Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

224 - Virus corona và biến dị cộng sản



Tôi ủng hộ việc can dự của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam. Tôi bắt đầu suy nghĩ về cuộc chiến đó từ khi tôi bắt đầu … biết đọc. Cũng không sớm đâu. Cuộc chiến ấy lớn quá, nó làm thay đổi nhiều quá, cho nên bất cứ người Việt nào quan tâm đến vận mệnh quốc gia cũng đều như tôi cả. Tôi chắc điều đó.
Tại sao tôi lại nói ra điều đó vào thời điểm này?
Hệ thống cộng sản và virus corona
Đại dịch Vũ Hán làm tôi nhớ tới việc can thiệp của người Mỹ tại Việt Nam.
Sự thông tuệ của một đứa trẻ mới lớn lên, đôi khi vượt qua sự hiểu biết của những người già. Nước Mỹ trẻ trung hiểu được rằng, hệ thống cộng sản là một hệ thống hủy diệt, cho nên họ phải can thiệp, khi làn sóng đỏ tràn xuống phương Nam.
Hệ thống đó đang cho mọi người thấy nó hủy diệt ra làm sao trong trận dịch Vũ Hán. Điều trớ trêu là người Mỹ hoàn toàn bất lực, không thể can thiệp như nó đã làm 55 năm trước (toán thủy quân lục chiến đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1965).
Trớ trêu hơn nữa là cũng giống như con virus corona, chủ nghĩa cộng sản cũng biến dị (mutation), và hai phiên bản gần tương đồng hiện nay ở châu Á, phiên bản Tàu và Việt, là những biến dị thích ứng để “cùng tồn tại hòa bình” với hệ thống tư bản phương Tây hiện tại.
Nếu như Chernobyl đã góp phần tự kết liễu Liên bang Soviet, thì Vũ Hán lại làm cho phương Tây nháo nhào lên giúp đỡ việc chống dịch (mà Tàu không cho vào mới là quê chứ). Tôi so sánh việc chống dịch virus corona cũng giống như mỗi khi nền kinh tế Tàu hắt hơi sổ mũi, thì New York, Paris, London đều rúng động. Nga tách rời hoàn toàn khỏi phương Tây, Tàu Cộng sản gắn chặt với phương Tây, Too big to Fall.
Đừng dùng mục đích biện minh cho phương tiện
Trở lại việc tôi ủng hộ sự can dự của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam.
Một người bạn của tôi nói rằng, thói quen của người Mỹ là đôi khi họ quá tự tin, luôn cho mình hơn người khác, luôn giành quyền lãnh đạo trong mọi cuộc liên kết. Và đó chính là nguyên nhân của việc can thiệp vào cuộc chiến ý thức hệ tại Đông Dương thất bại.
Nói thất bại đây là thất bại với mấy chục triệu người Việt Nam, lẽ ra không phải chịu cái ách cộng sản chưa biết lúc nào mới được cởi ra, thay vì phải nói rằng, người Mỹ không thành công sớm trong việc đánh ngã chủ nghĩa cộng sản thì đúng hơn. Họ chỉ thành công bằng con đường qua Bắc Kinh, chứ không phải qua Sài Gòn, khi Nixon được Mao tiếp đón ngay trong tư dinh của Hoàng đế đỏ tại Bắc Kinh.
Những người Việt Nam chống cộng sản vẫn còn than phiền là người Mỹ đã bỏ rơi họ, đây lại là một chủ đề khác. Tôi thấy có hai điều cần kết luận ở đây:
– Đối với người Mỹ, một cuộc chiến tranh can thiệp, một liên minh quân sự,… cũng giống như một … dự án. Bỏ tiền ra để hoạt động, nếu không cần nó nữa thì bỏ, không đoái hoài đến chi phí đã bỏ ra. Điều này làm cho nước Mỹ luôn đi tới, không vướng mắc chuyện quá khứ. Nhưng trên quan điểm nhân bản, có vẻ bất nhân đối với hàng triệu người Việt sau năm 1975, và hiện nay là hàng triệu người Iraq.
– Chiến lược can thiệp là đúng, nhưng chiến thuật can thiệp đôi khi là đại họa bởi cái cách mục đích biện minh cho phương tiện (The end justifies the means). Mỹ đã can thiệp một cách vụng về vào những nơi mà những nguyên thủ quốc gia dù độc tài nhưng được bầu lên một cách dân chủ. Đó là trường hợp Thủ tướng Patrice Lumumba ở Congo, Tổng thống Salvador Allende ở Chile… Tất cả những can thiệp kiểu đó là lợi bất cập hại, tạo nên phản ứng giận dữ, bất lợi cho người Mỹ, cho dù họ có thể mang đến cho dân bản địa nền dân chủ (cuộc can thiệp của họ vào Chile dẫn đến chế độ độc tài đẫm máu Pinochet). Nếu cứ dùng mục đích biện minh cho phương tiện, thì chúng ta sẽ khác gì những người cộng sản?
Tách rời Trung Quốc, liệu có thực hiện được?
Ứng phó với biến dị cộng sản Tàu và Việt không dễ chút nào, như tôi đã nói ở trên, biến thể cộng sản Tàu đang là một phần của thế giới.
Người Mỹ đã nghĩ đến điều này lâu rồi. Đừng đổ cho ông Trump là ông ấy khai mào việc tách rời khỏi Tàu cộng sản, tội nghiệp ông ấy, ông ấy chả biết gì đâu. Mối lo của ông ấy là làm sao bán được cho Tàu đậu nành và thịt heo của nông dân Mỹ đang bị điêu đứng, tách Tàu ra thì làm sao mà bán?
Từ 2015 đã bắt đầu có danh sách những công ty Tàu mà Mỹ cấm xuất cảng các thiết bị công nghệ tinh xảo. Cũng thời gian đó, đại chiến lược Xoay trục về Á Châu được khởi động với khối TPP loại trừ nước Tàu, để bao vây họ, và cắt bớt can dự với hệ thống của họ. Rất tiếc là TPP bị bỏ dở bởi tính khí bốc đồng của người đứng đầu Tòa Bạch Ốc sau đó.
Song, việc tách rời khỏi hệ thống biến dị cộng sản kiểu Tàu vẫn đang được thực hiện, dù ì ạch. Trên bình diện địa chính trị là đại dự án Ấn Độ – Thái Bình Dương.  Hiện Tổng thống Trump đang thăm Ấn Độ, hy vọng rằng sau những tấm hình rực rỡ của cô Ivanka xinh đẹp tại đền Taj, Ấn Độ, là những gì có thực sau hơn ba năm chỉ có nói mà không đi tới đâu.
Tuy nhiên, đó chỉ là phương diện địa chính trị thuần túy. Việc tách rời (decoupling) nền kinh tế thế giới và nước Tàu hầu như là không thể được. Mà địa chính trị chỉ là con số không nếu tách rời khỏi kinh tế.
Đó là câu hỏi vô cùng lớn, đặt ra cho thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Mỹ và thế giới Tự do. Trong tương lai đó, Việt Nam sẽ ra sao? Tôi sẽ trình bày những suy nghĩ của mình trong một bài tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét