Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

2057 - Vụ SBD bị World Bank cấm vận vì gian lận có đủ làm gương cho doanh nghiệp khác ở Việt Nam?


Một trụ sở của Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) tại TP.HCM.
Một trụ sở của Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) tại TP.HCM.


SBD thừa nhận có sai phạm

Hai ngày sau khi World Bank-Ngân hàng Thế giới công bố thông báo cấm vận đối với Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) trong 7 năm, công ty này qua các phương tiện truyền thông báo chí tại Việt Nam đăng tải công khai thông tin đã để xảy ra vi phạm trong quá trình đấu thầu 2 dự án mà Worrld Bank cáo buộc là thông đồng và gian lận.
Trong thông báo phổ biến vào hôm 24/6, World Bank cho biết SBD đã gian lận và lừa đảo trong Dự án phát triển thành phố bền vững Đà Nẵng-BRT trị giá 272 triệu USD, hồi năm 2018 và Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội-BRT có giá trị 295 triệu USD, hồi năm 2015.
World Bank cáo buộc nhân viên của SBD đã bị phát hiện làm ảnh hưởng không đúng đến quy trình đấu thầu của hai dự án nêu trên, do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam. Công ty SBD đã tạo tài liệu giả mạo trong hồ sơ dự thầu và không cung cấp thông tin chính xác về sự tham dự trong giai đoạn khởi đầu của hai dự án. Đây là những hoạt động được coi là thông đồng và gian lận.
Việc làm bị cho là thông đồng và gian lận trong hai dự án của SBD dẫn đến hậu quả SBD bị cấm vận 7 năm không được tham gia đấu thầu các dự án, mà đủ điều kiện thực hiện cấm vận chéo giữa các ngân hàng phát triển đa phương khác, theo Thỏa thuận Thi hành các Quyết định Tranh chấp được ký kết vào ngày 9/4/2010.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), vào tối ngày 29/6 cho biết theo quy định của luật pháp tại Việt Nam thì các hành vi thông đồng và gian lận trong đấu thầu bị chế tài theo Luật Đấu thầu năm 2013. Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra một dẫn chứng:
“Ví dụ Điều 89 của Luật Đấu thầu và Chính phủ cũng ban hành nghị định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm về đấu thầu mà cấu thành tội hình sự và đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật đối với công chức. Và, trong Luật Đấu thầu còn có luật riêng, đó là hình thức cấm tham gia lựa chọn nhà thầu. Có thể cấm từ 1 đến 3 năm, hoặc cấm tham gia đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc không công nhận đấu thầu của doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp đó có gian lận.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói với RFA rằng ông không rõ phía Chính phủ Việt Nam sẽ xử lý trường hợp xzsai phạm của SBD qua hai dự án BRT Đà Nẵng và Hà Nội theo quy định pháp luật của Việt Nam như thế nào. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh rằng SBD đã tỏ ra thành khẩn và rất có thiện chí hợp tác với World Bank để giải quyết những sai phạm do nhân viên của SBD gây ra.

Hợp tác trong giải quyết hậu quả

Báo giới trong nước, vào hôm 27/6 dẫn thông tin của SBD cho biết công ty này đã làm việc với World Bank trong hai năm 2019-2020 để làm rõ những sai phạm đã xảy ra. SBD nói rằng World Bank ghi nhận sự phối hợp của SBD và cũng đồng ý các việc làm sai trái không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty.
SBD cho biết là đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc tham gia các dự án quốc tế, đồng thời thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên và theo hướng dẫn tuân thủ liêm chính của World Bank (WBG Integrity Compliance Guidelines) để tạo sự tín nhiệm đối với Ngân hàng Thế giới nhằm có thể sẽ giảm bớt thời gian cấm vận xuống ít hơn 7 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng qua vụ việc của SBD cho thấy đó cũng là một bài học kinh nghiệm về uy tín trong giao dịch, làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng trên thương trường quốc tế.
World Bank công bố thông báo cậm vận SBD 7 năm, vào ngày 24/6/2020.
World Bank công bố thông báo cậm vận SBD 7 năm, vào ngày 24/6/2020. Courtesy: vietnamnet.vn
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, vào tối ngày 29/6 cũng lên tiếng với RFA liên quan vụ việc World Bank cấm vận SBD 7 năm không được tham gia đấu thầu các dự án do nhóm ngân hàng này tài trợ:
“Tôi nghĩ là việc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam đã xử lý một cách nghiêm khắc đối với công ty này là một điều cảnh báo đối với các doanh nghiệp khác. Và điều đấy sẽ giúp cho các doanh nghiệp khác chân chỉnh lại và tuân khủ các quy định công khai minh bạch, cũng như tránh những việc mà Ngân hàng Thế giới đã phát hiện ra đối với SBD. Tôi nghĩ rằng đây là một điều tích cực để giúp cho các công ty Việt Nam rút kinh nghiệm. Và, không có nghĩa rằng về sau các công ty Việt Nam sẽ bị gây khó khi tham gia đấu thầu đối với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.”

Cơ hội nào cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam?

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, qua ứng dụng messenger nêu lên nhận định của ông rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam nhìn vào vụ việc của SBD như một tấm gương để muốn làm ăn lâu dài, đàng hoàng với các đối tác quốc tế thì phải gây dựng uy tín, làm việc chuyên nghiệp, và phải tuân thủ sự minh bạch và cạnh tranh lương thiện. Dần dần, cùng với sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam với các đối tác nước ngoài, phong cách hoạt động chuyên nghiệp kiểu này sẽ trở thành một chuẩn mực chung của giới công ty tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh rằng:
“Khi mà giới doanh nhân tại Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, quen với việc cạnh tranh công bằng, bình đẳng và minh bạch trong các hoạt động đấu thầu, thì đến lượt họ sẽ tác động lên các quy trình hoạt động của các cơ quan chính quyền, tạo nên áp lực khiến chính quyền phải thay đổi cách đấu thầu và các hoạt động quản lý khác. Rồi từ từ, khi xã hội quen với văn hoá minh bạch, cạnh tranh công bằng và lành mạnh thì các cơ chế chính quyền sẽ theo đó hình thành nên nhằm giảm đi thói quen gian dối, tham nhũng, giúp cho xã hội ngày càng công bằng và văn minh hơn.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng xác nhận “bài học kinh nghiệm” của SBD cũng mở ra một cơ hội cho Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải cách hành chính để giúp cho các doanh nghiệp hoạt động được hiệu quả hơn:
“Các công ty Việt Nam có sự tiến triển như thế nào trong quản trị thì phụ thuộc rất nhiều cách hành xử của các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Trong trường hợp này, việc bỏ các giấy phép và thực hiện công khai minh bạch sẽ giúp rất nhiều. Bởi vì, không có doanh nghiệp nào lại tự nhiên vô cớ mang tiền đút lót. Họ chỉ cần phải làm điều đó khi bị ép buộc, hoặc là cần thiết để họ có thể tiếp tục kinh doanh. Cho nên, tôi nghĩ việc Ngân hàng Thế giới xử lý như vậy cũng là một lời cảnh tỉnh và tôi hy vọng sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khẳng định rằng sự ngày càng chuyên nghiệp của giới doanh nhân cùng với các hoạt động đấu thầu ngày càng lành mạnh hơn của chính quyền trong nước do bị tác động từ xã hội và các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế sẽ khiến cho đất nước có được nhiều những công trình chất lượng hơn, vừa giúp tiết kiệm ngân sách, phát triển và làm đẹp quốc gia, lại giúp xây dựng một lực lượng doanh nhân chuyên nghiệp với tầm vóc ngày càng bắt kịp với thế giới.
Đài RFA đã liên lạc với Ngân hàng Thế giới qua email để hỏi thêm thông tin về những yêu cầu hay quy định của định chế tài chính này sẽ được điều chỉnh khắt khe hơn hay không đối với các dự án tiếp theo tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp nào từ World Bank.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét