Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

525 - Virus corona: Anh có hơn 1000 chết, VN xác nhận 11 ca nhiễm mới

BBC  


Tường thuật trực tiếp



  1. Anh Quốc có 1019 ca tử vong

    Tại Anh, 260 người đã tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca lên 1019.
    Anh có ca tử vong đầu tiên ngày 5/3.
    Cho tới nay, Anh đã làm 120.776 ca xét nghiệm, với 17.089 ca dương tính và 103.687 ca âm tính.
    Anh đang khẩn trương lập ba bệnh viện dã chiến.
    Trung tâm hội nghị Excel ở London sẽ thành bệnh viện Nightingale London với công suất 4000 giường bệnh, có thể tiếp nhận bệnh nhân từ tuần sau
    Hai bệnh viện dã chiến khác sẽ được thiết lập ở Birmingham (công suất 5000 giường bệnh) và Manchester (1000 giường bệnh), dự tính sẽ được hoàn tất vào đầu và giữa tháng Tư.
    UK nurses

  2. Việt Nam có 174 ca dương tính với Covid-19

    Tối ngày 8/3, VIệt Nam xác nhận thêm 5 ca nhiễm virus corona, trong đó có ba người liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 1 ca có thời gian sống trong cộng đồng và 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
    Ba ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai là BN 170, 172 - có thời gian chăm sóc người nhà nằm trong bệnh viện và BN 17 4, làm việc tại nhà ăn bệnh viện.
    Như vậy trong ngày 28/3, Việt Nam xác nhận thêm 11 ca nhiễm Covid-19.


Người đã nhiễm nhưng không ho, sốt có thể lây cho người khác không?


Nhiều người trưởng thành thậm chí còn không biết là mình đã nhiễm virus corona, còn trẻ em thường không có nhiều triệu chứng.
Những người này liệu có phát tán virus, khiến người khác lây nhiễm không? Nếu bạn từng nhiễm virus rồi khỏi, thì có phải là bạn đã trở nên miễn dịch? Vì sao nam giới nhiễm bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới?
Và nhiều câu hỏi khác được BBC giải đáp trong hai phút video.
  1. Tây Ban Nha đã có hơn 5000 người chết

    Số ca tử vong ở Tây Ban Nha đã vượt ngưỡng 5000, sau khi 832 người chết trong 24 giờ qua.
    HIện số người chết ở Tây Ban Nha vì virus corona là 5690, và số ca nhiễm là 72.248.
    Tây Ban Nha hiện là nước có nhiều ca tử vong thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ý.
    Tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục cho tới ít nhất là ngày 12/4. Hầu hết cửa hàng, doanh nghiệp đóng cửa và người dân phải hạn chế đi lại.
    Quân đội được điều động đẻ khử trùng sâu các bệnh viện và các cơ sở khác. Bệnh viện ở Tây Ban Nha chịu sức ép vô cùng lớn, và cũng như ở nhiều quốc gia khác, nhân viên y tế phản ánh họ không có đủ đồ bảo hộ.
    A hospital worker wheels a Madrid: coronavirus patient into a waiting ambulance to be taken to another sanitary center

  2. Cách ly toàn bộ bệnh viện Bạch Mai

    Theo thông tin từ trang Facebook Thông tin chính phủ, ngay sau khi phát hiện 4 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, bao gồm 2 nữ điều dưỡng và 2 bệnh nhân điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người lao động trong bệnh viện.
    Kết quả phát hiện 2 mẫu dương tính, là hai nhân viên đưa nước sôi của Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp suất ăn và nước sôi cho bệnh viện. Ngoài ra kết quả xét nghiệm của các cán bộ bệnh viện Bạch Mai đều âm tính.
    Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện,“nội bất xuất, ngoại bất nhập” với người bệnh và người thăm bệnh.
    Bệnh viện Bạch Mai cũng kêu gọi khoảng 14.000 người từng đến khám tại đây trong 14 ngày qua nên tự theo dõi và cách ly tại nhà.

  3. Việt Nam thêm ca nhiễm mới từ 'ổ dịch ' Bạch Mai

    Trong sáng 28/3, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca từ 'ổ dịch' bệnh viện Bạch Mai, nâng tổng số ca nhiễm lên 169.
    Trong số các bệnh nhân mới, một người đã đi nhiều nơi và gặp nhiều người trước khi bị cách ly.
    3 ca trong số đó được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
    coronavirus

  4. Hơn 900 người chết một ngày ở Ý

    Ý ghi nhận 919 ca tử vong trong 24 giờ qua, ngày chết chóc nhất trong vụ dịch virus corona ở nước này.
    Có nghĩa tổng cộng đã có 9.134 người đã chết vì virus ở nước này.
    Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng "sự thiếu hụt mãn tính toàn cầu" trang thiết bị bảo hộ là một trong những "mối đe dọa khẩn cấp nhất" đối với khả năng cứu sống người bệnh.
    Trước đó vào thứ Sáu, các nhà chức trách đã cảnh báo rằng lệnh phong tỏa này có thể sẽ được kéo dài qua 3/4.
    Khu vực phía bắc Bologna, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở nước này, đã chứng kiến số ca tử vong tăng đột biến. Việc này xảy ra sau khi đã có chiều hướng giảm vào thứ Năm làm dấy lên hi vọng sự bùng phát ở đó có thể đã lên đến đỉnh điểm.
    Có 5.959 ca nhiễm mới trên toàn quốc – tăng ít hơn một chút so với hôm thứ Năm. Đã có tổng cộng gần 86.500 ca nhiễm được xác nhận trong nước.
    coronavirus

  5. Trump ký thành luật gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ

    Tổng thống Trump đã ký gói kích thích tài chính lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, trị giá 2 ngàn tỷ đô la, khi đất nước này vật lộn với đại dịch coronavirus.
    Hạ viện đã thông qua dự luật liên đảng hai ngày sau khi Thượng viện tranh luận về các điều khoản.
    Luật mới cho phép chi trả trực tiếp cho các cá nhân và công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
    Gói này cũng cung cấp 1.200 đô la cho mỗi người Mỹ kiếm được ít hơn 75.000 đô la mỗi năm và 500 đô la mỗi trẻ em.
    Nó cũng cung cấp tiền trực tiếp cho chính phủ tiểu bang và củng cố chương trình trợ cấp thất nghiệp.
    Theo luật, trợ cấp thất nghiệp sẽ được mở rộng cho những người thường thì không được hưởng,chẳng hạn như người làm việc tự do và người lao động thời vụ.
    Dự luật cũng cung cấp các khoản vay và giảm thuế cho các công ty phải đối mặt với việc kinh doanh lụn bại, vì cứ bốn người Mỹ thì có một người được lệnh ở nhà và chỉ đi ra ngoài khi có nhu cầu thiết yếu.
    Hôm thứ Tư, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,3 triệu người.
    Hoa Kỳ đã xác nhận có nhiều ca nhiễm coronavirus nhất trên thế giới, hơn 100.000.
    Donald Trump

  6. Tin thủ tướng Johnson 'nhiễm Covid-19' tràn ngập báo Anh

    Tin ông Boris Johnson nhiễm virus corona là tin hàng đầu trên tất cả các phương tiện truyền thông Anh Quốc từ trưa thứ Sáu.
    Nhiều nhân vật trong chính giới Anh đã bày tỏ cảm xúc và chúc ông Johnson chóng bình phục.
    Lãnh tụ đảng Bảoo thủ, thuộc phe đối lập, Jeremy Corbyn nhắn trên Twitter:
    “Tôi chúc thủ tướng chóng bình phục, hy vọng gia đình ông an toàn và khoẻ mạnh.”
    Ông Corbyn còn viết thêm rằng, “Virus corona có thể gây lây nhiễm với bất cứ ai. Mọi người hãy giữ an toàn.”
    Cựu lãnh tụ đảng Brexit, ông Nigel Farage thì viết:
    “Chúc Boris Johnson khoẻ lại nhanh!”
    Có tin Giám đốc Y tế xứ Anh (England), giáo sư Chris Whitty, người thường xuất hiện cạnh ông Johnson (khoảng cách hai mét) tại họp báo thường nhật về virus corona ở Downing Street, cũng vừa tự cách ly bảy ngày, “sau khi có triệu chứng Covid-19”.
    Được biết ông Johnson có gặp Nữ hoàng Elizabeth II hôm 11/03.
    Thái tử Charles, người gặp bà hôm 10/03, đã bị virus corona dương tính.
    Tuy thế, một số báo Anh trích dẫn giới chức y tế nói vào thời điểm gặp Nữ hoàng, cả ông Johnson và Thái tử Charles, “chưa phát bệnh gây lây nhiễm”.
    Cùng lúc, Điện Buckingham cho hay “Nữ hoàng có sức khoẻ tốt và đang làm theo các chỉ dẫn y tế”, nhưng không nói bà có làm xét nghiệm virus corona hay là không.
    Đọc toàn bộ thông điệp của chính ông Johnson viết tại đây, bằng tiếng Anh:

  7. Số người chết vì virus corona ở Anh hôm 27/3 là 181

    Số người chết vì virus corona ở Anh hôm nay 27/3 là 181, nâng tổng số người chết lên 759.
    Hôm qua, số người chết là 113.
    Giới chức nói hiện gần 15.000 người Anh đã dính virus, với 2.921 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
    Các con số mới đưa ra trong ngày khi Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng y tế Matt Hancock cho biết họ đã dương tính với virus.

  8. Bộ trưởng y tế Anh Matt Hancock dương tính với virus corona

    Bộ trưởng y tế Anh Matt Hancock cũng vừa cho hay đã dương tính với virus corona.
    Ông đang tự cách ly ở nhà, triệu chứng được nói là nhẹ.
    Tin đưa ra chỉ khoảng một giờ, sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã dương tính với virus.

  9. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiễm Covid-19

    Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
    Văn phòng thủ tướng Anh tuyên bố ông chỉ đang trải qua các triệu chứng nhẹ.
    Ông Boris Johnson cũng đăng trên Twitter: “Trong 24 giờ qua tôi đã có triệu chứng nhẹ, và đã xét nghiệm dương tính với virus corona.”
    “Tôi đang tự cách ly, nhưng sẽ tiếp tục lãnh đạo phản ứng của chính phủ thông qua hội nghị trực tuyến video.”
    Tin sốc này có thể làm tăng lo ngại là khủng hoảng Covid-19 đang gia tăng ở Anh.
    Cũng sẽ có lo ngại liệu có quan chức cao cấp nào bị lây.
    Đầu tuần này Thái tử Charles được xác nhận dương tính với virus.
    Lần cuối ông Johnson xuất hiện là tối thứ Năm 26/3, khi ông vỗ tay bên ngoài phủ thủ tướng, trong một phần sự kiện cả nước cảm ơn nhân viên y tế công.
    Mấy hôm trước, chính phủ Anh nói trong trường hợp ông Johnson ốm, Ngoại trưởng Dominic Raab sẽ thay ông tạm thời.
    Nếu ông Raab cũng ốm, Thủ tướng có quyền giao nhiệm vụ điều hành cho bất kỳ bộ trưởng nào.
    Hôn thê của ông Johnson, Carrie Symonds, đang mang thai, cũng đang tự cách ly từ hôm nay.
    Bà Symonds, 32 tuổi, được cho là đang mang thai đã 6 tháng.

    Ông Boris Johnson
    Ông Boris Johnson
    Image caption: Ông Boris Johnson

  10. Cần bao dung, kiên nhẫn khi phải cách ly

    Anh Trần Thống Nhất nói với BBC News Tiếng Việt từ khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TPHCM:
    "Mỗi giường được trang bị một tấm chiếu nhỏ, mùng nhỏ để tránh muỗi và một cái mền. Đa số không có gối. Khi nhận phòng vệ sinh xong khoảng 2 tiếng sau được phát mỗi người một chai nước rửa tay và phần ăn tối nhẹ".
    Theo anh Nhất, tâm lý của mọi người khi nhận phòng mà thấy hụt hẫng là điều dễ hiểu:
    "Tôi thấy có nhiều bạn trẻ phàn nàn về vấn đề vệ sinh. Theo tôi có phần đúng, có phần sai. Vì bạn nghĩ xem, từ lúc thực hiện các thủ tục để lên máy bay ở nước ngoài, rồi khi về tới Việt Nam trải qua bao quy trình thực sự rất mệt mỏi", anh Nhất lý giải.
    "Tâm lý người trẻ khi mệt mỏi mà nhận phòng điều kiện không tốt thì sẽ thấy mệt, không kìm nén được nên than thở là điều bình thường. Bản thân tôi cảm thấy hơi hụt hẫng vì lúc đó khá mệt và phải dọn dẹp nhiều. Nhưng khi qua cái cảm giác tiêu cực ban đầu thì tôi hiểu được rằng hệ thống cách ly đang quá tải, nhà nước đâu thể nào kịp hỗ trợ hết nên phải kiên nhẫn một tí".

    TPHCM
    KTX ĐH Quốc gia TPHCM là khu cách ly virus corona
    Image caption: KTX ĐH Quốc gia TPHCM là khu cách ly virus corona

  11. Việt Nam 'sẽ không có 1000 ca nhiễm' đến hết tháng 3

    Phó thủ tướng VN, ông Vũ Đức Đam khẳng định nước này "sẽ không có 1.000 ca nhiễm tới thời điểm hết ngày 31/03/2020.
    Nhà lãnh đạo chủ trì công tác chống dịch virus corona tự tin rằng Việt Nam "có các giải pháp rất hiệu quả".

  12. Việt Nam: Ba bệnh nhân xuất viện hôm 27/3

    Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, đến 19h ngày 26/3, đã có 37 bệnh nhân đang điều trị tại nhiều cơ sở y tế được xét nghiệm âm tính với Covid-19, trong đó 3 người dự kiến xuất viện trong ngày 27-3.
    Trong số 37 bệnh nhân này, 27 người có kết quả âm tính lần 1; 2 người âm tính lần 2; 4 người âm tính lần 3; 4 người âm tính 4 gồm bệnh nhân thứ 29, 45, 53 và 66.
    Trong số 153 ca bệnh mắc COVID-19, đã có 17 ca khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện. 136 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại đang được theo dõi, cách ly, điều trị tại 21 cơ sở y tế trong cả nước. Đa số đều có sức khỏe ổn định.
    Ngoài ra còn có 3 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng hiện được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội)
    coronavirus

  13. Mỹ vượt Trung Quốc về số ca nhiễm

    Mỹ hiện có số ca nhiễm Covid-19 cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới, với 85.500 người dương tính.
    Theo số liệu mới nhất mà Đại học Johns Hopkins thu thập được, Mỹ hiện đã vượt Trung Quốc (81.782) và Ý (80.589) về số ca nhiễm.
    Nhưng số ca tử vong ở Mỹ, 1.200, hiện vẫn thấp hơn Trung Quốc (3.291) và Ý (8.215).
    Cột mốc nghiệt ngã này xảy ra vào lúc Tổng thống Trump dự đoán nước Mỹ sẽ hoạt động trở lại 'nhanh chóng'.
    Khi được hỏi về con số tăng vọt này trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng trưa thứ Năm 26/3, ông Trump nói đó là do "số lượng các xét nghiệm mà chúng ta đang làm".
    Phó Tổng thống Mike Pence nói hiện các bộ xét nghiệm đã được cung cấp cho 50 bang của Mỹ và đã có 552.000 xét nghiệm được thực hiện.
    Ông Trump cũng tỏ ra nghi ngờ số liệu của Trung Quốc. Ông nói với các phóng viên: "Quý vị không biết số liệu thực tế ở Trung Quốc là bao nhiêu."
    Coronavirus

  14. Nhạc sĩ khiếm thị ‘muốn Việt Nam cười lên’

    Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình tri ân những người trên tuyến đầu chống Covid-19 ở Việt Nam bằng ca khúc ‘Cười lên Việt Nam’.
    Trong phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, nhạc sĩ khiếm thị nói ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội một phần thôi thúc anh có ý tưởng sáng tác và thu âm bài hát với nhiều ca sĩ tại những thành phố khách nhau ở Việt Nam.
    “Sau tất cả nỗ lực của mọi người thì chúng tôi đã cho ra được ca khúc. Và đây là mong muốn to lớn của cá nhân tôi và anh em nghệ sĩ nói chung những người tham gia dự án này cùng với mình.
    “Đây cũng là món quà cũng như một thông điệp của chúng tôi muốn gửi tới những người anh hùng thầm lặng ngày ngày chống dịch, những người trên tuyến đầu ví dụ như bác sĩ, những người bộ đội cũng như hình ảnh những ngày gần đây mà quý vị đã thấy trên kênh truyền thông thì những người như vậy họ thực sự đáng được trân trọng.
    “Và đây cũng là lời tri ân của chúng tôi những người nghệ sĩ đối với họ,” nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình nói với phóng viên Nguyễn Hoàng.
    Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1989 ở Quảng Ninh. Anh từng giành giải "Nhạc sĩ ấn tượng" và "Nhạc sĩ trẻ triển vọng" cho sáng tác Những giấc mơ tại chung kết Bài hát Việt 2009. Nguyễn Thanh Bình cũng là cái tên ấn tượng tại Vietnam’s Got Talent 2013 khi có thể chơi 15 loại nhạc cụ. Hiện anh hoạt động với tư cách nhà sản xuất âm nhạc, hợp tác nhiều ca sĩ.

    1. Ngoại trưởng G7 phản đối Mỹ dùng chữ ‘virus Vũ Hán’?

      Cuộc họp 4 tiếng qua mạng của ngoại trưởng nhóm G7 đã kết thúc mà không ra tuyên bố chung.
      Báo Đức Der Spiegel dẫn nguồn giấu tên nói Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu phải dùng chữ “virus Vũ Hán” trong tuyên bố chung.
      Nhưng các thành viên khác của G7 muốn dùng chữ Covid-19 như WHO chỉ định.
      Khối G7 gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật.

    2. Hà Nội, TPHCM sẽ đóng cửa ‘dịch vụ không cần thiết’

      Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 26/3 yêu cầu thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần đóng cửa toàn bộ các hoạt động dịch vụ không cần thiết trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh.
      "Ngoài bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa", Thủ tướng nói.
      Hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố, địa phương khác. Người dân được yêu cầu ở trong nhà trừ trường hợp thật cần thiết mới ra ngoài.
      Thời gian thực hiện các chủ trương này từ 0 giờ ngày 28/3 và được triển khai trong một vài tuần và có thể xem xét kéo dài thêm sau đó,

      Hà Nội 26/3
      Hà Nội 26/3
      Image caption: Hà Nội 26/3

    3. Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo về buồng khử khuẩn và phòng áp lực âm

      Chiều 26/3, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân và phòng áp lực âm để phòng chống COVID-19.
      Bộ này nói đề xuất về buồng khử khuẩn toàn thân di động chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng.
      Trong thời gian chờ Bộ Y tế xem xét, đánh giá, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn.
      Theo Bộ Y tế Việt Nam, buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.
      Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp.
      Bộ này cũng nói chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây.
      Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải.
      Bộ Y tế khẳng định phòng áp lực âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo, không phải dùng để điều trị bệnh.
      Phòng áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng điều trị. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm vào phòng điều trị.
      Trong phòng điều trị có hệ thống đẩy không khí qua bộ lọc không khí hiệu suất cao (HEPA), sau đó bơm ra ngoài. Không khí bơm ra ngoài không chứa virus vì virus đã được giữ lại tại bộ lọc.
      Vì vậy, phòng áp lực âm chỉ làm giảm lượng virus có trong không khí mà không có khả năng diệt virus.
      Ngoài ra, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện sẽ phát tán các giọt bắn có chứa virus và vẫn còn một lượng virus này bám trên các bề mặt trong phòng mà không bị hút theo luồng không khí.
      Do vậy, phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân nếu không thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét