Cho đến thời điểm này, thông tin 16/16 ca bệnh Covid-19 đã khỏi, Việt Nam không có dịch vẫn không tránh khỏi sự hồ nghi trong chính nhân dân. Tôi nghĩ rằng một hệ thống chính trị nếu vì dân cũng không có gì phải “tự ái” vì điều đó.
Thực tế, đa phần họ đã lặng lẽ làm việc của mình hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ nhân dân. Cần phải có một lời khen ngợi cho nội các của ông Nguyễn Xuân Phúc với khẩu lệnh “không ai bị bỏ lại phía sau” đã làm tốt việc phòng ngừa.
Nên nhớ rằng đối với đặc thù của Việt Nam nếu để rơi vào tư thế “chống” bệnh, nguy cơ vỡ trận là điều có thể dự đoán. Dù có một số việc phù phiếm bên lề không mấy hay nhưng kế hoạch cách ly, lập bệnh viện dã chiến đã được làm tốt. Đặc biệt là công tác đó được thiết lập trước khi làn sóng người đổ về từ “ổ dịch mới” Hàn Quốc.
Khen một lãnh đạo rất khó, chê một lãnh đạo cực dễ trong bối cảnh suy kiệt niềm tin. Nhưng những điều trông thấy, không thể bẻ cong suy nghĩ của mình.
Tương tự với tân bí thư Vương Đình Huệ, dù mắc lỡm với kiểu truyền thông đom đóm, đi chợ trả tiền hoặc băn khoăn sinh nở, vẫn có một phản xạ đẹp là khoác áo blouse vào khu vực cách ly. Vẫn tốt hơn nhiều quan chức dân tuý nơi phòng lạnh.
Vẫn tốt hơn nhiều một thượng thư giáo dục đi vào các trường học trống để báo chí thân hữu chụp hình. Hết đá bóng xuống địa phương thì dúi lên Chính phủ. Đến khi ông Thủ tướng gắt phải tự quyết thì mới miễn cưỡng nhận ấn đủng đỉnh đi bàn với các địa phương về lịch học.
Ông Nhạ có một “bạn đồng hành” là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người sốt sắng muốn học lại vì lo cho giáo dục… tư thục. “Việc tiếp tục nghỉ học cũng có thể gây nghi ngờ về việc chúng ta đã tuyên bố kiểm soát dịch bệnh, nhất là với ngành dịch vụ du lịch”.
Tức là ông Dũng muốn người trong nhà chấp nhận mạo hiểm để hàng xóm yên tâm đến chơi. Kiểu tính mệnh của triệu triệu con người không bằng mấy đồng xu cắc bạc của người ngoài vậy. Trong bối cảnh thế giới đang bấn loạn vì Covid-19, hàng loạt quốc gia đóng cửa trường, thậm chí đóng cửa song phương quốc gia, sự hiếu khách của ông Dũng quả không khác gì một ông bố tham lam và gia trưởng.
Rằng qua hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Nhắc lại sự ngờ vực của nhân dân để hiểu, rằng thể chế vĩnh viễn là “cậu bé chăn cừu” trong mắt nhân dân, nếu vẫn tồn tại những cá nhân coi chiếc ghế và hiện kim quan trọng hơn tính mệnh nhân dân.
Dân không nằm nơi chót lưỡi đầu môi, dân có quan sát của mình. Và lãnh đạo sẽ vĩnh viễn không có được niềm tin nếu quên mất rằng mình cũng là dân!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét