Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

196 - Quốc tế nào lên án vụ Đồng Tâm?

Thục Quyên
Sau khi Nghị viện Âu châu chấp thuận phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, các báo lề trái lề phải, mạng xã hội, đã cùng cho thấy một hiện tượng bất ngờ chưa từng xảy ra: Sự đồng thanh tương ứng giữa các giới khác nhau của Việt Nam: Vui mừng và tràn đầy hy vọng, EVFTA sẽ lả đòn bẫy đẩy VN vươn lên, chuyển mình v.v…
Đồng thanh tương ứng giữa nhà cầm quyền cộng sản VN và những nhà đấu tranh dân chủ, giữa những trí thức chưa từng lên tiếng thổ lộ có đọc, hiểu và suy nghĩ về EVFTA và đại đội dư luận viên ngày này qua ngày khác cần cù chửi rủa những tổ chức bảo vệ nhân quyền đòi hoãn EVFTA, giữa những thành viên hội Cờ Đỏ hớn hở nâng ly và những người thắt cà vạt Cờ Vàng ba sọc đỏ hân hoan chụp ảnh chung với dân biểu EU thuộc phe chiến thắng (401 phiếu quyết định phê chuẩn trên 192 phiếu chống, chống vì trước đó đề nghị hoãn bầu cử phê chuẩn của họ cho đến khi nhà cầm quyền VN thực thi những đòi hỏi về nhân quyền của EU, bị bác bỏ).
Xém chút có thể cường điệu rằng niềm hân hoan EVFTA đã thống nhất dân tộc!
Sự thật phũ phàng
Sáng ngày 20/1/2020, TS Nguyễn Quang A đưa lên Facebook của ông một câu khó hiểu để báo tin một chuyện chẳng lành: “BỌN CHÚNG LẠI GIỞ TRÒ GÌ ĐÂY? TRỌNG PHÚC LÂM CHUNG làm gì vậy đúng 1 ngày sau đối thoại nhân quyền Việt Nam EU tại Hà Nội?
Để biết bọn chúng giở trò gì thì cứ nhìn hình bà Kình nằm sóng soài dưới đất với các đồng chí CA đứng vây quanh thì sẽ rõ!

Hình ảnh công an đọc lệnh khám nhà và bà Dư Thị Thành và bà nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Nguồn: Trịnh Bá Phương

Hình ảnh CA đến khám nhà bà Kình là do facebooker Trịnh Bá Phương đưa lên mạng. Ngay sau đó anh Trịnh Bá Phương đưa thêm bài viết từ BBC, với tựa đề “Quốc tế lên án vụ Đồng Tâm, gây sức ép lên EU trước đối thoại nhân quyền VN“.
Mới đọc thì đã mừng cho Đồng Tâm nhưng đọc hết bài thì thật chưng hửng. Thói quen dùng chữ to tát và mông lung gây những mong chờ vô cớ chắc chắn lại sẽ đưa đến một làn sóng chửi rủa “quốc tế” không đếm xỉa gì tới nhân quyền, chỉ nghĩ tới lợi bản thân.
“Quốc tế” nói trên, kể ra là “quốc tế” nào?
– Đó là Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cùng tổ chức thành viên là Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR).
Đây là những tổ chức đã đưa đơn khiếu nại trước bà O’Reilly, Thanh tra Liên Minh Âu châu, vì lý do Ủy ban Âu châu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam. Phán quyết của bà Thanh tra ngày 26/02/2016 rằng đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng, bị Ủy ban Âu châu lấy cớ rằng cuộc đàm phán đã đi quá xa để không thực hiện được và họ đã có tham khảo ý kiến của một vài tổ chức phi chính phủ.
Điều này cho thấy Ủy ban Âu châu cố tình lơ là vấn đề Nhân quyền và phán quyết của bà Thanh tra không hiệu quả vì không có ràng buộc pháp lý hay kinh tế, thì phe phạm lỗi không bao giờ chịu sửa đổi trước những lời cảnh cáo suông. Thủ thuật của Ủy ban Âu châu là họ viện cớ đã hội ý vài tổ chức Xã hội Dân sự phi chính phủ. Thủ thuật này đã được sử dụng liên tiếp suốt 8 năm trời đàm phán EVFTA giữa Ủy ban Âu châu và Việt Nam.
– Tiếp đến là tổ chức HRW (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền).
HRW cũng là tổ chức đã cùng VETO! “Mạng lưới những người bảo vệ Nhân quyền” và một số tổ chức khác, ngày 4/2/2020 gửi đến Nghị viện Âu châu một bản phân tích chi tiết những lý do cần hoãn phê chuẩn EVFTA để thêm vào những ràng buộc pháp lý, và cũng hoãn cho tới ngày Việt Nam cụ thể chấm dứt tình trạng vi phạm Nhân quyền nặng nề mà Nghị viện Âu châu nhiệm kỳ 8 đã cực lực kết án, đưa tới đình trệ việc tiến hành bầu cử phê chuẩn cho đến hết nhiệm kỳ này.
Ngày 11/02/2020, cái “Quốc tế” mà BBC nhắc tới cùng với 192 dân biểu Âu châu đã là thiểu số trước ý muốn làm kinh tế bằng mọi giá của 401 dân biểu khác, chống lưng bởi nhà cầm quyền VN và một số nhà tranh đấu dân chủ trong nước. (Một số nhà tranh đấu dân chủ VN tại hải ngoại lúc đầu đòi chống hoàn toàn, rồi đổi thành hoãn và sau thì chỉ tạt nước theo mưa).
Những tổ chức nhân quyền FIDH, VCHR,HRW, VETO!… vẫn tiếp tục làm việc đúng theo chức năng của họ, nhưng cái “Quốc tế” đó, dù có lưu tâm đến Đồng Tâm, dù có tranh đấu đòi tự do cho anh Phạm Chí Dũng và những nhà tranh đấu nhân quyền khác, lúc này đang không còn tiếng nói mạnh vì vừa mất một “cây gậy” (đòn bẫy) để tác dụng hữu hiệu .
Đồng Tâm cần sự can thiệp của một cái “Quốc tế” khác: Đó là những vị dân biểu Âu châu đã nhất quyết phải có EVFTA để tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận với các giá trị tự do dân chủ của Âu châu và từ đó sẽ thay đổi theo hướng dân chủ tự do, tôn trọng nhân quyền. Những vị dân biểu này gồm Bernd Lange, Jan Zahradil, Luliu Winkler, Karin Karlsbro… luôn đưa ra bằng chứng về sự mong chờ của các nhà hoạt động XHDS người Việt họ gặp từ ngày 29 tới ngày 31/11/2019 ở Hà Nội. Chính DB Kirton-Darling là người trong đảng S&D (Liên minh Tiến bộ Xã hội Dân chủ), cùng với ông Bernd Lange cũng xác nhận sự mong muốn Nhân quyền phải là một điều kiện để EVFTA được phê chuẩn, bị chính các nhà hoạt động Việt Nam không ủng hộ.
Quan tâm đến Đồng Tâm trước và sau ngày biểu quyết phê chuẩn EVFTA
Trước ngày biểu quyết phê chuẩn EVFTA, bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng, đúng ngày xảy ra vụ việc Đồng Tâm là ngày 9/1/2020, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh“.
Bà Battu-Henriksson cho biết thêm rằng, Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam đã “đề nghị” có “cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an”, đồng thời sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình”.
Từ đó không có tin gì thêm và cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã trả lời bằng hành động rõ rệt: Không những không cung cấp tin tức của những người bị bắt, mà còn cho công an đến nhà đòi cắt gỡ cửa nhà bà Kình ngày 14/2 và ngày 20/2 đòi khám xét nhà.
Nạn nhân đang là thủ phạm bị điều tra.
Kết kuận trong lo lắng
Những nhà tranh đấu đòi công lý cho Đồng Tâm và gia đình ông cụ Kình nên quan tâm hơn đến cách hành động để đạt mục đích. Không thể làm nhà cầm quyền VN nao núng với những tin không chính xác vì họ là người trực tiếp gặp vả làm việc với những người đại diện các chính phủ, các phái đoàn quốc tế.
Đánh đổi những cơ hội nhỏ nhưng có thực, với những mơ ước to lớn hão huyền là cái đại nạn triền miên của người Việt Nam. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét