không một ai muốn tới. Nên tôi nghĩ là họ không muốn đến đó, vì thế tôi đến đó quay xem chuyện gì xảy ra ».
Phương Bân bị cảnh sát thẩm vấn cùng ngày, sau đó được thả và tiếp tục đăng những đoạn video khác. Nhưng từ ngày 09/02, Phương Bân bỗng « bặt vô âm tín » sau khi chỉ kịp cảnh báo người sử dụng mạng xã hội : « Tôi bị cảnh sát mặc thường phục lay dậy. Họ ập vào từ hướng bắc và tây của khu nhà nơi tôi ở. An toàn của tôi phụ thuộc vào sự chú ý của các bạn, vào lương tri và sự chia sẻ của các bạn ».
Tương tự trường hợp của Phương Bân, luật sư Trần Thu Thực cũng quay nhiều cảnh cho thấy các bệnh viện chật cứng bệnh nhân chờ xét nghiệm. Trong một đoạn video trước khi biến mất, ông cho biết bị chế độ đe dọa : « Tôi sợ. Trước mặt tôi là con virus, sau lưng tôi là cảnh sát Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ đứng dậy. Chừng nào tôi còn sống trong thành phố này, tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc. Tôi chỉ kể lại những gì nhìn thấy, những gì nghe thấy. Hãy biến đi, tôi không sợ chết. Đảng Cộng Sản kia, tưởng là tôi sợ sao ? »
Bất chấp lời kêu gọi của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố nào về trường hợp mất tích của Phương Bân và Trần Thu Thực. Trước đó, luật gia Hứa Chí Vĩnh đã bị bắt ở Quảng Châu và giáo sư luật Hứa Chương Nhuận bị ép « cách ly » tại gia ở Bắc Kinh, có lẽ do đã đăng bài viết : « Cảnh báo virus : Khi phẫn nộ mạnh hơn nỗi sợ ».
Bất chấp dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng
Từ một tháng nay, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc gần như chững lại. Chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn dịch Covid-19 sẽ tác động nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 18/02, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh là nền kinh tế quốc gia vững chắc và khẳng định Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2020.
Trả lời RFI, chuyên gia về Trung Quốc Jean-François Di Meglio, thuộc Trung Tâm Châu Á, không tỏ ra lạc quan như chủ tịch Tập :
« Trong quý 1 năm 2020, Trung Quốc có lẽ sẽ có mức tăng trưởng 0, kém hơn ba quý khác. Nếu như mức tăng trưởng đề ra là 6%, thì về lý thuyết, mức tăng trưởng của quý I phải là từ 1 đến 1,2%. Thế nhưng, mức tăng trưởng ở quý I này có nguy cơ giảm thành 0.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, thì phải gỡ lại ở các quý sau. Và đó thực sự là công việc vô cùng lớn mà người ta nghi ngờ. Trung Quốc có nền kinh tế được chỉ đạo, được lên kế hoạch. Đã có rất nhiều khoản tiền lớn được đổ vào, như 150 tỉ đô la đã được đầu tư vào hệ thống để những doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị phá sản. Đó là một nền kinh tế có thể tự lèo lái, có thể làm tất cả để tái lập tăng trưởng.
Tuy nhiên, có những điểm, dù có nỗ lực lớn đến mức nào, thì vẫn bị tác động và phần còn lại của thế giới cũng phải hứng chịu những tác động này. Dĩ nhiên, tác động này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc. Vì thế, mức tăng trưởng 5% đã là kết quả tuyệt vời nhưng có thể sẽ còn ở mức thấp hơn ».
Covid-19 : Cam Bốt lo dịch khi cố « đồng cam cộng khổ » với Trung Quốc
Trong khó khăn mới biết bạn hiền. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể hoàn toàn trông cậy vào thủ tướng Cam Bốt Hun Sen. Trong khi nhiều nước tạm đóng cửa biên giới với Trung Quốc, Cam Bốt vẫn đón nhận du khách nước này. Trước đó, ông Hun Sen từ chối hồi hương 23 du học sinh và nhân viên lãnh sự ở Vũ Hán để thể hiện tình liên đới với Bắc Kinh.
Khi 5 nước từ chối du thuyền MS Westerdam do lo ngại dịch Covid-19, thủ tướng Hun Sen giang rộng vòng tay đón hơn 2.200 du khách và thủy thủ đoàn. Hơn 1.200 người đã được lên bờ, trong đó có một số đã về nước, cho đến khi phát hiện một du khách trên con tầu này nhiễm virus corona mới.
Trả lời RFI, ông Ou Virak, một người thân phe đối lập, điều hành viện nghiên cứu Future Forum ở Phnom Penh, giải thích quan điểm riêng và cho rằng quyết định của thủ tướng Hun Sen là đúng đắn :
« Ông ấy (Hun Sen) không phải là bác sĩ, ông ấy không có chuyên môn và không thể làm gì để thúc đẩy quá trình kiểm tra hoặc cách ly. Hành động của ông hoàn toàn mang tính chính trị.
Tại sao ông Hun Sen lại cho phép con tầu cập cảng ở Cam Bốt ? Theo tôi, có nhiều yếu tố. Đúng là có hành động mang ý nghĩa nhân ái. Nhưng thực ra là cú quảng cáo cho Cam Bốt vào lúc mà chính phủ đang bị Liên Hiệp Châu Âu, và phương Tây nói chung, chỉ trích nặng nề về nhân quyền. Ngoài ra còn có yếu tố Trung Quốc trong quyết định của thủ tướng Hun Sen. Cam Bốt muốn thể hiện tương ái với đồng minh chính. Và Trung Quốc hẳn sẽ hài lòng khi người ta đón con tầu đó.
Tuy nhiên, đối với tôi, đó là một quyết định đúng ngoại trừ việc các nghi thức và các biện pháp phòng ngừa đã không được áp dụng, lẽ ra người ta nên có trách nhiệm nhiều hơn và thận trọng hơn. Nhưng đó là kiểu riêng của Hun Sen. Ngay khi có cơ hội quảng cáo là ông ấy làm luôn. Nhưng ông ấy lại không tính đến việc hành động của ông sẽ bị diễn giải theo cách tiêu cực ở nước ngoài ».
Một người dân Nga trực tiếp hỏi lương của tổng thống Putin
Một câu chuyện được cho là hi hữu. Trong một buổi lễ tại thành phố quê nhà Saint-Petersburg ngày 19/02/2020, tổng thống Nga Vladimir Putin bị một người dân trực tiếp hỏi làm thế nào để sống với khoản trợ cấp chưa đầy 200 euro/tháng.
Thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Matxcơva tường thuật :
« Theo hình ảnh được hãng thông tấn Nga Ria Novosti quay lại và được đăng trên các mạng xã hội, ông Putin bị bất ngờ và những lời của ông chỉ loáng thoáng nghe được. Và theo hàng chữ mà hãng thông tấn ghi lại lời của người phụ nữ, bà hỏi ông Putin là làm thế nào để sống được với khoản tiền trợ cấp chưa đầy 11.000 rúp (khoảng 160 euro). Tổng thống Nga trả lời : « Tôi nghĩ là rất khó ». Lương của ông cao hơn 70 lần.
Cuộc trao đổi tiếp tục và ông Putin chuyển sang biện hộ và giải thích rằng một mặt ông không có « mức lương cao nhất » trong nước, mặt khác, Nhà nước « làm tất cả những gì cần làm » để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nhất. Ý ông muốn nói đến một số biện pháp được chính phủ công bố tháng trước để tăng sức mua cho người dân Nga.
Ông Vladimir Putin chưa bao giờ thích đám đông. Thông thường, những chuyến công du, thăm viếng của ông thường được chuẩn bị kĩ lưỡng để tránh gặp những tình huống như này.
Buổi lễ tổ chức ở Saint-Petersburg hôm thứ Tư 19/02 có lẽ là một trường hợp ngoại lệ. Nếu như hình ảnh cuộc gặp được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội và trên Internet, thì kênh truyền hình Nhà nước đã tránh chiếu cuộc đối thoại này ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét