Nhớ tôi người có châm điếu thuốc?
Nhớ tôi người có đi trong mưa?
(Thơ Trần Mộng Tú)
“Bỏ thuốc lá? Dễ thôi, tôi bỏ hoài.”
Câu ấy ta vẫn nghe. “Bỏ hoài” có nghĩa là bỏ tới bỏ lui, bỏ đi bỏ lại nhiều lần mà vẫn chưa… bỏ được.
Bỏ thuốc lá là chuyện nhỏ, nhưng cần một ý chí lớn, mạnh mẽ.
Trong một lần chia sẻ về kinh nghiệm bỏ thuốc lá mới đây với vài người bạn, tôi ghi nhận được những câu chuyện không ai giống ai. Có anh thì do chịu khó luyện công môn yoga, một môn tập không chỉ giúp làm dịu tâm trí, vượt qua sự mệt mỏi và căng thẳng mà còn có tác dụng loại bỏ được những ham muốn các nhu cầu giả tạo. Nhờ vậy, mặc dù không nhắm vào việc cai nghiện thuốc lá, đến một lúc nào đó anh bỗng quên bẵng và không còn hứng thú gì chuyện hút xách nữa, xem như “bất chiến tự nhiên thành”. Có anh suốt mấy chục năm đi đâu cũng kè kè gói thuốc, tự biết ý chí mình chưa đủ lớn, đủ mạnh để khuất phục sự quyến rũ của “tương tư thảo”, đành tìm đến ông bác sĩ người Mỹ để xin… kẹo Nicorette và nhai đến sái quai hàm mới bỏ hẳn được thuốc lá (thời ấy cần có toa bác sĩ mới mua được kẹo này). Trường hợp bỏ thuốc lá của tôi cũng dính dấp đến ông bác sĩ nhưng là câu chuyện dở khóc dở cười. Xin kể lại đầu đuôi thế này.
Những gia đình chuẩn bị xuất cảnh để định cư tại Mỹ theo diện HO đều phải qua thủ tục khám sức khỏe, trong đó có màn chụp hình phổi để xem có bệnh trạng gì không. Nếu chẳng may vướng bệnh phổi thì cần được điều trị cho đến khi hết hẳn mới được phép xuất cảnh. Nếu chữa không xong thì chịu khó ở lại vậy, xem như bị đánh rớt.
Hôm ấy, sau khi được chụp hình phổi, gia đình tôi ngồi chờ đến lượt vào phòng khám để được thông báo kết quả xét nghiệm. Đến lượt tôi, ông bác sĩ quân y của miền Nam (thuộc “phe ta”), tên Th., đưa tấm phim phổi của tôi lên cao ngắm nghía, săm soi thật kỹ. Ngắm nghía một lúc, ông ta quay nhìn tôi chằm chằm, rồi lại chăm chú nhìn tấm phim, rồi lại quay nhìn tôi chằm chằm, trông vẻ mặt rất khẩn trương.
“Có vấn đề gì không, Bác sĩ?” tôi rụt rè hỏi.
Ông bác sĩ không trả lời, không nói năng chi cả. Hỏi gặng mãi thì ông quay nhìn tôi, mặt mũi vẫn nghiêm trọng, rồi ngoắc ngoắc tôi đến gần, chỉ tay vào tấm phim phổi.
“Anh lại đây tôi chỉ cho xem. Có nhìn thấy những đường trăng trắng chạy loăng quăng chỗ này, chỗ này, chỗ này nữa, thấy không?”
“Vâng… thấy,” tôi nói, sau một lúc căng mắt nhìn.
“Anh hút thuốc từ bao lâu rồi, một ngày mấy điếu?” Ông bác sĩ hỏi, lộ vẻ đăm chiêu.
Tôi vội thật thà khai báo về quá trình hút xách của mình, từ thuở tập tành làm quen khói thuốc những năm cuối bậc trung học đến những năm ra đời, đến những năm ở lính, tạm thời phải gián đoạn trong những năm tù “cải tạo”, rồi lại tiếp tục mãi cho đến hôm nay. Về số lượng cũng không nhiều lắm, chỉ ngày khoảng 5 điếu, hôm nào vui bạn vui bè thì 10 điếu.
Ông bác sĩ tỏ vẻ trầm ngâm, nhìn tôi với ánh mắt xót xa thương cảm.
“Anh nghe tôi nói đây,” bác sĩ Th. nói chậm rãi. “Anh nên quên chuyện đi Mỹ đi. Vấn đề của anh bây giờ là liệu lá phổi này có chữa được hay không.”
Tôi nghe mà lạnh người. Ông bác sĩ lẳng lặng cho tôi đến mấy loại thuốc, dặn dò cẩn thận uống như thế nào và nói nửa tháng sau trở lại đây xem sao.
“Còn chuyện hút thuốc thì... tùy anh thôi,” bác sĩ Th. nói thêm. “Nếu anh vẫn cứ tiếp tục hút thì... không cần phải uống thuốc và cũng không cần trở lại đây nữa.”
Xong, ông đưa tôi tấm danh thiếp có ghi số điện thoại và địa chỉ nhà, nói trong lúc điều trị nếu có vấn đề gì thì có thể liên lạc với ông ta.
Lúc trở ra gặp vợ con chờ ở bên ngoài, tôi cố tạo vẻ mặt bình thản, nói chẳng có chi đáng ngại, chỉ là về uống thuốc qua loa cho phổi trong trẻo, lành mạnh.
Về đến nhà, việc đầu tiên là tôi quăng gói thuốc hút dở vào thùng rác. Suốt đêm hôm ấy tôi không ngủ nghê gì được, cứ chập chờn hình ảnh ông bác sĩ Th. với vẻ mặt nghiêm trọng, rầu rĩ và ánh mắt nhìn tôi ái ngại. Lòng tôi tràn ngập nỗi ân hận là lâu nay không lo bảo trọng sức khỏe, cứ rượu chè hút xách thoải mái, lại cũng không chịu đi chụp hình phổi sớm hơn để “phát hiện” kịp thời mà lo chữa chạy, để đến bây giờ làm khổ làm phiền vợ con, và trong bụng cứ lo ngay ngáy là nhỡ chẳng may vướng vào bệnh lao phổi hoặc tệ hơn là ung thư phổi thì đến đổ nợ.
Sáng hôm sau, tôi liên lạc mấy người bạn cũng chuẩn bị đi Mỹ diện HO và kể lại chuyện đi khám phổi của mình. Một tay bạn tiết lộ cho tôi biết là nơi phòng khám ấy có hai ông bác sĩ cùng tên Th. và đều là bác sĩ quân y của miền Nam, một ông “thiện” và một ông “ác”. Hỏi tại sao lại có những tên “thiện, ác” ấy thì được giải thích là, thường người nào may mắn gặp bác sĩ “Thiện” thì qua cầu dễ dàng, còn nếu gặp phải tay bác sĩ “Ác” thì cứ phải điều trị và tái khám. Anh bạn khuyên tôi đến tìm bác sĩ “Thiện” để biết rõ thực hư và được giải thích kỹ hơn về bệnh trạng mình. Được anh ta giới thiệu và cho địa chỉ, tôi tìm đến nhà ông bác sĩ này ở Cư Xá Đô Thành, mang theo tấm phim phổi mới chụp lại.
Ông bác sĩ cũng tên Th. này tiếp tôi khá thân thiện, vui vẻ. Trông vẻ mặt táo bón của tôi ông nói, “Cũng phe ta cả thôi, anh cần tôi giúp gì?”
Sau khi nghe câu chuyện và xem xét kỹ tấm phim, ông trả lại cho tôi.
“Tôi không thấy có gì cần phải chữa trị cả,” ông lắc lắc đầu.
“Thế còn mấy thứ thuốc kia thì sao, tôi vẫn uống chứ?” tôi băn khoăn.
“Không uống thì tốt hơn, có uống cũng chẳng giúp được gì cho anh, có khi lại hại… bao tử.”
Thấy tôi vẫn còn bán tín bán nghi, ông đi pha hai tách café.
“Anh có mang theo gói thuốc nào đó không?” ông nói đùa, đẩy tách café về phía tôi.
Lần đầu tiên tôi ngồi uống đến cạn tách café mà không đốt điếu thuốc nào.
“Đừng có nói với ai về những gì tôi nói với anh nhé,” ông dặn dò lúc tiễn tôi ra cửa.
Mối lo đè nặng tâm trí đã vơi bớt và tôi có phần tin tưởng ông bác sĩ này, chả nhẽ ông lại đùa với kẻ đang đau khổ là tôi. Hôm sau nữa, tôi nhớ ra có quen một anh bác sĩ chuyên khoa về bệnh phổi từng làm việc ở Bệnh viện Bình Dân, bèn tìm đến anh ta. Anh bác sĩ này cầm tấm phim phổi của tôi lên, chỉ nhướng mắt xem có 30 giây là ném xuống bàn.
“Tôi chả thấy cái gì cả.”
“Bộ ông không thấy mấy cái đường trăng trắng ngoằn ngoèo ấy à?” tôi ngạc nhiên.
“Thấy chứ sao không,” anh phì cười. “Chuyện bình thường, cái phim phổi nào mà lại chả có. Không có mới là phiền.”
Anh ta hỏi tên người bác sĩ khám cho tôi.
“Tưởng ai,” anh chúm môi huýt gió một hơi. “Tay bác sĩ đó gạt ông để làm tiền đấy. Hắn đã làm tiền bao nhiêu người đến gặp riêng để nhờ chữa trị. Ông phải quăng ngay mớ thuốc thổ tả ấy đi.”
Tôi bỗng tỉnh hẳn người, thở ra một hơi dài nhẹ nhõm.
“Còn hút thuốc không?” anh ta hỏi. “Bỏ được thì chẳng sợ ai hù dọa nữa.”
Quả nhiên, khi trở lại tái khám thì tôi “qua cầu” thật dễ dàng. Một ông bác sĩ khác, không phải bác sĩ Th., chỉ xem qua loa qua tấm phim phổi, ghi xuống “Bình thường” mà không nhìn, không hỏi han gì đến tôi.
Tôi hoàn hồn và đến lúc ấy mới thực sự thở phào. Cũng vào lúc ấy, tôi phát giác một điều khá bất thường là, trong suốt hai tuần lễ đó tôi quên hẳn thói quen hút thuốc. Không hề có điếu thuốc nào cho tách café buổi sáng hay sau mỗi bữa ăn. Và tôi cũng “ngộ” ra rằng, nếu mình có thể nhịn không hút điếu thuốc nào liên tục trong một tuần mà vẫn tỉnh queo, không cảm thấy nhớ nhung, thèm thuồng thì cũng là lúc mình có thể chia tay với thuốc lá được rồi.
Bác sĩ Th., không biết giờ này ông ở đâu và chắc ông cũng chẳng nhớ tôi đâu (kịch bản ấy ông từng diễn với nhiều người chứ chẳng phải riêng tôi). Nếu ông có tình cờ đọc được những dòng này thì xin ông hiểu cho rằng trong lòng tôi không hề nuôi chút oán hờn hay trách cứ gì ông, mà ngược lại gia đình tôi và riêng tôi còn phải “chân thành cảm tạ” ông nữa, vì lẽ nếu không được sự giúp đỡ của ông thì không biết đến bao giờ tôi mới tỉnh ngộ và có đủ ý chí để mà xa lìa “người bạn xấu” ấy.
Nếu có những người tử tế, thích giúp đỡ người khác thì cũng có những người lại thích làm điều ngược lại. Nhưng cũng chẳng sao, cuộc sống vốn là vậy, thực giả, tốt xấu lẫn lộn, và đến nay tôi vẫn tin rằng nếu ta chỉ đi tìm những cái tốt của người khác thì thế nào cũng tìm thấy. Bên cạnh những ông “Ác” vẫn có những ông “Thiện”, đâu đó trong cuộc sống vẫn còn rải rác những tấm lòng.
* * *
Không giống như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc lá (và café, và rượu chè…) chỉ là nhu cầu giả tạo. Ghiền, chỉ là một thói quen khó bỏ.
Hầu hết những ông bạn mà tôi quen biết đều thú nhận từng có một thời tập tành hút thuốc để làm người lớn, một thời để râu ria lún phún và mái tóc bồng bềnh (hay bù xù) để tạo dáng văn nghệ sĩ, hoặc bắt chước những thần tượng điện ảnh Alain Delon, Jean-Paul Belmondo ngậm trễ hay cắn lệch điếu thuốc lá trên khóe môi với vẻ khinh bạc đầy nam tính, hoặc bắt chước anh chàng lừng khừng trong thơ Jacques Prévert vừa lặng lẽ nhấm nháp tách café sữa vừa biểu diễn nhả từng vòng tròn khói thuốc mơ màng.
Khi mà những tín đồ của thuốc lá lần lần bị người đời xa lánh và đối xử gần như kẻ tội phạm, buộc phải đứng xa một khoảng cách nhất định hoặc bị nhốt trong những phòng cách ly khói bay mù mịt thì chuyện hút thuốc chẳng còn gì hứng thú. Khi mà những bà vợ quá ngán ngẩm và các cô gái không còn chút rung động hay ngưỡng mộ những chàng trai lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc thì thiết tưởng cũng đến lúc “buồn ơi, chào mi” với gói thuốc lá đã lỗi thời.
Sau cùng, nếu có điều gì chia sẻ thêm, trước đây tôi cứ ngỡ, bỏ thuốc lá có nghĩa là chẳng bao giờ đụng tới điếu thuốc nào nữa, thế nhưng không hẳn vậy. Thỉnh thoảng một vài người bạn vẫn còn tiếc nuối “một làn khói trắng ru đời vào quên lãng” (*) cứ nài ép tôi “kéo một điếu cho vui”, chiều lòng bạn tôi bập bập đến hơn nửa điếu mà chẳng thấy ngon lành chi cả. Và sau đó vẫn không cảm thấy bị cám dỗ “tình cũ không rủ cũng đến”, cầm trên tay điếu thuốc mà lòng vẫn nguội lạnh, vẫn cứ dửng dưng như là... duyên nợ đã hết, tình đã nhạt phai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét