Không biết từ bao giờ người làng Bàn Lãnh (Điên Bàn, Quảng Nam) đã biết trồng mía, làm đường tán, đường mật, đường muống… và đã truyền từ đời này sang đời khác. Tùy theo thổ nhưỡng thời tiết mà ông, cha ta ngày xưa làm lụng suốt bốn mùa, quanh năm không ngơi nghỉ:
Tháng giêng thì lúa xanh già,
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng,
Tháng tư cuốc đất trồng lang,
Tháng năm cày cấy tiếng nàng quay tơ.
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng,
Tháng tư cuốc đất trồng lang,
Tháng năm cày cấy tiếng nàng quay tơ.
Ngoài những nông sản như lúa, khoai, sắn, dâu tằm… Cây mía còn được trồng trên những vùng đất bạc màu; đất pha cát như dọc theo đường giao thông (đường chính của làng), dọc theo hàng tre làng, cặp theo mương trắng xóm Hòa Mỹ, xóm Chân Tây… Mặc dù, một nắng, hai sương, lao động vất vả để trồng được cây mía, nhưng khi thu hoạch thì không được bao nhiêu, vì phần bị sâu đục thân phá hại và nhất là bị chuột cắn phá nên người ta thường dùng “Ông bù nhìn” mình mặc áo tơi, đầu đội nón cời để hù dọa chúng.
Mía được “lau” (chặt) vào khoảng tháng Chạp đến tháng Giêng hoặc tháng Hai. Mùa này khắp làng thơm ngát mùi mật, mùi nước chè hai, đâu đâu cũng nghe tiêng hai “Ông che” nghiến mía kêu ken két, tiếng roi đánh vào lưng trâu đét đét. Hồi đó người làng chỉ dùng sức trâu để kéo 2 trục Che xát mía.
Nước mía được nấu thành đường mật, đường muống hoặc đường tán (đường chén) – đường này được đựng trong đôi bầu chung quanh được lót rơm để chống ẩm và gánh xuống chợ Phú Bông, hay lên chợ Bảo An để bán. Thường thì một đôi bầu chứa 100 cặp đường tán.
Mật hay đường muống thường được đựng trong các Chum (ghè) lâu ngày sẽ có những mảng đường đinh bám chung quanh thành, cạy ra mà nấu chè đậu đen – theo ông, bà ta xưa thường nói là “ngon tuyệt cú mèo”.
Trưa nắng những người thợ chặt mía, gánh mía về bụng thì đói, miệng khát nước mà uống bát nước chè hai, người sẽ khỏe ngay. Vị ngọt thanh thanh của nước chè hai, vị ngọt lịm của chén đường non đã đi vào lòng người và được ví von với những món ăn vừa dân dã, vừa sang trọng của ông, cha ta ngày ấy:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè,
Nhớ hồi thượng mã lên xe,
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non,
Nhớ hồi cá trụng y con,
Thịt heo xắt lát lòng còn ước mơ.
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè,
Nhớ hồi thượng mã lên xe,
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non,
Nhớ hồi cá trụng y con,
Thịt heo xắt lát lòng còn ước mơ.
(Bát nước chè ở đây là bát nước chè hai)
Nói chung nghề trồng mía làm đường thời xa xưa đã giúp người nông dân cải thiện được phần nào đời sống khó khăn lúc bấy giờ.
Ngày nay đời sống đã thay đổi, làng Bàn Lãnh không còn trồng mía làm đường, nên không còn những bát đường tán, những chén đường non, bát nước chè hai. Nhưng đâu đây còn đọng lại trong ký ức của bà con trong làng tiếng “Ông che” ăn Mía, tiếng roi quất vào lưng trâu đét đét từ những chòi Mía của Ông Hương Huýnh, Ông Hương Ngôn, Ông Chánh Ngọc, Bà Hương Nhự, Ông Hương Trình, Ông Hương Nhứt…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét