Dịch Covid-19 đã làm nổi bật một khác biệt văn hóa lớn giữa Đông và Tây trên vấn đề đeo khẩu trang, với dư luận châu Á rất ngỡ ngàng trước việc người châu Âu hay châu Mỹ lơ là phương tiện chống dịch này. Tại Pháp báo chí trong thời gian gần đây cũng rất chú ý đến khác biệt đó, thâm chí còn tự hỏi là phải chăng văn hóa đeo khẩu trang ở phương Đông, như ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam đã góp phần giúp những nơi này ngăn chặn hiệu quả đà lây lan của con virus corona lan tỏa từ Vũ Hán
Hai tựa báo tại Việt Nam trong những ngày gần đây đã cho thấy rõ sự khác biệt, hay va chạm văn hóa này. Báo Thanh Niên ngày 19/03/2020 bực tức: “Khách Tây vẫn không đeo khẩu trang dạo phố cổ Hội An dù có chốt kiểm tra”. Bốn hôm sau, ngày 23/03/2020, báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thở phào nhẹ nhõm: “Khách Tây đã chịu đeo khẩu trang chống dịch”
Trong bài “Tâm lý chê bai khẩu trang tại châu Âu làm Châu Á sững sờ”, thông tín viên nhật báo Pháp Le Monde tại Trung Quốc ngày 21/03/2020 vừa qua đã ghi nhận rằng: “Việc đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh đã giúp hạn chế việc lây nhiễm ở các nước phát triển vùng Viễn Đông, vì vậy, những lời kêu gọi tại Pháp là đừng đeo khẩu trang nếu không bị bệnh bị coi là một sai lầm nghiêm trọng”.
Đối với châu Á, khẩu trang là một vũ khí chống dịch
Theo Le Monde, đeo khẩu trang nằm trong một loạt biện pháp đã cho phép Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore, và cho đến lúc này, Nhật Bản, hạn chế hay chặn đứng được sự lây lan theo cấp số nhân của dịch Covid-19.
Vấn đề là vào lúc này, châu Á lại phải tiết tục lập rào cản để chống lại sự xâm nhập của con virus, không còn từ Trung Quốc, mà từ những nước phương Tây đã bị lây nhiễm trước đó.
Tất cả các quốc gia châu Á kể trên đều đã rút được kinh nghiệm từ các trận dịch trước đây như SARS vào năm 2003, MERS vào năm 2015 và nhiều đợt dịch cúm gia cầm. Đối mặt với dịch Covid-19, các biện pháp phòng chống dùng trước đây đã được nhanh chóng sử dụng lại, được bổ sung bằng nhiều phương tiện và thiết bị mới.
Việc cung cấp gel diệt khuẩn ở những nơi công cộng, thường xuyên khử trùng các bề mặt đã là quy tắc ngay từ đầu, và nhất là việc đảm bảo có sẵn khẩu trang, trong đó có loại có chất lượng cao dùng cho các nhân viên y tế.
Khẩu trang là biện pháp cách ly cá nhân di động
Nhìn từ châu Á, dây chuyền dự phòng dịch bệnh ở Pháp, nói riêng, và ở châu Âu nói chung, đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, trong đó có vấn đề không đeo khẩu trang, được xem là một biên pháp cách ly cá nhân và di động hữu hiệu.
Tại Hồng Kông, nhà vi sinh học Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok Yung), cố vấn cho chính quyền đặc khu và là một trong những chuyên gia đã đến thăm thành phố Vũ Hán, cái nôi của dịch bệnh, vào tháng Giêng, ngay từ đầu đã chủ trương “mọi người phải đeo khẩu trang”. Đối với ông, do đặc điểm của con virus corona vốn hiện diện rất thường xuyên trong nước bọt, việc đeo khẩu trang trở nên tối cần thiết để bảo vệ chính mình cũng như người khác, tránh việc bị nhiễm virus từ những người không có hoặc có ít triệu chứng của bệnh Covid-19.
Đeo khẩu trang ở châu Á được xem là một hành động “hợp tình hợp lý”: Một chuyến tàu điện ngầm đông đúc, nơi mọi người có thể trò chuyện, lên cơn ho, làm bắn nước bọt…, là kịch bản lý tưởng cho sự lây lan của virus. Do đó, tại các thành phố Trung Quốc, vào lúc dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, việc di chuyển mà không đeo khẩu trang đã bị nghiêm cấm.
Khuyến cáo của châu Á: Hãy đeo khẩu trang!
Trong một bài xã luận ngày 19/03/2020 dành độc giả phương Tây, nhà báo Hồ Thư Lập (Hu Shu Li), sáng lập viên trang tin Tài Tân (Caixin), rất có uy tín ở Trung Quốc, đã không ngần ngại khuyến cáo “Quý vị có muốn ngăn chặn dịch bệnh không? Hãy đeo khẩu trang!”.
Sau khi ra đời cách đây hàng thập kỷ tại Nhật Bản, nơi mà phép lịch sự yêu cầu những người cảm thấy mình bị bệnh là phải đeo khẩu trang, thói quen mang khẩu trang trở thành phổ biến vào thời dịch SARS tràn lan khắp vùng Đông Bắc Á. Riêng ở Trung Quốc, nạn ô nhiễm không khí đã biến khẩu trang thành một vật bất ly thân của giới cư dân thành thị, và người nào cũng có sẵn cả kho dự trữ ở nhà.
Quan điểm châu Âu: Người thường khỏe mạnh không cần khẩu trang
Trong bối cảnh đó, các khuyến nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới mà chính quyền Pháp dựa theo để kêu gọi chỉ đeo khẩu trang khi “bị bệnh” đã khiến dư luận châu Á ngỡ ngàng.
Tại châu Á, dư luận đã hết sức bị sốc khi xem được những đoạn video cho thấy người châu Á đi xe metro ở Paris bị la ó, nhạo báng chỉ vì đeo khẩu trang. Họ cũng bị sốc khi thấy là ở Pháp, những người mà công việc cần tiếp xúc với công chúng - cảnh sát, nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ và nhân viên y tế không làm việc cho các bộ phận cứu cấp – lại không hề đeo khẩu trang cho dù họ có khả năng truyền virus cho người đối diện.
Người châu Á cũng không hiểu được tại sao ở Pháp việc đeo khẩu trang thậm chí đôi khi còn bị cấm đối với một số nhân viên bán hàng với lý do là không được gây tâm lý sợ hãi khiến khách hàng bỏ đi. Ở châu Á thì ngược lại, một người bán không đeo khẩu trang sẽ khiến khách hàng bất an.
Chỉ dành khẩu trang cho giới y tế
Một lập luận khác được đưa ra ở châu Âu để yêu cầu công chúng không đeo khẩu trang là ngăn chặn tình trạng nhân viên y tế thiếu phương tiện bảo vệ này.
Thực tế cho thấy là tình trạng khan hiếm đang diễn ra, trong bối cảnh Trung Quốc đã khôi phục được kho dự trữ của họ và ngỏ ý muốn cung cấp khẩu trang cho châu Âu.
Trong lãnh vực này, châu Âu có thể học tập châu Á. Vào tháng Giêng nhiều nước châu Á cũng gặp khó khăn trong việc tự trang bị khẩu trang. Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp giới hạn phân phối, trong lúc nhiều nơi khác đã nỗ lực gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Tại Hồng Kông, nhiều cơ xưởng đã mọc lên để sản xuất khẩu trang. Tại Đài Loan, các hiệp hội công nghiệp đã chung sức thiết lập 60 dây chuyền sản xuất trong vỏn vẹn một tháng. Tại Trung Quốc, hãng chế tạo xe hơi General Motors và nhà sản xuất ô tô điện BYD đã quyết định sản xuất khẩu trang một cách đại trà. Các cách phản ứng khẩn cấp đó quả là một bài học cho châu Âu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét