Các yếu tố và thuộc tính của dân chủ (tiếp theo):
VI. Yếu Tố Tham Gia.
Dân chủ là khi người dân có quyền tối thượng điều khiển đất nước. Ngoài các định chế và chính sách bảo đảm quyền tham gia vào việc quản trị đất nước, sự tham gia của quần chúng là một yếu tố quan trọng không thể thiếu cho một nền dân chủ vì dân chủ đến từ người dân chứ không phải là quà tặng từ đâu đến. Yếu tố tham gia được đánh giá bằng những tiêu chí sau đây:
a) Mức độ người dân tham gia bầu cử và ứng cử. Vì bầu cử là yếu tố cốt lõi của dân chủ, tham gia bỏ phiếu cũng như ứng cử vào các chức vụ dân cử rất quan trọng cho việc phát triển dân chủ. Khi người dân không tham gia bầu cử có nghĩa là họ từ bỏ quyền tham gia quản lý đất nước. Tỷ lệ cử tri tự nguyện đi bỏ phiếu thấp đồng nghĩa với ý thức dân chủ của người dân chưa cao. Tương tự, ít người tự nguyện ra ứng cử làm đại diện cho dân trong việc quản lý đất nước biểu hiện sự thiếu tranh đua, một yếu tố quan trọng mang lại ý nghĩa cho bầu cử. Bầu cử sẽ mất hết ý nghĩa khi chỉ có một ứng cử viên và khi người dân không có cơ hội lựa chọn.
b) Mức độ người dân tham gia chính trị. Ngoài bầu cử, người dân có thể tham gia chính trị bằng nhiều cách khác. Trước hết, sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình (demonstrations) hợp pháp; trở thành hội viên của các đảng phái chính trị (political parties) hay là thành viên các tổ chức ngoài chính phủ (non-government organizations, NGOs). Ngoài ra, còn có các hình thức tham gia khác như gia nhập các phong trào xã hội (social movements), tham dự các buổi điều trần công khai (public hearings), các diễn đàn chính trị ở địa phương (town hall meetings), hay các diễn đàn về quần chúng dấn thân (citizen engagement). Sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự (civil societies) hay hội đồng công dân (citizen assemblies) cũng thể hiện mức độ tham gia của công dân.
c) Mức độ người dân thể hiện sự quan tâm và theo dõi chính trị trong tin tức. Khi người dân không quan tâm, không theo dõi tin tức liên quan đến chính trị tức là họ không quan tâm đến việc điều hành đất nước và cũng không thể thực hiện quyền điều khiển đất nước một cách hiệu quả.
d) Bảo đảm cho mọi thành phần trong dân chúng có đầy đủ quyền chính trị và cơ hội bầu cử. Ngoài việc người dân tham gia, chính quyền cần phải bảo đảm cho mọi thành phần dân chúng có đầy đủ quyền chính trị và cơ hội bầu cử. Có như vậy thì dân chúng mới có thể tham gia các sinh hoạt chính trị và thực hiện quyến điều khiển đất nước của họ.
e) Bảo đảm các nhóm thiểu số có quyền tự quyết hợp lý và có tiếng nói trong quá trình chính trị - Trong một xã hội đa dạng có nhiều chủng tộc, sắc tộc, hay tôn giáo khác nhau, mỗi nhóm đều có quyền bảo tồn các đặc điểm văn hoá, tôn giáo, hay ngôn ngữ riêng trong khi vẫn tham gia vào các sinh hoạt của xã hội nói chung. Việc gạt bỏ các nhóm thiểu số khỏi các sinh hoạt chính trị vi phạm nguyên tắc dân chủ vì không cho họ cơ hội để thực hiện quyền điểu khiển đất nước.
f) Nỗ lực của chính quyền trong việc khuyến khích người dân tham gia chính trị. Trong khi người dân cần tích cực tham gia chính trị để thực hiện quyền điều khiển đất nước, chính quyền cũng cần khuyến khích người dân tham gia chính trị bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bầu và ứng cử, tổ chức hội họp chính trị, thành lập các tổ chức dân sự, hay đảng phái chính trị. Nếu chính quyền làm ngược lại là đi ngược với dân chủ.
VII. Chính Trị Đa Nguyên. Chính trị đa nguyên là có nhiều quan điểm về chính trị cùng hiện diện trong một xã hội. Chính trị đa nguyên cần thiết để phát triển dân chủ vì nó tạo cơ hội cho người dân với những quan điểm chính trị khác nhau cùng tham gia điều khiển đất nước.Trong một xã hội có chính trị đa nguyên, quyền quyết định nằm ở các tổ chức chính phủ (governmental organizations), nhưng các tổ chức ngoài chính phủ (non-governmental organizations) như đảng phái, xã hội dân sự, các hội đoàn công dân, v.v. đều có thể xử dụng các nguồn lực để gây ảnh hưởng khiến quan điểm và tiếng nói của họ được lắng nghe. Một xã hội đa nguyên về chính trị có những đặc điểm sau đây:
a) Có quyền thành lập các tổ chức chính trị độc lập với chính quyền mà không bị chính quyền can thiệp hay giám sát (surveillance). Việt Nam hiện nay là thí dụ điển hình của một quốc gia không có đa nguyên vì chỉ duy nhất một đảng (đảng CSVN) được phép hoạt động. Trái lại các nước phát triển ở Âu, Mỹ và Á châu là những nước theo đa nguyên vì các đảng chính trị được tự do hoạt động.
b) Hệ thống chính trị tạo cơ hội cho các đảng đối lập được thành lập chính phủ và nắm quyền điều khiển. Các đảng đối lập có quyền tìm cách gia tăng ủng hộ và tăng thêm quyền lực thông qua bầu cử. Trong một xã hội có nhiều đảng phái, nhưng đảng cầm quyền tìm cách ngăn cản sự cạnh tranh của các đảng đối lập thì không thể gọi là đa nguyên như trường hợp Singapore dưới thời Lý Quang Diệu.
VIII. Yếu Tố Bình Đẳng.
Yếu tố bình đẳng bao gồm bình đẳng về chính trị cũng như bình đẳng về luật pháp, kink tế và xã hội. Có một mối liên hệ hỗ tương (dynamics) giữa các hình thức bình đẳng. Việc phân phối tài nguyên, giáo dục và y tế bình đẳng giữa các thành phần dân chúng làm gia tăng sự bình đẳng về chính trị. Trái lại, bất bình đẳng về vật chất cũng như phi vật chất ức chế việc hành xử các quyền lợi chính thức cũng quyền tự do của công dân. Thí dụ, những người quá nghèo thì phải lo kiếm tiền để trang trải cái ăn, cái mặc nên không còn thời gian và sức lực để tham gia chính trị và thực hiện quyền điều khiển đất nước.
Yếu tố bình đẳng được đánh giá bằng việc phân phối tài nguyên xã hội một cách công bằng giữa những thành phần xã hội và mức độ người dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Ngoài ra, tỷ lệ nữ giới và những người trong nhóm thiểu số trong các cơ quan lập pháp cũng là thước đo bình đẳng.
Nói chung ở Việt Nam có bất bình đẳng công khai giữa đảng viên đảng CSVN và những người không phải là đảng viên. Đảng viên được hưởng nhiều lợi ích kinh tế, vị thế xã hội cũng như được giảm trách nhiệm khi vi phạm luật pháp. Ngoài ra, Viêt Nam cũng còn bất bình đẳng nam nữ giữa các thành phần giai cấp trong xã hội.
IX. Các Nguyên Tắc Về Hoạt Động Chính Phủ
Trong một xã hội dân chủ, người dân có quyền tham gia điều hành đất nước thông qua việc bầu lên người đại diện để tham gia chính phủ. Để thể hiện quyền điều hành đất nước của người dân, các hoạt động của chính phủ (bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải theo các nguyên tắc sau đây:
a) Cơ quan lập pháp là bộ phận chính trị tối cao so với với các bộ phận khác trong chính phủ (hành pháp và tư pháp) vì hai lý do. Trước hết, cơ quan lập pháp làm ra luật đế hành pháp thi hành, trong khi tư pháp chỉ giám sát việc thi hành luật. Thứ hai, trong hầu hết các xã hội dân chủ, người dân trực tiếp bầu các thành viên của cơ quan lập pháp ở cấp quốc gia và địa phương, trong khi người dân chỉ bầu trực tiếp người đứng đầu hành pháp, và những người đứng đầu ngành tư pháp thường do bên hành pháp chỉ định (có thể kèm theo sự chấp thuận của lập pháp). Nếu có bộ phận chính trị nào không được người dân bầu lên nhưng lại có thẩm quyền tối cao (như trường hợp đảng CSVN) thì đó không phải là dân chủ.
b) Các chính sách và đường lối của chính phủ phải do các dân cử đứng đầu chính phủ và các đại diện lập pháp quyết định. Có như thế mới thể hiện đúng quyền điều hành đất nước là của người dân, tức là dân chủ.
c) Có một hệ thống kiểm tra và cân bằng có hiệu quả đối với việc hành xử quyền hạn của các bộ phận khác nhau trong chính phủ. Thí dụ, trong thể chế phân quyền, lập pháp và tư pháp kiểm tra việc hành xử quyền lực của hành pháp, trong khi hai viện quốc hội kiểm tra quyền lực lẫn nhau. Khi một quốc gia không có phân quyền như Việt Nam thì không có kiểm tra và cân bằng.
d) Các hoạt động của chính phủ phải trong sáng và rõ ràng (transparancy), và mọi công dân đều có thể tiếp cận các thông tin về hoạt động của chính phủ. Freedom of Information Act là một thí dụ về quyền của công dân Hoa Kỳ được tiếp cận các thông tin về hoạt động của chính phủ. Trái lại, những hoạt động bí mật với mục đích che dấu người dân là phản dân chủ. Thí dụ việc nhà cầm quyền Việt Nam bí mật ký kết Hiệp Ước Thành Đô với Trung Quốc là trái với dân chủ. Bởi vì người dân có quyền tối thượng trong việc điều hành đất nước nên chính phủ, vốn đại diện cho dân, có bốn phận giải trình các hoạt động và chịu trách nhiệm (accountable) trước công dân về việc làm của họ. Tại các nước dân chủ, các buổi điều trần của hành pháp tại quốc hội là một thí dụ về trách nhiệm giải trình.
e) Không có tham nhũng trong các hoạt động của chính phủ. Đồng thời, phải có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả để chống việc tham nhũng của các viên chức chính phủ. Khi tham nhũng xảy ra tức là quyền điều hành đất nước của công dân bị vi phạm.
f) Chính phủ phải độc lập và không chịu ảnh hưởng của quân đội hay các dịch vụ an ninh. Vì quân đội hay an ninh không do dân bầu lên, ảnh hưởng của quân đội làm giảm thiểu tính cách dân chủ, chưa kể quân đội thường có khuynh hướng độc tài.
g) Quyền lực và tổ chức nước ngoài không quyết định các chính sách quan trọng và các chức năng quan trọng của chính phủ. Đó là vì người dân không bầu chọn các tổ chức nước ngoài làm đại diện để điều hành đất nước.
h) Thẩm quyền của chính phủ bao phủ toàn diện lãnh thổ. Nếu chính phủ không có thẩm quyền tại một khu vực nào đó thì có nghĩa là người dân cũng mất quyền điều khiển ở khu vực ấy.
X. Hạn Chế Quyền Hành Pháp
Hạn chế quyền hành pháp (limitations of executive powers) là tâm điểm của chế độ phân quyền. Mục đích là để ngăn chặn sự lạm quyền của hành pháp, vốn chỉ có người đứng đầu là dân cử. Việc hạn chế được thực hiện bằng nhiều cách.
a) Hệ thống phân quyền chính thức: Hiến pháp qui định phân quyền cũng như việc kiềm tra và cân bằng quyền lực (check and balance). Thí dụ lập pháp qui định những gì hành pháp được làm và tư pháp giám sát việc hành pháp thi hành luật pháp. Việc phân quyền phải hữu hiệu, tức là lập pháp và tư pháp phải thực sự giới hạn được quyền lực của hành pháp. Không có dân chủ hay dân chủ xuống dốc khi tư pháp hay lập pháp bất lực trước sự lạm quyền của hành pháp hay bao che cho các hành vi sai trái của hành pháp.
b) Việc thanh tra của các cơ quan độc lập đối với việc làm của các cơ quan và viên chức chính phủ.
c) Nhiệm vụ giám sát quan trọng của các tổ chức ngoài chính phủ như truyền thông và xã hội dân sự cùng sự hữu hiệu của các tổ chức này trong việc theo dõi hoạt động của viên chức chính phủ và đòi hỏi họ phải chịu trách nhiệm về các hành vi của họ. Các bài tường thuật của hai nhà báo Bob Woodward and Carl Bernstein (Washington Post) về vụ Watergate khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức là thí dụ điển hình về vai trò hữu hiệu của truyền thông trong việc phanh phui các việc làm sai trái làm của các viên chức chính phủ, kể cả tổng thống.
d) Mức độ viên chức chính phủ phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt vì các hành vi sai trái. Khi viên chức chính phủ làm việc sai trái mà không bị trừng phạt tức là không có dân chủ hay dân chủ xuống dốc.
XI. Nguyên Tắc Chủ Quyền Quốc Gia
Có hai nguyên tắc về chủ quyền quốc gia (national sovereign) trong xã hội dân chủ:
a) Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, tức là quốc gia độc lập. Khi hoạt động hay chính sách của một quốc gia chịu ảnh hưởng của các thế lực ngoại bang, chủ quyển quốc gia không còn thuộc về toàn dân vì những thế lực ngoại bang không do người dân bầu lên. Do đó, khi một quốc gia bị lệ thuộc ngoại bang, thì tuỳ theo mức độ có thể quốc gia đó không có dân chủ hay dân chủ không vẹn toàn.
b) Các viên chức dân cử có nhiều quyền thi hành chủ quyền hơn các viên chức không phải là dân cử. Bỏi vì người dân có chủ quyền tối thượng trong xã hội dân chủ và trao quyền này cho những người họ bầu lên để điều hành đất nước, những dân cử phải thực thi chủ quyền theo ý nguyện của toàn dân.
Kết Luận
Dân chủ là hình thức chính phủ trong đó chủ quyền tối cao thuộc về toàn dân. Dân chủ là một tiến trình (process) đòi hỏi nhiều yếu tố về thể chế, định chế, luật pháp và con người để thực hiện và phát triển. Bầu cử tự do, phân quyền, chính trị đa nguyên, nhà nước pháp quyền, đối xử bình đằng và quyền tự do dân sự là cái khung về thể chế và các bảo đảm về luật pháp để người dân có thể thực hiện được quyền lực tối cao của họ. Nhưng quan trọng nhất là sự tham gia của người dân. Khi thể chế, luật pháp hay các định chế thuận lợi cho các sinh hoạt dân chủ, việc tham gia của người dân giúp cho nền dân chủ được bền vững và phát triển bằng cách ngăn chận các biểu hiện suy thoái của dân chủ. Trong bất cứ xã hội nào, tình hình dân chủ không phải lúc nào cũng ổn định hay luôn luôn bền vững. Khi người dân thờ ơ với việc tham gia các sinh hoạt dân chủ đề thể hiện thẩm quyển tối thượng của mình thì khuynh hướng lạm quyền của chính phủ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và đó là lúc dân chủ đi xuống.
Khi thể chế và luật pháp chưa thuận lợi cho các sinh hoạt dân chủ, người dân cần tham gia đòi hỏi thay đổi thể chế và luật pháp để có cơ hội thực hiện quyền điều hành đất nước. Một nền dân chủ bền vững đến từ người dân vì người dân trực tiếp tham gia để xây dựng và gìn giữ. Mọi hình thức dân chủ áp đặt từ bên ngoài và không đến từ người dân sẽ sớm suy tàn vì người dân không tha thiết tham gia để gìn giữ và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét