Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

353 - Quy hoạch báo chí và Tự do báo chí (Phần 2)

Tiếp theo Phần 1
Chiều 4.3, Bộ 4T và Ban Tuyên giáo tổ chức buổi lễ long trọng trao giấy phép mới cho đại diện của 18 tờ báo bị cưỡng bức thành tạp chí. Tham dự “lễ” có các quan chức của hai cơ quan “đầu não” về thông tin truyền thông, lý luận và tư tưởng này, và tất nhiên không thể thiếu người cầm đầu những hội đoàn chủ quản, các tổng biên tập của những tờ báo vừa bị lột xác đau đớn thành tạp chí.
Cứ như vài tờ báo quốc doanh phản ánh lại thì đám lãnh đạo rất hỉ hả vui mừng. Chả vui sao được khi ra một đòn “quy hoạch” mà diệt một lúc được những 18 tờ. Ông Hoàng Vĩnh Bảo phó của bộ 4T còn nói liều rằng xu thế phát triển của báo chí thế giới bây giờ là tạp chí, chúng ta quy hoạch để đi theo xu thế ấy. Nhưng ông ta cũng không thể giấu được cái mục đích mang tính tiêu diệt của sự quy hoạch, rằng đã là tạp chí thì phải tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, chỉ được thông tin những điều nằm trong lĩnh vực hoạt động của hội chủ quản.
Còn tay Lê Mạnh Hùng, phó ban tuyên giáo, vốn cán bộ đoàn “tư tưởng Mác Lê đầy mình” thì thè lưỡi tuyên giáo khẳng định một cách rất liều mạng rằng việc chuyển đổi những tờ báo thành tạp chí là dấu mốc để nền báo chí nước nhà đa dạng hơn, phát triển hơn, xây dựng một diện mạo báo chí hiện đại, v.v.. Ối giời, nói như người mộng du, không cần biết thực tế là cái gì, đang diễn ra như thế nào. Đám này còn quản, còn lãnh đạo, nền báo chí xứ ta còn chết, không có đường ra.
Để biết tuyên giáo lẫn 4T có đúng không, cứ hỏi 18 vị tổng biên tập những tờ báo bị ép thành tạp chí, hỏi thêm 18 ông bà cầm đầu cơ quan chủ quản hội đoàn là rõ ngay. Ngày vui nhận giấy phép mà mặt mũi như đưa đám, thiếu điều nước mắt ngắn dài, sụt sịt thở than. Chả khác gì đứa con gái bị ép buộc về nhà chồng khi lòng không một chút tình yêu. Một cuộc hôn nhân đầy uất ức, căm giận, hiềm một nỗi chưa vạch được trời để hét lên cho thỏa oán hờn.
Làm sao lại chả buồn. Họa có là gỗ đá mới không buồn không sốc không oán hờn. Tờ báo đang hoạt động bình thường, tôn trọng pháp luật, tuân thủ luật báo chí, gánh vác nhiệm vụ thông tin đa dạng, đa chiều, thời sự… đem tới mọi người. Đang nuôi cả một đội ngũ không dính dáng gì tới ngân sách, vậy mà đùng một cái, bị trói ném vào rọ như con lợn: “đánh đùng một cái/kêu eng éc ngay/bịt mồm bịt miệng/trói chân trói tay/từ đây đến con dao/chẳng còn xa là bao” (Phan Khôi).
Nó chọc tiết làm lễ tế hiến sinh tới nơi rồi, sao lại chẳng tâm tư, lại chẳng buồn.
Nhắc lại, họa có là gỗ đá, là đảng viên mới không buồn. Chứ có đâu như lão Bảo, lão Hùng í ới rằng đó là bước tiến, là niềm vui. Cứ đặt các lão vào hoàn cảnh của tổng biên tập tờ tạp chí bị đeo vòng kim cô đi, xem các lão có còn mở mồm mà nói lấy được như thế không.
Xứ ta có những chuyện ăn xổi ở thì. Khi sản phẩm bị “dội chợ” bởi lý do này khác, chẳng hạn dưa hấu, thanh long, vải, cà chua, hoa tươi, thậm chí cả tôm hùm chuyên dành cho mồm giới nhà giàu thượng lưu, bị ế, xuống giá thì nhà nước lẫn báo chí hô hào giải cứu. Vâng, cứ cứu đi, người trong một nước phải thương nhau cùng, một miếng khi đói bằng gói khi no, trong hoạn nạn mới tỏ lòng nhau, v.v.. Vậy cả một nền báo chí đang bị trấn áp, đe dọa, cùm trói, tiêu diệt; cả một đội ngũ người lao động đang làm báo bị đẩy ra ngoài đường, mất phương sinh kế, không được kiếm sống tử tế, ai sẽ là người giải cứu cho họ đây? Ai? Ai? Ai?
Buồn nhất là lúc này không có câu trả lời, bởi kẻ có thể trả lời được thì lại chính là thủ phạm, còn những người lên tiếng chính xác lại chẳng có quyền hành gì.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét