Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

278 - Việt Nam “thoát” đi đâu?

TQ “tê liệt” vì viruscorona người ta mới thấy nền kinh tế thế giới bị “lệ thuộc” vào TQ như thế nào. Các ngành cơ khí, điện tử, dược phẩm, may mặc, giày dép v.v… của các quốc gia Âu, Á, Mỹ… đều bị “chới với”. Sản xuất đình trệ, công nhân phải tạm thời nghỉ việc, vì “dây chuyền cung ứng” về phụ tùng, nguyên liệu cần thiết cho quá trình hoạt động và sản xuất của xí nghiệp bị cắt đứt. Chứng khoán từ hai tuần nay “đỏ rực sàn”.
Thế giới có thể bước vào tình trạng khủng hoảng kinh tế ở bình diện rộng. Trong khi các quốc gia như Nhật, Nam Hàn, Iran, Ý… còn lâm vào “khủng hoảng y tế”. Người nhiễm bệnh liên tục được phát hiện, con số lên tới hàng ngàn, mà “nguồn bệnh”, tức “bệnh nhân zéro – bệnh nhân đầu tiên phát tán ra bệnh”, không (hay chưa) truy tìm ra được. Châu Âu đang lo ngại họa “đại dịch – pandemie”, tức bệnh dịch lan tràn đồng loạt trên nhiều vùng lãnh thổ, châu lục…
Điều “lạ” ở VN là con số người bệnh vẫn ở số 16, con số công bố từ nhều tuần trước. Đây là một hiện tượng “khoa học” cần được các khoa học gia để tâm. Bởi vì, nếu ta có xem các video clips quay ở các cửa khẩu vùng biên giới Việt-Trung, ta sẽ thấy một số lượng “khổng lồ” người TQ “tràn” qua VN, hình như để “tị nạn y tế”. Không phải vì bác sĩ (và y tá) VN “mát tay”, mà (có lẽ) vì thổ nhưỡng VN “có cái gì đó” khiến virus Covid-19 không thể lây qua người khác được.
Theo tôi thấy, lãnh đạo các nước tư bản giẫy chết người ta lấy quyết định qua những “con số dự báo” chính xác. Thí dụ vụ cúm Vũ hán. Hầu hết các quốc gia đều có chung phương pháp xử lý. Khi phát hiện một người bị bệnh, cả gia đình cũng như những người có tiếp xúc với người bệnh, đều bị “cách ly” để quan sát (và chữa trị nếu nhiễm bệnh). Một khu vực có hai hay 3 người bị bệnh lập tức cả khu phố bị “cách ly”. Một trường học có 1 học sinh bị bệnh, trường học đóng cửa…
Phương cách có vẻ “cực đoan” (nhất là ở TQ) vì khoa học gia đến nay vẫn “chưa biết gì” về viruscorona, ngoài một số dữ liệu cơ bản. Việc lây lan hiện nay đã đến hơn 52 quốc gia.
Vì không biết (hay chưa biết nhiều) về viruscorona do đó người ta thận trọng, không dám “sơ xuất”.
VN hiện nay có khả năng đến đâu trong việc “phát hiện” người bị nhiễm Covid-19? Tôi không tin là y tế VN có thể “kiểm tra”, lấy mẫu thử nghiệm Covid-19 dân chúng trên bình diện lớn. Nói chi tới các biện pháp “phòng ngừa”, hay ngăn chặn dịch lây lan ở các thành phố phức tạp, đông đúc dân cư.
Còn về kinh tế. Nghe các chuyên gia “khuyến cáo” VN nhân dịp này nên “cách ly” với TQ, “thoát Trung”, sao cho kinh tế VN bớt lệ thuộc vào TQ.
Theo tôi thấy, chuyên gia kinh tế các quốc gia tiên tiến cũng có ý nghĩ y chang như vậy. Họ cũng cảnh báo phải “hồi hương” các cơ sở sản xuất công kỹ nghệ của quốc gia họ đã chuyển qua TQ từ nhiều thập niên trước.
VN có thể “hồi hương” cái gì từ TQ? VN không có cái gì để “hồi hương” từ TQ cả!
Các xí nghiệp Âu, Mỹ… nếu rút bỏ TQ, vì lý do y tế, thì họ cũng không đến VN (hay các quốc gia kế cận).
Còn nếu tài phiệt Âu, Mỹ rút bỏ TQ vì lý do “chính trị” hay vì “chiến tranh kinh tế với Mỹ”, thì họ cũng không “mặn mà” với VN.
Bởi vì VN “rập khuôn” mô hình chính trị (và kinh tế) TQ. Nếu Mỹ “đánh” TQ thì trước sau gì Mỹ cũng sẽ “đánh” VN.
Điều VN cần thay đổi là “mô hình chính trị”.
VN không thể “thoát Trung” đi đâu hết cả. Các quốc gia Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, (thậm chí Hong Kong)… họ không thể “thoát” đi đâu hết. Cách đây khá lâu tôi có bàn về việc “thoát Trung”. Thoát là thoát về “ý thức hệ”, về “mô hình chính trị”… chớ không thể thoát về địa lý, về văn hóa, về “pha trộn” giữa các nền văn minh Trung hoa, Ấn độ, Pháp, Mỹ, Nga v.v…
Lý ra, với vị trí địa lý là trung tâm “hội tụ giữa các nền văn minh”, từ Trung hoa, Ấn độ, Pháp, Mỹ, Nga…, tất cả đều là các nền “văn minh rực rỡ”. VN lại tự mình “tụt hậu”, tự mình cô lập và “chôn vùi” xác thân và tư tưởng trong thùng rác của nhân loại…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét