Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

2096 - Chó cắn áo rách



Công ty Pou Yuen, chuyên sản xuất giày thể thao, quyết định cắt giảm 3000 công nhân do ảnh hưởng dịch COVID-19, đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ giảm mạnh. Ảnh: PLO

“Sở dĩ có những người nô lệ bẩm sinh là vì trước đó đã có những người nô lệ không bẩm sinh – J.J. Rousseau”
Cướp từng đồng cứu trợ mất việc của người lao động
Gần 3.000 lao động của công ty Pouchen trong danh sách nghỉ việc vào ngày 20 tháng Sáu, 2020 đã choáng váng với số tiền khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân của cơ quan thuế Việt Nam. Những công nhân này được doanh nghiệp chi trả các khoản trợ cấp theo qui định và trợ cấp thêm theo mức mỗi năm làm việc được hưởng 1 tháng lương với mức lương bình quân của 6 tháng gần nhất.
Đa phần số lao động trong danh sách bị cắt giảm lần này thuộc xưởng D3. Một số người có thâm niên làm việc tại đây tới 17-18 năm, số tiền được doanh nghiệp trợ cấp mất việc có thể được gần 200 triệu đồng. Đó là một số tiền lớn đối với người lao động. Tuy vậy, không ai muốn nhận những đồng tiền trợ cấp này vì đơn giản là tương lai đón chờ họ là những ngày tháng thất nghiệp bất định. Đa phần những lao động có thời gian lao động 5-7 năm, được nhận mức trợ cấp vài chục triệu đồng thì nỗi lo lắng đó còn lớn hơn vì “miệng ăn thì núi lở” mà công việc thì kiếm đâu ra trong thời buổi này?
Những xóm trọ Pouchen cũng giống như mọi xóm trọ lao động khác, cái nghèo nàn, nhếch nhác bao trùm lên tất cả. Nhưng dù vậy, công nhân Pouchen vẫn có mức lương ổn định và cao hơn so với nhiều doanh nghiệp da giày, may mặc ở đây. Một lao động lâu năm ở Pouchen thậm chí gánh vác một gia đình nghèo 4-5 miệng ăn, con cái cũng được học hành. Đối với đoàn quân tha phương cầu thực đông như kiến từ các tỉnh miền Tây đổ về chốn Sài thành này, thì đó cũng là một mơ ước rồi.
Cái thời mà doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng, công nhân làm đủ công, tăng ca liên tục… thu nhập của người lao động được bảo đảm, mỗi khi đến ngày nhận được lương thưởng, xóm trọ Pouchen lại râm ran tiếng cười nói, vui vẻ. Với đại đa số người dân lam lũ, hạnh phúc nó đơn giản lắm: No cơm, ấm áo, con cái được học hành, bố mẹ có đủ công ăn việc làm.
Thế nhưng, giờ đây, cái xóm trọ Pouchen ấy buồn thiu, lặng đi. Người bị mất việc thì ngậm ngùi chuẩn bị về quê. Mà về quê thì làm gì? Ruộng đất thì hai năm lại hạn mặn một lần, trồng cây gì cũng chết, nuôi con gì cũng lỗ. Người có đất còn trồng ít rau cỏ, bòn mảnh vườn may thì có miếng bỏ mồm. Người không có ruộng đất thì sống làm sao?
Người ở lại thì nơm nớp lo sợ sắp tới cũng bị mất việc. Mắt ai cũng buồn rười rượi, gương mặt ai cũng lo lắng quay quắt, u ám như phủ bóng mây đen. Tương lai mờ mịt và cái đói đã chực chờ ngay ngưỡng cửa bao nhiêu gia đình. Và rồi cái ngày công ty lại cắt giảm tới 6.000 công nhân ngay đầu tháng Bảy thực sự là một hung tin cho toàn thể công nhân viên Pouchen. Cả cái xóm trọ mênh mông im phắng như thể có đại tang.
Pouchen và Huê Phong là những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành công nghiệp gia công da giày và may mặc ở Việt Nam. Tại TP.HCM, Pouchen có tới 70.000 lao động và là doanh nghiệp có số lao động lớn nhất ở thành phố này. Việc cắt giảm một lượng lớn lao động là một quyết định khó khăn của ban giám đốc công ty.
Trong ngành công nghiệp gia công này, ai cũng hiểu hai yếu tố sống còn của doanh nghiệp là lao động và thị trường. Việc thị trường thế giới đang tê liệt như hiện nay vì cả nguyên do dịch bệnh và thương chiến Mỹ-Trung, thật khó đoán trước điều gì.
Doanh nghiệp dù muốn giữ lại lao động lành nghề để chờ thị trường khôi phục cũng “lực bất tòng tâm.” Trước Pouchen và Huê Phong, hàng trăm công ty trong ngành đã cắt giảm hàng chục ngàn lao động. Con số lao động theo hợp đồng bị mất việc theo thống kê của TP.HCM là gần 110.000 lao động tính tháng Năm, 2020.
Trong thời gian tới, con số thất nghiệp sẽ gia tăng nhanh vì các doanh nghiệp lớn, sau một thời gian chống đỡ, cũng đã tới lúc “lười thở.” Đây thực sự bắt đầu cho một cuộc khủng hoảng an sinh xã hội ở Việt Nam.
Trên thực tế, chỉ 40% số lao động bị mất việc có thể tiếp cận với nguồn trợ cấp thất nghiệp của nhà nước vì đủ mọi lý do “không đạt chuẩn,” “không đủ cơ sở,” “không đủ giấy tờ hợp lệ” để nhận trợ cấp!
Người lao động đi làm thì phải đóng không thiếu một đồng đủ các loại tiền. Nào là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, phí công đoàn rồi cả thuế thu nhập cá nhân. Nhưng để mà nhận được vài đồng trợ cấp thất nghiệp thì thật là khó khăn diệu vợi!
Nay có ít tiền trợ cấp mất việc của doanh nghiệp, tiền chưa tới tay người lao động thì đã bị cắt nghiến mất 10% thuế thu nhập cá nhân. Người bị trừ nhiều mất tới 15-17 triệu đồng, người ít thì mất 5-7 triệu. Không những bị mất việc, người lao động còn bị cắt mất một khoản lớn số tiền còm cõi trong lúc khốn cùng. Đúng là “chó cắn áo rách.” Cơ quan thuế của nhà cầm quyền CSVN quả thực quá mức bất nhân.
Cứu dân hay cướp của dân
Những lao động có hợp đồng với các doanh nghiệp lớn như Pouchen còn có phần may mắn hơn. Phần lớn những công nhân làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ khác đã bị mất việc làm, nghỉ không lương, giảm lương… từ sớm khi ảnh hưởng của dịch bệnh và thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu tác động tới Việt Nam.
Những người lao động tự do, thời vụ, buôn bán nhỏ lẻ thì thời gian qua hẳn phải chịu cái đói tới mờ mắt, run chân. Đã có nhiều trường hợp những thanh niên ở những xóm trọ nghèo phẫn chí, kẻ thì đi cướp giật để rồi sa vào lao lý, kẻ thì cùng quẫn tới mức treo cổ tự tử vì vướng vào nợ nần vài triệu đồng của tụi cho vay nặng lãi.
Thế nhưng, trong cái cảnh khốn nạn cùng cực ấy, người dân còn chịu nhiều loại cướp bóc bởi đủ loại thuế, phí đua nhau tăng phi mã. Hóa đơn tiền điện của tuyệt đại đa số người dân đã tăng trung bình 35% so với thời điểm trước tháng Ba, 2020. Xóm trọ nghèo nhưng vì tính giá điện kinh doanh nên phải chịu 5.000 đồng/KWh.
Trời nóng như đổ lửa, nhà nào mà 4, 5 người chung nhau một cái quạt thì cuối tháng hóa đơn cũng phải tăng thêm hơn 100 ngàn tiền điện. Cũng mức dùng điện như thế, 3 tháng trước chỉ chừng 200 ngàn tiền điện. Nay cầm cái hóa đơn mà hoa cả mắt. Dân kêu ca oán thán khắp nơi thì ông EVN bảo rằng “Trời nóng, dùng nhiều điện mà lại không muốn trả thêm tiền. Kêu đắt thì đừng dùng nữa…”
Nghe mà muốn ói máu họng. Cái thứ ăn cắp, ăn cướp có hệ thống này nếu không có chỉ đạo từ trên xuống thì chắc chắn không thể nào thực hiện được. Một vài trường hợp ghi số điện phóng tay tới hơn 30 lần chỉ số thực, bị báo chí nêu tên thì bị thí tốt để xoa dịu dư luận.
Nhưng hàng triệu hộ gia đình bị ăn cắp, ăn cướp âm thầm vài trăm ngàn/tháng thì là cả một con số khổng lồ thì không thấy báo nào phân tích, điều tra cho ra lẽ. Bởi vì tất cả đều có chỉ đạo cả rồi: Tăng hóa đơn tiền điện để bù vào tiền hỗ trợ chống dịch Covid-19!
Mà nào có mấy hộ gia đình trong cái xóm trọ nghèo mênh mông hàng ngàn hộ gia đình công nhân bị mất việc ở đây nhận được mấy đồng trợ cấp chính phủ đâu? Dân ngụ cư nay đây mai đó, mấy người có đủ giấy tờ. Những công nhân làm việc cho các doanh nghiệp lớn như Pouchen còn may mắn lắm, họ được giới chủ quan tâm tới các chính sách an sinh, được quan tâm hơn so với đa phần các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ khác. Còn các công nhân không có hợp đồng, dân lao động thời vụ, buôn thúng bán mẹt… suốt hai tháng cách ly xã hội, chỉ biết húp cháo cầm hơi.
Mới hết thời gian cách ly xã hội, dân nghèo thò mặt ra ngoài đường, tất tả xuôi ngược, mong kiếm được miếng cháo qua ngày vì suốt hai tháng trời không có công ăn việc làm thì gặp ngay lũ cướp ngày “chó vàng.” Ngành công an với chiêu bài “tổng kiểm tra các phương tiện giao thông” suốt 1 tháng trời, xua đàn CSGT đông hàng vạn ra đứng chốt chặn mọi ngả đường. Kiểm tra thì ít, “làm tiền” thì nhiều.
Cái xóm trọ nghèo Pouchen nhiều người bị thu giữ cả xe, bị phạt tiền không ít. Nhà có cái xe cà tàng để đi lại, giấy tờ viết tay qua mấy đời chủ, cả cái xe không đủ tiền nộp phạt, thôi thì đành bỏ. Không có xe, thì đi chợ bằng gì, tụi nhỏ đi học làm sao…? Thôi thì muôn vàn nỗi thống khổ, đọa đày chồng chất lên đôi vai gầy guộc, những tấm thân đen đúa của người lao động nghèo ở “xứ thiên đường này.”
Giai cấp công nông ở thế kỷ 21 hôm nay đã trở thành giai cấp nô lệ cho đám người có cùng xuất thân với mình của thế kỷ trước đã thành công trong một cuộc cướp bóc vĩ đại. Nhóm người đó sau khi gương cao ngọn cờ “giải phóng” và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp, đạt được quyền lực thống trị bằng bạo lực đã nhanh chóng tạo ra một chế độ cướp bóc khổng lồ, tinh vi, thiết lập thứ gông ách gấp trăm lần so với bọn “thực dân, phong kiến” năm xưa từng cai trị quốc gia này. Nhưng nói cho cùng thì người viết tự hỏi tại làm sao mà dân tộc này mãi ngụp lặn trong vũng lầy tăm tối?
Thực ra lịch sử của đất nước này sau hàng ngàn năm vẫn không thoát được cái vòng oan nghiệt đó. Phải chăng đó là một định mệnh bi thảm mà căn nguyên sâu xa nằm trong căn tính của dân tộc. J.J. Rousseau, một triết gia kiệt xuất của Thời kỳ Khai sáng, người mà được coi cha đẻ cho những tư tưởng Tự Do tuyệt vời nhất, cũng lại chính là người đặt nền tảng cho chủ nghĩa xã hội lý tưởng mà sau này những người cộng sản đã lợi dụng và nhào nặn nó trở thành một thứ triết thuyết của Satan, có một câu nói đầy cay đắng:
“Sở dĩ có những người nô lệ bẩm sinh là vì trước đó đã có những người nô lệ không bẩm sinh!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét