Đây là báo cáo thứ 9 liên tiếp về kỳ hợp lưỡng hội mà tôi viết. Không dễ để tóm lược năm bản báo cáo chủ chốt (các báo cáo của chính phủ, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia (NDRC) – tài liệu giàu thông tin nhất, Bộ tài chính, Toà án nhân dân tối cao (SPC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (SPP)) và hàng loạt các cuộc họp báo cấp bộ trong một vài trang giấy. Thường thì trong các năm trước, các cuộc họp báo cấp bộ hé lộ nhiều mối ưu tiên và vấn đề nhất. Đáng buồn, và cũng có lẽ cũng đáng vui, là tổng số các cuộc họp báo này năm nay ít hơn, kể từ khi Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì các cuộc gặp với báo chí.
Thông thường sẽ có rất nhiều ‘cắt và dán’ trong báo cáo từ năm này sang năm khác. Năm nay cũng không ngoại lệ. Để cho ngắn ngọn, tôi bỏ qua các điểm giống nhau. Những vấn đề được phản ánh sau đây, ít nhất là đối với bản thân tôi, là điểm mới, thú vị, đặc biệt cần lưu ý từ ‘lưỡng hội’.
Tổng quan
Mục đích của ‘lưỡng hội’ một phần là hiệp thương, một phần là làm công tác tuyên truyền trong ngoài nước, và hơn hết là xác định cũng như phổ biến phương hướng trong năm tiếp theo.
Thời điểm diễn ra Covid-19 là không thể tồi tệ hơn: Với nền kinh tế đầy sóng gió, năm 2020 là năm cuối cùng đẩy mạnh đạt ‘mục tiêu trăm năm lần thứ nhất’ là trở thành ‘xã hội khá giả trung bình’, nếu lượng hoá mục tiêu thì sẽ là gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010. Tính chính danh của ĐCSTQ dựa chủ yếu vào việc có tiếp tục mang lại sự phồn thịnh hay không. Sự khá giả đi xuống đồng nghĩa với tính chính danh tụt giảm.
Covid-19 đã rút ngắn nhiều thứ (bao gồm báo cáo công tác của Lý Khắc Cường và buổi họp báo). Kết quả là, phần mục đích tuyên truyền của lưỡng hội đã trở nên quan trọng hơn. Mười một phần trăm thời lượng của báo cáo công tác là mô tả nỗ lực đối phó virus của Trung Quốc là tích cực và trách nhiệm. Thứ hai, và gắn liền với nó, thông điệp nhấn mạnh trong phần còn lại của báo cáo là ‘mọi chuyện vẫn bình thường’ mặc dù các thách thức là hết sức nghiêm trọng.
Nền kinh tế
Chủ đề trong những năm gần đây là ‘tiến bước trong ổn định (稳中求进 – ổn trung cầu tiến). Cụm từ này được nhắc lại, nhưng nhấn mạnh hơn trong việc bảo đảm ‘ổn định trên 6 mặt trận và giữ vững an ninh trên 6 lĩnh vực’. (Sáu mặt trận bao gồm việc làm, lĩnh vực tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, và sự kỳ vọng. Sáu mặt trận là an ninh việc làm, nhu cầu sống thiết yếu, hoạt động của các thể chế thị trường, an ninh lương thực và năng lượng, chuỗi cung ứng và công nghiệp ổn định và hoạt động thường ngày của chính quyền cấp cơ sở). ‘6 ổn định’ có từ tháng 12 sau hội nghị thường niên cực kỳ quan trọng về công tác kinh tế, trong khi ‘6 giữ vững’ (hoặc ‘bảo đảm’) có từ sau hội nghị Bộ chính trị hồi tháng 4.
Dễ hiểu là, việc làm là mối lưu tâm đầu tiên của cả ‘6 ổn định’ và ‘6 bảo đảm’. Tất nhiên nó đã là mối lưu tâm từ lâu, bởi vì sự thiếu hụt về hệ thống an sinh xã hội đầy đủ và toàn diện đồng nghĩa với việc người thất nghiệp sẽ chống đối và trở thành mối nguy đối với sự ổn định cho ĐCSTQ. Trong nhiều năm, các văn bản đã nhấn mạnh đến sự cần thiết chăm lo vấn đề việc làm đối với 3 nhóm: Sinh viên tốt nghiệp, lao động từ nông thôn và cựu quân nhân (lần lượt là 8,74 triệu đốm lửa nhỏ, 280 triệu cọng cỏ khô, và 57 triệu cơn gió mà ĐCSTQ lo sợ sẽ gây ra cơn đại hoả hoạn). Vấn đề nữa là tăng cam kết để đưa 35 triệu người đi học nghề nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
Chuyến thăm đầu tiên của Lý Khắc Cường sau kỳ lưỡng hội năm ngoái là đến Hải Nam, nơi ông đến thăm một trường dạy nghề để cho thấy sự ủng hộ của chính phủ. Lĩnh vực tư nhân là mấu chốt đối với vấn đề việc làm, cung cấp 80 phần trăm việc làm ở thành thị, do đó, một lần nữa, nó nhận được sự ủng hộ về mặt chính sách từ thủ tướng, hoặc ít nhất là trên lý thuyết, tuy nhiên, việc vay được vốn từ ngân hàng lại là 1 vấn đề khác.
Lạm phát là một khía cạnh cốt yếu khác của sự ổn định: Nếu trong năm 1989, sinh viên là chất xúc tác trong phong trào biểu tình, thì tham những và lạm phát cũng góp phần kích động đông đảo các tầng lớp xã hội. Mục tiêu 3,5 phần trăm lớn hơn các lần trước. Nhiều nhà quan sát cho rằng đối với người dân bình thường, con số lạm phát thực tế vượt con số được công bố chính thức. Tỉ lệ lạm phát chính thức được công bố sau khi tăng vào cuối năm ngoái đã giảm phù hợp với mục tiêu đặt ra. Nhiều người dân rất nhạy cảm với sự tăng giá nhẹ, ngay cả trong những lúc ít căng thẳng như bây giờ. Đây là 1 chỉ số cần được theo dõi.
Mục tiêu tăng trưởng GPD lần đầu tiên không được nêu ra trong các báo cáo của lưỡng hội. Mặc dù không đáng tin cậy, nhưng nó là chỉ dấu chính trị quan trọng cho thấy quan điểm của ĐCSTQ trong các vấn đề phân bổ đầu tư hạ tầng, nợ và cải cách. Nói trắng ra là con số tăng trưởng GDP cao đồng nghĩa với ít cải cách hơn. Nó tượng trưng cho những gì quan chức phải đạt được, cũng là một lời cam kết gia tăng mức sống và việc làm cho người dân. Đối với năm nay (và nhiều khả năng nó sẽ quay trở lại trong tương lai), điều dễ nhận thấy là các đại biểu phải tập trung đến các vấn đề khác (ngoài tăng trưởng GDP) trong bối cảnh vấn đề Covid-19 đang bao trùm hiện nay.
Cải cách
Kiềng cải cách 3 chân của Tập Cận Bình lộ diện ngay sau khi kế nhiệm: 2013 (kinh tế và xã hội), 2014 (luật và tư pháp) và 2015 (quân đội). Họp lưỡng hội không chú tâm đến cải cách quân đội. Những gì được miêu tả trong năm nay về cải cách kinh tế một lần nữa lại hết sức hạn chế, mặc dù điều đáng lưu tâm là cải cách chính là làm cho hệ thống hoạt động hiệu quả hơn, thay vì thật sự thay đổi nó. Không một người nào tự nhận theo Chủ nghĩa của Lê-nin mà có thể sẵn sàng bỏ đi các công cụ về quyền lực kinh tế, do chúng kết nối trực tiếp đến quyền lực chính trị.
Các cam kết về cải cách kinh tế rất giống với việc ‘cắt và dán’ so với các lần trước. Không có điều gì mới về các lĩnh vực trọng yếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). (Cam kết hoạch định một kế hoạch hành động 3 năm đối với cải cách DNNN gần 7 năm sau Hội nghị Trung ương lần thứ 3 là một điều không mấy tích cực, trong khi các thống kê cho thấy 70 phần trăm DNNN cấp trung ương và 50 phần trăm DNNN cấp địa phương hiện giờ thuộc ‘sở hữu hỗn hợp’ không thể mang lại kết quả như mong đợi nếu không có một định nghĩa rõ ràng về khái niệm DNNN). Vấn đề quan trọng là cách phân chia nguồn thu ngân sách và trách nhiệm chi tiêu giữa chính phủ trung ương và địa phương cũng ít được đề cập. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là trái phiếu chính phủ giúp chính quyền địa phương đối phó hậu quả của Covid-19 sẽ không qua chính quyền cấp tỉnh và cấp cao hơn, mà sẽ được cấp trực tiếp xuống địa phương – một biện pháp thể hiện sự thiếu tin tưởng và tình trạng tài chính nghèo nàn của chính quyền cấp tỉnh.
Cải cách luật pháp, ngược lại, đã được đưa lên hàng đầu với việc thông qua Bộ luật dân sự (lần thứ 5, bắt đầu từ những năm 1950). Đây là thành tựu cực kỳ quan trọng và được mong đợi từ lâu trong nỗ lực của Tập Cận Bình để thiết lập một xã hội và môi trường kinh doanh được quản lý với ‘quy định bằng luật’ (rule by law, khác với rule of law – pháp quyền). Cần hết sức lưu ý đây không phải là bước đi đến ‘pháp quyền’. Điều này không hề làm xói mòn sự kiểm soát về luật pháp của ĐSC cũng như quyền của ĐCS trong việc can thiệp vào các vụ án nơi chính trị có tiếng nói sau cùng. Sự lạm dụng luật hình sự và nhân quyền nơi các quan chức trung ương và địa phương xem là mối nguy cho quyền lực của họ sẽ tiếp tục không thuyên giảm.
Nhưng cùng với cải cách tư pháp, Bộ luật dân sự cũng quan trọng trong việc giúp hoạt động trao đổi trong xã hội và thương mại dễ đoán hơn. Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy sự nhảy vọt đáng kinh ngạc trong thứ hạng môi trường kinh doanh của Trung Quốc, đặc biệt trong việc ‘thực thi hợp đồng, ‘’xử lý phá sản’ và ‘bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ và vừa’ và ‘chất lượng tiến trình tư pháp’. Nhờ vào việc các sự vụ được giải quyết bằng luật pháp tăng cao, Bộ luật dân sự sẽ định ra phương hướng rõ ràng hơn đối với hoạt động tư pháp. Nó cũng giúp ích cho các lĩnh vực khác như quyền sử dụng đất, thương mại điện tử và môi trường. Cuối cùng, Bộ luật dân sự tương thích với mục tiêu của Tập Cận bình là xây dựng người Trung Quốc kiểu mới và ứng xử xã hội thay đổi hướng tới sự tuân thủ lớn hơn về luật pháp, đạo đức, và tư tưởng.
Mở cửa
Cách diễn đạt không cho thấy động lực mới. Câu trả lời cuối cùng của Lý Khắc Cường tại cuộc họp báo là yêu cầu mở cửa lớn hơn, tự do hoá thương mại và thúc đẩy đầu tư, và các hạng mục tiêu cực phải được cắt giảm từ 48 xuống 40 hạng mục trên toàn quốc và từ 45 xuống 37 hạng mục trong các khu thương mại tự do (free trade zones). Nhưng bên cạnh Mỹ, ít có khả năng các quan ngại của EU về khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, thay đổi trong chính sách mua sắm công, việc mở cửa lớn hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và nhiều chính sách khác sẽ được đáp ứng.
Ba mặt trận cốt tử – các chủ đề yêu thích của Tập Cận Bình
Hai vấn đề được Tập yêu thích đã được thể hiện tốt bất chấp tác động của Covid-19 lên nền kinh tế. Giảm nghèo sẽ được thực hiện với tốc độ nhanh nhất hướng tới việc xoá bỏ nghèo đói vào cuối năm nay. Đây là cuộc thập tự chinh của Tập, cũng giống như một phần trong quyết tâm của Tập là nhận thức chính trị rằng bất bình đẳng thu thập, kể cả giữa các vùng, thành thị/nông thôn, hoặc cá nhân, có khả năng tiềm tàng tạo bất ổn sâu rộng. Nhưng giống như Lý Khắc Cường tiết lộ trong cuộc họp báo, ngưỡng xoá đói nghèo hiện nay là thấp: 600 triệu người có mức thu nhập hằng tháng gần 1.000 nhân dân tệ, tương đương với 140 USD. Theo lời Lý, mức thu nhập này chưa đủ để thuê 1 phòng trong một thành phố tầm trung ở Trung Quốc.
Giảm rủi ro về tài chính tiếp tục giữ vững tầm quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề môi trường có vẻ như bị xem nhẹ so với các lần trước. Điều này là bất ngờ vì Tập liên tục nhấn mạnh môi trường quan trọng và không thể tách rời tăng trưởng kinh tế, và thật sự là trong lần xuống thăm tỉnh đầu tiên sau khi lệnh giới nghiêm vì Covid-19 được nới lỏng, Tập đã đến thăm một khu sinh thái ở tỉnh Triết Giang và lặp lại khẩu hiệu của mình. Không giống như 2019 và 2018, khi ngân sách dành cho khắc phục ô nhiễm không khí, nước, đất được tăng 25%, 45,3%, và 42,9%, năm 2020 so với năm 2019 có mức giảm nhẹ đối với việc khắc phục ô nhiễm nước và đất, còn không khí thì giữ nguyên. Hơn nữa, trong báo cáo công tác của Lý thì nội dung liên quan đến môi trường bị cắt xuống còn vài câu, trong khi báo cáo năm 2019 thì dành nguyên một phần dài về vấn đề này. Rõ ràng, có khả năng lớn là vấn đề môi trường sẽ trở thành nạn nhân của Covid-19.
Mối quan ngại về Mỹ
Không có gì bất ngờ, mối quan hệ xấu đi với Mỹ được thể hiện rõ nét tại hội nghị năm 2019, nhưng dài hơn nhiều trong năm nay, kể cả độ dài và mức độ ưu tư. Vì vậy, nhiều lĩnh vực mà ĐCSTQ sợ bị tác động bởi việc ‘chia tách’ (decoupling) kinh tế đã được nhấn mạnh nhiều hơn. Sự hô hào đẩy mạnh đổi mới, ‘các động lực kinh tế mới’, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học công nghệ và công nghiệp bậc cao nhấn mạnh yêu cầu Trung Quốc phải trở nên tự chủ hơn. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục.
ĐCSTQ từ lâu đã theo đuổi chính sách an ninh lương thực, vốn hướng đến tự chủ các loại cây lương thực chính. Nới lỏng chính sách này là điều dễ hiểu về mặt kinh tế, nhưng sự gia tăng phụ thuộc vào Mỹ, sự dễ tổn thương của các tuyến cung ứng, và mối lo ngoại về dịch bệnh toàn cầu đang chiếm ưu tiên. An ninh lương thực có nguyên 1 đoạn trong báo báo năm nay và tầm quan trọng được nhấn mạnh. Cùng với an ninh năng lượng, nó tạo nên một trong ‘6 lĩnh vực an ninh’ hoặc ‘6 bảo đảm’ được nhấn mạnh kể từ khi bùng phát Covid-19 và được nêu bật nhiều lần trong báo cáo công tác năm nay.
An ninh và Quốc phòng
Mỗi năm, con số được thảo luận nhiều chính là ngân sách dành cho Quân giải phóng nhân dân TQ(PLA). Mức tăng 6,6% so với 7,5% trong năm 2019 cho thấy mức độ ưu tiên dành cho hiện đại hoá PLA bất chấp Covid-19. Điều mà các con số không thể hiện là sự chia rẽ giữa PLA và Cảnh sát Vũ trang dân dân (PAP). PAP cũng đã có thể nhận được tỉ lệ lớn hơn các lực lượng thông thường do vào tháng 4, một điều chỉnh trong luật PAP cho phép PAP nhận được nhiều nguồn lực hơn. Vai trò của PAP trong việc kiểm soát lực lượng bảo vệ bờ biển, vốn ngày càng trở nên bận rộn tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, phải đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn.
Không thể biết được ngân sách an ninh trong nước. Chi tiêu cấp trung ương trong năm 2020 tăng 0,7% lên khoảng 183 tỉ nhân dân tệ, quanh mức chi năm 2019 và thấp hơn mức 204 tỉ năm 2018. Không giống với ngân sách cho PLA, ngoại trừ chi phí tuyển quân hoàn toàn được trung ương chi trả, phần lớn ngân sách an ninh thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do tăng các hoạt động kiểm soát, sự phát triển hệ thống giám sát dựa vào công nghệ đám mây (‘police cloud’), như các biện pháp ở Tân Cương, nhiều khả năng ngân sách an ninh trong nước sẽ tăng nhanh hơn so với báo cáo của Bộ Tài chính đề xuất.
Dự luật an ninh quốc gia (NSL) Hồng Kong là mảng tin chính của kỳ họp lưỡng hội. Nhiều khả năng, luật này sẽ được thông qua vào cuối tháng 6. Tiến trình này chắc chắc có liên quan với các cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp (Hong Kong), dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9: cuối tháng 11 năm ngoái, các đảng ủng hộ dân chủ thắng lớn tại bầu cử hội đồng quận và ĐCSTQ muốn điều này sẽ không lặp lại. Nỗi lo sợ chính là NSL sẽ được sử dụng để cản trở các ứng viên không được ĐCSTQ chấp nhận. Các mối lo khác là: Hiệu ứng đối với ngành tư pháp (thúc đẩy pháp quyền là vô cùng quan trọng đối với sự phồn vinh của Hong Kong); sự tái thành lập các đơn vị an ninh đặc biệt đóng vai trò như cảnh sát và sự thành lập các cơ quan an ninh đại lục ở Hong Kong; và khả năng NSL sẽ lại mở ra vấn đề giáo dục quốc gia, vốn dẫn đến các cuộc biểu tình năm 2012. Khoảng cách giữa khẩu hiệu ‘Một quốc gia, hai chế độ’ và thực tế tương lai đang ngày một lớn.
Đài Loan được đề cập vừa phải trong các báo cáo của lưỡng hội. Nhưng sự vắng mặt của từ ‘hoà bình’ trong báo báo công tác khi nói về vấn đề thống nhất gây ra sự bất an đáng kể nhưng không cần thiết. Thủ tướng Lý vẫn sử dụng cụm từ ‘thống nhất hoà bình’ trong họp báo của mình. Đáng chú ý hơn, trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề sau lưỡng hội để kỷ niệm 15 năm thông qua Luật chống Đài Loan ly khai, Lật Chiến Thư, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, sử dụng cụm từ này 18 lần. Thống nhất bằng vũ lực không được ưu tiên hơn trước kia, nhưng chắc chắn Tập Cận Bình muốn củng cố sự đe doạ và cảnh báo sử dụng vũ lực với Đài Loan. Đó là một phần trong chiến lược nhằm đập tan ý chí kháng cự của Đài Loan.
Bỏ phiếu: dấu hiệu về sự kiểm soát chính trị của Tập Cận Bình
Bỏ phiếu tại lưỡng hội đúng chỉ là hình thức. Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy sự sợ hãi trong việc phản đối Tập là trong suốt thời gian lãnh đạo của Tập, số phiếu chống, phiếu trắng, hoặc không bỏ phiếu đã giảm qua các lần tổ chức lưỡng hội. Các con số sau cho thấy số phiếu này trong các năm 2013 và 2020 – số phiếu của các năm trong khoản thời gian này đều hầu hết giảm trong các lần bỏ phiếu):
Báo cáo công tác chính phủ: 145 – 4
Báo cáo Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia: 281 – 31
Báo cáo Bộ Tài chính: 636 – 55
Báo cáo Toà án Nhân dân Tối cao: 723 – 92
Báo cáo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: 606 – 75
Báo cáo Nhân đại: 211 – 11
Luật An ninh quốc gia Hong Kong: 8 (1 chống, 1 trống, 1 không bầu)
Đây là thông số minh hoạ cho việc đẩy mạnh kiểm soát và kỷ cương của đảng dưới thời Tập.
Một vài vấn đề (không) nhỏ
Điều thú vị khi đọc các báo cáo lưỡng hội là một vài chi tiết nhỏ mà không nhỏ, ví dụ:
– Dân số chính thức năm 2019 là 1,40005 tỉ, tăng 10 triệu dân so với năm 2018.
– Sản xuất thịt heo giảm 21,3% năm 2019. (Liệu có phải dịch tả heo châu Phi tác động lớn hơn cả Covid-19?)
– 20.000 chuyến tàu chạy từ Trung Quốc sang châu Âu năm 2019 (số lượng công-ten-nơ đủ cho 90 con tàu chở hàng lớn nhất hiện nay).
– 9,2 triệu sinh viên Trung Quốc nhập học đại học và 1,114 triệu nhập học sau đại học năm nay.
– Số vụ tham nhũng tăng 50,6% và khởi tố tăng 90%
– 10.000 doanh nghiệp mới khai trương mỗi ngày năm 2019. Mục tiêu năm 2020 là 20.000. (Tại buổi họp báo năm 2019, Thủ tướng Lý tuyên bố có 30.000 doanh nghiệp mới khai trương mỗi ngày, mặc dù báo cáo công tác chỉ nói là 18.000)
Kết luận
ĐCSTQ tăng cường tính chính danh bằng các tuyên bố mang lại sự thịnh vượng, quản trị công hiệu quả, và sự kính nể trên toàn cầu. Tất cả các chính trị gia toàn cầu đều làm nhẹ tin xấu liên quan phạm vi trách nhiệm của mình. Nhưng đối với ĐCSTQ thì rủi ro lớn hơn: Toàn bộ hệ thống, chứ không chỉ chính phủ, sẽ sụp đổ. Vì vậy, điều cấp bách là thuyết phục người dân và thế giới rằng bất chấp thiên nga đen Covid-19, mọi thứ đang dần đi vào quỹ đạo. Sân khấu chính trị lưỡng hội đóng góp một phần quan trọng vào điều đó.
Đối với những ai theo dõi Trung Quốc, điều này nghĩa là những phần tài liệu giàu thông tin nhất của ĐCSTQ là các ‘trang nói về các vấn đề còn tồn tại’. Ngay cả những trang này cũng được cắt ngắn lại dưới sự lãnh đạo của Tập. Nhưng 7 vấn đề lớn trong báo cáo Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã tổng hợp đầy đủ những thách thức mà Trung Quốc phải đối diện trong năm tới: nhu cầu trong và ngoài nước sụt giảm; khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ; y tế công và các hệ thống phản ứng khẩn cấp; chậm đổi mới; thiếu tiến triển trong cải cách; nguy cơ trong các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là tài chính; và sự thiếu hụt trong hệ thống an sinh xã hội.
Đây là những chướng ngại ghê gớm về mặt chính sách đối với Tập Cận Bình và ĐCSTQ.
Nguồn: Charles Parton, “What the National People’s Congress tells us about the challenges facing China” Sinocism, 25/6/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét