Luật an ninh quốc gia cho Hong Kong có thể khiến Trung Quốc sẽ tự chuốc lấy nhiều mối hại hơn là có lợi, theo nhận định của một số nhà quan sát Việt Nam.
Từ Hà Nội, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà nghiên cứu Trung Quốc, bà Nguyễn Nguyên Bình nói với BBC:
"Việc mà Trung Quốc thay đổi chính sách này là do tại chính Trung Quốc chứ không phải tại nhân dân Hong Kong, khi đưa ra luật dẫn độ, thì họ đã dần dần biến Hong Kong từ lời hứa về một quốc gia, hai chế độ, với các luật dần dần được đưa vào, đã biến Hong Kong trở thành 'một quốc gia, một chế độ' chứ làm gì còn là hai nữa."
"Tôi nghĩ rằng cái này sẽ gây chính sự thiệt thòi cho Trung Quốc, tại vì Trung Quốc muốn Hong Kong là một trung tâm tài chính, rồi trung tâm thương mại để thu hút những giao lưu tài chính, thương mại thì Trung Quốc có lợi.
"Nhưng Trung Quốc bây giờ một mặt lại muốn là quản lý giống như là trên lục địa, thế thì rõ ràng là Trung Quốc quá tham vọng tức là cái việc gì cũng muốn, thế cho nên có nguy cơ rất cao là xôi hỏng mà bỏng cũng không.
"Thế giới và khu vực từ nay sẽ càng suy nghĩ khác về Trung Quốc, như dân Đài Loan đã nói rồi rằng càng đối xử với Hong Kong như thế, thì người ta sẽ càng không tán thành việc 'về với Trung Quốc' theo mô hình mà Trung Quốc lâu nay nói là 'một quốc gia, hai chế độ' đó, và nay không bao giờ họ chịu trở về với Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng con người, cũng như quốc gia, khi quá tham vọng, tham vọng chồng thêm tham vọng thì có thể sẽ trở nên mù quáng và sẽ không còn có thể phân biệt được giới hạn, mức độ nữa. Bây giờ Trung Quốc bộc lộ quá nhiều tham vọng, cái gì cũng muốn vơ vét cho mình thì thế giới bây giờ càng ngày càng mất lòng tin vào họ.
'Hoàn toàn tước đoạt'
Từ Sài Gòn, nhà báo tự do, nhà hoạt động Sương Quỳnh bình luận với BBC:
"Theo tôi luật an ninh quốc gia với Hong Kong mà Trung Quốc vừa đưa ra đã hoàn toàn tước đoạt quyền tự chủ của nhân dân Hong Kong, do đó ngay lập tức kèm với những vụ bắt bớ hàng trăm người trên thực tế ngay từ hôm 01/7 và có thể sẽ không ngừng lại, đã làm cho người dân Hong Kong hoàn toàn bị mất đi quyền dân chủ của mình, không còn như những gì Trung Quốc đã ký kết với Anh quốc về "một quốc gia, hai chế độ."
"Từ Việt Nam, với nhãn quan của giới hoạt động dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự, tôi thấy rằng mặc dù những bất lợi đang diễn ra với các phong trào ở Hong Kong, người Việt Nam vẫn có thể học hỏi được tinh thần kiên cường và tinh thần trường kỳ đấu tranh, liên tục đấu tranh bền bỉ, ngoài ra họ rất phong phú về những hình thức biểu tình, đấu tranh, trong đó có việc họ liên tục tận dụng quốc tế, đưa vấn đề ra quốc tế, để tạo áp lực liên tục từ bên ngoài, rồi họ biết cách kêu gọi các nước khác hiệp thông, đoàn kết và ủng hộ họ."
"Do đó, mặc dù có thể đã, đang và sẽ còn bị đàn áp, họ sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khu vực và thế giới".
'Hành xử độc tài'
Từ Paris, hôm 02/7, nhà báo tự do Tường An bình luận với một thảo luận trực tuyến trên Facebook của BBC News Tiếng Việt:
"Chúng ta thấy đây là một hành xử rất độc tài đối với Hong Kong của nhà cầm quyền Trung Quốc. Cách đây hơn một tháng Mỹ đã đưa ra đã cảnh báo đưa ra những biện pháp đối với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh thông qua và áp dụng đạo luật mới này.
"Nhưng mà dường như là Trung Quốc tỏ ra không e sợ Mỹ, cho nên mặc dù những lời đe dọa đó, một tháng sau, Trung Quốc vẫn đưa ra một đạo luật mà phải nói là rất đau buồn cho Hong Kong, đau buồn cho cả thế giới tự do, dân chủ…
"Việc Trung Quốc đưa ra đạo luật mới này thì hoàn toàn phản lại đạo luật cơ bản đối với Hong Kong mà Trung Quốc đã ký với Anh quốc cách đây 23 năm… mặc dù nhiều đảng phái, các nhóm hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Hong Kong đã đang phải giải thể để tránh trở thành đối tượng bị trừng phạt của đạo luật do Bắc Kinh đưa ra, thì tôi vẫn hy vọng đâu đó sẽ tái xuất hiện những nhà hoạt động để họ khôi phục lại cuộc đấu tranh quan trọng này."
Từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng nói với tọa đàm này về việc vì sao thế giới quan tâm tới Hong Kong, ông nói:
"Tôi không cho rằng từ trước đến nay các nước trên thế giới chỉ nước nào thì biết nước đó…, bởi vì việc cạnh tranh giữa các mô hình xã hội, cạnh tranh về mặt kinh tế luôn luôn xảy ra, cạnh tranh bao gồm việc chứng minh phần ưu việt của mình, đồng thời chỉ thấy rõ phần yếu của đối thủ.
"Trung Quốc bây giờ đang trên đà lấn lướt, Trung Quốc bây giờ có thể nói là đặt tất cả lên bàn, gọi là chơi bài ngửa, khi mà họ đã có thời gian dài thu mình lại, thì tất cả các nước khác cũng phải thể hiện mình và cũng phải có tác động thế nào đó để xu hướng của Trung Quốc không lấn át xu hướng của thế giới, phương Tây, thành ra châu Âu vì sao xa vời thế mà vẫn quan tâm đến Hong Kong.
"Người ta không muốn một mô hình xã hội nào đó mà người ta thấy không phù hợp mà có cơ hội lan tỏa khắp thế giới, và điều này chúng ta đã thấy thời Chiến tranh lạnh ngày xưa đã có và tuy bây giờ Chiến tranh lạnh không còn, nhưng các cường quốc vẫn có một chính sách như vậy đối với cả thế giới.
"Họ dùng những gì họ đang có, sức mạnh hay cái thô bạo của họ, nhưng đường hướng về lâu dài, căn bản để mà họ thu phục lòng người thì tôi chưa thấy."
'Quan sát chăm chú'
Từ Hà Nội, nhà hoạt động xã hội dân sự, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC về quan tâm của giới hoạt động dân chủ, nhân quyền và dân sự ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một so sánh:
"Vấn đề Hong Kong hiện nay là một chỉ dấu, thông tin, sự kiện mà các giới hoạt động dân chủ, tự do, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam quan sát để người ta đón nhận như những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài vào Việt Nam…
"Có thể ở Việt Nam, việc phải đối đầu với Trung Quốc có lẽ đã từ lâu rồi, người Việt Nam có lẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người Hong Kong.
"Nhưng mà người Hong Kong lại có sự tiến bộ về mặt xã hội ủng hộ cho phong trào của họ, cũng như là điều kiện về mặt vật chất, về tài lực, về con người thì họ dồi dào hơn là ở Việt Nam rất nhiều, cho nên những bước đi của họ nhanh hơn tiến trình đấu tranh ở Việt Nam".
Cũng trong dịp này, hôm 03/7, hai nhà quan sát thời sự và chính trị khu vực đã chia sẻ đánh giá và tiếp theo là dự phóng của mình về vấn đề Hong Kong, liên quan chính trị Trung Quốc trong tầm nhìn khu vực và quốc tế.
Từ Sài Gòn, luật gia Hoàng Việt nói:
"Tôi cho rằng chắc chắn Trung Quốc đã tính toán kỹ việc thông qua luật an ninh ở Hong Kong như vậy. Và tính toán thì sẽ có mặt lợi và hại. Lợi là Trung Quốc đạt được các mục tiêu của mình. Hại là Trung Quốc sẽ gặp phản ứng từ các quốc gia trên thế giới
"Vấn đề Hong Kong theo tôi sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau. Có thể coi vấn đề Hong Kong thể hiện quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc và phương Tây về các giá trị phổ quát như tự do và dân chủ. Nhưng cũng có thể đánh giá vấn đề Hong Kong nằm trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Theo đó thì ta có thể dự đoán rằng chừng nào cuộc thư hùng Mỹ - Trung kết thúc thì vấn đề Hong Kong mới có thể được giải quyết."
Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện này nêu quan điểm:
"Luật an ninh Hong Kong, thực chất là sự phá bỏ chính sách một nước, hai chế độ mà Trung Quốc đã cam kết với Anh quốc. Phá bỏ cam kết đó, là phá bỏ một cam kết pháp lý quốc tế. Dù vậy, Trung Quốc vẫn cho rằng luật an ninh Hong Kong vẫn duy trì chính sách một nước, hai chế độ - đây là một hành xử bất chấp tất cả, đối đầu với cả thế giới văn minh.
"Tóm lại, tôi cho rằng Bắc Kinh quyết tâm bỏ chính sách một nước, hai chế độ đối với Hong Kong, và Hong Kong sẽ sớm trở thành một phần địa lý đồng nhất như các phần địa lý khác của Trung Quốc. "
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét