19 tổ chức hội Trung ương vừa hoàn thành quy hoạch báo chí, thực hiện theo Quyết định số 362, của Thủ tướng Việt Nam ban hành năm 2019, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cụ thể, 24 tổ chức hội trung ương phải chuyển đổi mô hình, sắp xếp cơ quan báo, tạp chí… Theo đó, mỗi tổ chức hội có 1 tạp chí.
Trong quy hoạch lần này là các cơ quan báo chí được sắp xếp theo hướng số lượng giảm. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2020, mỗi nơi chỉ có tối đa 5 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo… Những nơi khác, mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh.
Nhà báo Phạm Thành, đưa ra nhận định với RFA về quy hoạch báo chí lần này:
“Nhà cầm quyền cộng sản họ có cả ngàn tờ báo rồi, nhưng họ muốn nữa. Chủ yếu họ muốn dùng cái loa dối trá của họ nhét vào bất kỳ trong tai một người dân nào, đấy là cái tư tưởng của họ, nhưng họ buộc phải giảm vì nuôi báo chí tốn kém lắm.”
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng, thật ra, nhà nước Việt Nam muốn càng nhiều cơ quan báo chí càng tốt, để tạo ra cái không khí nhìn có vẻ là đa chiều. Nhưng việc ngân sách để nuôi một hệ thống quá đồ sộ như thế cũng rất là khó khăn.
Trong quy hoạch báo chí đến năm 2025, như thường lệ, chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của đảng và nhà nước.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, cựu tù nhân nhân quyền, trước khi chịu án 3 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vào năm 2016, ông từng là Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV (Hochiminh City Television), nhận định với RFA hôm 28/2 về việc quy hoạch báo chí tại Việt Nam theo 3 góc nhìn:
“Trong quyết định đó họ coi báo chí là vũ khí, theo đó tôi nhìn ở góc độ là một chiến trường, cho thấy một điều rất rõ, sau rất nhiều trận đánh của nhà cầm quyền VN trên mặt trận báo chí, thì họ đã thua tan tác. Thì động tác họ quy hoạch lại, thu gọn lại, giống như bãi chiến trường họ thu lại bãi vũ khí ‘sứt càng gãy gọng’ gì đó… để tinh gọn lại, thì điều đó chỉ thay đổi về lượng chứ không thay đổi về phẩm. Bởi vì chiến trường thì vũ khí chỉ là phương tiện, nó cần những nhà quân sự có đầu óc, mà nhà quân sự có đầu óc thì xin lỗi, người cộng sản VN không có. Bởi nhà chiến lược quân sự về báo chí phải tôn trọng tôn chỉ quan trọng nhất, đó là sự thật, thì bản chất người cộng sản là dối trá trên mọi lãnh vực.”
Dước góc độ kinh tế, báo chí là một sản phẩm, mà theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, sản phẩm của người cộng sản đưa ra không phù hợp với thị trường, tức là người tiêu dùng không xài… thì có quy hoạch hay không, có thu gọn hay để nguyên… thì hàng của họ ra vẫn bán ế. Điều này Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng cũng đúng với quy luật của thị trường. Ông nói tiếp:
“Ở góc độ thứ ba là các trường phái triết học, họ nói là quy hoạch về báo chí, về nhân sự, tức là quy hoạch về con người… Mà tôi nghĩ, con người sinh ra để sống, để mưu cầu hạnh phúc, chứ con người không phải là một cái máy, một vật thể, hay đường xá, cơ sở hạ tầng để mà quy hoạch. Cái đó là sai về mặt triết học. Vì vậy, đứng ở góc độ triết học, quy hoạch báo chí cản trở sự phát triển của con người. Bởi vì quan trọng nhất của con người là tự do tư tưởng. Từ tự do tư tưởng, con người mới phát triển, và có thể văn minh như tất cả các quốc gia khác.”
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp của Ban Tuyên giáo từ Trung ương đến địa phương. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Nhà báo Phạm Thành cũng cho rằng, sản phẩm báo chí bây giờ đưa tin không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng:
“Báo chí Việt Nam hiện nay nhìn trên tổng thể thì phần lớn họ vẫn được nhà nước bao cấp, chẳng hạn như những anh lớn hiện nay như thông tấn xã, tạp chí cộng sản, đài phát thanh thì cũng bao cấp, còn những tờ thuộc chủ quản khác thì cũng bao cấp. Những cái tin của họ không thuyết phục, nó vừa chậm, vừa bị định hướng… Cho nên đối với bạn đọc nó không còn là món ăn tinh thần để họ trông chờ họ đọc nữa...”
Theo quy hoạch báo chí đến năm 2025, đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phải làm xong việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.
Tính đến cuối tháng 2 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai xong việc chuyển đổi mô hình, sắp xếp các cơ quan báo chí đối với 19 tổ chức hội. Còn 5 báo thuộc 5 tổ chức hội chưa thực hiện.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông giải thích, trong số 5 báo này, có 2 báo đang tạm dừng xuất bản để triển khai thực hiện quy hoạch, 1 báo chuyển đổi cơ quan chủ quản và 2 báo đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, sẽ tiếp tục triển khai sau.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, việc quy hoạch thu gọn hệ thống báo chí nhằm mục đích kiểm soát dễ hơn, cũng khó thực hiện:
“Dân trí cao hơn, trình độ nhận thức của nhân dân cũng cao hơn, thành ra khó mà nhốt một xã hội rộng lớn trong một ngục tù tập thể. Về ý thức hệ thì chúng ta cũng thấy, nhiều bài báo bị ban tuyên giáo yêu cầu gỡ, tức là nhiều quá cũng không kiểm soát được. Vì báo chí họ cũng cần phải sinh sống, cần có nhiều bạn đọc, phải có những tin khác, vì thế họ muốn thu gọn lại để kiểm soát dễ hơn. Nhưng đó cũng là mâu thuẫn, anh đã kiểm soát toàn bộ thông tin trên xã hội mà anh còn không định hướng được, thì thu gọn lại thì mục tiêu kia cũng khó đạt được.”
Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chính phủ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã khẳng định trong quyết định quy hoạch rằng báo chí là công cụ của đảng, là phương tiện của đảng, chứ nó không phải là cứu cánh. Mà cứu cánh ở đây theo ông là tự do, như vậy phương tiện báo chí đã trở nên chống lại con người nói chung, và nó chống lại nhân dân Việt Nam nói riêng. Nên ông cho rằng, quyết định quy hoạch báo chí này là phản khoa học và chống lại con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét