Ngạo mạn là gì? Là kiêu căng coi trời bằng vung, với kẻ dưới hoặc ngang hàng đều với thái độ khinh mạn, coi thường và không học hỏi gì ở họ.
Thời nay, sự khiêm cung ngày càng hiếm hoi dần đi trong xã hội Việt. Những người có học khinh thường người ít học mà không hiểu các yếu tố văn hóa, vùng miền, điều kiện vật chất, kể cả nếp nghĩ của họ khác mình. Những người có tiền của coi khinh người nghèo, đối xử với cả người thân như cỏ rác; coi người giúp việc hoặc phục vụ dịch vụ nơi công cộng như hàng hạ đẳng. Họ không nhớ bản thân cũng có lúc nghèo hèn hoặc không nghĩ tương lai là điều bất định, danh vọng và tiền bạc có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Và, trên mạng xã hội, ta thấy rất nhiều sự ngạo mạn trong ngôn từ với nhau.
Ngạo mạn trong thái độ, ngôn từ có hại cho chính người ngạo mạn. Họ làm tổn thương các mối quan hệ và bản thân thì dậm chân tại chỗ, không thể tiến bộ bởi không chịu học hỏi. Sự ngạo mạn gây ra những mối bất hòa và ghét bỏ trong cộng đồng, làm người ta không còn yêu thương nhau, xa lánh nhau và chia rẽ cùng cực.
Rất nhiều người lầm tưởng ngạo mạn với tự tin thể hiện (bảo vệ) chính kiến, ý kiến cá nhân. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng thường bị đánh tráo, ngụy biện để biện minh cho mình.
Các bạn chửi dư luận viên là bò đỏ, chửi những người ở hải ngoại (tui cũng chưa rõ theo tiêu chí nào của các bạn đặt ra) là bò vàng là các bạn đang ngạo mạn rồi đó. Các bạn được học hành, có cơ duyên nhận thức về tình hình xã hội hoặc nhìn nhận sự việc thoáng đạt, hiểu biết hơn người khác, điều đó có nghĩa là Tạo Hóa đã đặt lên vai bạn một trách nhiệm phổ biến tri thức lại cho người còn chưa hiểu. Nhân loại nhờ vậy mới phát triển. Tri thức mà bạn đang có cũng từ người đi trước truyền đạt lại cho.
Người ta vì lý do nào bất kỳ còn chưa hiểu và phản ứng chống đối lại bạn không có nghĩa bạn có thể xúc phạm phẩm giá của họ bằng cách hạ họ xuống mức con bò. Bạn có gọi họ là con bò thì họ vẫn là con người. Việc gọi họ là con bò chỉ thỏa mãn được sự bực tức của bạn, thỏa cái miệng bạn và cái tư duy kiêu ngạo của bạn, bạn cao hơn họ mà thôi. Đoạn này, tui đề nghị các bạn đọc kỹ, ngẫm trước, xong hẵng phản biện, đừng vội. Tôi không chỉ trích các bạn, tôi chỉ đang phân tích về sự ngạo mạn. Các bạn không nghĩ đó là ngạo mạn, nhưng nó chính là ngạo mạn đấy. Bởi trong số người mà các bạn gọi là bò đỏ, bò vàng ấy có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần, trong lĩnh vực này có thể họ chưa nhận thức tới, trong lĩnh vực khác họ giỏi hơn bạn gấp nhiều lần.
Người có tính ngạo mạn thường không bao giờ nhận là mình ngạo mạn. Bởi họ biết ngạo mạn là xấu, là không đúng. Nhưng, như trên đã trình bày, ranh giới giữa tự tin thể hiện ý kiến cá nhân hoặc chính kiến của mình và sự ngạo mạn là rất mong manh. Người ta chỉ có thể tư tin thể hiện khi kiến thức của họ đã đủ nhiều, ngẫm đủ sâu về mọi khía cạnh, kiến thức lúc này đã trở thành nhận thức và khi đạt đến mức ấy thì người ta thấu hiểu và bao dung, khiêm cung, hạ mình với cả đứa trẻ. Lời họ nói ra luôn trên tinh thần phụng sự, hướng dẫn, phổ biến cái họ biết, không để tranh hơn thua, không để thể hiện, không cả cay cú giận hờn, học người khác mọi lúc mọi nơi và không dám coi khinh một ai bởi tự biết mình nhỏ bé. Người ngạo mạn thì ngược lại, bất chấp hết.
Đảng cộng sản, một tổ chức chính trị, ngạo mạn nên đã không hề lắng nghe các ý kiến phản biện đóng góp của rất nhiều nhà khoa học, triết gia, nhân sĩ, người yêu nước. Sự ngạo mạn làm họ thẳng thừng tuyên bố họ là lực lượng duy nhất được quyền dẫn dắt dân tộc, lãnh đạo đất nước. Sự ngạo mạn của họ làm đất nước ngày càng tan hoang bởi các chính sách sai lầm, tồi dở. Sự ngạo mạn làm họ bất chấp quy luật tất yếu của văn minh nhân loại. Sự ngạo mạn của họ làm cho họ không chấp nhận được việc bị chỉ trích nên họ dập tắt nó bằng cách vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.
Làm sao để thay đổi, sửa tính ngạo mạn?
Điều khó nhất là tự biết chính mình. Làm sao để tự biết chính mình? Hãy xét lại. Trước khi phát ngôn một điều gì đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin, suy xét nó dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Tự đặt câu hỏi cho chính mình, tự phản biện chính mình để kiểm tra lại nhận định.
Một thí dụ: Tôi nghĩ về anh Bằng: ‘đàn ông mà lại ngủ trưa trờ trưa trật mới thức hẳn đó là thứ đàn ông lười biếng. Không biết sao bà Dung ở với ổng được. Gặp tôi thì tôi bỏ phức!’ À, tôi khoan nói ra nhận định trên, tôi phải hỏi anh Bằng chị Dung vì sao anh không thể thức sớm, tôi tìm hiểu, tôi tự đặt câu hỏi có phải vì đêm anh ta mất ngủ, có phải vì anh ta có việc gì lo nghĩ, có phải vì bệnh lý, có phải vì… Mình nghĩ người ta như vậy có đúng chưa? Còn chỗ nào mình chưa suy xét không? Tại sao người như vậy mà lại lười biếng? Mình nghĩ vậy có sai không? Mình nói bà Dung sao không bỏ ông Bằng, mình có nghĩ đến những khía cạnh khác chưa? Mình đã hiểu gì mà lại dám nói như vậy? Mình là ai mà dám phán xét và tự cao là mình sẽ làm khác người nếu trong hoàn cảnh đó? Nếu tệ hơn thì sao?...
Qua thí dụ trên, ta thấy, quá trình tìm hiểu và tự đặt câu hỏi, tự trả lời này sẽ giúp ta điềm tĩnh, tự học, tự biết và tự sửa nhận định sai hoặc củng cố thêm nhận định đúng của bản thân. Khi phát ngôn, ắt có sự thấu hiểu và khiêm cung, sự ngạo mạn không có cơ hội xuất hiện.
Trong tất cả mọi vấn đề từ nhỏ tới lớn tôi đều suy nghĩ theo cách này. Có vấn đề tôi nghĩ rất nhanh, có vấn đề tôi nghĩ rất lâu và im lặng khi thấy bản thân còn chỗ nào đó chưa nghĩ thấu đáo. Còn một chút vướng mắc nhỏ cũng làm tôi suy nghĩ, không phát ngôn điều mình chưa thực nắm vững và tự tin về nhận định. Cũng có lúc phát ngôn sai vì kiến thức chưa đủ, nhận thức chưa tới. Nhưng, được một ai bất kỳ nhắc nhở, tôi lập tức nhận ra. Thậm chí, có lúc, câu nói vừa buột ra khỏi miệng, tôi đã lập tức nhận ra mình đang nói sai hoặc chưa ổn. Tôi lập tức nhận luôn, “Á, mình sai rồi.” Nhưng ngạo mạn thì không.
Ngạo mạn như con virus ăn trong tế bào con người, nằm sẳn, chờ chực, đợi ta sơ sẩy là nó nhào ra thể hiện cho người khác thấy mà ta không thể tự thấy. Nó hại chính ta chứ chẳng hại ai khác. Sửa là tốt cho chính mình và rộng hơn là tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp cho mình và cả cho việc chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét