Tiếp theo Phần 1
Tiều phu không phải là bác sỹ hay nhà dịch tễ học. Hắn chỉ tìm đọc để trả lời những thắc mắc của bản thân hắn về dịch Covid-19. Vì không phải là nhà văn, nhà báo nên hắn chỉ viết theo kiểu bỗ bã của thợ thuyền. Do vậy không nhất thiết những gì hắn viết là đúng. Đừng trách, lại càng không nên cà khịa về dich tễ học hay vi trùng học với tay thợ điện.
Bài trước chỉ là hiểu biết mộc mạc về hệ miễn dịch, về virus được kể dưới dạng quân xanh, quân đỏ, tập trận v.v. để nói về cơ chế miễn dịch, trong đó miễn dịch cộng đồng (Herd immunity) là điều quan trọng nhất. Nhân loại tồn tại cho đến nay qua hàng ngàn đại dịch chính nhờ vào miễn dịch cộng đồng.
Có những dịch chỉ bùng phát ở một nơi. Khi đó tâm dịch được gọi là Epi center, dịch được gọi là Epidemic/Epidemie. Ngày xưa, khi dịch bùng phát, sẽ có vô số người chết. Những người khỏe mạnh sống sót rồi miễn dich. Khi số người miễn dịch đạt tới 60/70% dân chúng thì họ đủ sức bao vây những người bệnh, không cho lây lan tiếp sang người chưa bệnh. Đó là miễn dịch cộng đồng tự nhiên.
Còn những dịch lây lan rất nhanh từ vùng này sang vùng khác thì được gọi là Pandemic. Báo chí Việt Nam gọi Pandemic là đại dịch. Biện pháp đầu tiên để chống Pandemic là diệt các tác nhân lan truyền (như chuột, bọ chó, muỗi trước kia và bế quan tỏa cảng ngày nay). Song song với cách ly, đóng cửa, quá trình miễn dịch cộng đồng vẫn âm thầm phát triển cho đến khi hết dịch. Quá trình này rất lâu và tốn rất nhiều sinh mạng.
Từ khi vắc-xin ra đời, quá trình này ngắn lại và khái niệm “Miễn dịch cộng đồng” không còn đồng nghĩa với các hố chôn tập thể rắc vôi như trước nữa. Vào những năm 1950-1960 miền Bắc Việt Nam đã làm ra vắc-xin thủy đậu, vắc-xin sởi. Y tá dùng một cái ngòi bút chấm vào đó, chích cho trẻ em. Rồi cái ngòi bút được quẹt vào bông cồn khử trùng, nhúng vào đĩa vắc-xin, chích tiếp cho bé khác. Cách tiêm chủng thô sơ đó chính là miễn dịch cộng đồng hiện đại, đã cứu hàng triệu trẻ em.
Những người đang phản đối miễn dịch cộng đồng vì chỉ nghĩ đến biện pháp thả nổi cho dân chết của thời trung cổ.
Ngày nay, kể cả các chế độ quân phiệt, độc tài nhất cũng không dám để cho dân chết đến mức đạt 60-70% miễn dịch. Chỉ cần môt phần trăm của 1,4 tỷ người Trung Quốc chết vì dịch thì chế độ đó sẽ bị sự hoảng loạn biến thành bạo loạn, cộng với giận dữ cuốn phăng qua đêm. Do vậy, bất cứ chế độ nào cũng lo giảm thiểu chết dịch bằng mọi cách mà nó đó có trong tay.
A- Đóng cửa biên giới (Border Shut down), không cho con bệnh bén mảng vào lãnh thổ trong khi toàn dân chưa có sức đề kháng virus. Biện pháp này chỉ có hậu, nếu bệnh dịch ở các vùng xung quanh sớm bị tiêu diệt. Trong thời đại toàn cầu hóa, tự phong tỏa giống như nín thở, nhịn đái, không giữ được lâu. Dịch hoành hành ở các nước xung quanh càng dài thì rủi ro dò rỉ sẽ càng cao và đến lúc nào đó đê sẽ thủng.
Hy vọng duy nhất là lúc đó đã có vắc-xin và thế là đất nước vui vẻ chuyển sang “Miễn dịch cộng đồng” bằng tiêm chủng rồi mở cửa mời các cô Rona vào chơi. Đây có thể là ván bài của Putin hiện nay.
B- Trong trường hợp dịch đã bùng ra như ở Vũ Hán thì việc phong tỏa như trên lại có mục tiêu không để bệnh lan ra ngoài. Bên trong vùng bệnh phải thực hiện Bao vây diện rộng (Lockdown) bằng giới nghiêm, cấm ra đường, đóng cửa các cơ sở công cộng v.v. Lockdown đã áp dụng ở Hồ-Bắc và đang xảy ra ở rất nhiều nước Châu Âu.
Biện pháp này làm tê liệt sinh hoạt xã hội và nguy hiểm nhất là làm tê liệt một phần nền kinh tế. Một nền kinh tế suy yếu kéo dài có thể tác động thẳng đến nền y tế và cuối cùng là đổ vỡ. Một vài xý nghiệp nhỏ đóng cửa có thể làm tê liệt nhà máy hóa chất, không có hóa chất thì không có dược phẩm, không có cồn rửa tay. Đó là một kịch bản tồi. Do đó Lockdown tuy hạn chế hữu hiệu lây lan, nhưng là biện pháp cuối cùng mà một chính phủ phải tiến hành.
Tốt hơn hết là phải tiến hành cách ly cá nhân, khi còn ít ca nhiễm.
C- Cách ly cá nhân (Quarantine) là biện pháp hữu hiệu nhất để chặn các con bệnh và người bị nghi lây sang người lành. Ngày xưa con bệnh bị coi là phù thủy, bị nhốt vào hầm, vào hang để tự chống chọi. Ai khỏe thì sống, yếu thì thành ma. Ngày nay cách ly trong trại lính, có cơm hộp, nước Lavie, có điện thoại di động để post hộp cơm lên chửi trên FB.
Việt Nam đã làm khá tốt việc này. Chính quyền kiểm soát hầu hết các nguồn nhiễm và cách ly một cách kiên quyết mọi thành phần nghi vấn. Trong những tuần tôi ở Việt Nam, con số dậm chân ở 10-16. Nhưng có lẽ Việt Nam hơi ngạo nghễ trong biện pháp A (Biên giới) nên hiện nay đã có hơn 120 ca [1]. Nếu tăng nữa, sự kiểm soát sẽ mất và chính phủ buộc phải có biện pháp cao hơn là LockDown.
Tập hợp cả ba biện pháp: Phong tỏa biên giới (Border-Shut down), Bao vây diện rộng (Lock-down) và Cách ly (Quarantine), người ta có thể dập được dịch, tiêu diệt được virus trong khu vực. Đây là thành công của Trung Quốc tại Hồ-Bắc.
Nhưng tuyệt đại bộ phận 1,4 tỷ dân Trung Quốc vẫn chưa miễn dịch. Nếu có dò rỉ ở đâu đó thì dịch lại bùng lên. Dù là nhà nước cảnh sát hàng đầu thế giới, dù dân chúng răm rắp nghe lời đảng, nhưng Trung Quốc khó kiểm soát được các con bệnh, một khi 700 triệu nông dân rùng rùng dịch chuyển ra thành thị để khôi phục lại nền kinh tế đã nằm bẹp 3 tháng qua.
Trung Quốc cũng chỉ mong có được vắc-xin để tạo ra “miễn dịch cộng đồng” cho nước họ.
Nhưng sản xuất vắc-xin không dễ và không nhanh. Nếu dễ thì Trung Quốc đã chế được vì họ đi trước Âu, Mỹ vài tháng. Có thế các labor của Đức và Mỹ hiện đang đi trước Trung Quốc, nhưng sớm nhất cũng phải tháng 8, tháng 9 năm nay mới có vắc-xin.
Vắc-xin là hy vọng của các chiến sỹ Kháng thể đang nóng lòng học cách chống lại cô Rona
Các chính phủ đều biết điều này. Họ cân nhắc cách tốt nhất để câu giờ cho đến lúc có vắc-xin cho người lành và thuốc đặc trị cho người đã nhiễm. Tôi chỉ xin nêu ví dụ nước Đức.
Vì chưa có vắc-xin nên Berlin coi dịch sẽ chỉ chấm dứt khi 60-70% dân chúng (50 triệu/82 triệu) miễn nhiễm virus. Đây là giả thiết chứ không ai muốn như vậy. Nếu không có biện pháp ngăn chặn mà 50 triệu người bị dương tính trong vòng 2 tháng thì sẽ có ngày hơn 2 triệu người bị ốm. Khi đó các bệnh viện sẽ quá tải và 26 ngàn giường hồi sức có máy thở sẽ không cấp cứu được tất cả bênh nhân nặng. Tỷ lệ chết sẽ cao, hỗn loạn sẽ xảy ra (đường mầu gạch).
Nếu sử dụng các biện pháp Lockdown, cấm tụ họp, cấm ra đường, đóng cửa trường học, quán ăn v.v thì khả năng lây lan bị hạn chế và số ca nhiễm sẽ tăng chậm. Việc này giúp cho nền y tế đủ lực tập trung chữa chạy tốt hơn cho tất cả mọi người (đường xanh).
Nếu không có vắc-xin, không có thuốc hãm virus (Virostatica) thì “Miễn dịch cộng đồng không kiểm soát” sẽ đến sớm hơn. Nhưng xã hội sẽ sụp đổ trước khi nó đến. Đó là điều phải tránh.
Nếu kiểm soát xã hội bằng Lockdown thì tránh được hoảng loạn, nhưng miễn dịch cộng đồng sẽ đến khoảng sau 300 ngày. Kinh tế và xã hội Đức có chịu đựng nổi 300 ngày Lockdown như hiện nay?
Không!
Vì vậy chính phủ phải dùng Lockdown như cái van: Khi thấy số ca nhiểm giảm đi, sẽ nới lỏng đi lại, phục hồi sản xuất (như Vũ Hán hiện nay). Khi số người nhiễm tăng lên, lại khóa van để chặn dịch. Cứ như thế cho đến khi đạt mức độ “Miễn dich cộng đồng” (Đường vàng trong đồ thị 2).
Thời gian có thể kéo dài 2 năm. Nhưng nước Đức sống sót.
Nếu trong thời gian đó có vắc-xin thì tất cả cùng vỡ òa hạnh phúc!
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét