Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

223 - Virus Corona thử thách “tầm nhìn 9 tầng” của Tập Cận Bình





Ảnh minh họa: Xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi virus corona đang là thách thức lớn cho chính quyền Tập Cận Bình. REUTERS


Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra sẽ chẳng bao giờ là một Tchernobyl mới cho đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thế nhưng, đối với giới quan sát, trận dịch này là một đợt trắc nghiệm về khả năng thích ứng và đối phó của đảng Cộng Sản Trung Quốc trước những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có quy mô lớn.
Khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã quyết định thâu tóm mọi quyền lực và từ bỏ bài học “chữ nhẫn” của Đặng Tiểu Bình: “Ẩn mình chờ thời, chớ vội xưng bá”. Một chủ trương mà lãnh đạo họ Tập cho rằng đã quá lỗi thời, không còn giá trị. Thời thế đã đổi thay, Trung Quốc nay là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thế nên, cần phải phô trương thế mạnh của mình. Như để khẳng định xu thế này, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một “tầm nhìn thế giới” mới được xây dựng dựa theo mô hình “tháp nhu cầu” năm tầng của nhà tâm lý học người Nga Abraham Maslov.
Tuy nhiên, như giải thích của ông Kevin Rudd, cựu ngoại trưởng Úc, hiện là lãnh đạo của Viện Asia Society Policy, được kênh phát thanh France Culture trích dẫn, “Tháp tầm nhìn mới” của Tập Cận Bình có đến 9 tầng. Mỗi một tầng tháp mục tiêu sẽ ấn định khuôn khổ cho việc thực hiện tầng kế tiếp.
Đặc biệt, việc duy trì quyền lực của đảng Cộng Sản đối với đất nước là điều tất yếu tuyệt đối, là nền tảng cơ bản, là bệ đỡ quan trọng cho ngọn tháp mục tiêu của Tập Cận Bình liên quan đến mọi lĩnh vực từ an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, đối ngoại hay an ninh chiến lược… nhất nhất đều do đảng Cộng Sản quản lý và hoạch định tương lai.
Nhờ vào tòa tháp mục tiêu này mà Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể lừng lững đi lên thành cường quốc không chỉ trong kinh tế mà cả trong quân sự và công nghệ. Tiếng nói của Trung Quốc ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế. Đà đi lên thành siêu cường của Trung Quốc khiến các nước láng giềng phải lo sợ, phương Tây phải run rẩy và đặc biệt là Hoa Kỳ của Donald Trump phải lo lắng, phát động cuộc chiến thương mại và nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Chỉ có điều trong quá trình xây tháp, Tập Cận Bình dường như đã không tính đến yếu tố “thảm họa thiên nhiên”, thường là những yếu tố làm lộ rõ thực trạng một vấn đề. Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy rõ sự lúng túng và bất cập của đảng Cộng sản Trung Quốc trong cách xử lý dịch bệnh.
Vì sao phải trấn áp các bác sĩ báo động? Vì sao lãnh đạo Trung Quốc phải đợi đến 14 ngày sau mới có tuyên bố chính thức đầu tiên là vào ngày 20/1 để huy động toàn chính phủ và chính quyền địa phương vào cuộc chiến chống dịch bệnh? Vì sao Bắc Kinh liên tục đổi cách tính số thống kê số nạn nhân và người nhiễm virus corona?...
Đành rằng chính sức mạnh chuyên chế của đảng Cộng Sản đã cho phép Trung Quốc cách ly được 60 triệu dân, đưa ra những biện pháp triệt để như xây dựng bệnh viện dã chiến trong vòng 10 ngày, huy động đông đảo đội ngũ nhân viên y tế, an ninh kiểm soát người dân để chống dịch bệnh…
Nhưng nếu không vì nỗi ám ảnh duy trì quyền lực cho đảng và bình ổn xã hội, dịch bệnh đã có thể sớm được ngăn chặn. Nếu không vì hệ thống chính trị chuyên chế khiến cấp dưới phải “sợ chịu trách nhiệm với cấp trên” như nhận xét của một du học sinh người Hoa với tờ South China Morning Post, thì mọi sáng kiến để xử lý khủng hoảng có lẽ cũng không bị dập tắt theo như phân tích của nhà nghiên cứu Alice Eikman.
Chính vì là “bệ đỡ”, là nền tảng cơ bản phải nâng đỡ chín tầng mục tiêu, đảng Cộng Sản Trung Quốc thời Tập Cận Bình, với khoảng 90 triệu đảng viên, hoạt động tại 4,5 triệu cơ sở đảng, hoạt động giống như một người khổng lồ chậm chạp phản ứng trước các đợt tấn công của “đàn kiến” virus corona.
Giờ đây trước những lời chỉ trích, Tập Cận Bình không còn cách nào khác huy động hàng trăm phóng viên, làm công tác tuyên truyền tô bóng lại hình ảnh của Đảng. Đằng sau những hình ảnh các y bác sĩ tình nguyện cạo đầu để phòng ngừa virus corona, cảnh ra quân rầm rộ của các y bác sĩ quân y, việc huy động mọi phương tiện công nghệ tiên tiến hay như hình ảnh Tập Cận Bình giờ lại trên tuyến đầu chống dịch bệnh, là guồng máy kiểm duyệt chạy hết công suất, là các cuộc truy bắt những tiếng nói chỉ trích. Bởi vì theo nhà nghiên cứu Alice Eikman trên đài France Culture “mọi ý kiến trái ngược giờ trở nên đầy rủi ro không chỉ ở trong mà cả ngoài Đảng”.
Sau trận dịch này, chiếc bệ đỡ “đảng Cộng Sản Trung Quốc” vẫn sẽ còn vững chắc. Chỉ có điều như nhận xét thú vị của nam sinh viên Zeyi Yang, trường đại học Columbia với South China Morning Post, trong cuộc đọ sức bất cân xứng này, “chính phủ Trung Quốc đã thua cược” trước siêu vi Covid-19.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét