Adolf Hitler không thực sự để lại cho đời một gương sáng nhân bản nào, nhưng vẫn truyền thừa đó đây một vài câu nói bất hủ, lắm khi còn đúng cho cả nửa thế kỷ sau, ở một xứ sở xa lơ xa lắc: “Thật may phước cho nhà cầm quyền nào có đám nhân dân không biết suy nghĩ!”.
Chó Dại Có Mùa
Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên là lãnh đạo quản lý ngành điện ảnh VN, Giám đốc HondaFilm, tác giả tứ thơ Trái Mùa “Cây đổ lâu rồi, gió vẫn reo”, tác giả kịch bản phim truyện Canh Bạc…, trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC bên Úc (lúc đó Hồng Ngát còn đương chức Cục phó Cục Điện ảnh VN), đã nêu bật một quan niệm chính quy về tương quan dân-đảng là: “Con cái không chê cha mẹ khó…” (cho nên không được hỗn hào phản biện?!).
Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ, tác giả Lời Ru Chia Đôi và Biển Khát, Phó Giám đốc sở VH-TT Hà Nội, vẫn thường xuyên lặp lại trong các hội nghị về văn hóa câu châm ngôn hải đăng của Bộ VH-TT (tiền thân của TT-TT): “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!”.
Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của VN tại Liên hiệp Châu Âu (EU), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ba Đình, Ủy viên TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, đã từng tuyên bố trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN, rằng: ”Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi”.
Nghiện Nhai Giẻ Rách
Adolf Hitler không được mấy ai đánh giá là người tốt, nhưng riêng trong phạm trù độc tài toàn trị, thì phải nhìn nhận rằng đó là một tay “quen chăn nhẵn rận”. Không chỉ tay ngang, mà còn tay tổ nữa là khác. Cứ đọc lại 3 lời tuyên bố điển hình vừa kể, ắt thấy nhà cầm quyền CHXHCNVN quả là may phước cấp 3: Đám thiểu trí, thiểu năng, lẫn cả thiểu nhân cách, đã/đang/và sẽ còn loi nhoi lúc nhúc ngay ở các cấp lãnh đạo.
Immanuel Kant từng bảo: “Vị thành niên là tình trạng không có khả năng vận dụng trí tuệ của chính mình mà không cần sự chỉ đạo của người khác”. Điều này không thể ứng dụng ở đây. Bởi cả ba tác giả những tuyên bố kể trên hẳn đều là những kẻ từng trải, từng kinh qua, và ắt là phải từng nhập vai “con” đến mức xuất thần, trước khi trịnh trọng khoác chiếc áo lãnh đạo để truyền bá cái ý niệm/định hướng/kết luận/chính sách/mô hình về tương quan chính trị hai chiều giữa đảng và dân, cũng ở mức xuất thần, như vừa dẫn.
Chiều thứ nhất, Cha – Con, là chiều quan điểm/ứng xử khép nép từ phía nhân dân mà chính quyền mong đợi. Nguyên tắc cốt lõi là nhân dân lo sợ nhà nước trừng trị.
Chiều thứ hai, Chủ – Chó, là chiều quan điểm/ứng xử trịch thượng của lãnh đạo (sau khi một bộ phận nhân dân nào đó đã giành/nắm/cướp được chính quyền) đối với đại khối nhân dân còn lại. Cũng là tiền đề của một thể chế gia trưởng chắc bắp: nhà nước có toàn quyền trừng trị nhân dân.
“Trừng trị theo cách của chúng tôi”, ở đây và xưa giờ, bao gồm từ các cách xử lý cá thể lên đến tầm chiến dịch tập thể lớn nhỏ đủ mọi kích cỡ: Bỏ bao bố nhận nước. Mời “đi họp” vĩnh viễn không về. Cuốc chim. Mã tấu. AK47. Đội ám sát. Lưỡi cày Cải cách Ruộng đất. Lưỡi hái Nhân Văn-Giai Phẩm. Lưỡi lê Xét Lại. K54. Thanh trừng. Tuyệt diệt “tư sản mại bản”. Lao cải. Treo bút. Rút thẻ. Tù cải tạo. Đói. Rét. Sốt rét. Đày kinh tế mới. Chèn xe. Ép xuồng. Trộm bản thảo. Dọa tông lật xe giữa đèo. Khai trừ. Bịt miệng linh mục. Xịt hơi cay vào giáo dân. Khám nhà. Còng thép. Cùm mồm. Ném phân. Bắt nguội. Bắt khẩn cấp. Lệnh triệu tập. Quản chế. Tịch thu máy vi tính. Cắt điện thoại. Cắt đường truyền nhập mạng. Phá sập nhà nguyện. Cởi truồng bóp dế mục sư. Bao vây kinh tế gia đình. Án “tuyên truyền chống nhà nước”. Tội “lội dòng nước ngược”. Tội viết blog “xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo”. Án đập tường, “phá hoại tài sản”. Án thiếu thuế. Dọa đâm kim tiêm HIV. Án tuần hành cầu nguyện “gây rối trật tự”. Tội tụ tập trước đại sứ quán “lạ”. Cưỡng hành. Trục xuất. Tội “ném đá gây thương tích”. Tội đòi đất. Tội kêu oan. Cô lập. Khủng bố thân nhân/gia đình. Huy động xã hội đen hành hung. Đặt hàng bài viết mạ lị. Nghị định 31CP. Chỉ thị 37Ttg. Pháp lệnh Tôn giáo. Điều luật 88. Quyết định 97. Tội “phát biểu thiếu tinh thần xây dựng”. Tội yêu nước…
Còn “đóng cửa lại trừng trị chúng nó”, bao gồm các lập luận cà lăm cà lặp lắm lần là “chuyện nội bộ của VN”. Nhưng cụ thể và chính yếu là các biện pháp cấm cửa phóng viên nước ngoài; từ chối cấp visa; hủy bỏ ngay tại sân bay hiệu lực visa đã lỡ cấp; dựng ngựa sắt, bảng cấm chụp ảnh, và khóa trái bên ngoài cổng rào/cửa cái tư gia các nhân vật đấu tranh dân chủ hóa mà ký giả nước ngoài có thể tìm gặp; lệnh cho người phát ngôn ngoại giao chối tất mọi câu hỏi về việc vi phạm nhân quyền; thậm chí, đập máy ảnh vào gáy phóng viên nước ngoài lọ mọ đi săn ảnh nhà nước đàn áp giáo dân…
Hãy nghiệm thử: “những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh” mà Tôn Nữ Thị Ninh (và cả đảng đang tự coi là cha chú) bảo cần phải đóng cửa trừng trị theo cách riêng đó là những ai? Người hỏi là các nhà báo, các tổ chức quan trắc nhân quyền quốc tế hoặc hiệp hội ký giả không biên giới… Câu hỏi bộc lộ sự quan tâm sâu sắc đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN. Vậy thì, câu trả lời của phái đoàn công cử đi Mỹ “giải độc” ắt hẳn là phải nhắm tới những người đang bị trù dập trong nước (mà dư luận thế giới quan tâm), cả trong tù nhỏ lẫn tù lớn, tức là bao gồm gần hết cả nhân dân ngoài đảng, kể cả cha mẹ ông bà chú bác cô dì cậu mợ của đảng viên. Tất cả đều là con cháu của đảng, và từng được phân loại hỗn láo, bướng bỉnh… dựa trên độ mở miệng hay lý phản biện.
Giàu Chó – Khó Con
Phải chăng tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó chính là lý do mà các phần tử đảng tha hóa/cường hào/nhũng lạm đến mức không thể bao che nữa thì tất yếu bị khai trừ, hạ tầng từ cấp cha chú xuống hàng con cháu, hoặc con chó, và trả về cho nhân dân?
Phải chăng tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó cũng là nền tảng của nguyên tắc/quy luật Xin-Cho truyền thống, ngay trong cơ chế đảng và nhà nước CHXHCNVN, và đương nhiên được áp dụng tăng cấp lũy thừa mọi kiểu nhũng nhiễu/cửa quyền khi ra đến dân?
Phải chăng tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó cũng chính là động lực chủ yếu xây dựng nên thể chế gia trưởng, giữa thủ trưởng với thuộc cấp/gia nô trong mọi cơ quan, lan ra ngoài thành phong cách “phụ mẫu chi dân” giữa đảng viên/cán bộ/công chức với nhân dân?
Phạm Quang Nghị, Tiến sĩ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng VH-TT, tay đạo văn bài “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Định hướng bảo tồn và phát huy”, đã từng đứng trên ý niệm nền móng của tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó mà phán một kết luận về trận mưa/lụt lịch sử ở Hà Nội rằng: “Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”.
Nguyễn Thế Thảo, Thạc sĩ kinh tế, Kiến trúc sư, Chủ tịch UBND Hà Nội, Ủy viên TƯ đảng, đang bức xúc về tính vô hiệu của Pháp lệnh Thủ đô, và đang tự phấn đấu tại chức trước đề nghị nâng cấp quy hoạch quan chức Hà Nội lên mức 100% tiến sĩ, cũng từng dựa vào tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó mà hăng tiết đập bàn đòi thuyên chuyển Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi tòa Tổng Giám Mục Hà Nội hồi năm ngoái.
Cũng chính cái tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó mà giới lãnh đạo CHXHCNVN quen thói trịch thượng/xấc xược/vô phép/vô tắc/vô nghì/vô trách nhiệm trong mọi tiếp cận. Điển hình xưa là một Ủy viên Bộ chính trị từng vỗ ngực: “Luật là Tao”. Điển hình gần là Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, và Nguyễn Xuân Hiển, TGĐ Vietnam Airlines… Điển hình gần nữa là: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, nổi tiếng ba miền về một nhà thờ họ hoành tráng, tác giả một cụm từ giản đơn nhưng trị giá 150 triệu đô là “Chủ Trương Lớn”, tác giả bản kết luận về việc triển khai thực hiện Quyết định 97 và xử lý việc tự giải thể của Viện nghiên cứu phát triển (IDS).
Ngay cả một tay lướt/kiểm mạng, dù không hiển thị chức tước/hàm vị trên Net, chỉ ghi nick là nguyen huy tuong, cũng gắng sức chứng tỏ bản chất trung thành với giẻ rách trong một câu còm về bài viết của người khác: “Cha Ông ta có câu : Con không chê cha mẹ khó, Chó không chê chủ nghèo. Nếu ai đó hoàn cảnh nhà nghèo, có đứa con trai quý tử chạy sang nhà hàng xóm nói rằng : ‘Tôi rất nhục nhã khi là con trai ông bà ấy’ thì họ sẽ nghĩ sao? và hàng xóm sẽ nghĩ sao?. Và con chó đang tự nhiên quay lại sủa vào mặt chủ thì số phận con chó ấy sẽ như thế nào chắc mọi người đều có thể đoán ra…!”.
Chó Đá Vẫy Đuôi
Không ai rõ anh hàng xóm của gia đình cậu quý tử đó phản ứng ra sao. Người ta chỉ có thể, nhân chuyện “con chó đang tự nhiên quay lại sủa vào mặt chủ”, mà liên tưởng ngay đến một anh hàng xóm lựa khựa to xác từng tận tâm tận lực dạy cho VN một bài học Giáo Trừng, với biết bao “Chiến Hữu Trùng Phùng” trong lửa đạn, đã chớp nhoáng san bằng 6 tỉnh biên giới của ta chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tháng để chuẩn bị di dời cột mốc. Bấy giờ, những tiếng gầm gừ của ta càng vang dội, đến nay vẫn còn âm vọng như những tiếng rên.
Mãi hơn chục năm sau, sau khi Quốc Tế III tan rã, giới lãnh đạo anh hùng và thần thánh không thua gì Lê Văn Tám của ta… bỗng dưng muốn khóc, vì chỉ trong nháy mắt mà mất hết kinh viện lẫn quân viện từ Mát-xcơ-va, cũng không còn một điểm chống lưng nào cho ra hồn, mới lật đật điều chỉnh các sách giáo khoa sử địa, rồi đàn đúm nhau qua Bắc Kinh khấu kiến, bái lãnh một hơi 16 chữ vàng, tăng cường phụ trội thêm cả 4 chữ tốt.
Hóa ra, cái mối tương quan Cha-Con/Chủ-Chó đó không chỉ giới hạn ở tầm đảng-dân trong nước, mà còn vượt cả biên cương, vươn ra biển rộng, như một ngọn hải đăng tư tưởng chỉ đạo đối ngoại có ảnh hưởng sâu sắc và sinh tử đến vận mệnh cả đảng.
Lại có người nghĩ ngược. Chính cái tâm thức Cha-Con/Chủ-Chó có sẵn trong lòng lãnh đạo (theo dòng sự kiện) từ đận nhập cảng chủ nghĩa, rập đúng quy luật mà dân Tây vẫn gọi là “đứa nào trả tiền, kẻ đó chỉ huy”, cộng thêm một mớ “Khổng trộn Lão” (chư hầu lệ thuộc vương triều/thần dân lệ thuộc vua quan/nhân viên lệ thuộc thủ trưởng…) nhặt nhạnh trên đường về, nó mới biến tướng/quay ngược/cô đọng/kết tủa lại một cách sáng tạo và đậm đà màu sắc dân tộc thành bản đề cương vắn tắt về mối tương quan Cha-Con/Chủ-Chó cực kỳ tiện dụng cho một nền chính trị “chăm lo – tuân phục” vô cùng cần thiết cho quy trình thống trị trong nước.
Không tin ư? Cứ đọc lướt một vài chương đầu của bộ lô-can toàn tập (do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2000), tất rõ cái tâm thức đội trên đạp dưới đó rời Bến Nhà Rồng khi nào và bằng cách nào.
Vẫn chưa tin ư? Xin chịu khó đọc thêm quyển tự truyện duy nhất và để đời của tác giả Trần Dân Tiên (xuất bản lần đầu năm 1948 tại TQ, lần gần nhất vào tháng 4 năm 2005 bởi nhà xuất bản Trẻ, kích thước: 14×20 cm, trọng lượng: 170 gram, số trang: 159 trang, giá bán 18.500 đồng/cuốn), nhớ đặc biệt chú ý các trang 56, viết về mẫu quốc, và trang 113-114, viết về bối cảnh của một bài diễn văn lịch sử. Hoặc đọc thêm đoạn giữa Phần Năm của một quyển sách mỏng phiếm bình quyển tự truyện vừa nói, khắc biết.
Hệ quả ra sao? Chí ít đã có 7 sách lược được đề ra (nhưng không nhất thiết là… thất sách):
Một là: Cụm từ “con dân”, lẽ ra phải tương ứng với “tổ quốc” hay “đất nước”, thì đã bị bóp méo đi cho đúng theo định hướng cần thiết là phải tương ứng với “lãnh tụ” (cá nhân), với “lãnh đạo” (nhóm cá nhân), hoặc là với “đảng và nhà nước” (tập thể).
Hai là: Nhân dân không được chọn chính quyền/nhà nước, theo đúng quy luật vĩnh hằng của tạo hóa là không một con cái nào được quyền chọn cha mẹ, cũng không một chú chó nào có quyền được chọn chủ nhà.
Ba là: Chính quyền không có chức năng phục vụ nhân dân, nên chẳng có trách nhiệm gì. Ngược lại, nhân dân có đầy đủ nghĩa vụ phải tuân thủ chính quyền vô điều kiện, nếu không muốn bị trừng trị. Bởi vì: Nòng súng đẻ ra quyền lực, còn chính quyền thì đẻ ra nhân dân. Không có chính quyền XHCN này thì không thể có nhân dân XHCN này!
Bốn là: Yêu nước là yêu CNXH, tất yếu là phải yêu luôn cả tập đoàn có công lao thần thánh nhập khẩu CNXH. Muốn yên thân, hãy yên chí và yên lặng mà yêu tất. Cấm cãi! Đồng chí sống sót của những liệt sĩ thời chiến, cho dù có trở thành các kẻ cướp thời bình, vẫn còn nguyên đó mọi hào quang xương máu của đám đông đồng đội liệt sĩ. Phải yêu họ. Kể cả bố mẹ liệt sĩ cũng phải yêu họ. Cấm cãi!
Năm là: Phải bảo vệ đảng và nhà nước XHCN như bảo vệ con ngươi của chính mình/cha mẹ mình (luận văn tốt nghiệp, đề tài học tập các cấp, trên mặt báo, trên truyện tranh, trên loa phường, trên truyền hình…).
Sáu là: Bất kỳ ai đòi có ý kiến, đòi quyền kiến nghị, đòi minh oan, đòi nhà, đòi đất, đòi trường sở, đòi chỗ tu hành, đòi nơi thờ phượng, thậm chí đòi làm người… đều đương nhiên và đích thị là thuộc thành phần con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh. John Stuart Mill từng bảo “sự tệ hại của việc dìm nhốt một ý kiến chính là sự đánh cắp đối với loài người và với nhiều thế hệ…”. Đảng ta từng tự hào đã cướp chính quyền, thì sá gì tiếng ăn cắp?
Bảy là: Như Voltaire từng nói: “Con người, càng hiểu biết thì càng tự do”, cho nên, đối sách với trí thức tất yếu có khác với thành phần công nông vốn dĩ ít chịu suy nghĩ sâu xa. Tuy nhiên, vẫn phải khẩn cấp xử lý thích hợp/thích đáng/thích nghi đối với mọi trí thức “lợi dụng chức năng phản biện” và có những phát biểu ngoài lề/ngoài luồng/thiếu tinh thần xây dựng/hỗn láo/bướng bỉnh, bất kể là ở Viện nào, bất kể là đã bị giải thể hay tự giải thể.
Đầu Dê – Móng Chó
“Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tùy theo lòng của kẻ chăn”. Cụ Phan Chu Trinh, từ thế kỷ trước, đã từng tiên liệu/mường tượng/hình dung ra một VN đổi mới như thế.
Nay, vẫn Tôn Nữ Thị Ninh, trong một dịp hỏi-đáp khác, đã trần tình: “Điều mà chúng tôi biết, chúng tôi đang tìm một nền kinh tế thị trường với bộ mặt nhân bản, chú tâm đến chuyện công bằng xã hội, văn hóa và phát triển về mặt nhân văn… Còn chuyện khi nào chúng tôi mới tìm đến đó được, tôi cũng không rõ”.
Chẳng phải chỉ mình người trần tình không rõ. Cả cái đang tìm mặt mũi ra sao còn chưa biết, giống như loại thuốc tiên trường sinh bất lão mà các đạo sĩ Tàu mãi miết đi tìm hàng nghìn năm qua chưa thấy, thì sao lại hỏi khó nhau là chừng nào tìm ra? Đã bao lần đại hội ngũ niên rồi mà các TBT lẫn ủy viên các thứ của đảng ta vẫn còn vò đầu bứt tai thì sá gì Thị Ninh với chả Thị Nở!
Cụ Tây Hồ lỡ mà sống lại, có thắc mắc “bao giờ cho đến tháng Mười”, thì cũng sẽ bị khẩn cấp xử lý thích hợp/thích đáng/thích nghi, và lắm khi là thích thú nữa, y hệt như tình hình các trí thức thuộc đẳng cấp cây đa cây đề cả nước trong cái think-tank IDS vừa Tự Giải Thể và sắp sửa chuyển sang chế độ chính thức và chính xác Bị Giải Thể, căn cứ theo kết luận triển khai QĐ97 vừa mới đưa vào sử dụng.
Lý do?
1. Nhân dân không có quyền đặt câu hỏi về đường đi, điểm đến hay bao giờ đến. Nhân dân Liên Xô và Đông Âu cũ có bao giờ đặt những nghi vấn hoàn toàn thiếu tinh thần xây dựng thế đâu?
2. Think-tank các loại, dù ở cấp chiến lược cũng vậy, cũng chỉ được nghiên cứu trong lề, theo đúng những quy hoạch ưu việt của trên, và thể hiện rõ tính minh họa, sao cho có tiềm năng đẻ ra/chiêu dụ/khuyến mãi/thu hút các đề án nhiều tỷ USD, chứ không phải là để thực thi/lạm dụng/vượt ngưỡng quyền phản biện để làm rõ hay nêu cảnh báo mọi điểm ưu/khuyết/đúng/sai/lợi/hại của đường đi/điểm đến/khi nào đến. Nguyên tắc cốt lõi của mọi nghiên cứu là phải đề cao ưu tiên ổn định chính trị lên trên các tiêu chí khác. Phản biện cần ký duyệt là bởi thế! Còn ngoài ra, đất nước có đi thụt lùi, hay mọi thiệt hại đường dài chỉ là những thách thức đen của các thế hệ sau này, không liên can gì đến các nghị quyết đậm tính thời cơ vàng hôm nay.
3. Mọi phản biện lớn/nhỏ/trắng/xám/đen/vàng/đỏ… đều phải được đảm bảo trọng thị sự an toàn của tiến trình “công bố công khai”, tức là, trước khi qua khâu xét duyệt, không một ai được dựa trên sự thật cùng kết quả nghiêm chỉnh mà tùy tiện tuyên bố ngang ngược/ngang ngửa/ngang dọc/ngang nhiên/ngang phè/ngang bướng/ngang tàng/ngang ngạnh… Quan trọng nhất là phải đảm bảo cho chúng nằm gọn trong khuôn khổ đạo đức cách mạng. Nguyên tắc cốt lõi của đạo đức XHCN là không được phạm húy/phạm thượng/phạm giới. Đặc biệt là không được làm hoen ố/nhòe nhoẹt/vấy bẩn/rạc rài 16 chữ vàng và 4 chữ tốt trời ban.
4. Không có bất kỳ một Viện nghiên cứu nào, hay bất kỳ một cá nhân ở trong hay ở ngoài bất kỳ Viện nghiên cứu nào, có quyền/có thể công khai/kê khai/phân tích/vạch trần/phê phán/phơi bày/thách đố mọi đặc tính vi hiến/vi luật/sỉ nhục quốc thể đối với mọi văn bản của bộ chính trị, TƯĐ, ban bí thư, ban tuyên giáo, các ban ngành khác của đảng, chính phủ, văn phòng chính phủ, các bộ hay các cấp dưới bộ, không loại trừ nội dung các trang mạng của đảng hay của các bộ, nhất là bộ Công Thương. Kể cả việc chỉ trích những lỗi nặng/nhẹ các cỡ của các “cậu đánh máy”, “cậu chỉnh hình”, hay các “cậu pốt bài”.
5. Không một cá nhân/tổ chức/đoàn thể/câu lạc bộ/hiệp hội/hội/nhóm/viện nào có quyền đặt lãnh đạo đảng/chính phủ/mặt trận/đoàn/ủy ban/hội đồng… vào tình trạng đuối lý/mất mặt/sỉ diện/nhục nhã… bằng những phản biện/ý kiến/tranh luận/phát biểu bất kể là đủ hay thiếu tinh thần xây dựng. Lại càng không thể tự ý/tự tiện cướp/đoạt/giành/chiếm/xóa mất cơ hội trừng trị của lãnh đạo đảng/chính phủ/mặt trận/đoàn/ủy ban/hội đồng… bằng cách tự giải thể.
6. Không một tổ chức/đoàn thể/câu lạc bộ/hiệp hội/hội/nhóm/viện nào, kể cả trong hay ngoài quốc doanh, kể cả nội vi hay ngoại vi, có quyền tự giải thể/giải tán/giải nhiệm. Bởi trong chính thể bao cấp/bao biện/bao che của CHXHCN, hành động tự giải thể/giải tán/giải nhiệm đó đích thực và dứt khoát là một sự sỉ nhục toàn diện/toàn thời/toàn phương vị cho toàn đảng từng được lịch sử giao phó sứ mệnh lãnh đạo toàn quân/toàn dân với niềm tự hào là quang vinh muôn năm.
7. Mọi cá nhân/tổ chức/đoàn thể/câu lạc bộ/hiệp hội/hội/nhóm/viện đều phải nhất thiết quán triệt, hãnh diện và nhiệt liệt hoan hô nền “dân chủ độc đảng” ưu việt của ta. Qua đó, đảng ưu việt quang vinh muôn năm của ta đã/đang/sẽ cáng đáng toàn bộ hoạt động chìm/nổi mọi ban ngành ưu việt về lập pháp, hành pháp và tư pháp một cách có hệ thống, có liên hệ hữu cơ và thống nhất xuyên suốt. Có nghĩa là không một ai có quyền đặt vấn đề về những hệ thống độc lập, kể cả một hệ thống pháp luật độc lập hay những Viện Nghiên Cứu độc lập.
Xuống Chó – Lên Voi
Rõ ràng, các thứ Nghị định 31CP, Chỉ thị 37Ttg, Pháp lệnh Tôn giáo, Điều luật 88, Quyết định 97… đều tự thân là những bước thụt lùi tụt hậu của đất nước và con người VN, nhưng lại cực kỳ cần thiết cho sự ổn định của một chính thể độc tài toàn trị như chế độ CHXHCNVN.
Nó càng cần thiết hơn bao giờ hết trong thời đại liên mạng toàn cầu ngày nay. Bởi qua đó, lượng thông tin thời đại tràn như lũ, nhanh như chớp, đã giúp mọi người cùng rõ từ đâu nãy nòi cái mối tương quan mất dạy Cha-Con/Chủ-Chó đó.
Người ta hiểu do đâu nó được kéo dài, tất nhiên, sẽ nắm bắt ngay vì sao nó cần được chấm dứt. Nếu muốn đất nước VN cất cánh và con người VN thăng hoa.
Và người ta mừng là nó được xóa bỏ, chính thức và chính xác kể từ ngày Hội Đồng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược IDS tuyên bố giải thể.
Người ta mừng là nó còn xóa cả cái dấu chấm hết mà đảng và nước đã từng ưu ái cài tặng vào nhân cách của người VN, thông qua việc tiếp thu thụ động cái mối tương quan mất dạy Cha-Con/Chủ-Chó đó trong nhiều thập kỷ qua.
Người ta mừng là bởi biết rằng từ nay phải chủ động xóa sạch cái mối tương quan mất dạy Cha-Con/Chủ-Chó đó còn sót lại trong mọi sinh hoạt đời thường hàng ngày, kể cả trên truyện phiếm hay trong chuyện diễu.
John Gardner từng bảo: “Chính những người Công Dân phải đưa thể chế chính trị và bộ máy Chính Quyền lại gần với thực tại cuộc sống, buộc nó có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm, đồng thời giữ cho nó trung thực. Không ai khác có thể làm được điều này”.
Những Công Dân của IDS cũ đã đi được bước đầu của những chuyển đổi, để khởi động cho cả nước cùng nhau làm được điều này.
Có thể không có nhiều người nhớ đến ngày hội tụ khai trương IDS. Nhưng 14/9/2009, với quyết định của IDS tự giải thể, để biểu thị thái độ dứt khoát của Hội Đồng Viện trước QĐ 97, quả xứng đáng được tuyên dương là Ngày lịch sử minh định mối tương quan Công Dân-Chính Quyền.
23/10/2009 – chuẩn bị 1 tuần tạc bia mừng sinh nhật kép 30-10 của cả Hồng Ngát lẫn Thị Ninh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét