Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

528 - Kế hoạch virus corona của Trung Quốc: Tạo ra 'Con đường tơ lụa' y tế dẫn đến thống trị thế giới

Bradley A. Thayer và Lianchao Han
Carl Trần chuyển ngữ
Trong khi virus corona Trung Quốc tràn ngập các dòng tít lớn của thế giới, điều có thể mọi người đã không để ý trong cơn hoảng loạn là thực tế con virus này đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Cuộc khủng hoảng quan trọng vì đã phơi bày cho nhiều người Mỹ thấy bộ mặt trí trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). ĐCSTQ đã nói dối về đại dịch bằng cách hạ thấp mối đe dọa, trừng phạt những người nói ra sự thật, cố tình ém nhẹm thông tin, trì hoãn thông báo công khai, từ chối một cuộc điều tra kịp thời của Tổ chức Y tế Thế giới và không cho các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC -- của Mỹ) nhập cảnh. Kết quả, ĐCSTQ đã cho phép virus lây lan ban đầu ở Trung Quốc rồi sau đó trên toàn thế giới. Những hành động đáng lên án ấy là tội ác chống lại sức khỏe và an sinh của nhân dân Trung Quốc và thế giới cũng như sinh kế của họ. Giờ đây Hoa Kỳ, cũng như nhiều quốc gia khác, phải chi hàng chục tỷ -- thậm chí có lẽ hàng ngàn tỷ -- đô la để tránh thảm họa tài chính do thói bất chấp của ĐCSTQ gây ra. Điều này đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh và tài nguyên của Hoa Kỳ có thể đã được sử dụng để thăng tiến sự thịnh vượng của người dân Mỹ.
Thật khủng khiếp, quái dị và khó tin khi thế giới phải thực hiện những bước đi trầm trọng để bảo vệ con người khỏi virus do sự lừa dối, sai lầm và thất sách của ĐCSTQ. Phần còn lại của thế giới phải chịu tai vạ do chế độ đồi bại và thối nát của ĐCSTQ.
Ác độc nhất là ngay giữa cuộc khủng hoảng y tế thế giới, Trung Quốc vừa phát động một chiến dịch tuyên truyền toàn cầu đã được trù tính từ trước để đổ lỗi cho Hoa Kỳ về đại dịch này, trong khi phóng chiếu hình ảnh lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc chiến đấu thành công để kiểm soát tình hình và mua thêm thời gian để thế giới có thể đối phó với đại dịch. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phịa ra một lời nói dối trắng trợn khi cho rằng "quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch đến Vũ Hán." Nhiều nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc trên thế giới đã tuýt lại lời nói dối này. Trong khi đó, dư luận viên Trung Quốc tràn ngập Twitter để lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch. Ngoài ra, quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng để xúc tác thành một "Con đường Tơ lụa" về y tế. Ý nghĩa của điều này nằm ở chỗ nó cho thấy cuộc đối đầu Mỹ-Trung trải rộng trên mọi lãnh vực -- kinh tế, ngoại giao, công nghệ, quân sự và quan điểm toàn cầu. Tất cả chỉ ra một thực tế là Trung Quốc đang xoay sang đối đầu với Hoa Kỳ vì mục tiêu chiến lược lâu dài của họ: thống trị thế giới.
Chế độ Tập Cận Bình áp dụng chiến lược này với những mục tiêu đa diện: Bằng cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ, Tập có thể chuyển sự quan tâm của người dân Trung Quốc vào những mối đe dọa bên ngoài, kích thích chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Mỹ để che đậy sự quản trị tồi tệ và những bước đi sai lầm của chính ông trong cuộc khủng hoảng đại dịch này. Nếu bất cứ người nào ở Trung Quốc đòi Tập phải chịu trách nhiệm về đại dịch, anh hoặc chị ta sẽ bị xem là một kẻ phản quốc tiếp tay cho kẻ thù của Trung Quốc. Đồng thời, khi người dân ở Trung Quốc và trên thế giới bắt đầu nêu nghi vấn về tính ưu việt thường được khoe khoang của mô hình cai trị Trung Quốc do thất bại thảm hại trong việc ứng phó đại dịch, Tập cần có những tự sự mới để cứu vãn nhận thức này, và ông không muốn cơn đại dịch làm trật đường rầy giấc mơ Trung Quốc thống trị thế giới của ông.
Trong khuôn khổ của việc che đậy và những biện pháp trả đũa, Trung Quốc hồi tháng trước trục xuất ba phóng viên Wall Street Journal do những bản tin của báo này về virus Trung Quốc và cơn đại dịch mà nó đã gây ra. Khi Hoa Kỳ giới hạn số lượng phóng viên tại các cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, Trung Quốc trả đũa bằng cách đàn áp các phóng viên Hoa Kỳ làm việc cho các tờ New York Times và Wall Street Journal, cùng nhiều báo khác, đồng thời cho phép các cơ quan báo chí được ưu đãi như Bloomberg và Forbes được lưu lại trong nước. Đây không chỉ là một trang trong sách lược Chiến tranh Lạnh của Liên Xô hay Mao, mà còn cho thấy Trung Quốc đang ráo riết nhào nặn một tự sự và tưởng thưởng cho những cơ quan báo chí có thiện cảm với họ. Cũng vậy, chiến dịch tung tin sai lệch do ĐCSTQ phát động nhằm cáo buộc quân đội Hoa Kỳ gây ra đại dịch thuộc hàng những đỉnh cao dối trá thì chỉ có lời nói dối của KGB rằng đại dịch AIDS do Hoa Kỳ phát khởi mới sánh kịp.
Cho đến nay, Hoa Kỳ quá thụ động trong việc đáp trả những hành động của Trung Quốc, mặc dù Tổng thống Donald Trump đánh trúng mục tiêu khi nhất quyết sử dụng thuật ngữ "virus Trung Quốc." Hành động táo bạo hơn là cần thiết và chắc chắn phải có trong phạm vi cuộc xung đột này. Điều này bao gồm một chiến dịch chống thông tin sai lệch mạnh mẽ nhằm buộc tội chính phủ Trung Quốc vì đã để cho đại dịch lan rộng không ngăn chặn trong nhiều tháng. Trung Quốc không chỉ là thủ phạm của sự lây lan mà các nhân sự của nó đã cố gắng đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Đây là một lời nói dối trâng tráo và tất cả các nước đều phải chỉ mặt gọi tên Trung Quốc về sự lừa dối này. Đáng báo động cho những lợi ích của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã phóng chiếu chính mình như là vị cứu tinh của thế giới khỏi virus Vũ Hán, và đã làm như thế không một chút trào lộng, ví dụ như những nỗ lực được loan báo rầm rộ để cứu trợ Ý. Hoa Kỳ phải hành động để giúp thế giới nhận ra những lời nói dối này. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Hoa Kỳ phải truyền đạt cho những nước khác về bản chất tồi bại của chế độ Tập Cận Bình. Virus corona là sản phẩm của một chế độ Trung Quốc cũng độc hại và nguy hiểm không kém và là một ẩn dụ hoàn hảo về bản chất sự cai trị của Tập. Lãnh đạo và nhân dân Hoa Kỳ cần nhận ra đất nước mình đang bị tấn công bởi một chế độ cho phép xảy ra đại dịch. Việc nhận ra quy mô và phạm vi của mối đe dọa Trung Quốc có thể là yếu tố tích cực duy nhất của cơn đại dịch này.
Ngoài ra, Hoa Kỳ phải tiếp tục gây áp lực để Trung Quốc cung cấp thông tin cốt yếu về nguồn gốc và mức độ lây lan của virus Trung Quốc, bao gồm con số tử vong thật, và cho phép các bác sĩ của CDC vào tâm dịch để điều tra. Chính phủ Hoa Kỳ nên làm việc với các đồng minh và Liên Hiệp Quốc để điều tra xem ai phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan và quản trị sai trái đại dịch. Đặc biệt, [Tổng giám đốc] Tedros Adhanom của WHO cần phải bị điều tra và chịu trách nhiệm về việc thông đồng với Trung Quốc và cho phép đại dịch lan rộng. Đồng thời, Hoa Kỳ nên xem xét những hành động pháp lý chống lại các bên chịu trách nhiệm về thảm họa, và tìm kiếm những khoản bồi thường thích hợp cho những thiệt hại mà Hoa Kỳ và người dân nước này phải chịu, dựa trên báo cáo điều tra cuối cùng.
Hoa Kỳ phải hỗ trợ những người thổi còi trong ngành y tế của Trung Quốc, những nhà báo công dân, và những nhà hoạt động đang bị truy bức vì nói lên sự thật. Hoa Kỳ phải phơi bày một cách có hệ thống các cuộc khủng hoảng nhân đạo và xâm phạm nhân quyền trước, trong và sau đại dịch, như việc tiếp tục giam cầm hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh trong các trại tập trung, áp bức người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương, và đàn áp tôn giáo và tự do chính trị ở Trung Quốc. Thật vậy, ĐCSTQ đang sử dụng cơn đại dịch này để tăng cường giám sát và kiểm soát dân chúng.
Sau cùng, Hoa Kỳ nên nghiêm chỉnh xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình và có hành động ngay lập tức để tách khỏi Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Hoa Kỳ nên sử dụng cơ hội này để hợp tác với các đồng minh và đối tác thương mại tự do của Hoa Kỳ để tạo ra một chuỗi cung ứng toàn cầu mới, tận dụng thị trường Hoa Kỳ để làm suy yếu chế độ Trung Quốc trong khi giúp chính mình và các đồng minh của mình phát triển thịnh vượng. Điều này rốt cuộc có thể đánh bại kế hoạch chuyên chế mà nước Trung Hoa Cộng sản muốn dành sẵn cho thế giới.
_____________
Bradley A. Thayer là giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học Texas ở San Antonio và là đồng tác giả cuốn sách "How China Sees the World: Han-Centrism and the Balance of Power in International Politics" (Trung Quốc nhìn thế giới ra sao: Chủ nghĩa Đại Hán và cán cân quyền lực trong chính trị quốc tế). 
Lianchao Han là phó chủ tịch tổ chức Citizen Power Initiatives for China (Sáng kiến Sức mạnh Công dân cho Trung Quốc). Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Tiến sĩ Han là một trong những nhà sáng lập của tổ chức Independent Federation of Chinese Students and Scholars (Liên đoàn Độc lập của Sinh viên và Học giả Trung Hoa). Ông từng làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ trong 12 năm, trong các vai trò cố vấn lập pháp và giám đốc chính sách cho ba thượng nghị sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét