Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

243 - Khi “Đất nước” không thể im lặng




Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh


Bài thơ “Đất nước ở trong tim” về dịch COVID-19 viết cho học trò của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương, Gia Lai khiến cộng đồng mạng một lần nữa dậy sóng như khi bài thơ “Đất nước mình lạ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên Trường Chuyên Hà Tĩnh xuất hiện váo tháng 4 năm 2016.
Thời gian chỉ mới bốn năm nên người ta chưa thể quên được bài thơ của cô giáo Lam bởi tính chất thời sự lẫn hiện thực xã hội của nó, vì vậy khi bài thơ “Đất nước ở trong tim” của cô giáo Chu Ngọc Thanh xuất hiện ngay lập tức trở nên ầm ĩ và người ta bắt đầu soi từng dấu chấm phẩy của bài thơ để truy tìm căn nguyên tại sao nó lại giống đến “nao lòng” bài thơ của cô giáo Lam đến thế.
Ngay tựa bài thơ hai chữ “đất nước’ đã phần nào nói lên ý định của cô giáo Thanh. Cô Thanh muốn nhấn mạnh đến toàn thể dân chúng Việt Nam cũng như cô giáo Lam từng làm. Có điều đất nước mà cô Thanh miêu tả hình như thiếu chân thật, trong đó chỉ có những hình ảnh cô Thanh tự ý thêm vào nhằm đánh bóng, tô son cho hình tượng lãnh đạo, cái mà cô giáo Lam không chấp nhận trong bài thơ của cô. Hai chữ “đất nước” tuy giống nhau nhưng người đọc thơ nhanh chóng nhận ra một điều không phải cứ giống nhau là hay như nhau.
Bởi cô giáo Lam khẳng định một điều mà ai cũng thấy đó là: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh? / Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn / Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm / Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...”
Trong khi đó gần như ngược lại cô giáo Thanh khẳng định: “Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em / Nhưng làm được những điều phi thường lắm.”
Điều mà cô Thanh gọi là phi thường được chính cô đem các hoạt động chống dịch COVID-19 mà người dân cả nước đang cố gắng đối phó. Một trong những vết son mà cô nhấn mạnh là Việt Nam tuy đang thiếu trầm trọng khẩu trang cũng như các vật liệu y tế chống dịch khác nhưng vẫn hào phóng đối với người bạn vàng Trung Quốc, cô viết: “Với người láng giềng đang lúc lâm nguy / Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế / Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể / Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.”
Chưa thấy thỏa mãn với lòng tự hào dân tộc đang bùng nổ trong lòng, cô không ngần ngại…tưởng tượng thêm những chi tiết không hề có, cô viết: “Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan / Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại / Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi / Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.” Hai câu đầu thì đúng nhưng hai câu sau thì cô Thanh đã bước một chân vào vùng thơ của Tố Hữu.
Nguy hiểm hơn, cô giáo Thanh còn lầm lẫn vị trí địa lý của thế giới khi cô nhầm Cambodia là phần đất của Việt Nam bởi cô hí hửng viết những câu thơ xúc phạm tới người láng giềng của đất nước: “Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương / Mình mở cửa đón họ vào bến cảng / Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn / Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.”
Cô giáo Thanh quên mất chính Cambodia mới là nước đón chiếc du thuyền kia vào nước của họ.
Có lẽ nếu chỉ bấy nhiêu thì người dân không đến nỗi ném đá vào đầy nhà cô giáo, cái làm cho người ta giận dữ khi đọc được mấy câu này: “Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa / “Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”.
Người dân thì nhíu mày trợn mắt vì cái “hồn vía” của bài thơ nhưng người trong cuộc là ông Thủ tướng lại như mở cờ trong bụng. Ông cảm thấy trở thành vĩ đại và vì vậy ra lệnh viết một công văn khen tặng bài thơ của cô giáo Thanh với lời lẽ hết sức nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa khá nhiều kiêu hãnh. Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp thay mặt Thủ tướng ký giấy ghi nhận bài thơ ca ngợi chính quyền dập dịch trong đó có câu “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh bài thơ trên”.
Chính cái công văn quái ác này đã mang bài thơ của cô giáo Thanh bay vào sọt rác. Công bằng mà nói nếu nó âm thầm lưu hành đâu đó thì người ta ít để ý đến, có chăng chỉ cho là một bài thơ nâng bi bình thường như hằng hà sa số các bài thơ nâng bi khác của chế độ từ xưa tới nay. Giống như nhà nước cố gắng nuôi sống thơ của Tố Hữu trong văn học cách mạng với hàng chục bài thơ nhưng người ta chỉ chú ý và lưu truyền những dòng thơ gây “đỏ mặt” nhất của ông mà thôi. Đó là những câu thơ như: “yêu biết mấy, nghe con tâp nói / tiếng đầu lòng con gọi Stalin” hay “Thương cha, thương Mẹ, thương chồng / thương mình thương một, thương Ông thương mười”
Công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt lời khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới cô giáo Chu Ngọc Thanh
Công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt lời khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới cô giáo Chu Ngọc Thanh Courtesy of FB
Chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp biến cô giáo Chu Ngọc Thanh trở thành một Tố Hữu thứ hai, tuy tài nghệ non hơn nhưng tiềm năng thì có thừa. Trong một lúc cao hứng ông Thủ tướng tưởng mình đang ngồi bình thơ với các quan lại trong triều và sẵn tiện phê một chữ son vào bài thơ khen mình. Nhưng ngỡ ngàng quá, công dân mạng không phải là tiện dân như thời phong kiến, họ châm chọc, dẻ bỉu, sỉ vả có người còn làm thơ trào phúng diễu nhại một cách thâm thúy. Hàng trăm hàng ngàn câu comment trên mạng xã hội cho thấy người dân đã chán ngán cái cung cách mà nhà nước cách mạng chuyên chính áp dụng từ 50 năm về trước.
Nhà nước luôn khẳng định rằng sách vở, báo chí, truyền thông do họ kiểm soát nên bất cứ chuyện gì họ cũng có thể đối phó một cách rốt ráo. Nhưng qua câu chuyện thơ vừa nêu nhà nước đã lầm và cách mà họ giải quyết là rút hẳn quyết định khen thưởng cô giáo Thanh xuống khỏi mọi tờ báo đã đăng tải. Tiếc một điều facebook vẫn còn giữ lại và người dân lại có dịp cười thêm vào mặt những kẻ háo danh nhưng đần độn.
Thủ tướng không đần độn nhưng ông tỏ ra rất háo danh. Người tư vấn bài thơ cho ông tuy không háo danh vì không ai biết tới mình nhưng đần độn thì lại có thừa. Chỉ có đần độn mới xúi Thủ tướng viết những lời “chim chóc” vào lịch sử của những bài thơ nổi tiếng vì nịnh.
Đất nước hôm nay không còn im lặng như cái thời mà Nhân Văn Giai Phẩm bị trù dập đầy oan khuất. Đất nước cũng không thể im lặng khi nghe những tài năng nịnh nọt nhân danh đất nước mà đem nhân phẩm đặt dưới chân một ông thần cách mạng nào đó, đất nước càng không thể im lặng để một cô giáo làm nên những câu thơ giả dối đầu độc thế hệ tương lai.
Đừng dựa vào đất nước nữa hỡi các nhà thơ không thể đi trên chính đôi chân của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét