Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

2401 - Chính phủ nợ người dân một lập trường về biển Đông


Hoa Kỳ đã thể hiện lập trường rõ ràng và cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Nhưng không ai rõ lập trường của Việt Nam ra sao. Việc không có một lập trường, nhưng lại mừng vui trên lập trường của người khác không hẳn gây hại gì. Tuy vậy, điều đó sẽ phần nào thể hiện sự bị động và dễ bị lệ thuộc của chúng ta ngay trong cuộc chiến – như là định mệnh của mình.
Cứ cho rằng, lập trường của Hoa Kỳ là chắc chắn (nhiệt tâm thực hiện), thì việc chúng ta thiếu một lập trường nhất quán sẽ tận dụng được sự trợ giúp của Hoa Kỳ ra sao? 
Mỗi lần xảy ra các vụ đụng độ, va chạm làm hại ngư dân bám biển của ta, Bộ Ngoại giao lúc thì miêu tả do “tàu lạ”, lúc lại do “tàu nước ngoài” (theo truyền thông trong nước). Sự thiếu minh bạch trong các sự kiện Trung Quốc đánh chiếm các đảo ngoài khơi của Việt Nam, cho đến các phát ngôn với giọng điệu thay đổi theo “thời tiết” của đại diện cơ quan ngoại giao, khiến cho chúng ta ở tình trạng “lửng lơ con cá vàng”, chẳng ai hiểu được để mà biết phải cư xử ra sao.
Để minh định rõ hơn về sự thiếu vắng một lập trường như đang trình bày, bạn đọc có thể tham khảo bình luận đầu tiên của Bộ Ngoại giao Việt Nam về Tuyên cáo của Hoa Kỳ, do phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nêu ra ngày 15 tháng 7 như được Báo Tuổi trẻ đưa tin ở đây. Và, hãy thử xem xét, bình luận này giống quan điểm của một nước ven biển đang bị xâm hại quyền và lợi ích nghiêm trọng, hay giống quan điểm của một quốc gia ở sa mạc Sahara hơn?
Việc không “định nghĩa”, hoặc thiếu sự rõ ràng trong các hành xử với Trung Quốc, cũng đồng nghĩa việc chúng ta đang không rõ ràng về lợi ích của chính mình. Một khi lợi ích bản thân cũng không xác định được thì có thể đứng trên căn cứ nào để tính đến chuyện bảo vệ? Và khi đó, dù một bên thứ ba nào đó sẵn sàng làm “bệ đỡ” thì chúng ta liệu có đủ khôn ngoan để đặt đôi chân của mình lên hay không? 
Đó là giả định cứ cho rằng Hoa Kỳ sẽ tận tâm với Tuyên cáo của mình, và Việt Nam, dù thiếu vắng một lập trường cố định, vẫn sẽ hưởng lợi kiểu “không bổ trong cũng bổ ngoài”. Nhưng giả định này đúng đến đâu?

Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông và một số vùng khác. Ảnh:
Đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông và một số vùng khác. Ảnh:

Lợi ích của Hoa Kỳ

Rõ ràng là những hành xử thô bạo nhằm thay đổi tình trạng tự nhiên của các thực thể biển, cùng những vi phạm trắng trợn pháp luật quốc tế của Trung Quốc không phải vừa mới xảy ra, và vụ kiện của Philippines cũng đã có phán quyết từ năm 2016. Nhưng tại sao Hoa Kỳ đến nay mới đưa ra lập trường rõ ràng (ngôn ngữ cứng rắn hơn) bác bỏ các tuyên bố và hành xử bất hợp pháp của Trung Quốc? Chẳng lẽ Mỹ cần đến hơn một thập kỷ để xác định, liệu rằng Trung Quốc có đang phá huỷ các giá trị của pháp luật và trật tự quốc tế mà Mỹ muốn, hoặc sẽ bảo vệ hay không?
Chắc chắn là không. Nếu Hoa Kỳ lấy việc bảo vệ các giá trị là trụ cột để duy trì an ninh, ổn định trật tự khu vực và quốc tế là sứ mệnh của mình thì họ, có lẽ, đã phải hành động ngay khi các giá trị đó bị xâm phạm. Nhất là trong trường hợp Philippines là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. 
Làm rõ những câu hỏi này có thể đưa đến một kết luận rằng, Tuyên bố về lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố của Bắc Kinh ở biển Đông chỉ là một động thái cho thấy Hoa Kỳ sẽ có thái độ cứng rắn để bảo vệ lợi ích của mình. Trong bối cảnh Trung Quốc đã không còn “diễn” nữa, và Hoa Kỳ cũng không còn lựa chọn nào khác, việc xuống nước của Hoa Kỳ trong tình trạng căng thẳng kéo dài như hiện nay sẽ cho thấy sự đánh mất (hoặc từ bỏ) vai trò lãnh đạo thế giới của mình. Khẩu hiệu bảo vệ pháp luật và trật tự quốc tế; an ninh, ổn định khu vực; và tự do an toàn hàng hải chỉ là “lý do” cho cái “mục đích” cạnh tranh lợi ích các nước lớn.
Chỉ ra như vậy không phải là để chê trách Hoa Kỳ (vốn dĩ các quan hệ quốc tế sẽ phải thay đổi xung quanh trục “lợi ích” như vậy), mà để thấy rằng, lợi ích của Hoa Kỳ hay bất cứ bên thứ ba nào có thể trùng khớp với mục tiêu của chúng ta ở một đoạn, một điểm nào đó, nhưng để tận dụng được sự trùng khớp đó, chúng ta cần có chiến lược chủ động, rõ ràng.

Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, ngày 05/3/2018. Ảnh: AP Photo/Tran Van Minh.

Hoa Kỳ có phải “người lính gác” nhiệt thành của pháp luật và trật tự quốc tế?

Ta hãy bắt đầu với một phát ngôn từ phía đối lập với Hoa Kỳ, ở đây là Trung Quốc. 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông qua phát ngôn viên Triệu Lập Kiên đã đáp trả mạnh mẽ Tuyên cáo lập trường mới của Mỹ, đại ý: 
Tuyên bố của Mỹ trái với cam kết công khai không giữ lập trường về chủ quyền Nam hải của Chính phủ Mỹ. Phía Trung Quốc không hề tìm kiếm xây dựng “Đế quốc biển”. Ngược lại, Mỹ từ chối gia nhập “Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển”, thường xuyên “rút khỏi các tổ chức quốc tế và huỷ cam kết” trên trường quốc tế. Đối với luật quốc tế, hợp thì sử dụng, không hợp thì bỏ.
Đáng tiếc rằng, những khẳng định của phía Trung Quốc lại là sự thật, dù rằng đó không hẳn thể hiện bản chất của chính phủ Mỹ, nhưng đó đúng là phần nào thái độ của Mỹ đối với hệ thống luật pháp quốc tế. 
Mỹ đã từ chối thực thi phán quyết của tòa án quốc tế trong vụ kiện của Nicaragua, đã làm nên một ví dụ điển hình cho sự kém hiệu quả của các thiết chế quốc tế dưới sức mạnh của những cường quốc. Cho đến gần đây, là hàng loạt những hành động rút ra khỏi các hiệp ước quốc tế, hay các tổ chức quốc tế, như: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp ước Paris về khí hậu; Thỏa thuận hạt nhân với Iran; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc; Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đang tiến hành các thủ tục cần thiết để rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.
Mặc dù tồn tại một sự thật rằng, một số định chế quốc tế hiện nay đã tỏ ra không hiệu quả và cần phải được thay đổi, nhưng, việc đơn phương rút ra khỏi các định chế đó cũng phần nào thể hiện sự thiếu tôn trọng của Mỹ đối với hệ thống pháp luật quốc tế hiện nay. Và đó cũng có thể được xem như biểu hiện của bá quyền nước lớn vậy.
Đối với các tập quán quan hệ quốc tế, rồi tình hữu hảo đồng minh. người Việt, đặc biệt là người miền Nam trước năm 1975, liệu mấy ai không còn nhớ Hoa Kỳ đã “đi đêm” với Trung Quốc “trên lưng” Việt Nam Cộng hoà để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa như “cưỡi ngựa hái hoa” như thế nào?
Xin được nhấn mạnh rằng, chỉ ra những điều này không nhằm hạ thấp nỗ lực của Hoa Kỳ, hay quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, mà để nhận ra rằng, bất cứ bên thứ ba nào cũng sẽ chỉ hành động dựa trên lợi ích của chính họ mà thôi, và họ không có bất cứ một nghĩa vụ bắt buộc nào đến sự an nguy của một quốc gia khác, trừ khi hệ thống pháp luật và chính trị quốc tế thay đổi khác đi. Đó là thực tế. 
Điều mà những nước nhỏ, và đặc biệt như Việt Nam phải ở trong một vị thế địa chính trị nhạy cảm, cần phải có chính sách chiến lược và mục tiêu của riêng mình, để nhận ra và tranh thủ bất cứ thuận lợi nào mà các bên thứ ba mang đến trong lợi ích của họ. Bên cạnh đó, cũng cần phải khôn ngoan để không dễ dàng trở thành con “tốt thí” của bất cứ bên nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam ngày 27/2/2019. Ảnh: Saul Loeb/AFP via Getty Images.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Việt Nam ngày 27/2/2019. Ảnh: Saul Loeb/AFP via Getty Images.

Điều kiện nào để “lập trường” của Mỹ không phải chỉ là những tuyên cáo trên giấy đối với Việt Nam?

Làm sao có thể đảm bảo sự nhiệt tâm của Mỹ trong “lập trường” của mình, đặc biệt đối với Việt Nam? Câu trả lời chỉ có thể đến từ sự phát triển trong quan hệ của người dân hai nước. 
Suy cho cùng, một quan hệ, dù là đối tác hay đồng minh đều cần phải dựa trên những giá trị bền vững thì các thoả thuận mới có thể được thực thi một cách thiện chí, và được đảm bảo lâu dài. Một quan hệ bền chặt sẽ không chỉ đến từ những thoả thuận của hai nhà nước, mà nó phải được sự đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng giá trị của nhau giữa người dân hai quốc gia. Chỉ khi người Mỹ đồng cảm với người Việt Nam, hay nhân dân các nước đang chịu đe dọa trực tiếp bởi Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, thì khi đó, chính phủ Mỹ mới tận tâm với những chính sách bên ngoài của mình, ngoài những tính toán về mặt lợi ích.
Hai mươi lăm năm, người Mỹ biết và nghĩ gì về người Việt, và ngược lại? Có lẽ là không nhiều, ngoài những quan hệ làm ăn kinh tế. Tuy vậy, đã có những chỉ dấu cho thấy hai nước có thể đẩy mạnh quan hệ đối tác hơn nữa, bằng việc triển khai các hoạt động xã hội như hàn gắn vết thương chiến tranh; hay các chương trình trao đổi, giao lưu về văn hoá, giáo dục, xã hội khác sẽ giúp người dân hai nước hiểu nhau hơn, là gốc rễ cho những giá trị bền vững hình thành. Một trong những dấu hiệu đó là việc lần đầu tiên tình nguyện viên của Peace Corps sẽ được đến Việt Nam với sứ mệnh hàn gắn quan hệ hai nước, một hoạt động đòi hỏi sự tin tưởng, đặc biệt từ phía chính quyền Việt Nam.
Đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét